Thuốc tiêm khớp gối và những điều cần biết về phương pháp này

Thuốc tiêm khớp gối tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn để chúng ta hiểu rõ về các loại thuốc này.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Hoàng Xuân Hùng, chuyên ngành Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Nha Trang.

1. Điều trị đau khớp bằng biện pháp tiêm khớp gối

Trong quá trình điều trị thoái hóa, viêm khớp gối, có một số trường hợp vật lý trị liệu và thuốc giảm đau không có tác dụng giảm cơn đau cho người bệnh. Khi đó, bác sĩ có thể đề nghị tiêm khớp gối - tức là tiêm thuốc trực tiếp vào phần khớp bị viêm. Điều này sẽ giúp người bệnh giảm đau khi bắt đầu quá trình vật lý trị liệu hoặc những bài tập tăng cường cơ bắp hỗ trợ đầu gối.


Tiêm khớp gối là một biện pháp điều trị đau khớp phổ biến
Tiêm khớp gối là một biện pháp điều trị đau khớp phổ biến

Thuốc tiêm khớp gối cũng có khá nhiều loại với những tác dụng khác nhau. Một số loại làm giảm viêm và giảm đau, số khác giảm đau và phục hồi các mô mềm bị tổn thương. Do đó, tùy vào chỉ định của bác sĩ mà người bệnh có thể tiến hành tiêm khớp gối hay không. Để phát huy tối đa tác dụng, Bác sĩ thường sử dụng các phương pháp cận lâm sàng như X-quang, siêu âm, CT scanner hay đôi khi MRI để xác đinh mực ddoojo tổn thương và vị trí cần can thiệp.

2. Các loại thuốc tiêm khớp gối phổ biến

2.1. Tiêm Corticosteroid

Corticosteroid là một nhóm thuốc chống viêm mạnh, thường được dùng trong các trường hợp điều trị xương khớp, đặc biệt là dùng tiêm khớp gối. Việc tiêm trực tiếp Corticosteroid vào khớp gối có thể mang lại hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng hơn so với các loại thuốc dạng uống như NSAID, aspirin... Thông thường, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ thuốc tê kèm corticosteroid vào trước. Thuốc tê giúp giảm đau tức thì ở đầu gối, điều này cũng là một thông tin chẩn đoán quan trọng - nếu thuốc tê giảm đau, các bác sĩ có thể loại trừ các nguyên nhân gây khó chịu khác, chẳng hạn như căng cơ.

Thuốc tê sẽ hết tác dụng vài giờ sau khi tiêm, còn corticosteroid sẽ bắt đầu có tác dụng từ hai đến ba ngày sau đó. Việc tiêm corticosteroid sẽ giúp giảm đau trong nhiều tháng, nhưng cũng có trường hợp không có tác dụng.

Tuy vậy, bác sĩ thường chỉ giới hạn tiêm corticosteroid hai đến ba mũi mỗi năm. Lý do là vì loại thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ như làm suy yếu các mô mềm ở đầu gối ( giảm sinh tổng hợp Collagen) đổi màu da tại vị trí tiêm. Ngoài ra, corticosteroid còn có thể làm tăng lượng đường trong máu.

2.2. Thuốc tiêm khớp gối Axit Hyaluronic

Trong khớp gối có một lượng chất lỏng như gel được gọi là dịch khớp. Chất lỏng này chứa hoạt chất Axit Hyaluronic có tác dụng làm đệm và bôi trơn khớp trong quá trình hoạt động. Thành phần này có khả năng bị phân hủy khi tuổi cao, khiến cho chất lỏng hoạt dịch trở nên mỏng hơn và kém hiệu quả hơn.

Bác sĩ có thể tiến hành tăng liều lượng Axit Hyaluronic bằng cách tiêm vào khớp gối, qua đó giúp cải thiện chức năng cho khớp và giảm đau trong thời gian dài. Thông thường, bác sĩ có thể đề nghị tiêm một lần một tuần hoặc ba mũi tiêm một lần mỗi tuần. Có thể sẽ phải mất vài tuần để cảm nhận được sự cải thiện triệu chứng đau xương khớp.


Thuốc tiêm khớp gối Axit Hyaluronic giúp cải thiện chức năng khớp và giảm đau trong thời gian dài.
Thuốc tiêm khớp gối Axit Hyaluronic giúp cải thiện chức năng khớp và giảm đau trong thời gian dài.

2.3. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là bao gồm các tiểu cầu được lấy từ máu người bệnh. Tiểu cầu giúp các mô lành lại sau chấn thương bằng cách giải phóng những chất được gọi là yếu tố tăng trưởng, kích thích quá trình hồi phục.

Với loại thuốc tiêm khớp gối này, bác sĩ sẽ trích một phần máu từ tĩnh mạch trên cánh tay, sau đó dùng máy ly tâm tách tiểu cầu và các yếu tố tăng trưởng ra khỏi những thành phần máu khác. Sau đó, bác sĩ tiêm chất lỏng giàu tiểu cầu này (Huyết tương) trực tiếp vào khớp gối.

2.4. Tiêm tế bào gốc

Tế bào gốc có khả năng phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào khác, bao gồm cả những tế bào giúp sửa chữa các mô bị tổn thương. Khi được tiêm vào khớp gối, tế bào gốc có thể thúc đẩy sụn bị tổn thương tái phát triển và phục hồi. Ngoài ra, loại thuốc tiêm khớp gối đặc biệt này cũng có khả năng làm giảm viêm.

Bác sĩ thường sẽ lấy những tế bào gốc này từ tủy xương ở xương chậu. Sau khi tế bào gốc được tách ra khỏi máu và các chất khác trong tủy xương, sẽ được tiêm trực tiếp vào đầu gối. Liệu pháp này không mang lại kết quả ngay lập tức vì cần thời gian để các mô bị tổn thương lành lại. Thông thường, người bệnh sẽ cải thiện triệu chứng sau hai đến sáu tuần.

3. Một số lưu ý sau khi dùng thuốc tiêm khớp gối

Những loại tiêm khớp gối khác nhau sẽ có những lưu ý khác nhau. Đối với tiêm corticosteroid hay hyaluronic acid, người bệnh thường được khuyên chườm đá lạnh hai đến ba lần một ngày hoặc dùng thuốc không kê đơn để giảm đau, giảm sưng khi vị trí tiêm bị sưng, đau. Hoạt động mạnh như chạy bộ cũng nên hạn chế trước khi thấy triệu chứng được cải thiện.

Với trường hợp dùng thuốc tiêm khớp gối dạng sinh học như PRP hoặc tế bào gốc, tránh dùng các loại thuốc chống viêm như Ibuprofen trong vòng 4 đến 6 tuần. Phương pháp này thường kích thích phản ứng viêm trên cơ thể nên nhiều bệnh nhân phải tìm đến thuốc giảm viêm. Có thể dùng Acetaminophen và chườm lạnh 15 phút mỗi lần, ba lần một ngày. Ngoài ra, còn phải tái khám sau hai hoặc ba tuần để đánh giá quá trình phục hồi và cải thiện sau tiêm.


Bệnh nhân đau khớp gối nên tái khám hai đến ba tuần sau khi tiêm thuốc
Bệnh nhân đau khớp gối nên tái khám hai đến ba tuần sau khi tiêm thuốc

4. Một số biến chứng có thể xảy ra

Mọi phương pháp điều trị bệnh đều có khả năng xảy ra biến chứng. Đối với trường hợp sử dụng thuốc tiêm khớp gối, người bệnh có thể gặp phải một vài biến chứng như:

  • Nhiễm khuẩn: Bị sốt, tràn dịch và sưng, đau ở vị trí được tiêm. Thông thường sẽ sử dụng kháng sinh.
  • Teo da, mất sắc tố da: Một loại biến chứng muộn, thường xử lý bằng cách giữ cho thuốc không trào ra khỏi vị trí tiêm.
  • Tai biến: Biến chứng hiếm gặp, gây ra tình trạng choáng váng, ho khan, tức ngực, khó thở, ... Lúc này cần đặt đầu bệnh nhân thấp, giơ cao chân. Bác sĩ sẽ theo dõi mạch và huyết áp để cấp cứu khi cần thiết.

Tóm lại, phương pháp tiêm khớp gối mắc dù có tính hiệu quả cao nhưng không phải dành cho tất cả mọi trường hợp và có thể có biến chứng đi kèm. Do đó tùy vào mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát mà bác sĩ có thể chỉ định tiêm khớp gối hoặc phải sử dụng biện pháp điều trị khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe