Giảm đau gout tại nhà cũng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị do các cơn đau gout có thể xuất hiện đột ngột, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Đào Thị Trang - Bác sĩ Nội cơ xương khớp thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Dấu hiệu cảnh báo xuất hiện các cơn đau đột ngột do gout
Một số người mắc bệnh gout, hay còn được biết đến là viêm khớp do gout, mô tả rằng bệnh thường bắt đầu bằng cảm giác nóng rát, ngứa hoặc ngứa ran ở khớp, có thể xuất hiện một hoặc hai giờ trước khi cơn đau chính thức diễn ra.
Khớp có thể trở nên hơi cứng hoặc có đau nhức nhẹ. Ngay sau đó, các dấu hiệu nhận biết bệnh gout bắt đầu xuất hiện. Nếu bệnh nhân trải qua những cơn đau lặp đi lặp lại, họ sẽ nhận biết được những dấu hiệu mà cơ thể thường thể hiện khi nó chuẩn bị cho các cuộc tấn công từ bệnh gout.
Đôi khi, người bệnh không nhận ra dấu hiệu sớm cảnh báo sớm bệnh gout. Họ có thể tỉnh giấc vào nửa đêm với một khớp xương đau nhức khó chịu.
Khi cơn đau bắt đầu, hầu hết bệnh nhân sẽ trải qua tình trạng khớp bị sưng đỏ và đau dữ dội, thường tập trung ở một khớp. Mặc dù vị trí ngón chân cái là nơi thường gặp nhất của bệnh, nhưng nó cũng có thể xuất hiện ở các khớp khác như khuỷu tay, đầu gối, cổ tay, mắt cá chân và mu bàn chân.
2. Giảm đau gout tại nhà mà không dùng thuốc
Giảm đau do bệnh gout không nhất thiết phải dựa vào việc sử dụng thuốc. Dưới đây là một số phương pháp tự nhiên có thể giúp giảm đau và xoa dịu triệu chứng bùng phát:
- Chườm lạnh: Nếu cơn đau không quá khó chịu, hãy chườm lạnh hoặc chườm đá lên khu vực bị ảnh hưởng để giảm viêm và giảm đau. Chườm lạnh các khớp vài lần trong ngày, mỗi lần tối đa 20 phút để có thể mang lại hiệu quả. Lưu ý không áp dụng trực tiếp lên tay hoặc chân nếu bệnh nhân có vấn đề về thần kinh do bệnh tiểu đường hoặc các nguyên nhân khác.
- Nghỉ ngơi: Hãy giữ khớp ở tư thế thoải mái cho đến khi cơn đau dịu đi. Tránh di chuyển khớp nhiều và nếu có thể, hãy nâng khớp lên gối hoặc vật mềm khác.
- Duy trì đủ lượng nước trong cơ thể: Khi thiếu nước, nồng độ axit uric có thể tăng cao, gây ra cơn đau. Hãy giữ cơ thể đủ nước để duy trì mức axit uric ổn định.
- Kiểm soát chế độ ăn uống của bệnh nhân: Thực phẩm chứa nhiều purin như hải sản, nội tạng (gan) và thực phẩm béo có thể làm tăng axit uric trong máu. Đồ uống và rượu có đường fructose, đặc biệt là bia, cũng nên được theo dõi và giảm thiểu.
3. Khi nào cần tới sự trợ giúp của bác sĩ?
Mặc dù, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp giảm đau gout tại nhà nhưng vẫn phải luôn thông báo cho bác sĩ ngay khi xuất hiện các cơn đau do bệnh gout. Việc theo dõi triệu chứng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo quá trình điều trị đang mang lại hiệu quả, tránh tình trạng không xuất hiện bất kỳ cải thiện nào. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu:
- Đây là lần đầu tiên người bệnh xuất hiện các cơn đau: Bác sĩ sẽ phân biệt cơn đau bắt nguồn từ bệnh gout hay các tình trạng khác có triệu chứng tương tự với gout như nhiễm trùng khớp…
- Người bệnh sốt cao và cảm giác ớn lạnh: Các triệu chứng của bệnh gout có thể kèm theo sốt nhẹ, nhưng nếu có nhiệt độ cao hơn, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Triệu chứng của người bệnh không giảm sau 48 giờ hoặc vẫn còn sau một tuần: Nếu không thấy cải thiện sau vài ngày, hãy liên hệ với bác sĩ. Họ có thể đề xuất các phương pháp điều trị khác nhau. Hầu hết các cơn gout sẽ tự giảm đi sau 1-2 tuần, ngay cả khi không được điều trị.
4. Giảm đau gout tại nhà cần những loại thuốc gì?
Nếu bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh gout và kê đơn thuốc điều trị các cơn bùng phát, bệnh nhân hãy tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc ngay khi bắt đầu xuất hiện các cơn đau đầu tiên.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như celecoxib, indomethacin, meloxicam hoặc sulindac, hoặc đề xuất sử dụng NSAID không kê đơn, như naproxen hoặc ibuprofen. Tùy thuộc vào bệnh sử của người bệnh, các bác sĩ có thể kê đơn steroid hoặc các loại thuốc khác để giảm viêm, ví dụ như colchicine (Colcrys). Các loại thuốc này có thể giúp người bệnh giảm đau gout tại nhà mà không cần tới các cơ sở y tế.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể đang sử dụng thuốc như colchicine để ngăn ngừa cơn bùng phát bệnh gout. Bác sĩ cũng có thể kê đơn các loại thuốc như:
- Allopurinol (Aloprim, Lopurin, Zyloprim)
- Febuxostat (Uloric)
- Anakinra (Kineret)
- Canakinumab (Ilaris)
- Pegloticase (Krystexxa)
- Probenecid (Probalan)
- Rasburicase
Trong vài tháng sử dụng thuốc, có thể xuất hiện các cơn đau bùng phát khi cơ thể bắt đầu thích nghi với chúng, điều này không đồng nghĩa thuốc không mang lại hiệu quả điều trị. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể đề xuất giải pháp điều trị bổ sung hoặc thay đổi loại thuốc để giảm tác dụng phụ.
Nếu bệnh nhân đã sử dụng thuốc phòng ngừa bệnh trong một khoảng thời gian dài và sau đó trải qua những cơn đau mới, hãy liên hệ với bác sĩ. Bác sĩ có thể thảo luận với bệnh nhân về việc điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.