Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh lý đái tháo đường ảnh hưởng đến gần 10% dân số toàn cầu. Ở bệnh nhân tiểu đường, rối loạn cơ xương khớp ngày càng có tầm quan trọng do tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng và tuổi thọ của bệnh nhân đái tháo đường lâu hơn.
1. Bệnh lý gần ở chi trên
Bệnh lý gân do đái tháo đường ở chi trên thường gặp bao gồm:
Bệnh lý viêm hẹp bao gân gấp ngón tay chủ yếu ảnh hưởng đến ngón tay thứ nhất, thứ ba và thứ tư và thường không đau. Ở bệnh nhân tiểu đường, bệnh lý viêm hẹp bao gân gấp liên quan đến nhiều ngón tay thường xuyên hơn.
Viêm hẹp bao gân gấp ngón tay gặp khoảng 10-15% người đái tháo đường. Ở người đái tháo đường, bệnh lý này có liên quan đến thời gian mắc bệnh tiểu đường, tình trạng kiểm soát đường huyết kém trong thời gian dài và sự hiện diện của các biến chứng mạch máu nhỏ. Cơ chế cơ bản là tình trạng tăng đường huyết lâu dài, dẫn đến tích tụ collagen trong bao gân bị ảnh hưởng.
Trong trường hợp nhẹ, điều trị bao gồm kiểm soát đường huyết và vật lý trị liệu. Trong các trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể tiêm steroid vào bao gân gấp. Tuy nhiên, bệnh có tỷ lệ tái phát cao. Khi đó, phẫu thuật là điều trị dứt điểm.
Viêm dính khớp vai ở người đái tháo đường với tỷ lệ 10- 25%. Tỷ lệ mắc các bệnh này tăng theo thời gian của cả bệnh đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 và kiểm soát đường huyết kém.
Rách gân chóp xoay thường gặp nhiều hơn ở cả những người đái tháo đường type I và type II so với người không đái tháo đường. Ở những người đái tháo đường không có triệu chứng, độ dày của gân chóp xoay khớp vai tăng lên và tỷ lệ rách gân cao hơn đáng kể. Đau và hạn chế vận động khớp vai có thể xảy ra ở những người có rách gân không triệu chứng trước đó.
Ngoài ra, sau khi phẫu thuật nội soi khớp vai, người bệnh đái tháo đường hồi phục vận động kém hơn so với người bình thường. Những kết quả bất lợi này có thể liên quan đến chất lượng kém của mô được sửa chữa.
2. Bệnh lý gân ở chi dưới
Ở chi dưới, bệnh lý gân ở người đái tháo đường thường gặp ở vùng cổ chân và bàn chân. Dưới siêu âm hoặc cộng hưởng từ, cân gan chân và gân gót Achilles tăng bất thường về độ dày và cấu trúc ở cả bệnh đái tháo đường Loại I và Loại II. Những tổn thương này nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân bị biến chứng thần kinh và loét chân trước đó.
3. Điều trị cần đạt mục tiêu kép
Bằng chứng cho thấy đái tháo đường nói riêng cũng như các bệnh lý rối loạn chuyển hoá có ảnh hưởng xấu đến gân và góp phần gây ra thoái hóa gân. Người bệnh đái tháo đường hoặc người thừa cân, nên duy trì chế độ ăn uống cân đối và phương pháp điều trị dùng thuốc để đạt được trọng lượng cơ thể lý tưởng và kiểm soát đường huyết mục tiêu. Bởi vì tập thể dục là một biện pháp trị liệu quan trọng.
Chương trình tập luyện nên được quy định riêng vì tập luyện quá tải có thể dẫn đến thoái hóa gân. Các môn thể thao quá tải có chọn lọc một số gân (ví dụ: chạy) nên được theo dõi thường xuyên hơn.
Khi một người bệnh đến khám vì viêm gân hoặc rách gân, nên tầm soát tình trạng tăng cholesterol máu không được chẩn đoán, bệnh đái tháo đường hoặc không dung nạp glucose chưa được kiểm soát.
Cuối cùng, việc điều trị các yếu tố nguy cơ rối loạn chuyển hóa nói chung và đái tháo đường nói riêng là một vấn đề quan trọng để làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm gân không triệu chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.