Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Như Tú - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Kỹ thuật chụp X-quang cột sống có vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị các chấn thương ở cột sống.
1.Chụp X-quang là gì?
Chụp X-quang là phương pháp được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán hình ảnh. Đây là phương pháp tạo hình ảnh bằng tia X (tia Roentgen) để xây dựng và tái tạo lại hình ảnh cấu trúc bên trong của cơ thể. Những hình ảnh được chụp này là những thông tin có giá trị trong việc chẩn đoán hình ảnh y khoa cũng như điều trị bệnh.
Người bệnh cần phải chụp X-quang khi có sự chỉ định của bác sĩ.
2. Các phương pháp chụp X-quang cột sống
Chụp X-quang từng vùng của cột sống bao gồm: cổ, lưng, thắt lưng cùng, trên hai bình diện thẳng và nghiêng. Chụp X-quang cột sống với các tư thế đặc biệt như:
- Chụp đốt sống cổ C1, C2 tư thế thẳng và há miệng. Phương pháp chụp X-quang này nhằm để phát hiện các biến đổi ở mỏm nha và khớp đội – trục.
- Chụp cột sống chếch 3/4 để phát hiện các biến đổi của lỗ ghép.
- Chụp ống tủy cản quang (Myelography) nhằm phát hiện sự hẹp tắc của ống tuỷ, đặc biệt là do u tuỷ. Chụp bao rễ thần kinh, đặc biệt là do thoát vị đĩa đệm ở đoạn cột sống thắt lưng.
- Chụp cắt lớp vi tính: chụp đánh giá xương cột sống, thường được ứng dụng trong chấn thương
- Chụp cộng hưởng từ: Là phương pháp hiện nay được coi là có giá trị nhất trong lĩnh vực tạo hình ảnh y học ở cột sống và tuỷ sống. Phương pháp này được chỉ định trong những trường hợp có nghi ngờ u tuỷ và thoát vị đĩa đệm.
3. Đánh giá các tổn thương bệnh lý của cột sống trên phim chụp X quang
3.1 Biến đổi đường cong sinh lý của cột sống
Có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc do mắc phải dẫn đến gù, vẹo, trượt thân đốt sống hoặc cột sống duỗi thẳng mất đường cong sinh lý.
3.2 Thay đổi hình thể đốt sống và chiều cao khe đĩa đệm
Trên phim chụp tủy cần tiêm thuốc cản quang vào ống sống cho phép đánh giá tình trạng hẹp tắc, chèn ép, biến đổi ống tuỷ.
4. Một số đặc điểm giải phẫu X quang cột sống
4.1 Đường cong sinh lý
Đường cong sinh lý để nhận biết qua phim X-quang chụp cột sống ở tư thế nghiêng, là đường cong liên tục nối liền bờ trước hoặc bờ sau của các thân đốt.
- Ở đoạn cổ: Đường cong ưỡn nhẹ đều đặn ra trước.
- Đoạn lưng: Đường cong vòng ra sau.
- Đoạn thắt lưng: Đường cong ưỡn nhẹ ra trước.
- Đoạn cùng cụt: Đường cong vòng ra sau.
4.2 Thân đốt sống và khe đĩa đệm
4.2.1 Thân đốt sống
Nhìn chung đối với người trẻ tuổi thân đốt sống có hình chữ nhật. Còn ở người già, bờ trên và bờ dưới thân đốt hơi lõm về phía thân đốt.
4.2.2 Đĩa đệm
Nằm ở khe đĩa đệm là khoảng cách giữa 2 thân đốt sống. Bình thường đĩa đệm không cần cản quang và không nhìn thấy được trên phim chụp X quang.
4.3 Các khớp ở cột sống
Hệ thống khớp sống – sống (Articularis intervertebralis) hay còn gọi là khớp Luschka, chỉ có duy nhất ở đốt sống cổ ở mỗi khe gian đốt. Mấu bán nguyệt bình thường có hình gai hoa hồng và dễ dàng nhận biết trên phim chụp cột sống cổ tư thế thẳng..
5. Chẩn đoán X quang một số bệnh hay gặp ở đốt sống
Bình thường cột sống cổ sẽ có 7 đốt, cột sống ngực có 12 đốt, cột sống thắt lưng có 5 đốt, có 5 đốt sống cùng và 3 – 4 đốt cụt. Thay đổi số lượng đốt sống có thể xảy ra như sau:
- Có 8 đốt sống cổ
- Tồn tại xương sườn ở đốt cổ thứ 7. Có thể chỉ ở một bên hoặc cả hai bên, gây chèn ép rễ thần kinh cánh tay.
- Xương sườn cụt của đốt sống D12: Sườn cụt của D12 teo nhỏ.
- Thắt lưng hóa S1 (Lumbalisation): đốt cùng 1 nhô lên đoạn thắt lưng để tạo thành đốt sống thắt lưng thứ 6.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.