Methyldopa 250 mg là thuốc điều trị tăng huyết bằng cách tác động trực tiếp lên hệ thần kinh giao cảm. Đây là lựa chọn đầu tay để điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ trong giai đoạn mang thai. Thông tin về liều dùng, cách sử dụng và những lưu ý quan trọng về thuốc Methyldopa 250mg sẽ có trong bài viết sau.
1. Công dụng thuốc Methyldopa 250mg
Thuốc Methyldopa có thành phần chính là Methyldopa 250mg, được bào chế dưới dạng viên nén, đóng gói hộp 10 vỉ x 10 viên.
Cơ chế tác dụng hạ áp của Methyldopa là nhờ cấu trúc liên quan đến các Catecholamin và tiền chất của chúng. Methyldopa khi được hấp thu vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành alpha - methyl norepinephrine ở hệ thống thần kinh trung ương. Alpha - methyl norepinephrine kích thích các thụ thể a – adrenergic, từ đó làm giảm trương lực giao cảm và gây hạ huyết áp. Chính vì sự ức chế lên trương lực giao cảm, Methyldopa được coi là thuốc liệt giao cảm có tác động trung ương.
Bên cạnh đó, tác dụng hạ áp của Methyldopa còn nhờ khả năng ảnh hưởng lên hoạt tính của renin trong huyết tương cũng như làm giảm nồng độ các hoạt chất co mạch gây tăng huyết áp như Serotonin, Dopamin, Norepinephrin và Epinephrin trong các mô.
Methyldopa tác động trực tiếp lên thần kinh trung ương nên không có ảnh hưởng đến chức năng thận và tim. Trong một số trường hợp, có thể thấy nhịp tim chậm lại, tuy nhiên cung lượng thận và độ lọc của cầu thận thường không bị ảnh hưởng, nên ở những người bị suy thận tác dụng giảm huyết áp vẫn được duy trì.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Methyldopa 250 mg
2.1 Chỉ định
- Methyldopa 250 được chỉ định trong các trường hợp tăng huyết áp.
- Thuốc có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các nhóm thuốc hạ áp khác như: Lợi tiểu Thiazid, Amilorid hoặc nhóm chẹn beta.
- Ở phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ hoặc tăng huyết áp mạn tính đang trong thời kỳ mang thai: Methyldopa là thuốc hạ áp đầu tay được chỉ định vì tính an toàn và ít ảnh hưởng lên lượng máu tưới bánh nhau.
2.2 Chống chỉ định
Thuốc Methyldopa 250 không được sử dụng trong những trường hợp:
- Bệnh nhân có bệnh gan đang hoạt động như xơ gan đang tiến triển hoặc viêm gan cấp.
- Người có tiền sử rối loạn chức năng gan do điều trị bằng Methyldopa trước đây.
- Người bị u tế bào ưa Crôm.
- Bệnh nhân đang sử dụng các thuốc ức chế MAO.
- Người quá mẫn với Methyldopa hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc;
3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Methyldopa 250 mg
Cách sử dụng: Thuốc Methyldopa được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống toàn bộ viên Methyldopa 250mg, không nên nhai, bẻ, nghiền nát vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Thuốc có thể được sử dụng vào thời gian bất kỳ trong ngày, nhưng thường bắt đầu uống vào buổi tối để giảm thiểu các tác dụng an thần.
Liều dùng:
Người lớn:
- Liều khởi đầu: 250mg/ lần x 2 - 3 lần/ngày. Điều trị trong 2 ngày đầu.
- Theo dõi đáp ứng của mỗi người bệnh để điều chỉnh liều, lưu ý thời gian giữa hai lần điều chỉnh ít nhất là 2 ngày.
- Liều duy trì: 0,5 - 2g/ ngày, chia 2 - 4 lần.
- Liều tối đa không dùng quá 3g/ ngày. Nếu không khởi trị bằng lợi tiểu Thiazid hoặc nếu sử dụng đơn độc không đạt hiệu quả với liều 2g/ ngày thì nên dùng phối hợp thêm Thiazid để tăng hiệu quả điều trị.
Người lớn tuổi:
- Liều khởi đầu: 125mg/ lần x 2 lần/ ngày
- Có thể liều có thể tăng dần theo đáp ứng của bệnh nhân.
- Liều tối đa không quá 2g/ ngày.
Trẻ em:
- Liều khởi đầu: 10mg/ kg/ ngày x 2 - 4 lần uống.
- Liều tối đa không quá 65mg/ kg hoặc 3g/ ngày.
4. Tác dụng phụ của thuốc Methyldopa 250 mg
Người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn trong thời gian sử dụng thuốc Methyldopa 250 như:
- Toàn thân: Mệt mỏi, chóng mặt, sốt, đau đầu (có thể gặp lúc mới điều trị).
- Thần kinh trung ương: Tác dụng an thần, buồn ngủ, giảm sự nhạy bén trí tuệ và dị cảm.
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, khô miệng và tiêu chảy.
- Tim mạch: Phù, hạ huyết áp khi đứng, hạ huyết áp tư thế. Hiếm gặp: Đau thắt ngực, suy tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và hội chứng suy nút xoang.
- Nội tiết: Suy giảm ham muốn tình dục. Có thể gặp vô kinh, tăng tiết sữa, vú to ở đàn ông nhưng thường hiếm.
Nếu trong quá trình điều trị bằng thuốc Methyldopa 250 người bệnh gặp các triệu chứng trên cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử trí.
5. Tương tác của thuốc Methyldopa 250 mg
Methyldopa 250 có thể tương tác nếu dùng đồng thời với những thuốc và chất sau:
- Các nhóm thuốc hạ áp khác: Có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp gây ra các phản ứng bất lợi.
- Thuốc ức chế Monoamin oxydase (MAO): Nếu sử dụng cùng Methyldopa có thể gây hạ huyết áp quá mức.
- Thuốc gây mê: Tăng tác dụng gây mê, vì vậy phải giảm liều của thuốc gây mê ở bệnh nhân đang sử dụng Methyldopa.
- Lithi: sử dụng đồng thời với Methyldopa có khả năng làm tăng độc tính của Lithium.
- Thuốc bổ máu có chứa sắt: làm giảm nồng độ Methyldopa trong huyết tương từ đó làm giảm hiệu quả điều trị.
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc thuốc kích thích thần kinh trung ương: đối kháng với tác dụng hạ huyết áp, dẫn đến giảm tác dụng của Methyldopa và mất sự kiểm soát huyết áp.
- Thuốc tránh thai uống: Giảm tác dụng kiểm soát huyết áp và làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu.
6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Methyldopa 250 mg cho các đối tượng
Thận trọng khi sử dụng thuốc Methyldopa 250 mg cho các đối tượng sau:
- Tiền sử bệnh gan hoặc đang có các rối loạn chức năng gan;
- Tiền sử thiếu máu tan máu;
- Suy thận nặng;
- Xơ vữa mạch máu;
- Trầm cảm, rối loạn tâm thần;
- Bệnh Parkinson;
- Rối loạn chuyển hóa Porphyrin;
- Người dùng Methyldopa 250 cần thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc vì thuốc có thể gây các triệu chứng buồn ngủ, chóng mặt và mệt mỏi;
- Thuốc Methyldopa 250 thường được sử dụng cho phụ nữ có thai bị tăng huyết áp, tuy nhiên chỉ sử dụng sau khi đã đánh giá cẩn thận các mặt lợi hại;
- Không sử dụng thuốc Methyldopa cho người đang cho con bú vì thuốc bài tiết vào sữa mẹ gây nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh ở liều thường dùng.
7. Xử trí khi quá liều thuốc Methyldopa 250 mg
Triệu chứng khi quá liều Methyldopa 250: Hạ huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh (mạch chậm, an thần quá mức), rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, táo bón và tiêu chảy).
Xử trí:
Khi dùng Methyldopa 250 quá liều, người bệnh cần dừng thuốc ngay và đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Người bệnh được điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
Điều trị hỗ trợ: Tiến hành rửa dạ dày hoặc gây nôn để hạn chế sự hấp thu thuốc. Nếu thuốc đã được hấp thu thì sử dụng truyền dịch để tăng đào thải thuốc qua nước tiểu.
Điều trị triệu chứng giao cảm: Có thể sử dụng các thuốc Epinephrin, Metaraminol và Levarterenol.
Trên đây là toàn bộ thông tin về công dụng thuốc Methyldopa 250, liều dùng và lưu ý quan trọng khi sử dụng. Methyldopa 250 là thuốc kê đơn, người bệnh chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc.