Tăng áp lực động mạch phổi có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có hơn 20 kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh lý tim mạch và Can thiệp Tim mạch.

Tăng áp lực động mạch phổi là bệnh lý có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn tuổi. Hiện nay, bệnh tăng áp động mạch phổi vẫn chưa thể được chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể điều trị để làm giảm các triệu chứng bệnh.

1. Tăng áp lực động mạch phổi là gì?

Tăng áp động mạch phổi là sự tăng bất thường áp lực động mạch phổi, đây có thể là hậu quả của chứng suy tim trái, tổn thương nhu mô phổi hoặc do bệnh lý mạch máu, huyết khối tắc mạch hoặc do sự kết hợp của các yếu tố trên. Bình thường áp lực động mạch phổi lúc nghỉ ngơi là 15 mmHg, và mỗi năm sẽ tăng thêm 1 mmHg, khi áp lực động mạch phổi trung bình ở người lớn > 25 mmHg (khi nghỉ ngơi) thì sẽ được coi là tăng áp lực động mạch phổi.

2. Triệu chứng của bệnh tăng áp động mạch phổi là gì?

Triệu chứng của tăng áp động mạch phổi không đặc hiệu, bao gồm: Khó thở, mệt, yếu người, đau ngực, ngất và trướng bụng. Triệu chứng lúc nghỉ ngơi chỉ xuất hiện khi bệnh nặng gồm: tĩnh mạch cổ nổi, gan lớn, phù ngoại biên, cổ trướng và đầu chi lạnh.


Triệu chứng đau tức ngực do tăng áp động mạch phổi
Triệu chứng đau tức ngực do tăng áp động mạch phổi

3. Tăng áp lực động mạch phổi có nguy hiểm không?

Tăng áp động mạch phổi nếu không được điều trị tích cực, kịp thời và loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh, tình trạng tăng áp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, gây đột tử như:

  • Gây suy tim phải, tiên lượng thường rất nặng và dễ dẫn đến tử vong.
  • Làm tăng khả năng hình thành cục máu đông trong động mạch phổi, gây nhồi máu phổi, nếu các cục máu đông gây hẹp hay làm tắc mạch máu lớn có thể gây sốc và tử vong.
  • Vỡ động mạch phổi
  • Gây chứng loạn nhịp tim
  • Chèn ép thân động mạch vành do dãn động mạch phổi
  • Ho ra máu có thể đe dọa đến tính mạng (do vỡ động mạch phế quản).

Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh được nguy cơ sức khỏe gặp phải trên lâm sàng liên quan đến áp lực động mạch phổi trung bình (PAPs – Pulmonary Arterial Pressure) có thể bắt đầu xuất hiện từ trị số > 19mmHg, thấp hơn ngưỡng thông thường được dùng để xác định tình trạng tăng áp động mạch phổi (Pulmonary Hypertension – PH) là 25 mmHg.

Nguy cơ tử vong tăng ở những bệnh nhân có tăng áp động mạch phổi nhẹ, được xác định là áp lực động mạch phổi trung bình >19 mmHg. Những dữ liệu này nhấn mạnh nhu cầu chẩn đoán sớm những bệnh nhân có tăng áp động mạch phổi nhẹ để cân nhắc đưa vào các nghiên cứu. Điều này góp phần tìm ra biện pháp can thiệp thuốc và không dùng thuốc trong tương lai để làm giảm nguy cơ sức khỏe và cải thiện kết cục.


Tăng áp động mạch phổi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Tăng áp động mạch phổi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

4. Các yếu tố làm xấu đi tình trạng của bệnh nhân

  • Nhiễm trùng phổi
  • Ho ra máu
  • Rối loạn nhịp nhanh trên thất
  • Thiếu máu
  • Cường hoặc suy giáp
  • Phù
  • Suy thận
  • Gắng sức quá mức
  • Giảm liều thuốc lợi tiểu hoặc ngừng thuốc điều trị giãn mạch phổi đặc.

5. Các khuyến cáo cho bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi

  • Bệnh nhân tăng áp động mạch phổi nên tránh mang thai.
  • Tăng cường miễn dịch đề phòng cúm và viêm phổi cho bệnh nhân tăng áp động mạch phổi.
  • Hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân tăng áp động mạch phổi.
  • Giám sát tập luyện ở bệnh nhân tăng áp động mạch phổi.
  • Nếu bệnh nhân đi máy bay, cần hỗ trợ oxy khi phân áp oxy trong máu động máu < 8 kPa (<60 mmHg).
  • Khi phẫu thuật, gây tê tủy sống nên được thực hiện hơn là gây mê toàn thể.
  • Điều trị tình trạng thiếu máu hay thiếu sắt cho bệnh nhân tăng áp động mạch phổi.
  • Các hoạt động gắng sức thể lực gây triệu chứng bệnh không được khuyến cáo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe