Thuốc điều trị các triệu chứng chung trong các thể của hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (tên tiếng Anh là irritable bowel syndrome-IBS) là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng, tái đi tái lại nhiều lần mà khi người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm đều không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu cũng như tổ chức sinh hoá ở ruột.

Bài viết được viết bởi ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Mục tiêu điều trị hội chứng ruột kích thích 

Mục tiêu điều trị hội chứng ruột kích thích là nhằm giảm nhẹ triệu chứng, từ đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở tạo dựng được mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân tốt, đồng thời cá nhân hóa điều trị, điều chỉnh từ triệu chứng đến tâm lý cho từng bệnh nhân.

Thuốc điều trị các triệu chứng chung trong các thể của hội chứng ruột kích thích

Thuốc chống co thắt hoạt động bằng cách tác động trực tiếp lên cơ trơn ruột (ví dụ, mebeverine, papaverine, pinaverine, dầu bạc hà) hoặc thông qua tính chất kháng cholinergic hoặc kháng muscarinic của chúng (ví dụ, dicyclomine, hyoscyamine, hyoscine, cimetroprium, pirenzepine). Cimetroprium, otilonium và pinaverium bromide là những chất kháng muscarinic mới hơn được biết đến là các dẫn xuất amoni bậc bốn. Chúng được hấp thụ tối thiểu và tác động cục bộ trong ruột. Otilonium cũng liên kết với thụ thể tachykinin NK-2 và có thể giảm kích hoạt của dây thần kinh đưa tín hiệu cảm giác về hệ thần kinh trung ương. Trimebutine cũng có thể có tác động agonist yếu đối với thụ thể μ-opioid và cũng đã được chứng minh là điều chỉnh hoạt động của các dây thần kinh cảm giác chính tới hệ thần kinh trung ương.
Mebeverine và alverine 

Vai trò của Mebeverine và alverine là các chất làm dãn cơ trơn, tác động trực tiếp lên các tế bào cơ. Mebeverine cũng có tác dụng kháng muscarinic và tác dụng gây tác động tại chỗ, trong khi alverine đã được chứng minh là giảm đáp ứng của cơ quan cảm nhận. Tác dụng giảm đau của alverine cũng có thể liên quan đến việc tín hiệu serotonin khi được chứng minh là có khả năng liên kết và chống lại thụ thể 5-HT1A. Drotaverine là một chất ức chế chọn lọc phosphodiesterase-4 và không có tác dụng chống cholinergic.

Thuốc điều trị các triệu chứng chung trong các thể của hội chứng ruột kích thích

Một phân tích hệ thống ghi nhận kết quả từ 29 nghiên cứu (n= 2333) và phát hiện rằng có tác dụng có lợi của thuốc chống co thắt so với giả dược trong việc cải thiện đau bụng (RR 1,32; KTC 95% 1,12–1,55; NNT = 7), cả thiện triệu chứng (RR 1,86; KTC 95% 1,26–2,76; NNT = 3). Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong một tổng quan hệ thống do ACG thực hiện, bao gồm 26 RCT (n = 2811) nghiên cứu về 13 thuốc khác nhau. Tổng kết các chất chống co thắt có hiệu quả trong HCRKT với OR = 0,65 (KTC 95% 0,56–0,76) và NNT là 5 (KTC 95% 4–8). Hiệu quả của các thuốc thể hiện theo thứ tự (số thử nghiệm, số bệnh nhân, NNT, KTC 95%) cho thấy otilonium (5; 791; 5; 4–11), pinaverium (4; 615; 4; 3–6), hyoscine (3; 426; 3; 2–25), cimetropium (3; 158; 3; 2–12.5), drotaverine (2, 150; 2; 2–3), và hydrochloride dicyclomine (1, 97; 4; 2–25). Phân tích tổng hợp về các tác dụng phụ cho thấy NNH là 22 (KTC 95% 12–200), và các tác dụng phụ thường là là miệng khô, chóng mặt, và mờ mắt. 

Probiotics là những vi sinh vật sống mang lại lợi ích sức khỏe cho người khi được cung cấp với lượng đủ. Vì sự mất cân bằng vi sinh vật trong đường ruột đã được báo cáo ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, việc bổ sung probiotics để thay đổi vi sinh vật đường ruột, nhằm giảm nhẹ triệu chứng. Thực tế, nhiều phân tích tổng quan đã cho thấy probiotics có thể mang lại hiệu quả lợi ích cho bệnh nhân với các triệu chứng hội chứng ruột kích thích với độ an toàn như giả dược. Tuy nhiên, những nghiên cứu này không thể đưa ra kết luận cuối cùng về hiệu quả của probiotics trong điều trị hội chứng ruột kích thích, chủ yếu do sự biến động đáng kể về loài, chủng, kết hợp, và liều lượng của probiotics được sử dụng trong các nghiên cứu gốc. 

Hướng dẫn gần đây của Hội Tiêu Hóa Anh BSG khuyến cáo rằng probiotics có thể hiệu quả cho các triệu chứng toàn thân và đau bụng trong hội chứng ruột kích thích (khuyến cáo yếu, bằng chứng rất thấp), nhưng không thể khuyến cáo một loài hoặc chủng cụ thể. Hướng dẫn lâm sàng gần đây của ACG gợi ý không sử dụng probiotics cho điều trị các triệu chứng hội chứng ruột kích thích toàn thân (khuyến cáo có điều kiện; chất lượng bằng chứng rất thấp). Thật thú vị, một phân tích tổng quan mới được công bố đã tìm thấy những khác biệt về vị trí địa lý, với hiệu quả tốt được ghi nhận ở Đông Á nhưng lợi ích không rõ ràng ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Nam Phi, và Tây Á.  

Nếu bệnh nhân muốn thử probiotics, họ nên được khuyên dùng liều lượng được nhà sản xuất khuyến cáo ít nhất 4 tuần và lên đến 12 tuần, với điều kiện đã xem xét kỹ lưỡng loài, chủng và chi phí phát sinh trong khi theo dõi hiệu quả, và ngừng sử dụng chúng nếu không có sự cải thiện trong triệu chứng. Tại Việt Nam, hiện có hai loại probiotics được chứng minh là có hiệu quả tốt trong điều trị hội chứng ruột kích thích theo hướng dẫn cập nhật của Tổ chức tiêu hóa thế giới. Lactobacillus plantarum 299V (DSM 9843) (10 tỷ [CFUs] mỗi ngày) và Saccharomyces boulardii CNCM I-745 (5 × 10^9 CFUs/viên hoặc 250 mg hai lần mỗi ngày). 

Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, kiểm soát bằng giả dược tại Hàn Quốc, liệu pháp sử dụng S. boulardii với 2 × 10^11 tế bào sống mỗi ngày trong 4 tuần đã được tìm thấy là cải thiện chất lượng cuộc sống ở hội chứng ruột kích thích tốt hơn giả dược Tuy nhiên, điều trị không ưu việt hơn về tần suất đi tiêu và độ đặc của phân ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy. L. plantarum 299V (DSM 9843) đã được báo cáo là mang lại sự giảm nhẹ triệu chứng hiệu quả ít nhất trong hai thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích. 

Trong một nghiên cứu, mức độ nghiêm trọng và tần suất của đau bụng, chướng bụng, và cảm giác không đi tiêu hết được cải thiện đáng kể với L. plantarum 299V 10 tỷ CFUs hàng ngày trong 4 tuần, so với giả dược. Hơn nữa, tỷ lệ bệnh nhân và bác sĩ điều trị đánh giá hiệu quả của điều trị là tốt hoặc xuất sắc cao hơn đáng kể trong nhóm LP299V so với nhóm giả dược. Trong nghiên cứu khác, so sánh L. plantarum 299V 20 tỷ CFUs hàng ngày với giả dược trong một thời gian điều trị 4 tuần, đau bụng được cải thiện ở cả hai nhóm, nhưng tình trạng đầy hơi được cải thiện nhanh chóng và đáng kể hơn trong nhóm điều trị so với nhóm giả dược. Ngoài ra, bệnh nhân trong nhóm điều trị duy trì chức năng tiêu hóa tốt hơn nhóm chứng sau 12 tháng. 

Các chất điều hòa thần kinh trung ương như thuốc chống trầm cảm, đã được ghi nhận giảm bớt triệu chứng ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích. Gần đây, các thuốc này đã được gọi tên lại là các chất điều hòa trục não–ruột vì chúng tác động cả trên não và tại ruột và phù hợp hơn với việc định nghĩa lại các rối loạn tiêu hóa chức năng như các rối loạn của trục não–ruột. Thuật ngữ mới này được khuyến cáo để cải thiện sự hiểu biết về cơ chế hoạt động và giá trị dược lý của chúng, giảm bớt định kiến liên quan đến các loại thuốc này, và có thể cải thiện sự tuân thủ điều trị.

Tài liệu tham khảo 

1.    Drossman DA. Functional Gastrointestinal Disorders: History, Pathophysiology, Clinical Features and Rome IV. Gastroenterology. Feb 19 2016;doi:10.1053/j.gastro.2016.02.032

2.    Oka P, Parr H, Barberio B, Black CJ, Savarino EV, Ford AC. Global prevalence of irritable bowel syndrome according to Rome III or IV criteria: a systematic review and meta-analysis. The lancet Gastroenterology & hepatology. Oct 2020;5(10):908-917. doi:10.1016/s2468-1253(20)30217-x

3. Quach DT, Vu KT, Vu KV. Prevalence, clinical characteristics, and management of irritable bowel syndrome in Vietnam: A scoping review. JGH open : an open access journal of gastroenterology and hepatology. Nov 2021;5(11):1227-1235. doi:10.1002/jgh3.12616

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe