Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tâm - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Clostridium difficile là vi khuẩn Gram dương, kỵ khí, dạng bào tử (sinh nha bào) tồn tại trong đất, nước, không khí, ruột và phân của động vật và người. Vi khuẩn lây từ người sang người qua đường phân miệng hoặc tiếp xúc trực tiếp môi trường bị nhiễm Clostridium difficile, là nguyên nhân chính tiêu chảy liên quan nhân viên y tế, ở người lớn và trẻ em, trong bệnh viện và ngoài cộng đồng.
Tỷ lệ mang Clostridium difficile ở sơ sinh 25-30%, trẻ 1-12 tháng: 10-25%, trẻ > 1 tuổi: 5-10 %, trẻ từ 3 tuổi: 0-3% (tương tự như người trưởng thành).
1. Các độc tố sản xuất bởi vi khuẩn Clostridium Difficile
Vi khuẩn gây bệnh do sản xuất độc tố mạnh, độc tố vừa có tính chất của độc tố ruột, vừa có hoạt tính gây độc tế bào. Độc tố A và B của vi khuẩn phá vỡ cấu trúc tế bào của biểu mô đường ruột, gây viêm và chết tế bào.
- Độc tố A (độc tố ruột) gây quá trình viêm dẫn đến tổn thương niêm mạc và xuất tiết dịch ruột.
- Độc tố B (độc tố tế bào) đóng vai trò quan trọng tạo độc lực của vi khuẩn, mạnh hơn độc tố A trong gây tổn thương niêm mạc đại tràng.
- Chủng vi khuẩn thiếu độc tố A có thể có độc tính như chủng có cả hai độc tố. Nồng độ độc tố trong phân có thể tương quan với mức độ nặng của bệnh.
Bệnh xảy ra do hậu quả của sự tăng sinh quá mức các vi sinh vật nội tại có sẵn trong cơ thể hoặc do nhiễm khuẩn từ nguồn bên ngoài vào. Các biến đổi vi khuẩn chí bình thường ở ống tiêu hóa sau khi dùng kháng sinh là yếu tố thuận lợi nhất cho bệnh khởi phát.
Bệnh thường xuất hiện ở những bệnh nhân đang hoặc sau dùng kháng sinh như Ampicillin, Clindamycin, các Cephalosporin và các Amynoglucoside. Các độc tố sản xuất bởi những chủng Clostridium Difficile trong ống tiêu hóa gây viêm đại tràng giả mạc.
Có 3 mức độ bệnh:
* Tiêu chảy cấp do Clostridium Difficile
- Xuất hiện trong hoặc sau dùng kháng sinh một vài tuần (có thể muộn 10 tuần).
- Khởi phát cấp tính, mức độ nhẹ đến trung bình.
- Sốt, đau quặn vùng bụng dưới, chướng bụng.
- Phân lỏng nhiều nước, có thể 10 lần/ngày. Phân thường nặng mùi và rất hôi, 15% trường hợp kèm có máu nhìn rõ.
- Viêm nghiêm trọng lớp lót bên trong của ruột, ít gặp ở trẻ em
- Xuất hiện trong hoặc sau 21 ngày dùng ít nhất 1 kháng sinh
- Sốt
- Đi ngoài phân lỏng kéo dài
- Đau và chướng bụng
- Tăng bạch cầu trong máu
- Soi phân có máu lẫn nhầy, có bạch cầu
- Tình trạng nặng: mất nước, hạ Albumin máu, nhiễm trùng máu, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi
- Biểu hiện nặng ở ruột: thủng ruột, lồng ruột, có khí ở thành ruột.
- Sa trực tràng (hiếm gặp)
- Chẩn đoán xác định: thấy có màng giả khi nội soi đường ruột hoặc sinh thiết
* Biểu hiện tối cấp
- Liệt ruột, phình đại tràng nhiễm độc tố, hạ huyết áp, hoặc sốc
- Biểu hiện: sốt, ỉa lỏng, đau vùng bụng dưới hoặc đau lan tỏa, chướng bụng, giảm thể tích tuần hoàn, tăng bạch cầu trung tính trong máu, hạ Albumin máu và toan máu. Tiêu chảy có thể không có nếu bị liệt ruột
- Biến chứng: phình đại tràng nhiễm độc hoặc thủng ruột
- Cần can thiệp ngoại khoa cấp cứu
* Nhiễm trùng tái phát
- 12-30% trẻ bị nhiễm Clostridium difficile tái phát bệnh.
- Xuất hiện 1-3 tuần sau lần khởi phát đầu tiên (có trường hợp muộn: 2 tháng)
- Triệu chứng tái phát tương tự như lần trước.
- Cơ chế chưa rõ ràng (Giả thuyết: bào tử vi khuẩn tồn tại trong ruột, nồng độ kháng thể kháng độc tố thấp, rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột). Kháng kháng sinh chưa được xem là yếu tố gây tái phát.
2. Chẩn đoán tiêu chảy nhiễm khuẩn do Clostridium difficile
- Cần nghĩ tới viêm đại tràng giả mạc ở bất cứ bệnh nhân nào xuất hiện tiêu chảy trong thời gian 2 tháng sau khi sử dụng kháng sinh hoặc sau khi nhập viện 72 giờ.
- Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm phân tìm độc tố A và B của Clostridium Difficile (Elisa). Nếu xét nghiệm âm tính nhưng lâm sàng nghi ngờ cần làm nhắc lại xét nghiệm.
- Đôi khi cần soi đại trực tràng hoặc chụp CT để kiểm tra tình trạng của đại tràng.
3. Điều trị viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile
* Trường hợp nhẹ hoặc trung bình:
- Metronidazole: 30 mg/kg/24h chia 4 lần, tối đa 500 mg
- Hoặc Vancomycin 10 mg/kg/1 lần x 4 lần/ ngày uống trong 10 ngày, tối đa 125mg/ liều, trong trường hợp không đáp ứng Metronidazole.
* Trong trường hợp nặng:
- Vancomycin uống liều như trên
* Trường hợp bệnh tối cấp:
- Vancomycin uống, liều tối đa 500 mg
* Bệnh tối cấp kèm tắc ruột:
- Có thể phối hợp Metronidazole 30 mg/kg/24h chia 4 lần tiêm tĩnh mạch, liều tối đa 500 mg và Vancomycin uống, liều tối đa 500 mg.
* Tái phát nhẹ và trung bình lần đầu: dùng lại như liều đầu.
* Tái phát lặp lại:
- Vancomycin 14 ngày và uống giảm dần liều
- Thuốc mới nhóm: Fidaxomicin
4. Phòng bệnh tiêu chảy do Clostridium difficile
Có thể kiểm soát tình trạng nhiễm trùng đường ruột do Clostridium Difficile bằng các biện pháp:
- Rửa tay với xà phòng và nước sạch
- Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi thực sự cần, dùng theo chỉ định của bác sĩ và phải dùng cho đến khi khỏi bệnh.
- Uống nhiều nước và nước trái cây pha loãng để đảm bảo dinh dưỡng
- Ăn các loại thực phẩm giàu tinh bột, các loại thực phẩm bổ sung Probiotic hoặc sữa chua chứa vi khuẩn có lợi cho sức khỏe khi bị tiêu chảy.
- Chăm sóc bệnh nhân nhiễm Clostridium Bifficile ở phòng riêng, quần áo, găng tay bảo vệ, vệ sinh đồ dùng, phòng ốc kỹ càng.
- Giáo dục sức khỏe bệnh nhân và hướng dẫn khách thăm thực hiện các biện pháp cách ly tiếp xúc để tránh lây nhiễm bệnh.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.