Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Suy gan cấp ở trẻ em là một tình trạng hiếm gặp nhưng có mức độ khá nghiêm trọng. Các triệu chứng ban đầu thường tương tự như các bệnh thông thường ở trẻ em trong khi tốc độ diễn tiến rất nhanh, đôi khi có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì vậy, cha mẹ, gia đình và ngay cả các bác sĩ nhi khoa có thể không nhận ra nó ngay lúc đầu cho đến khi đã diễn tiến nặng nề.
1. Suy gan cấp ở trẻ em là gì?
Gan là một cơ quan nội tạng có kích thước tương đối lớn, nằm ở góc trên bên phải ổ bụng. Vai trò của gan là bài tiết các enzyme tiêu hóa trong dịch mật, đưa xuống tá tràng nhằm phân cắt các thành phần trong thức ăn thành các phân tử dinh dưỡng nhỏ hơn và dễ hấp thụ. Đồng thời, gan còn có nhiệm vụ chuyển hóa và đào thải các chất độc trong máu ra ngoài cơ thể. Chính vì thế, một lá gan khỏe mạnh là một yếu tố cần thiết để nuôi dưỡng trẻ mau lớn.
Suy gan cấp ở trẻ em xảy ra khi cùng lúc có nhiều tế bào trong gan chết hoặc bị tổn thương rất nặng trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này khiến gan không thể hoạt động như bình thường. Do đó, bệnh nhân có thể trở nên lừ đừ, giảm tỉnh táo do tăng các độc tố trong máu, hoặc thậm chí hôn mê.
Bởi vì tiến triển của suy gan cấp ở trẻ em quá nhanh, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ là rất quan trọng mặc dù tỷ lệ gặp phải suy gan cấp ở trẻ em rất hiếm.
2. Các nguyên nhân của suy gan cấp ở trẻ em là gì?
Suy gan cấp tính có nhiều nguyên nhân khác nhau.
2.1. Ở trẻ sơ sinh
- Nhiễm trùng: Herpes simplex, echovirus, adenovirus, viêm gan B, parvovirus
- Thuốc hay độc tố: Acetaminophen là một loại thuốc phổ biến dùng để giảm đau và hạ sốt nhưng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của gan. Điều này có thể xảy ra nếu một đứa trẻ được dùng sai liều thuốc hoặc nếu uống quá nhiều nhằm hạ sốt trong một khoảng thời gian ngắn;
- Bệnh lý tim mạch: sốc tim, suy hô hấp, viêm cơ tim;
- Rối loạn chuyển hóa: Galactose, tyrosin, dự trữ sắt, oxy hóa axit béo;
- Rối loạn chức năng miễn dịch: Viêm gan tự miễn, suy giảm miễn dịch, hội chứng tan máu bẩm sinh.
2.2. Ở trẻ nhỏ và trẻ lớn
- Nhiễm trùng: Viêm gan do siêu vi A, B và D, virus Epstein-Barr, cytomegalovirus, herpes, leptospirosis;
- Thuốc hay độc tố: Valproic acid, isoniazid, halothane, acetaminophen, aspirin;
- Bệnh lý tim mạch: viêm cơ tim, sau phẫu thuật tim, bệnh cơ tim, hội chứng Budd-Chiari;
- Rối loạn chuyển hóa: oxy hóa axit béo, hội chứng Reye, bệnh bạch cầu;
- Rối loạn chức năng miễn dịch: viêm gan tự miễn, suy giảm miễn dịch, hội chứng tan máu bẩm sinh.
Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ bị suy gan cấp nhưng nguyên nhân gây bệnh không thể tìm thấy, tỷ lệ này là khoảng 44%. Con số này sẽ tăng đến 63% ở trẻ em bị suy gan cấp tính dưới 2 tuổi.
3. Trẻ bị suy gan cấp có biểu hiện như thế nào?
Các triệu chứng của suy gan cấp tính ở trẻ em ban đầu có thể giống như các triệu chứng của nhiễm virus. Tình trạng này bao gồm đau dạ dày, cảm thấy mệt mỏi liên tục, ăn kém và sau đó nhanh chóng tiến triển thành vàng da, vàng mắt, rối loạn tri giác và rối loạn đông máu.
Trong bệnh não gan, chức năng thức tỉnh của não không còn hoạt động như bình thường. Điều này xảy ra khi gan không thể chuyển hóa hoặc loại bỏ các sản phẩm độc hại trong máu ra ngoài. Bệnh não gan xảy ra khi trẻ bị suy gan đột ngột và nặng nề. Trẻ sơ sinh từ lúc sau sinh đến khi được 28 ngày tuổi có thể không có nhiều dấu hiệu bệnh não gan dễ nhận thấy nhưng có thể phát hiện bằng triệu chứng vàng da.
Đối với trẻ nhũ nhi từ trên 28 ngày, trẻ có những biểu hiện như: cáu kỉnh, khóc nhiều, bứt rứt liên tục hoặc có thể li bì, muốn ngủ nhiều hơn vào ban ngày so với ban đêm.
Trẻ lớn hơn có thể luôn có thái độ tức giận, cáu gắt, khó ngủ hoặc luôn cảm thấy buồn ngủ, lừ đừ.
4. Làm sao để chẩn đoán trẻ bị suy gan cấp?
Các xét nghiệm và những dấu hiệu có được qua thăm khám thực thể có thể cho biết rối loạn chức năng gan. Từ đó, bác sĩ sẽ xác định trẻ bị suy gan cấp dựa trên:
- Dấu hiệu rối loạn tâm thần do bệnh não gan;
- Vàng da;
- Nồng độ men gan tăng rất nhanh và ở ngưỡng rất cao;
- Rối loạn chức năng đông máu trên lâm sàng với các mảng bầm trên da và cận lâm sàng.
5. Cách điều trị cho trẻ bị suy gan cấp như thế nào?
Điều trị suy gan cấp ở trẻ em là tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Một số nguyên nhân có thể được điều trị bằng thuốc hoặc ghép gan.
- Chăm sóc hỗ trợ. Có một số bệnh nhi sẽ tự khỏi chỉ bằng điều trị nâng đỡ các triệu chứng cho đến khi chức năng gan phục hồi. Thường những trẻ có tình trạng suy gan cấp do nhiễm siêu vi sẽ có tốc độ hồi phục tốt hơn.
- Điều trị bệnh nguyên. Nếu trẻ bị suy gan cấp tính do một bệnh lý tim mạch hoặc do dùng acetaminophen, tình trạng này có thể được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu suy gan là do các bệnh lý chuyển hóa, có thể phục hồi được phần nào với điều trị nội hay điều chỉnh chế độ ăn uống thích hợp càng sớm càng tốt.
- Ghép gan. Khoảng 40% trẻ em bị suy gan cấp tính cần đến ghép gan để sống sót. Đối với hầu hết bệnh nhân không biết nguyên nhân gây suy gan, ghép tạng là lựa chọn duy nhất. Việc ghép gan có được cân nhắc thực hiện còn phụ thuộc vào:
- Nguyên nhân gây bệnh đã hiểu biết rõ hay không
- Khả năng cấy ghép sẽ thành công
- Có một bệnh hệ thống cùng lúc ở nhiều cơ quan hay bộ phận khác trong cơ thể
- Mức độ tổn thương não
- Khả năng có thể phục hồi di chứng não sau khi gan ghép đã hoạt động.
- Điều trị bệnh não. Bệnh não gan luôn tiến triển nặng dần đến hôn mê gan khi suy gan đột ngột và nặng nề. Chính vì vậy, trẻ cần được điều trị bằng cách cố gắng ngăn chặn việc sản xuất thêm các sản phẩm độc tố trong máu hay thải bớt chúng ra ngoài bằng máy lọc gan.
- Điều trị rối loạn đông máu. Thuốc trung hòa hoặc các chế phẩm máu có thể được chỉ định nếu chức năng đông máu của trẻ không đảm bảo cho đến khi gan phục hồi.
6. Tiên lượng của trẻ bị suy gan cấp như thế nào?
Nhìn chung, tình trạng suy gan cấp gặp phải ở trẻ em là rất hiếm. Cơ hội để trẻ hồi phục phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân và độ tuổi của trẻ. Giai đoạn tổn thương gan khi phát hiện ra và mức độ nhu mô não đã bị ảnh hưởng cũng có tác động đến khả năng phục hồi. Nếu gan có thể tự lành, hầu hết các trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn và không có di chứng gì về sau.
Tỷ lệ sống sót của trẻ em bị suy gan cấp tính nếu được ghép gan lên tới 90%. Hầu hết các trẻ này có thể sống sót 70% sau năm năm.
Mặc dù hiếm gặp, tình trạng suy gan cấp ở trẻ em vô cùng nguy hiểm do tốc độ diễn tiến nhanh, rối loạn chức năng của các cơ quan khác, bao gồm cả não. Chính vì thế, việc phát hiện sớm, xác định nguyên nhân và điều chỉnh chức năng gan kịp thời là vô cùng quan trọng đến khả năng sống sót cũng như tiên lượng lâu dài ở các trẻ bị suy gan cấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.