Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến và Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Hòa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Tăng áp động mạch phổi là bệnh lý trong đó có sự tăng huyết áp động mạch phổi, có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh thường tiên lượng nặng và có các biến chứng rất nặng nề. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu các tiêu chuẩn chẩn đoán tăng áp động mạch phổi.
1. Tăng áp động mạch phổi là gì?
Tăng áp động mạch phổi (hay tăng huyết áp động mạch phổi) là một dạng tăng huyết áp mà chỉ ảnh hưởng đến động mạch phổi và một bên phải của tim. Huyết áp động mạch phổi bình thường lúc nghỉ ngơi là 15mmHg, gọi là tăng áp lực động mạch phổi khi huyết áp động mạch phổi trung bình của người lớn lúc nghỉ ngơi >25mmHg (được đánh giá qua thông tim).
Trong tăng huyết áp động mạch phổi, các động mạch và mao mạch phổi bị thu hẹp, bị tắc hoặc tiêu hủy. Để bơm máu qua phổi, tâm thất phải làm việc nhiều hơn, cơ tim ngày càng suy yếu và lâu dần sẽ suy hoàn toàn. Đây là một bệnh nghiêm trọng, không thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời có thể giúp giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.
2. Nguyên nhân tăng áp động mạch phổi
Tăng áp động mạch phổi được chia làm 2 loại là tăng áp động mạch phổi nguyên phát và tăng áp động mạch phổi thứ phát. Tăng áp động mạch phổi nguyên phát là dạng tăng huyết áp động mạch phổi không xác định được nguyên nhân. Tăng áp động mạch phổi thứ phát xuất hiện có nguyên nhân là một số bệnh lý như:
- Bệnh tim bẩm sinh, suy tim tâm thu, suy tim tâm trương, bệnh van tim (hẹp van hai lá);
- Huyết khối tắc động mạch phổi trung tâm, huyết khối tắc động mạch phổi ngoại vi;
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, rối loạn giảm thông khí phê nang, chứng xơ phổi, cục máu đông trong phổi (thuyên tắc phổi);
- Chứng ngưng thở khi ngủ và rối loạn giấc ngủ khác;
- Bệnh xơ gan, AIDS;
- Do sử dụng các chất kích thích như cocain.
3. Các tiêu chuẩn chẩn đoán tăng áp phổi
Để chẩn đoán bệnh tăng áp động mạch phổi có thể áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán tăng áp phổi sau đây:
Thăm khám lâm sàng:
- Các triệu chứng cơ năng: Bệnh nhân mệt mỏi, khó thở gắng sức, đau ngực;
- Khi khám thực thể có các dấu hiệu : Tĩnh mạch cổ nổi, mạch cảnh yếu, nghe tim có T2 mạnh ở ổ van động mạch phổi, tiếng thổi tâm trương do hở van động mạch phổi, tiếng thổi tâm thu do phụt ngược dòng vì van ba lá bị hở. Bệnh nhân bị phù, xanh tím ở ngoại vi, gan to, cổ trướng khi ở giai đoạn cuối của bệnh.
Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng:
- Siêu âm tim doppler: Đây là một phương pháp đo huyết áp động mạch phổi phổ biến, chính xác và dễ thực hiện. Qua siêu âm tim tăng áp phổi có thể xác định được 3 thông số là: áp lực động mạch phổi tâm thu, áp lực động mạch phổi trung bình và áp lực động mạch phổi tâm trương. Siêu âm tim giúp ước tính áp lực động mạch phổi trung bình trong tăng áp động mạch phổi là > 25mmHg;
- Chụp X-quang phổi: Nếu bệnh nhân tăng áp động mạch phổi, đường kính nhánh dưới động mạch phổi sẽ >16mm;
- Điện tim: Hình ảnh điện tim ở bệnh nhân tăng áp động mạch phổi là: trục phải, thất phải phì đại, nhĩ phải; P phế ở DII, DIII, aVF; R cao V1, sóng P≥2/3 sóng R, S sâu ở V6, mỏm tim quay sau;
- Đặt ống thông tim: Là thủ thuật giúp chẩn đoán chính xác nhất tăng huyết áp động mạch phổi. Ống thông được đặt vào tĩnh mạch ở cổ, sau đó được luồn vào tâm thất phải và động mạch phổi. Đặt ống thông tim cho phép đo trực tiếp áp suất trong động mạch phổi và tâm thất phải.
4. Ai nên khám sàng lọc tăng huyết áp động mạch phổi?
Bệnh tăng áp động mạch phổi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng rất nặng nguy cơ dẫn đến tử vong như: tăng khả năng hình thành các cục máu đông trong động mạch phổi, nhồi máu phổi, tăng nguy cơ tắc các mạch máu lớn, suy tim phải, loạn nhịp tim, ho ra máu và chảy máu trong phổi,...
Ở giai đoạn đầu của bệnh hầu như không có triệu chứng, hoặc các triệu chứng thường nhẹ nên bị bỏ qua. Đến khi các triệu chứng bộc lộ, bệnh thường đã ở giai đoạn nặng và khó điều trị. Do đó một số đối tượng có nguy cơ cao sau đây nên đến các cơ sở y tế để khám sàng lọc:
- Người có tiền sử gia đình mắc tăng áp động mạch phổi;
- Bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh nhân có tiền sử tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan;
- Bệnh nhân mắc các bệnh lupus ban đỏ, xơ cứng bì;
- Bệnh nhân nhiễm HIV,
Những người không thuộc các đối tượng nguy cơ cao nhưng có các triệu chứng sau đây thì cũng nên khám sàng lọc tăng áp động mạch phổi:
- Khó thở;
- Mệt mỏi, đau ngực, yếu cơ, ngất, khó tiêu, chướng bụng;
- Bờ trái xương ức nhô cao, tiếng thổi ở tim, phù chi, gan to,...
Để kết quả sàng lọc tăng áp động mạch phổi có độ chính xác cao nhất, bạn nên chọn các bệnh viện có uy tín, chất lượng toàn diện cả về trình độ chuyên môn, trang thiết bị y tế và dịch vụ. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế đáp ứng đủ các yêu cầu này. Hiện nay, tại Vinmec có đội ngũ các bác sĩ chuyên môn Nội tim mạch là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Vinmec không ngừng đầu tư và nâng cấp hệ thống trang thiết bị, máy móc tối tân, hiện đại hỗ trợ tối đa cho việc chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, đem lại kết quả tốt. Hệ thống y tế Vinmec được quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế trên khắp cả nước xứng đáng là một địa chỉ khám chữa bệnh đáng tin cậy, nơi khách hàng nhận được những dịch vụ y tế với sự hài lòng cao nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.