Được mệnh danh là hơi thở của quỷ, thuốc scopolamine có thể khiến người ta rơi vào trạng thái thôi miên, được coi là dược phẩm đáng sợ trong các hoạt động phạm tội. Vậy thuốc Scopolamine là gì? Thuốc Scopolamine chống chỉ định với ai?
1.Thuốc scopolamine là gì?
Thuốc scopolamine là gì? Thuốc scopolamine thuộc nhóm hướng tâm thần kháng cholinergic. Có các tác dụng làm chậm co bóp dạ dày và ruột, làm giảm tiết dịch, giảm giãn nở đồng tử.
2.Chỉ định sử dụng của thuốc Scopolamine là gì?
Scopolamine được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Say tàu xe: làm giảm cảm giác buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt
- Dùng cho bệnh nhân buồn nôn, nôn sau gây mê và phẫu thuật (PONV).
- Trong phẫu thuật: để ức chế tiết dịch.
- Bệnh Parkinson.
- Tình trạng co cứng cơ.
- IBS – hội chứng ruột kích thích.
- Viêm ruột thừa.
3. Cách sử dụng thuốc Scopolamine hiệu quả
3.1 Cách dùng Scopolamine ở người lớn
- Điều trị buồn nôn/nôn mửa: thường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, hoặc tiêm dưới da 0,3-0,65 mg, mỗi 6 - 8 tiếng nếu cần thiết.
- Chống buồn nôn và nôn mửa sau phẫu thuật: dán miếng dán scopolamine 1,5 mg thẩm thấu qua da ở sau tai vào buổi tối trước ngày dự kiến phẫu thuật và giữ miếng dán trong 24 giờ sau khi phẫu thuật trước khi vứt bỏ.
- Trước phẫu thuật mổ lấy thai ở sản phụ, dán miếng dán vào 1 giờ trước thời gian phẫu thuật để hạn chế phơi nhiễm cho trẻ.
- Say tàu xe: Dán một miếng dán scopolamine 1,5 mg thẩm thấu qua da ở sau tai ít nhất 4 tiếng trước khi lên tàu xe, vì mỗi miếng dán Scopolamine có thể cung cấp in vivo khoảng 1mg Scopolamine trong 72 giờ nên nếu cần thiết bạn có thể thay miếng mới sau thời gian này.
- Điều trị Parkinson: 0,4-0,8 mg/8 giờ khi cần.
3.2 Cách dùng Scopolamine ở trẻ em
- Buồn nôn/nôn mửa: Với trẻ từ 1 đến 12 tuổi: tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, hoặc tiêm dưới da 6 mcg/kg/liều mỗi 6-8 giờ khi cần, (liều tối đa có thể sử dụng là: 0,3 mg/liều).
- Say tàu xe: giống người lớn
4. Thuốc scopolamine chống chỉ định với ai?
4.1 Chống chỉ định tuyệt đối với ai?
Với người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Scopolamine hoặc các thuốc kháng cholinergic đã biết. Bạn nên báo ngay với bác sĩ về tiền sử này của mình hoặc có các phản ứng dị ứng trong quá trình sử dụng thuốc.
4.2. Chống chỉ định tương đối
Người có các bệnh về mắt, tăng nhãn áp: Scopolamine có thể gây liệt cơ thể mi mắt, giãn đồng tử và dẫn đến tăng nhãn áp. Theo dõi bệnh nhân tăng nhãn áp góc mở và điều chỉnh lại liệu pháp điều trị tăng nhãn áp trong quá trình sử dụng Scopolamine khi cần thiết. Bạn nên tháo ngay miếng dán và đến cơ sở y tế khi gặp các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính như: đau mắt hoặc khó chịu, nhìn mờ, quầng sáng hoặc hình ảnh có màu liên quan đến mắt đỏ do xung huyết kết mạc và phù giác mạc). Tác dụng kháng cholinergic của scopolamine có thể làm cho mắt bị khô. Điều này có thể gây ra cảm giác khó chịu trong mắt hoặc mờ mắt cho người đeo kính áp tròng.
Người mắc các bệnh đường tiêu hóa: Thuốc Scopolamine nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa (GI), bao gồm hẹp môn vị, tắc nghẽn đường tiêu hóa, viêm loét đại tràng nặng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc thoát vị khe hoành liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản. Scopolamine làm giảm nhu động đường tiêu hóa và có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng này. Trong quá trình điều trị bằng scopolamine ở những bệnh nhân mắc các tình trạng này sẽ được theo dõi thường xuyên để ngăn xảy ra tình trạng không mong muốn.
Người bị hen suyễn, COPD: Scopolamine nên được sử dụng thận trọng cho bệnh nhân hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) vì tác dụng của nó trên cơ trơn phế quản và các tuyến bài tiết của phế quản.
Người mắc bệnh tim mạch: Scopolamine nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân bị bệnh tim, bao gồm nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, suy tim sung huyết và tăng huyết áp. Thuốc có thể làm tăng nhịp tim và tăng loạn nhịp tim bằng cách ngăn chặn sự ức chế phế vị của nút xoang. Scopolamine nên được sử dụng thận trọng cho bệnh nhân cường giáp, vì những bệnh nhân này có thể có nhiều nguy cơ bị các tác dụng phụ, đặc biệt là ở tim
Người mắc các bệnh lý thần kinh: Scopolamine nên được sử dụng thận trọng cho bệnh nhân nhược cơ hoặc bệnh của hệ thần kinh tự chủ, vì thuốc cạnh tranh với một lượng nhỏ acetylcholine có khả năng hoạt động trong cơ thể. Thuốc Scopolamine cũng có thể làm nặng thêm chứng loạn thần. Ở bệnh nhân lớn tuổi có sa sút trí tuệ scopolamine có thể làm nặng hơn bệnh lý này. Ngoài ra, scopolamine còn gây buồn ngủ, chóng mặt và mất phương hướng.
Scopolamine nên được sử dụng thận trọng cho bệnh nhân co giật. Động kinh và hoạt động giống như động kinh đã được báo cáo ở những bệnh nhân dùng scopolamine. Cân nhắc nguy cơ tiềm ẩn so với lợi ích trước khi kê đơn scopolamine cho bệnh nhân có tiền sử động kinh, bao gồm cả những người đang dùng thuốc chống động kinh hoặc những người có các yếu tố nguy cơ có thể làm giảm ngưỡng co giật.
Người bệnh tiết niệu: Ở người mắc các vấn đề tiểu tiện như phì đại tuyến tiền liệt, tắc nghẽn đường tiết niệu, hoặc có nguy cơ bí tiểu do phì đại tiền liệt tuyến nên thận trọng khi sử dụng, vì nó có thể gây bí tiểu do tác dụng antimuscarinic trên niệu quản và bàng quang. Các bác sĩ sẽ theo dõi thường xuyên, nếu bạn có những vấn đề này và cho ngừng sử dụng bằng scopolamine nếu xuất hiện triệu chứng khó đi tiểu.
Người mắc bệnh gan: Thuốc chưa được nghiên cứu ở bệnh nhân bị bệnh gan. Cân nhắc theo dõi thường xuyên hơn ở những bệnh nhân này, vì tăng nguy cơ phản ứng có hại trên thần kinh trung ương.
Người mắc bệnh thận: Nên sử dụng thận trọng thuốc ở trên bệnh nhân có bệnh thận, vì thuốc có thể làm tăng tình trạng bệnh do quá trình đào thải scopolamine khỏi cơ thể diễn ra chậm hơn.
Ngoài ra, còn cần thận trọng khi sử dụng scopolamine cho người lái xe hoặc vận hành máy móc, uống thức uống có cồn, phụ nữ sinh mổ, mắc tiền sản giật, sản giật hoặc mang thai, đang cho con bú (vì scopolamine có thể tiết vào sữa), trẻ em
5. Tác dụng phụ của scopolamine là gì?
Khi gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng sau đây, bạn nên đến gặp ngay bác sĩ để được hỗ trợ:
- Đau, đỏ mắt, mắt nhìn thấy vầng hào quang quanh ánh sáng;
- Mắt nhìn mờ, mắt tăng nhạy cảm với ánh sáng;
- Lú lẫn, kích động, dễ sợ hãi, ảo giác, có suy nghĩ, hành vi không bình thường;
- Tiểu tiện ít hơn hoặc không thể tiểu.
6. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc xảy ra khi dùng scopolamine chung với các thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin (bao gồm meclizine), thuốc giảm đau, thuốc an thần (điều trị chứng mất ngủ), thuốc giãn cơ và thuốc giảm lo âu.
7. Dùng scopolamine quá liều hoặc quên liều scopolamine cần xử trí như thế nào?
Khi sử dụng scopolamine cũng như các thuốc kháng cholinergic khác có thể gây ra tình trạng ngộ độc kháng cholinergic với các triệu chứng như: hôn mê, buồn ngủ, lú lẫn, kích động, ảo giác, rối loạn thị giác, da đỏ bừng, bí tiểu, giảm nhu động ruột, nhịp tim nhanh, loạn nhịp trên thất, huyết áp tăng.
Khi các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng và bạn có thể cần đến sự can thiệp y tế. Nếu bạn quên dùng 1 liều thuốc, hãy dùng nó ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu quá gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều thuốc đó và dùng liều kế tiếp như thường lệ. Không được dùng gấp đôi liều scopolamine đã quy định.
Bảo quản scopolamine ở nhiệt độ phòng, tránh để thuốc ở nơi ẩm thấp và tránh ánh sáng. Giữ thuốc xa khỏi tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Thuốc scopolamine thuộc nhóm hướng tâm thần kháng cholinergic. Có các tác dụng làm chậm co bóp dạ dày và ruột, làm giảm tiết dịch, giảm giãn nở đồng tử. Để đảm bảo hiệu quả, người sử dụng cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.