Lưu ý khi sử dụng thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản có tác động chủ yếu làm giãn cơ trơn bọc xung quanh các phế quản, từ đó giúp làm giãn phế quản, tăng khẩu kính đường thở, giúp không khí dễ dàng đi qua đường thở để tới các phế nang làm nhiệm vụ trao đổi khí oxy và nhận lại khí cacbonic. Tuy nhiên các thuốc giãn phế quản có tác dụng phụ nếu như người bệnh không sử dụng đúng cách.

1. Sử dụng thuốc giãn phế quản trong trường hợp nào?

Để đảm bảo sức khỏe cũng như hạn chế biến chứng cho người bệnh, thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc giãn phế quản cho những trường hợp có co thắt phế quản gây khó thở cho người bệnh. Theo đó, các bệnh lý thường được chỉ định thuốc giãn phế quản, ví dụ như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản trong đợt cấp. Ngoài ra, thuốc giãn phế quản cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt như nhịp chậm xoang.

Các nhóm thuốc giãn phế quản hiện nay đang được dùng bao gồm:

  • Thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 adrenergic (các thuốc tác dụng nhanh, ngắn: fenoterol, salbutamol, terbutaline; Các thuốc tác dụng chậm, kéo dài: salmeterol, bambuterol, formoterol, indacaterol, tulobuterol).
  • Thuốc giãn phế quản nhóm kháng cholinergic (thuốc tác dụng nhanh, ngắn: ipratropium bromide, oxitropium bromide; Thuốc tác dụng chậm, kéo dài: tiotropium bromide, aclidinium bromide, glycopyrronium bromide)
  • Thuốc giãn phế quản nhóm xanthine (nhóm thuốc này có hoạt chất theophylline, đây là thuốc có tác dụng nhanh, ngắn, tuy nhiên, hiện nay, thuốc được sản xuất dưới dạng phóng thích chậm, do đó tạo thuận lợi hơn cho người sử dụng)
  • Thuốc ức chế phosphodiesterase 4 (roflumilast).

Thuốc giãn phế quản salmeterol
Thuốc giãn phế quản salmeterol

Nhiều thuốc giãn phế quản được sản xuất ở dạng đơn chất, tuy nhiên, hiện có nhiều thuốc được sản xuất dưới dạng kết hợp 2 thuốc giãn phế quản, thông thường là sự kết hợp giữa một thuốc nhóm kháng cholinergic với một thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic nhằm làm gia tăng tác dụng giãn phế quản cho người bệnh.

Theo đó, các thuốc giãn phế quản thường được bác sĩ chỉ định theo mức độ nặng của bệnh. Theo đó, những bệnh nhân có tình trạng co thắt phế quản nặng hoặc những có đáp ứng kém với các thuốc giãn phế quản sẽ được dùng với liều cao hơn, với những bệnh nhân ở mức độ nhẹ có thể sử dụng thuốc giãn phế quản ít hơn.

2. Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc giãn phế quản

Để hạn chế tối đa biến chứng cũng như tác dụng phụ khi sử dụng thuốc giãn phế quản thì người bệnh cần lưu ý khi sử dụng thuốc giãn phế quản như sau:

  • Bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ kê đơn thuốc về liều lượng, thời gian, liệu trình, thời điểm sử dụng. Bên cạnh đó người bệnh cũng phải trang bị thêm kiến thức về những biến chứng khi sử dụng thuốc để xảy ra sẽ sớm có hướng điều trị.
  • Thuốc giãn phế quản không phải là thuốc chữa khó thở: Thực tế, rất nhiều người lầm tưởng thuốc giãn phế quản là thuốc chữa triệu chứng khó thở và coi đó như một biện pháp cứu nguy nên thường lạm dụng. Thực tế, việc lạm dụng thuốc giãn phế quản có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, bởi có nhiều nguyên nhân gây khó thở, ví dụ như bệnh suy tim. Việc sử dụng thuốc giãn phế quản cho các trường hợp suy tim có thể làm cho bệnh tình nặng hơn.

Một số loại thuốc giãn phế quản có thể gây khó thở khi người bệnh lạm dụng thuốc
Một số loại thuốc giãn phế quản có thể gây khó thở khi người bệnh lạm dụng thuốc
  • Thuốc giãn phế quản dạng phun - hít được ưu tiên dùng hơn các thuốc dạng uống: Nhiều người bệnh vẫn lầm tưởng là thuốc giãn phế quản dạng uống hoặc tiêm mới đem lại hiệu quả cao nên thường lạm dụng thuốc giãn phế quản dạng uống hơn so với thuốc giãn phế quản dạng phun hít. Trên thực tế, hiện nay các thuốc giãn phế quản đều được sản xuất theo dạng phun- hít, bởi ở dạng thuốc này chúng đến niêm mạc đường thở rất nhanh chóng, mang lại tác dụng giãn phế quản nhanh và mạnh khiến nồng độ thuốc ngấm vào máu được hạn chế nên ít gây ra tác dụng phụ. Trong khi với thuốc giãn phế quản dạng uống thì ngược lại, dạng uống phải ngấm vào máu, sau đó tới phổi, cơ trơn phế quản nên thường không tạo được tác dụng giãn phế quản mạnh, đồng thời lại xảy ra các tác dụng phụ nhiều hơn.
  • Cần sử dụng thuốc giãn phế quản đúng cách: Thuốc giãn phế quản có thể cùng dạng phun - hít nhưng mỗi nhà sản xuất sẽ sử dụng các dụng cụ phân phối khác nhau. Do đó để việc sử dụng thuốc giãn phế quản hiệu quả thì người bệnh cần phải nắm vững cách sử dụng theo từng dụng cụ phân phối.

Ngoài ra, để sử dụng thuốc giãn phế quản đúng cách với các dụng cụ phân phối thuốc thì bệnh nhân cần hỏi kĩ bác sĩ kê đơn hoặc dược sĩ tư vấn về cách sử dụng từng loại thuốc. Để chắc chắn hơn, sau khi mua thuốc giãn phế quản người bệnh có thể ghi chép lại cách hướng dẫn sử dụng thuốc giãn phế quản, khi về nhà, nên đọc lại tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đó và thực hiện. Ở các lần tái khám, bạn cũng có thể mang theo đơn thuốc, thuốc để dùng lại có sự chứng kiến của bác sĩ, họ sẽ đưa ra lời khuyên xem bạn đã sử dụng thuốc giãn phế quản đúng hay chưa. Việc dùng thuốc đúng cách vừa đảm bảo hiệu quả điều trị lại tránh lãng phí thuốc.

3. Sử dụng thuốc giãn phế quản có tác dụng phụ hay không?

Thuốc giãn phế quản có tác dụng phụ hay không? Là vấn đề rất nhiều người bệnh quan tâm. Thực tế thuốc giãn phế quản có thể gây ra dị ứng mặc dù khá hiếm gặp, theo đó thuốc giãn phế quản dạng uống sẽ xảy ra nhiều hơn. Theo đó, các thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic thường gây tác dụng phụ như run tay, nhịp tim nhanh, hồi hộp trống ngực, một số bệnh nhân còn có thể gặp triệu chứng chuột rút. Những người dùng thuốc cường beta 2 đường uống kết hợp corticoid đường uống có thể có hạ kali máu.


Một số trường hợp xuất hiên run tay sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản
Một số trường hợp xuất hiên run tay sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản nhóm xanthin có thể gây ra các tác dụng phụ như: nhịp tim nhanh, kích ứng niêm mạc dạ dày. Do đó, bệnh nhân cần hết sức thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc này vì liều điều trị và liều độc rất gần nhau. Liều sử dụng tối đa là 10mg/kg/ngày, nếu xuất hiện triệu chứng suy gan thận thì cần giảm liều ngay. Tuyệt đối, không dùng thuốc nhóm xanthin cùng các kháng sinh nhóm macrolide (erythromycin, clarithromycin, azithromycin) vì nguy cơ gây xoắn đỉnh.

Một số thuốc dạng hít cũng có thể gây dị ứng, biểu hiện dị ứng là khó thở tăng khi dùng các thuốc dạng phun - hít để chữa khó thở, khi đó, cần dừng ngay và chuyển sang dùng thuốc điều trị khác.

Việc tuân thủ sử dụng thuốc phế quản đúng cách sẽ đem lại hiệu quả điều trị bệnh, ngược lại nếu bạn không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng, bỏ dở thuốc giữa chừng có thể để lại biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ, dược sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe