Tiêm vắc-xin phòng lao cho trẻ khi nào là an toàn?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa.

Tiêm vắc-xin lao cho bé đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để phòng ngừa bệnh hiệu quả, tránh được những biến chứng nặng của bệnh như tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi hoặc ho ra máu,...

1. Sơ lược về bệnh lao

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis - MTB) gây ra. Đây là loại vi khuẩn có thể lây truyền qua đường không khí (hít chung bầu không khí với người bệnh lao sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh). Bệnh lao có thể gặp ở mọi cơ quan trên cơ thể, trong đó lao phổi là phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% trong tổng số các ca bệnh) và cũng là nguồn lây chính.

Triệu chứng điển hình của bệnh lao phổi là ho kéo dài, đau ngực, khó thở, ho ra máu, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm vào ban đêm,... Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây ra một số biến chứng nặng như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, ho ra máu,... thậm chí tử vong.

Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh lao là rất quan trọng. Từ năm 1981 đến nay, tiêm vắc-xin phòng lao (BCG) cho trẻ sơ sinh đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để giúp trẻ phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, tránh được nguy cơ tử vong.


Bệnh lao phổi là phổ biến nhất và cũng là nguồn lây chính trên cơ thể
Bệnh lao phổi là phổ biến nhất và cũng là nguồn lây chính trên cơ thể

2. Nên tiêm vắc-xin lao cho trẻ khi nào an toàn?

Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng vắc-xin phòng lao BCG để tiêm phòng cho trẻ. Đây là một loại vắc-xin sống giảm độc lực được sản xuất từ chủng vi khuẩn của Calmette – Guerin.

2.1 Thời điểm tiêm vắc-xin lao cho trẻ

Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm vắc-xin BCG cho trẻ trong vòng 1 tháng đến 1 năm sau sinh, trẻ có cân nặng trên 2kg. Thực tế, với những trẻ sinh ra có sức khỏe tốt, phát triển ổn định và không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt thì thường được chỉ định tiêm phòng lao càng sớm càng tốt, thường trong vòng 30 ngày đầu sau sinh. Việc chậm trễ tiêm vắc-xin phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn so với trẻ đã được tiêm.

Đối với những trẻ trên 1 tuổi, việc tiêm vắc-xin phòng lao chỉ có tác dụng phòng bệnh nếu cơ thể trẻ chưa bị nhiễm vi khuẩn lao. Với các trường hợp đã xác định chính xác trẻ bị nhiễm lao thì việc tiêm phòng là không cần thiết và nên thận trọng bởi nguy cơ phản ứng phụ sau tiêm khá lớn.

Trẻ trên 1 tuổi và người lớn có nguy cơ mắc bệnh lao có thể tiêm chủng trong một số trường hợp đặc biệt hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

2.2 Hoãn tiêm vắc-xin lao khi nào?

  • Hoãn tiêm vắc-xin phòng lao với những trường hợp trẻ đang bị sốt cao, nhiễm khuẩn cấp, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch nặng hoặc trẻ bị thiếu cân (dưới 2kg);
  • Với trẻ sinh non hoặc trẻ có vấn đề về sức khỏe, cần theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Chờ tới khi trẻ có thể trạng tốt thì tiêm vắc-xin lao càng sớm càng tốt.

Trẻ sinh non cần đợi khi thể trạng tốt lên mới có thể tiến hành tiêm phòng lao
Trẻ sinh non cần đợi khi thể trạng tốt lên mới có thể tiến hành tiêm phòng lao

2.3 Các phản ứng sau khi tiêm vắc-xin lao cho trẻ

  • Ngay sau tiêm vắc-xin phòng lao, tại vết tiêm sẽ xuất hiện một nốt đỏ nhỏ và biến mất sau 30 phút đến 1giờ.
  • Trong 24 giờ sau tiêm vắc-xin lao BCG có thể có biểu hiện sưng, áp xe tại chỗ, có thể kèm theo sốt nhẹ. Các triệu chứng này thường tự khỏi trong 1 - 3 ngày sau tiêm mà không cần phải điều trị gì.
  • Sau 2 tuần đến 2 tháng, có trường hợp lâu hơn, tại vết tiêm xuất hiện đỏ da, hóa mủ trắng, mụn mủ tự vỡ tạo vết loét tại vùng tiêm, kéo dài khoảng 2 tuần. Sau đó, vết loét tự lành và để lại một vết sẹo nhỏ khoảng 3-5mm. Quá trình này đồng nghĩa với việc cơ thể trẻ đã có miễn dịch với vi khuẩn lao.
  • Một số trường hợp trẻ bị nổi hạch ở nách trái, vùng cổ và thượng đòn trái, hạch mềm, di động, bị sưng trong vài tháng sau tiêm rồi tự hết.
  • Có trường hợp trẻ bị sốt sau tiêm. Với trẻ bị sốt nhẹ, cha mẹ nên lau người bé bằng nước ấm, cho uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn uống bình thường.

Rất hiếm khi xảy ra phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin BCG. Chỉ có 1/1.000.000 trường hợp bị nhiễm lao sau tiêm phòng lao và thường gặp ở người bị nhiễm HIV hoặc bị thiếu hụt miễn dịch nặng. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên chủ quan.

2.4 Chú ý khi cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng lao

  • Trước khi đưa trẻ đi tiêm không nên cho trẻ ăn hoặc bú quá no, cũng không nên để trẻ đói.
  • Nên cho trẻ mặc trang phục đơn giản để bác sĩ dễ dàng thao tác trong quá trình thăm khám và tiêm. Không nên để bé mặc quần áo quá chật, quá bó hoặc bị ủ ấm quá nhiều.
  • Trẻ sau khi tiêm phòng lao không cần kiêng tắm nên cha mẹ có thể vệ sinh thân thể bé sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Tuy nhiên cha mẹ tuyệt đối không chườm, đắp hay bôi gì lên chỗ tiêm.
  • Sau khi tiêm nếu thấy có các hiện tượng nhiễm trùng toàn thân hay viêm sưng mủ quá to tại vết tiêm, sốt cao, sưng hạch, cần cho trẻ đi khám ngay bác sĩ chuyên khoa, không tự ý xử lý và điều trị.

Tiêm vắc-xin lao cho trẻ đúng thời điểm là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bé, tránh được nguy cơ mắc bệnh lao trong tương lai. Khi đi tiêm vacxin lao cho trẻ, phụ huynh cần theo dõi liên tục cơ thể trẻ trong 1-3 ngày đầu sau tiêm để phát hiện kịp thời các vấn đề xảy ra như sốt, nhiễm trùng vết tiêm, sưng mủ...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe