Thuốc Ephedrine có tác dụng gì?

Thuốc Ephedrine thuộc thuốc thần kinh giao cảm, có tác dụng làm tăng huyết áp do tăng lưu lượng tim và co mạch ngoại vi. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm giãn phế quản, giảm trương lực và nhu động ruột hoặc làm giãn cơ thành bàng quang... Thuốc được sử dụng ở dạng viên nén bằng đường uống hoặc tiêm theo chỉ định của bác sĩ. Bài viết sẽ cung cấp thêm các thông tin về công dụng cũng như cách sử dụng thuốc này.

1. Tác dụng của thuốc Ephedrine

Thuốc ephedrin có tác dụng gì? Thuốc Ephedrine thuộc nhóm thuốc giống thần kinh giao cảm có tác dụng trực tiếp hoặc cũng có thể gián tiếp tác động lên các thụ thể adrenergic. Hơn nữa, thuốc cũng có tác dụng cả lên các thụ thể alpha hoặc beta thực hiện giải phóng ở hệ thần kinh trung ương.

Thuốc Ephedrine được hấp thu khá dễ dàng ở đường tiêu hoá. Thuốc không bị chịu tác động bởi enzyme monoamine oxidase và có khả năng đào thải nhiều qua nước tiểu ở dạng không biến đổi. Vòng đời của thuốc được chia thành hai phần, nửa đời trong huyết tương có thời gian từ 3 đến 6 giờ tùy thuộc vào nồng độ pH của nước tiểu. Với nước tiểu càng acid thì khả năng đào thải càng tăng và nửa đời càng ngắn. Khi so sánh tác dụng của Ephedrin so với adrenalin được thực hiện bởi các nghiên cứu thì cho thấy tác dụng của Ephedrin yếu hơn so với adrenalin, tuy nhiên thời gian tác dụng của Ephedrin kéo dài hơn.

Khi sử dụng thuốc Ephedrine trong quá trình điều trị thì hàm lượng dược chất trong thuốc này có thể làm tăng huyết áp do tăng lưu lượng tim và gây ra tình trạng co mạch ngoại vi. Trường hợp nhịp tim nhanh có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Ephedrine nhưng sẽ không phổ biến như khi sử dụng bằng adrenalin. Hơn nữa, thuốc Ephedrine còn có tác dụng gây giãn phế quản, đồng thời làm giảm trương lực và nhu động ruột. Thêm vào đó, thuốc Ephedrine còn có thể làm giãn cơ thành bàng quang hoặc làm co cơ thắt cổ bàng quang nhưng làm giãn cơ mu bàng quang. Tình trạng này thường làm giảm co bóp tử cung.

Ngoài ra, thuốc Ephedrine còn làm kích thích trung tâm hô hấp hoặc làm giãn đồng tử nhưng không ảnh hưởng đến các phản xạ ánh sáng của mắt. Sau khi sử dụng thuốc Ephedrine trong một thời gian có thể xuất hiện hiện tượng quen thuốc và đôi khi quá trình điều trị cần phải tăng liều lượng thuốc sử dụng.

2. Chỉ định và liều lượng sử dụng thuốc Ephedrine

Thuốc Ephedrine bao gồm thành phần chủ yếu Ephedrin có các liều lượng như Ephedrine 5mg, Ephedrin 10mg, Ephedrin 30mg. Thuốc được bào chế ở dạng viên nang 5mg hoặc 10mg hoặc dung dịch xịt mũi 1 đến 3% hoặc dạng tiêm với liều lượng ống tiêm 25mg/ml hoặc 50mg/ml. Thuốc Ephedrine được chỉ định trong các trường hợp:

  • Nhỏ mũi: Có thể sử dụng thuốc Ephedrine điều trị chứng sưng huyết mũi, thường đi kèm với các triệu chứng của bệnh cảm lạnh, viêm mũi dị ứng hoặc viêm mũi thông thường hoặc viêm xoang.
  • Đường tiêm: Thuốc Ephedrine sử dụng điều trị hạ huyết áp trong gây tê tuỷ sống hoặc điều trị hỗ trợ hạ huyết áp trong trường hợp hạ huyết áp chưa cải thiện khi đã được bù đủ dịch tuần hoàn.
  • Đối với đường uống: Thuốc Ephedrine sử dụng trong điều trị hoặc dự phòng các trường hợp co thắt phế quản và các bệnh liên quan đến hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên, thuốc Ephedrine không phải là lựa chọn đầu tiên khi điều trị các bệnh này.

Thuốc Ephedrine được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Liều lượng thuốc sử dụng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như mức độ bệnh của mỗi cá nhân. Bạn có thể tham khảo thông tin liều lượng sử dụng thuốc dưới đây:

  • Đối với người lớn sử dụng thuốc Ephedrine với liều điều trị sưng huyết mũi kèm theo triệu chứng của cảm lạnh hoặc viêm viêm xoang ở dạng nhỏ mũi hoặc xịt với dung dịch 0.5%. Thời gian sử dụng thuốc Ephedrine không nên quá 7 ngày liên tục.

Liều sử dụng cho trường hợp người lớn điều trị sưng huyết trong gây tê tuỷ sống có thể sử dụng ở dạng tiêm bắp với liều 25mg hoặc dùng dạng tiêm tĩnh mạch chậm với liều từ 5 đến 25 mg, sau đó có thể nhắc lại sau 5 đến 10 phút nếu cần, và có thể tiêm nhắc lại sau đó từ 3 đến 4 giờ. Tuy nhiên, liều thuốc Ephedrine sử dụng không vượt quá 150mg/ngày.

Liều thuốc sử dụng trong phòng cơn co thắt phế quản trong bệnh hen: sử dụng thuốc Ephedrine ở dạng uống với liều 15 đến 60mg hàm lượng Ephedrine hydroclorid hoặc Ephedrine sulfat, ngày sử dụng từ 3 đến 4 lần hoặc sử dụng tiêm dưới da với liều từ 15 đến 50mg, trong trường hợp cần thiết có thể tiêm nhắc lại. Liều sử dụng tối đa cũng không được vượt quá 150mg/ngày

  • Đối với trẻ em sử dụng thuốc Ephedrine trong điều trị sưng huyết mũi kèm theo triệu chứng cảm lạnh, viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang thường ở dạng nhỏ mũi hoặc xịt mũi với dung dịch khoảng từ 0.25 đến 0.5%. Liều sử dụng không quá 7 ngày và không nên sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 3 tuổi.

Liều sử dụng trong dự phòng các cơn co thắt phế quản của bệnh hen ở trẻ em có thể sử dụng ở dạng uống hoặc tiêm dưới da với liều lượng tương ứng 3mg/kg/ngày và 25 đến 100mg/m2/ngày. Thuốc sử dụng từ 4 đến 6 lần một ngày và thời gian có thể cách nhau từ 4 đến 6 giờ. Với trường hợp sử dụng dạng tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch thì có thể sử dụng liều từ 0.2 đến 0.3 mg/kg/lần và thực hiện nhắc lại mỗi lần có thể từ 4 đến 6 giờ.

  • Đối với người cao tuổi có thể sử dụng thuốc Ephedrine với liều lượng giảm nhẹ và liều khởi đầu nên sử dụng bằng 1⁄2 so với liều sử dụng thông thường cho người lớn.
  • Đối với những trường hợp mắc bệnh suy thận có thể không cần điều chỉnh liều sử dụng. Tuy nhiên, vẫn phải theo dõi bệnh nhân cẩn thận sau liều ban đầu để phòng ngừa các tác dụng không mong muốn.

Quá liều thuốc Ephedrine sẽ không có điều trị đặc hiệu khi ngộ độc xảy ra. Và trong trường hợp này chỉ có thể điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Ngoài ra, bạn có thể làm tăng thải thuốc bằng cách toan hóa nước tiểu. Trường hợp quá liều có thể gây tử vong ở người lớn khoảng 50mg/kg, còn đối với trẻ em liều tối thiểu có thể gây tử vong bằng đường uống là 200mg.

3. Một số lưu ý sử dụng thuốc Ephedrine

Thuốc Ephedrine chống chỉ định sử dụng cho một số đối tượng như: những người quá mẫn cảm với thành phần của Ephedrine, những người có bệnh tăng huyết áp hoặc những đang điều trị bệnh lý bằng thuốc ức chế monoamine oxidase, những người mắc bệnh cường giáp và không điều chỉnh được, người bệnh hạ kali máu và chưa được điều trị.

Thuốc Ephedrine có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Các tác dụng phụ thường gặp nhất xảy ra ở hệ tuần hoàn với trường hợp đánh trống ngực hoặc thần kinh trung ương ở những người có bệnh nhạy cảm chẳng hạn như gây mất ngủ, lo lắng, lú lẫn... Với những trường hợp tác dụng phụ ít gặp có thể bao gồm: các phản ứng toàn thân, nhức đầu hoặc vã mồ hôi hoặc đau bụng, buồn nôn, hoặc các triệu chứng liên quan đến thần kinh như lo lắng, bồn chồn,...

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc Ephedrine cần thận trọng và không nên sử dụng sau 4 giờ chiều, vì thuốc Ephedrine có tác dụng kích thích hệ thần kinh gây cho người bệnh tình trạng khó ngủ, mất ngủ. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên sử dụng quá 7 ngày liên tục. Thận trọng với những người mắc bệnh suy tim, đau thắt ngực, đái tháo đường. Thuốc Ephedrine có thể làm tăng tình trạng tiểu khó hoặc người bệnh bị phì đại tuyến tiền liệt.

Sử dụng thuốc ức chế beta không chọn lọc có thể làm giảm hoặc làm mất hoàn toàn tác dụng của các loại thuốc có chức năng kích thích beta. Thuốc Ephedrine có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác hoặc gia tăng ảnh hưởng các tác dụng phụ nếu sử dụng kết hợp. Vì vậy, khi sử dụng thuốc Ephedrine cần được chỉ định kê đơn bởi bác sĩ để đảm bảo tính an toàn cho người bệnh.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe