Bài viết được viết bởi BS Mai Xuân Thiên - Khoa cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Tiền sản giật là một biến chứng sản khoa đặc trưng bởi tăng huyết áp và dấu hiệu của tổn thương hệ thống các cơ quan khác, hầu hết thường là gan và thận. Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ ở những người huyết áp trước đó hoàn toàn bình thường.
1. Tổng quan tiền sản giật
Nếu không điều trị, tiền sản giật có thể rất nguy hiểm thậm chỉ tử vong, biến chứng nặng nề cho cả mẹ và thai nhi. Phương án điều trị hữu hiệu nhất của tiền sản giật là ngừng giai đoạn thai kỳ. Thậm chí sau khi sinh, vẫn có thể cần một thời gian ngắn trước khi sản phụ bắt đầu cải thiện.
Nếu bạn được chẩn đoán tiền sản giật ở tuần thai quá sớm để có thể kết thúc thai kỳ, bạn và bác sĩ sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ hết sức nặng nề. Thai nhi cần nhiều thời gian hơn để trưởng thành, nếu bạn không muốn để bạn hoặc con của bạn có nguy cơ biến chứng nặng nề. Tiền sản giật sau sinh rất hiếm khi xảy ra.
2. Triệu chứng tiền sản giật
Đôi khi tiền sản giật tiến triển mà không có triệu chứng. Cao huyết áp có thể tiến triển một cách từ từ, hoặc có đột ngột. Theo dõi huyết áp thai kỳ mà một phần vô cùng quan trọng trong theo dõi thai nghén, vì dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật thường là tăng huyết áp. Huyết áp được gọi là tăng khi huyết áp tâm thu trên 140 mmHg hoặc/và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg. Được ghi nhận tối thiểu ở hai thời điểm cách nhau tối thiểu 4 giờ.
Các dấu hiệu khác của tiền sản giật bao gồm:
- Xuất hiện protein niệu hoặc các dấu hiệu khác của bệnh thận
- Đau đầu dữ dội
- Thay đổi thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng
- Đau bụng thượng vị hoặc hạ sườn phải
- Buồn nôn hoặc nôn
- Giảm lượng nước tiểu
- Giảm tiểu cầu
- Tổn thương chức năng gan
- Khó thở (do dịch trong phổi)
Tăng cân và phù đặc biệt ở mặt, tay, có thể xảy ra ở người bị tiền sản giật nhưng cũng có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai bình thường do đó không phải là dấu hiệu đặc hiệu để nhận biết tiền sản giật.
3. Nguyên nhân gây tiền sản giật
Nguyên chân chính xác gây nên tiền sản giật chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên thường liên quan đến một số yếu tố. Các chuyên gia cho rằng xuất phát bắt đầu từ bánh rau phần để nuôi dưỡng thai nhi. Trong giai đoạn sớm của thai kỳ mạch máu mới phát triển và cung cấp hiệu quả đến bánh rau.
Ở phụ nữ tiền sản giật những mạch máu này không phát triển một cách phù hợp cả về giải phẫu và chức năng, chúng hẹp hơn và phản ứng với các hormone khác so với những mạch máu thông thường làm giảm lượng máu có thể đi qua chúng.
Những nguyên nhân dẫn tới sự bất thường này bao gồm:
- Tưới máu cho tử cung không thỏa đáng
- Tổn thương các mạch máu
- Bất thường hệ miễn dịch
- Do Genes
4. Các rối loạn tăng huyết áp khác trong giai đoạn mang thai
Tiền sản giật được xếp là một trong 4 loại tăng huyết áp trong quá trình mang thai, ba loại khác bao gồm:
- Tăng huyết áp thai kỳ: Phụ nữ có tình trạng tăng huyết áp trong giai đoạn mang thai nhưng không có Protein niệu hoặc tổn thương tạng khác. Một số phụ nữ có tăng huyết áp trong giai đoạn mang thai có thể phát triển đến tiền sản giật.
- Tăng huyết áp mạn tính: Tăng huyết áp xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Nhưng vì tăng huyết áp thường không có triệu chứng nên khó để xác định được thời gian bắt đầu tăng huyết áp (trừ những trường hợp theo dõi sức khỏe định kỳ).
- Tiền sản giật trên nền người tăng huyết áp mạn tính: Người bệnh đã được chẩn đoán tăng huyết áp trước khi mang thai, nhưng sau đó tiến triển nặng hơn và có protein niệu hoặc những biến chứng sức khỏe khác trong khi mang thai.
5. Yếu tố nguy cơ gây tiền sản giật
Tiền sản giật là một biến chứng của thai kỳ, yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Tiền sử bị tiền sản giật: Tiền sử gia đình hoặc bản thân bị tiền sản giật trước đây
- Tăng huyết áp mạn tính: những người bị tăng huyết áp mạn tính có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn những người bình thường gấp 5 lần
- Mang thai lần đầu
- Mang thai với nhiều bạn tình khác: Mỗi một lần mang thai với người bạn tình khác nhau sẽ tăng nguy cơ tiền sản giật hơn so với lần mang thai thứ hai, thứ ba với cùng một người
- Tuổi: Với phụ nữ trên 35 tuổi, nguy cơ sẽ cao hơn so với phụ nữ trẻ tuổi.
- Chủng tộc: Người da đen thường nguy cơ cao hơn
- Béo phì
- Đa thai
- Khoảng cách giữa các lần mang thai: Lần mang thai tiếp theo dưới hai năm hoặc trên 10 năm làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Tiền sử một số bệnh: Tăng huyết áp, đái tháo đường, đau đầu migraine, bệnh thận, những bệnh có thể hình thành cục máu đông, lupus làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật
- Thụ tinh trong ống nghiệm
6. Biến chứng tiền sản giật
Tiền sản giật xuất hiện càng sớm ở giai đoạn thai kỳ thì nguy cơ sẽ càng cao. Tiền sản giật có thể cần phải dừng thai kỳ để điều trị.
Trong một số trường hợp để điều trị có thể cần phải mổ lấy thai càng sớm càng tốt. hoặc có thể đẻ thường ở một số trường hợp.
Biến chứng của tiền sản giật có thể bao gồm:
- Hạn chế sự phát triển của thai nhi: Tiền sản giật ảnh hưởng máu tới bánh rau nuôi thai. Dẫn đến thai chậm lớn, nhẹ cân hoặc sinh non.
- Sinh non: Nếu bị tiền sản giật nặng, có thể phải dừng thai kỳ sớm để cứu cả mẹ và con. Ảnh hưởng đến khả năng thở và các vấn đề khác của trẻ, nên giai đoạn phù hợp để dừng thai kỳ là vô cùng quan trọng.
- Rách bánh rau: Tiền sản giật làm tăng nguy cơ rách tổn thương bánh rau. Làm tăng nguy cơ chảy máu, đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
- Hội chứng HELLP: Là viết tắt của tan máu, tăng men gan, giảm tiểu cầu là một hội chứng nặng hơn tiền sản giật có thể đe dọa tính mạng của mẹ và con.
- Co giật: Khi tiền sản giật không được điều trị sẽ dẫn đến sản giật, khó dự đoán tiền sản giật nặng cỡ nào có thể dẫn đến giật.
- Tổn thương tạng khác: Có thể gây tổn thương thận, gan, phổ, tim, hoặc mắt và có thể gây đột quỵ hay tổn thương khác của hệ thần kinh.
- Các bệnh lý tim mạch: Tiền sản giật làm tăng nguy cơ đến các bệnh lý tim và mạch máu trong tương lai. Để giảm nguy cơ này cần phải duy trì cân nặng lý tưởng, không hút thuốc, tập luyện thường xuyên, chế độ ăn nhiều rau và hoa quả.
7. Dự phòng tiền sản giật
Rất nhiều nghiên cứu đang thực hiện để ngăn ngừa tiền sản giật, chưa có chiến lược nào có hiệu quả rõ ràng được thống nhất. Ăn ít muối, thay đổi hoạt động, hạn chế năng lượng hay ăn các dầu cá, tỏi không làm giảm nguy cơ. Tăng sử dụng vitamin C hay E cũng không cho thấy có lợi ích.
Một số nghiên cứu được công bố liên quan đến sự thiếu hụt vitamin D và tăng nguy cơ tiền sản giật. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D làm giảm nguy cơ tiền sản giật, một số nghiên cứu khác lại không cho thấy được sự liên quan.
Trong một số trường hợp, có thể giảm nguy cơ tiền sản giật với:
- Liều thấp aspirin: Nếu bạn có những yếu tố nguy cơ bị tiền sản giật như tiền sử mắc bệnh, đa thai, tăng huyết áp mạn, bệnh thận, đái tháo đường, bệnh tự miễn, bạn có thể được bác sĩ chỉ định dùng liều thấp aspirin (81 mg) sau tuần thứ 12 của thai kỳ.
- Bổ sung calcium: Ở một số quần thể, phụ nữ thiếu calci ngay cả trước mang thai. Và bổ sung calci có thể giảm nguy cơ tiền sản giật. Tuy nhiên ở một số quần thể khác như Mỹ hay một số nước phát triển lại không có nhiều sự liên quan.
Không sử dụng bất kỳ thuốc, vitamin hay chất bổ nào mà không có sự khuyến cáo của bác sĩ.
Trước khi mang thai, đặc biệt khi bạn đã có tiền sử tiền sản giật, bạn phải giữ sức khỏe thật tốt, giảm cân nếu cần và phải chuẩn bị ở điều kiện thật tốt khi bạn bị các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, lupus.
Khi bạn mang thai phải được chăm sóc thật tốt, quản lý thai nghén chặt chẽ. Phối hợp và cùng thảo luận với bác sĩ để có thể có lựa chọn quyết định chính xác nhất, tốt nhất cho cả mẹ và bé.
8. Khi nào bạn đang trong tình trạng nguy hiểm?
Đến khoa cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có biểu hiện đau đầu dữ dội, nhìn mờ hoặc rối loạn thị lực khác, đau bụng nhiều, khó thở..
Tiền sản giật là một trong những biến chứng của thai kỳ đặc trưng bởi huyết áp cao và có dấu hiệu tổn thương hệ thống cơ quan khác, thường là gan và thận. Việc khám thai định kỳ là vô cùng quan trọng để phát hiện các dấu hiệu của tiền sản giật, bởi nếu chỉ theo dõi bằng cảm quan thông thường, rất dễ nhầm lẫn tiền sản giật với các biểu hiện thông thường khi mang thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.