Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Nếu bác sĩ nói với bạn rằng bạn bị bệnh lý porphyrin, điều đó có nghĩa là bạn đã mắc một rối loạn có thể gây ra các vấn đề trên thần kinh, da và hệ niệu. Dù không có cách chữa trị, nhưng những hiểu biết sau đây có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của mình để có một cuộc sống bình thường như những người xung quanh.
1. Bệnh lý porphyrin là gì?
Porphyrias là kết quả của thiếu hụt enzym do gen di truyền hoặc mắc phải của con đường sinh tổng hợp heme, ảnh hưởng đến quá trình cơ thể tổng hợp chất này. Những thiếu sót này làm tích lũy các tiền thân heme gây độc. Heme là một loại protein chứa sắt, làm cho máu có màu đỏ, là một đồng yếu tố cần thiết của nhiều hemoprotein. Hầu như tất cả các tế bào của cơ thể người đều cần và tổng hợp heme, chất này giúp máu vận chuyển oxy đến từng tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, phần lớn heme được tổng hợp trong tủy xương (bởi hồng cầu và bạch cầu) và được kết hợp vào hemoglobin. Gan là vị trí tích cực thứ hai tổng hợp heme, hầu hết được kết hợp với các enzym cytochrome P-45.
Sự tổng hợp Heme đòi hỏi 8 enzyme, các enzyme này tạo ra và biến đổi các phân tử đặc biệt gọi là porphyrins (và tiền thân của chúng); sự tích tụ của các chất này gây ra biểu hiện lâm sàng của porphyrias. Có khoảng 8 loại bệnh lý porphyrias khác nhau. Hầu hết trong số này là do bất thường trong gen di truyền qua các thế hệ con cháu. Bên cạnh đó, vật liệu di truyền cũng có thể bị tổn thương do tiếp xúc với một số hóa chất, rượu hoặc nhiễm trùng gan. Hai biểu hiện lâm sàng chính xảy ra của bệnh lý này: bất thường thần kinh giao cảm (các porphyrias cấp tính) và da nhạy cảm ánh sáng (porphyrias da).
2. Nguyên nhân gây ra bệnh lý porphyrin
Porphyrias được xác định bởi sự thiếu các enzyme nhất định và là kết quả của sự thiếu hụt bất kỳ enzyme nào trong 7 enzyme cuối cùng của con đường tổng hợp heme hoặc từ tăng hoạt tính của enzyme đầu tiên trong con đường, ALA synthase-2 (ALAS 2). Khi một enzyme tổng hợp heme bị thiếu hoặc khiếm khuyết, chất heme dễ bị phá hủy, cơ chất của nó và các chất tiền thân khác của heme được biến đổi bởi enzym đó có thể tích tụ trong tủy xương, gan, da, hoặc các mô khác và gây độc. Những tiền chất này có thể xuất hiện dư thừa trong máu và được bài tiết qua mật, hoặc phân hoặc nước tiểu, gây hiện tượng porphyrin niệu.
Nguyên nhân hầu hết các loại porphyrias là di truyền. Điều đó có nghĩa là khi một hoặc cả hai cha mẹ của bạn truyền gen đột biến cho bạn thì bạn sẽ mắc bệnh lý này. Di truyền gen trội nhiễm sắc thể thường (AD) là phổ biến nhất, ngoài ra còn nhiều dạng đột biến khác nhau (thể gen lặn nhiễm sắc thể thường hoặc thể di truyền liên kết gen X).
Ngoài yếu tố di truyền, còn có những yếu tố kích hoạt khác làm ảnh hưởng đột ngột đến quá trình tổng hợp heme cũng có thể gây ra bệnh lý porphyrin như:
- Uống nhiều rượu bia;
- Phụ nữ sử dụng estrogen;
- Các bệnh lý về gan (Viêm gan C, xơ gan);
- HIV;
- Hút thuốc;
- Tiếp xúc ánh nắng;
- Dùng thuốc: Barbiturat, một số họ kháng sinh, thuốc tránh thai;
- Nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
3. Triệu chứng của bệnh lý porphyrin và hiện tượng porphyrin niệu
Các triệu chứng của cơn porphyrin cấp tính có thể xuất hiện và tiến triển nhanh chóng trong vòng vài ngày hoặc vài tuần và có thể rất nghiêm trọng, biểu hiện thành từng đợt, thường được kích thích bởi thuốc, hoạt động hormon theo chu kỳ ở phụ nữ trẻ và các yếu tố ngoại sinh khác. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau bụng, thường với mức độ nặng, dữ dội thành từng cơn không rõ nguyên nhân;
- Đau ngực, khó thở;
- Nhịp tim nhanh và tăng huyết áp;
- Đau lưng, yếu cơ và chuột rút; có thể dẫn đến tê liệt
- Da mất cảm giác;
- Buồn nôn, nôn ói và táo bón; co giật;
- Rối loạn tâm thần kinh: Người bệnh có những thay đổi trong tính cách, dễ bị trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác (lo âu, nhầm lẫn, ảo giác, mất phương hướng hoặc hoang tưởng). Đôi khi, người bệnh có thể cảm thấy kích động, bối rối hoặc bị co giật.
Ngoài các cơn porphyrin cấp tính, còn một thể porphyrin khác nữa là porphyrin thể da. Trong đó, triệu chứng nổi bật nhất là các tổn thương trên da, rất dễ nhạy cảm với ánh sáng, dễ tổn thương, có nang nước, phỏng nước. Các khu vực thường bị ảnh hưởng nhất là mặt sau của cánh tay, cẳng tay, sau tai, cổ, tăng trưởng lông, tóc quá mức ở các khu vực bị ảnh hưởng. Các tổn thương trên da này rất dễ bị nhiễm trùng dẫn tới viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết. Khi da lành nó có thể có sự xuất hiện bất thường về màu, mỏng dễ tổn thương, hoặc để lại sẹo.
Đồng thời với các biểu hiện trên là hiện tượng porphyrin niệu. Người bệnh dễ hốt hoảng với các cơn đột ngột đi tiểu sẫm màu, nhất là khi ra nắng. Nước tiểu có màu vàng sậm hoặc chuyển sang màu như xá xị, ly tâm không có hồng cầu lắng ở đáy. Đó chính là các nhân heme bị tiêu hủy đào thải ra ngoài.
Các biến chứng của bệnh lý porphyrin niệu cũng phụ thuộc vào thể bệnh:
- Các cơn porphyrias cấp tính vẫn có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trong cơn cấp, lượng heme bị tiêu hủy ồ ạt trong máu khiến người bệnh bị mất nước, khó thở, tiểu xá xị, co giật và tăng huyết áp lên rất cao. Các biến chứng lâu dài khi các cơn cấp tính tái phát với tần suất dày đặc có thể bao gồm đau toàn thân kéo dài, suy thận mạn và tổn thương gan vĩnh viễn;
- Porphyrias da có thể dẫn đến tổn thương da vĩnh viễn. Ngoài ra, các mụn nước trên da có thể bị nhiễm trùng. Khi sang thương da lành lại vẫn có thể có hình dạng và màu sắc bất thường, dễ vỡ ra hoặc để lại sẹo xấu.
4. Chẩn đoán bệnh lý porphyrin như thế nào?
Dù triệu chứng toàn phát khá rầm rộ nhưng đôi khi các bác sĩ sẽ gặp khó khăn trong việc chẩn đoán sớm vì các triệu chứng đầu tiên có thể tương tự như các bệnh khác. Lúc này, các chỉ định xét nghiệm máu, định lượng porphyrin trong nước tiểu và phân dùng để chẩn đoán là vô cùng cần thiết. Thời gian tốt nhất thực hiện các xét nghiệm này là ngay khi người bệnh có một đợt bùng phát các triệu chứng nêu trên. Những bệnh nhân không triệu chứng, bao gồm những người mang bệnh nghi ngờ và những người đang giữa các đợt cấp, được đánh giá tương tự. Tuy nhiên, các xét nghiệm này ít nhạy cảm trong những trường hợp này; đo lường hoạt động enzyme RBC hoặc WBC được cân nhắc là nhạy cảm hơn.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị làm xét nghiệm di truyền, không chỉ cho bản thân bệnh nhân mà còn những người khác trong gia đình. Phân tích di truyền là rất chính xác và ưu tiên sử dụng trong các gia đình khi đột biến được xác định. Xét nghiệm tiền sản (chọc ối hoặc lấy mẫu tế bào biểu mô màng đệm) có thể làm nhưng hiếm khi được chỉ định.
5. Cách điều trị bệnh lý porphyrin
Nếu người bệnh vào cơn bùng phát các triệu chứng porphyrin cấp tính, có thể cần phải điều trị trong bệnh viện và theo dõi kỹ lưỡng. Điều trị thể bệnh này tập trung vào việc điều trị triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Một số loại thuốc cần dùng để cải thiện triệu chứng như thuốc giảm đau, chống buồn nôn, nâng đỡ dinh dưỡng, điều chỉnh cân bằng nước – điện giải qua đường tĩnh mạch.
Nếu bạn bị rối loạn chuyển hóa porphyrin mạn tính, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào thể loại bệnh cụ thể theo kiểu gen mà bạn mắc phải và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Trong đó, cơ bản phác đồ điều trị sẽ bao gồm:
- Thường xuyên trích máu, tức loại bỏ bớt đi một phần máu và bồi hoàn bằng dung dịch điện giải cùng thể tích để giảm bớt lượng sắt ứ đọng trong gan và các nội tạng khác; nhất là với thể porphyrin da.
- Chỉ định liều thấp của thuốc chống sốt rét chloroquine hoặc hydroxychloroquine; chỉ nên sử dụng ở những người không thể chịu đựng được trích máu.
- Tiêm hemin, một loại thuốc có hình thức giống heme, để hạn chế cơ thể sản xuất Porphyrin.
- Khuyến cáo tránh các yếu tố có thể gây ra cơn porphyrin niệu kịch phát như căng thẳng tâm lý, uống rượu, hút thuốc, tiếp xúc ánh nắng... Trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc nào, cần hỏi ý kiến bác sĩ. Tránh uống thuốc tránh thai. Nâng cao khả năng đề kháng tự nhiên để hạn chế nhiễm trùng;
- Những người mắc porphyrin nên được tham vấn di truyền học trước khi kết hôn và mang thai.
Tóm lại, porphyria là một nhóm các rối loạn chuyển hóa heme trong cơ thể. Bệnh do gen di truyền nên diễn ra mạn tính. Dù không có cách điều trị triệt để nhưng nếu phát hiện được bệnh sớm, biết tích cực phòng tránh các yếu tố kích thích xảy ra cơn porphyria, người bệnh vẫn có thể có một cuộc sống hòa nhập cộng đồng như những người bình thường.
Nếu bạn có bất kỳ một dấu hiệu nghi ngờ nào của bệnh lý porphyrin hoặc có người trong gia đình mắc bệnh, bạn nên sớm tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện thăm khám và thực hiện xét nghiệm và kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com; .mayoclinic.org