Tìm hiểu hội chứng lo lắng bị xa cách ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi tại khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Lo lắng bị xa cách là hội chứng nhiều trẻ gặp phải trong quá trình lớn lên, biểu hiện ở tình trạng bé luôn bám lấy bố mẹ mọi lúc mọi nơi, sợ người lạ và địa điểm lạ. Trẻ mắc hội chứng này dễ bị căng thẳng và gây cản trở tới hoạt động bình thường như đi học hoặc chơi đùa với bạn bè,...

1. Hội chứng lo lắng bị xa cách ở trẻ là gì?

Hội chứng lo lắng vì xa cách (Separation anxiety - SA) là triệu chứng gặp phải ở trẻ nhỏ khi trẻ không muốn chia xa với người chăm sóc gần gũi nhất, thường là cha mẹ. Lo lắng bị xa cách là một biểu hiện cho thấy trẻ đang phát triển tính độc lập và cảm giác an toàn. Thông thường, tất cả các bé đều gặp triệu chứng này nhưng được biểu hiện ở những mức độ khác nhau.

Lo lắng bị xa cách là dấu hiệu cho thấy bé bắt đầu hiểu về việc có sự khác biệt giữa đồ vật, kể cả con người trong phòng. Bé vẫn chưa hiểu về thời gian nên bé sẽ lo lắng không biết cha, mẹ có quay lại hay không và mối liên quan tinh thần giữa mẹ và bé rất bền chặt.

Thời điểm đầu tiên bé cảm thấy lo lắng về sự xa cách là khi bé được khoảng 8 tháng tuổi. Điều này sẽ đạt đỉnh điểm ở giai đoạn 13 - 15 tháng và kéo dài khoảng 2 - 5 tháng. Thường hội chứng lo lắng bị xa cách sẽ chấm dứt khi bé được 2 tuổi - thời điểm bé đã hiểu là cha mẹ chỉ vắng mặt một chút rồi quay lại.

Ở trẻ, hội chứng sợ xa cách người chăm sóc là bình thường. Tuy nhiên, hội chứng này sẽ là bất thường nếu bé lớn lên, biết đi mà vẫn lo lắng khi bị xa cách bố mẹ, người thân. Các dấu hiệu nặng của tình trạng này có thể kéo dài trong 1 tháng. Nếu không được điều trị có thể để lại những ảnh hưởng không tốt đến bé sau này, ví dụ như chuyển biến thành rối loạn lo âu phân ly.

Hội chứng lo lắng bị xa cách ở trẻ nếu kéo dài trên 2 năm có thể biến thành rối loạn lo âu phân ly (SAD). Tình trạng này đặc trưng bởi các mặt phát triển không phù hợp, lo lắng quá mức khi bị tách rời khỏi người thân hoặc môi trường sống quen thuộc. Thậm chí, trẻ còn sợ đi học, sợ ở một mình hoặc không ngủ được nếu không có đồ vật quen thuộc kèm theo. Việc bị tách rời khỏi người thân đột ngột có thể khiến trẻ bị rối loạn ý thức, trí nhớ hoặc nhận thức về môi trường.


Hội chứng lo lắng vì xa cách là triệu chứng gặp phải ở trẻ nhỏ khi trẻ không muốn chia xa với người chăm sóc gần gũi nhất, thường là cha m
Hội chứng lo lắng vì xa cách là triệu chứng gặp phải ở trẻ nhỏ khi trẻ không muốn chia xa với người chăm sóc gần gũi nhất, thường là cha m

2. Triệu chứng của hội chứng lo lắng bị xa cách ở trẻ

  • Lo lắng, bồn chồn khi bị xa cách với người thường hay chăm sóc mình;
  • Lo lắng người chăm sóc không quay lại hay có chuyện xảy ra, không dám đi đâu với ai, kể cả cô giáo;
  • Không dám đi ngủ khi không có người chăm sóc bên cạnh;
  • Bám lấy bố mẹ khi đi xa khỏi môi trường quen thuộc hoặc khi gặp gỡ người lạ mặt;
  • Khi ngủ thường mơ thấy ác mộng, hay than thở về các chứng đau trên cơ thể;
  • Khi đi khám bác sĩ, tuyệt đối phải có mẹ đi theo;
  • Khó kết bạn, hay làm những hành động như đi tiểu nhiều lần, đóng cửa rồi mở cửa,... vì lo lắng thái quá.

3. Các giai đoạn của hội chứng lo lắng bị xa cách ở trẻ

Sự lo lắng vì xa cách thường xảy ra ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển của trẻ. Trong mỗi giai đoạn sẽ có hướng xử lý khác nhau:

3.1 Trẻ 8 tháng tuổi

Khi được 8 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có cảm giác lo lắng bị xa cách. Tình trạng này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng cho đến khi bé hiểu rằng bố, mẹ không xa cách bé quá lâu.

Để giúp bé vượt qua, cha mẹ nên bắt đầu gửi bé cho người trông trẻ từ khi bé được 6 tháng tuổi nhằm giúp bé dần quen với người lạ và sự vắng mặt của cha, mẹ. Đồng thời, mỗi khi gửi bé hãy mỉm cười và chào tạm biệt bé một cách vui vẻ để bé bớt căng thẳng khi ở với người lạ.

3.2 Trẻ 1 - 2 tuổi

Tình trạng lo lắng bị xa cách ở trẻ có thể tăng lên trong giai đoạn bé được 1 - 2 tuổi. Khoảng 2 tuổi, bé đã có mối quan hệ gắn bó với bố mẹ và sẽ có những phản ứng như khóc, làm nũng,... để bố mẹ ở lại.

Nếu muốn giúp bé vượt qua, phụ huynh có thể giao cho bé một nhiệm vụ nào đó như vẽ tranh, đóng cửa,... để bé phân tâm. Đồng thời, cha mẹ cũng nên cho bé biết khi nào mình sẽ về để bé không còn quá lo lắng.

3.3 Trẻ mầm non

Với những trẻ mới đi học mầm non, sự thay đổi của môi trường sẽ khiến bé cảm thấy lo lắng vì xa cách. Tình trạng này thường kéo dài trong vài tuần cho tới khi bé hiểu rằng bố mẹ sẽ đến đón mình ở trường.

Để giúp bé vượt qua, phụ huynh nên thuyết phục để trẻ hiểu rằng trẻ hoàn toàn có thể đối phó với nỗi lo lắng của mình. Bên cạnh đó, cha mẹ nên dành thêm thời gian cho con để bé hiểu rằng mình vẫn được bố mẹ quan tâm, vẫn cảm thấy an toàn. Đồng thời, nên lập thời khóa biểu cho trẻ để bé quen dần với những hoạt động lặp lại và đặc biệt là phải giữ bình tĩnh, không nổi nóng với trẻ khi bé cáu kỉnh, ăn vạ mà nên an ủi, vỗ về tùy từng trường hợp cụ thể.

4. Xử trí khi trẻ mắc hội chứng lo lắng bị xa cách vào ban đêm


An ủi bé khi bé tỉnh dậy mà không thấy cha mẹ
An ủi bé khi bé tỉnh dậy mà không thấy cha mẹ

Biểu hiện của tình trạng này là bé sẽ thức dậy nhiều lần trong đêm và khóc cho tới khi thấy được bố, mẹ. Hậu quả là cả bé và bố mẹ đều mất ngủ. Để xử trí, các bậc phụ huynh có thể tham khảo gợi ý sau:

  • Nói chuyện với bé: Khi cho bé đi ngủ, không nên rời đi ngay lập tức mà nên nán lại để trò chuyện, hát cho bé. Sau đó, rời khỏi phòng vài giây và quay trở lại. Dần dần, kéo dài thời gian rời khỏi phòng cho tới khi bé quen với việc không có mẹ bên cạnh khi ngủ;
  • Tập cho bé một số thói quen trước khi ngủ: Để giúp bé ngủ ngon, không còn lo lắng vì xa cách, trước khi đi ngủ, mẹ có thể massage, hát ru cho bé;
  • An ủi bé khi bé tỉnh dậy mà không thấy cha mẹ;
  • Không lén rời khỏi phòng vì bé sẽ cảm thấy không an toàn, không tin tưởng vào bố mẹ nữa. Vì vậy, thay vì biến mất một cách bất ngờ, hãy chúc bé ngủ ngon và rời khỏi phòng;
  • Khi bé khóc, hãy trở lại phòng, xem bé trong một khoảng thời gian ngắn;
  • Giữ bình tĩnh khi trẻ khóc để bé cảm nhận được mọi việc đều tốt và sẽ bớt căng thẳng hơn;
  • Chơi ú òa với bé để giúp bé hiểu rằng cha mẹ dù đi vắng vẫn sẽ quay lại.

5. Biện pháp giúp trẻ tách xa cha mẹ dễ dàng

  • Tạo thói quen nói lời tạm biệt để giúp trẻ tin tưởng rằng cha mẹ sẽ trở lại và bé sẽ vượt qua tâm lý lo lắng vì xa cách một cách dễ dàng;
  • Luyện tập cho trẻ quen dần với cảm giác chia ly bằng cách gửi bé cho ông bà, người giữ trẻ một thời gian ngắn rồi tăng dần thời gian cha mẹ không có mặt;
  • Cho bé một thời gian làm quen với người trông trẻ hay môi trường mới. Khi bé đi học có thể cho bé mang theo một ít đồ chơi quen thuộc để bé giảm cảm giác xa lạ, đề phòng;
  • Không dỗ khi bé khóc vì lo lắng trước cảm giác chia ly. Việc dỗ chỉ khiến cảm giác lo lắng tăng cao. Vì vậy, hãy để bé khóc và thể hiện cảm xúc. Bé sẽ ngừng khóc khi phụ huynh không can thiệp;
  • Chọn thời điểm thích hợp để rời đi, ví dụ như khi trẻ đang vui vẻ hoặc đang khỏe mạnh, bởi sự chia ly sẽ khó khăn hơn khi trẻ đang đói bụng hoặc mệt mỏi. Khi rời đi, có thể nhờ người thân làm phân tâm trẻ bằng cách cho trẻ đồ chơi hoặc món ăn trẻ thích;
  • Chơi với con khi đi làm về để giúp bé hiểu rằng việc chia ly có thể khiến bé khó chịu nhưng việc gặp lại sẽ làm bé vui vẻ;
  • Giữ lời hứa với bé.

Cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn và bình tĩnh để giúp trẻ vượt qua hội chứng lo lắng bị xa cách. Bên cạnh đó, nếu thấy bé buồn bã hoặc trở nên tách biệt, phụ huynh cần tìm hiểu lý do bởi đôi khi bé bị bạn bắt nạt hoặc người trông trẻ đối xử không tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe