Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là vấn đề sức khỏe phổ biến ở cộng đồng, đặc biệt thường gặp ở những người trong độ tuổi lao động. Đây là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao trong nhóm các bệnh lý liên quan đến cột sống. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết, cùng tìm hiểu nhé!

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý không hiếm gặp, ảnh hưởng đến nhiều người trong cộng đồng và thường được ghi nhận trong thực hành lâm sàng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được cho là do vận động cơ thể quá mức và thực hiện các hoạt động thể lực nặng.

Bên cạnh đó, tình trạng này không bỏ qua bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất lại tập trung ở độ tuổi lao động.

Theo thống kê, tỷ lệ người mắc bệnh trong độ tuổi 20 – 49 lên đến 60-65%, chiếm phần lớn trong tổng số bệnh nhân. Đây là lứa tuổi sung sức, đang trong giai đoạn cống hiến và lao động sáng tạo

Ngoài ra, tác động tiêu cực của thoát vị đĩa đệm lên năng suất và hiệu quả làm việc là không thể phủ nhận. Bệnh lý này có khả năng xuất hiện ở nhiều vị trí tại cột sống, bao gồm: cổ, lưng, thắt lưng và cùng cụt. Tuy nhiên, vị trí phổ biến nhất là vùng thắt lưng.

2. Giải phẫu và sinh lý bệnh đĩa đệm cột sống thắt lưng

Ba thành phần chính cấu tạo nên đĩa đệm cột sống là: nhân nhầy, vòng sợi và mỏm sụn. Nhờ tính chất đàn hồi và biến dạng khi chịu tác động của lực nén, đĩa đệm cũng đóng vai trò giảm thiểu chấn động tới thân đốt sống.

Đĩa đệm cột sống thắt lưng là bộ phận thường xuyên chịu áp lực cao, phải thích nghi với các hoạt động cơ học lớn. Tuy nhiên, nguồn cung cấp dinh dưỡng cho các đĩa đệm này lại khá hạn chế, chủ yếu qua quá trình thẩm thấu. Do đó, đĩa đệm thắt lưng dễ bị loạn dưỡng, thoái hóa tổ chức theo độ tuổi. 


Cấu tạo của đĩa đệm cột sống.
Cấu tạo của đĩa đệm cột sống.

Hơn nữa, nam giới thường gặp phải thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng do đặc thù công việc như thường xuyên mang vác vật nặng, sai tư thế, lệch tự thế.. dẫn đến tình trạng nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường, gây đứt hoặc rách vòng sợi.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường gặp nhiều nhất ở các đốt sống L4-L5 và S1. Lý do chính là do hai vị trí này đóng vai trò bản lề vận động quan trọng của cột sống. Ngoài ra, chấn thương cũng là một yếu tố nguy cơ cao dẫn đến tình trạng này, đặc biệt ở những người đã có sẵn tình trạng thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng liên quan đến tuổi tác.

3. Triệu chứng thường gặp ở những người bị thoát vị đĩa đệm

Người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gặp phải các triệu chứng sau:

3.1 Đau thắt lưng cấp tính

Đau thắt lưng cấp tính thường do chấn thương hoặc gắng sức mang vác, bưng bê vật nặng sai tư thế (chậu hoa, cây cảnh, xô nước…)

Khi gặp phải tình trạng đau thắt lưng cấp tính, người bệnh khó cử động, khó khăn trong sinh hoạt cá nhân như đi đại tiện, tiểu tiện trong một thời gian. Để cử động lại như bình thường, người bệnh buộc phải sử dụng thuốc giảm đau và giảm co cơ. 


Bệnh nhân bị đau thắt lưng cấp tính.
Bệnh nhân bị đau thắt lưng cấp tính.

3.2 Đau mạn tính

Sau khi trải qua đợt đau cấp tính, cơn đau vẫn tiếp tục tái phát mỗi khi người bệnh thực hiện vận động gắng sức tương tự. Các động tác liên quan đến cột sống như cúi, nghiêng, ngửa, xoay người trở nên khó khăn hơn đối với người bệnh.

Khi bị chèn ép thần kinh, cơn đau sẽ lan xuống chi dưới khiến việc vận động trở nên khó khăn và tăng mạnh khi đứng, hắt hơi, đi lại, rặn và tình trạng sẽ giảm bớt khi nằm nghỉ ngơi.

Do đó, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm như chụp bao rễ thần kinh, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc MRI cột sống thắt lưng để chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng. Trong đó, chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp tốt nhất.

4. Điều trị và biến chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Các biện pháp nội khoa như sử dụng thuốc giảm đau, chống co thắt cơ vân, chống viêm...hiện nay đang là phương pháp chủ yếu để điều trị thoát vị đĩa đệm.

Các bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân để chỉ định thuốc phù hợp. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc vì hầu hết các loại thuốc trị bệnh này đều dẫn đến tác dụng phụ trong một số trường hợp bệnh nhân có bệnh nền như bệnh hen suyễn, dạ dày, tăng huyết áp.

Bên cạnh đó, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng còn có thể điều trị bằng vật lý trị liệu, bao gồm các phương pháp như xoa bóp, sóng radio cao tần, laser, bấm huyệt,... Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh nặng và không đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp ngoại khoa nhưng hạn chế, tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh. 

Các bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng cụ thể của từng người mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng để chỉ định thuốc phù hợp
Các bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng cụ thể của từng người mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng để chỉ định thuốc phù hợp

Ngoài ra, tình trạng này không chỉ gây đau đớn mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Biến chứng phổ biến nhất là chèn ép dây thần kinh tọa và rễ thần kinh, dẫn đến các triệu chứng đau nhức, buốt lan tỏa từ mông xuống dưới dọc theo đùi, cẳng chân, ngón chân và mu bàn chân (đặc biệt là cảm giác nóng rát ở mu bàn chân bên có dây thần kinh bị chèn ép).

Nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như teo cơ, hạn chế vận động và đại tiểu tiện khó khăn (do rối loạn cơ tròn). Thậm chí, người bệnh có thể phải thụt tháo và thông tiểu.

Trong trường hợp nặng, người bệnh thoát vị đĩa đệm còn có thể bị liệt, tàn phế, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia đình và xã hội. Do đó, quá trình phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng vai trò then chốt trong việc phục hồi chức năng cột sống và khả năng vận động bình thường.

5. Cách phòng tránh thoát vị đĩa đệm cho người trẻ

Để kiểm soát thoát vị đĩa đệm cột sống lưng, mọi người nên thực hiện những thay đổi đơn giản trong lối sống như :

  • Tập thể dục thường xuyên như: yoga, đi bộ,... và giữ cân nặng hợp lý.
  • Bỏ thuốc lá và các chất kích thích, hạn chế rượu bia.
  • Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất như canxi, vitamin D Glucosamine và Chondroitin để nuôi dưỡng khớp khỏe mạnh.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe