Thuốc Dianorm-m là thuốc gì?

Thuốc Dianorm-m được bào chế dạng viên nén, có thành phần chính gồm Gliclazide và Metformin Hydrochloride. Thuốc thuộc nhóm thuốc hormone, nội tiết tố, dùng để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2.

1. Thuốc Dianorm-m có tác dụng gì?

Thuốc Dianorm-m có thành phần gồm Gliclazide và Metformin. Gliclazide làm giảm nồng độ glucose trong máu bằng 2 cơ chế: Điều chỉnh sự giảm tiết insulin và sự kháng insulin ngoại vi. Metformin có tác dụng giống như một chất chống tăng glucose huyết nhờ cải thiện tính nhạy cảm của gan và mô ngoại vi với insulin.

Thuốc Dianorm-m được chỉ định để: Điều trị tiểu đường không phụ thuộc insulin, tiểu đường có hoặc không có béo phì ở người trưởng thành.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Dianorm-m

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

Liều khuyến cáo: Liều khởi đầu cho bệnh nhân không sử dụng metformin là 1 viên/lần x 1 lần/ngày. Nếu người bệnh không gặp phản ứng có hại ở đường tiêu hóa, cần tăng liều thì có thể dùng thêm 1 viên sau mỗi 1 - 2 tuần điều trị. Liều dùng của metformin cần được cân nhắc, điều chỉnh trên từng bệnh nhân dựa trên hiệu quả, độ dung nạp của bệnh nhân, không vượt quá liều tối đa khuyến cáo 4 viên/ngày;

Sử dụng thuốc trên bệnh nhân suy thận: Cần đánh giá chức năng thận trước khi bắt đầu điều trị với metformin, đánh giá định kỳ sau đó:

  • Không dùng metformin trên bệnh nhân có eGFR < 30ml/phút/1,73m2;
  • Không khuyến cáo khởi đầu điều trị bằng metformin ở người bệnh có eGFR nằm trong 30 - 45ml/phút/1,73m2. Ở người đang sử dụng metformin có eGFR giảm xuống dưới 45ml/phút/1,73m2 nên đánh giá nguy cơ và lợi ích khi tiếp tục điều trị;
  • Ngưng dùng metformin nếu bệnh nhân có eGFR giảm xuống <30ml/phút/1,73m2;

Ngừng dùng metformin khi xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod. Trên bệnh nhân có eGFR nằm trong khoảng 30 - 60ml/phút/1,73m2 trên người có bệnh về gan, nghiện rượu hoặc suy tim, sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod qua đường động mạch thì cần ngừng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện xét nghiệm này. Nên đánh giá lại chỉ số eGFR sau khi chiếu chụp 48 tiếng, sử dụng lại metformin nếu chức năng thận ổn định.

Quá liều: Sử dụng thuốc Dianorm-m quá liều có thể gây hạ đường huyết. Khi có tai biến quá liều, nên thực hiện rửa dạ dày, cố gắng tiêm tĩnh mạch bằng glucose ưu trương (10% hoặc 30%), tiếp tục kiểm soát nồng độ glucose máu.

3. Tác dụng phụ của thuốc Dianorm-m

Khi dùng thuốc Dianorm-m, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Rối loạn dạ dày - ruột: Buồn nôn, đau dạ dày, nôn ói, tiêu chảy, táo bón, miệng có vị kim loại,...;
  • Các tác dụng phụ trên da: Ngứa, nổi mày đay, phát ban, ban đỏ, bừng đỏ trên da;
  • Đau đầu và chóng mặt;
  • Giảm hấp thu vitamin B12 và acid folic khi sử dụng metformin kéo dài.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Dianorm-m

Chống chỉ định sử dụng thuốc Dianorm-m trong các trường hợp sau:

  • Tiểu đường phụ thuộc insulin;
  • Suy gan, suy thận, nghiện rượu;
  • Tiểu đường không phụ thuộc insulin nhưng có biến chứng nghiêm trọng do nhiễm ceton hoặc acid;
  • Hôn mê hoặc tiền hôn mê đái tháo đường;
  • Vừa phẫu thuật, chấn thương hoặc nhiễm khuẩn;
  • Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh mạch vành, bệnh mạch ngoại vi, suy tim;
  • Phụ nữ có thai, cho con bú;
  • Người mẫn cảm với thành phần của thuốc.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Dianorm-m:

  • Hạ đường huyết có thể xảy ra nếu người bệnh giảm chế độ ăn, dùng thuốc quá liều hoặc sau khi luyện tập nặng, chấn thương, stress,... Triệu chứng hạ đường huyết có thể điều trị bằng cách kê đơn thuốc theo chế độ ăn của người bệnh. Nên ngừng thuốc ngay khi có triệu chứng hạ đường huyết;
  • Thận trọng, điều chỉnh liều kết hợp theo nồng độ glucose trong máu và nước tiểu bệnh nhân trong vài tháng đầu. Có nguy cơ nhiễm acid lactic ở người mắc bệnh gan hoặc thận;
  • Chưa có nghiên cứu về độ an toàn, hiệu lực của thuốc Dianorm-m ở trẻ em;
  • Thuốc Dianorm-m có nguy cơ gây hạ đường huyết nên cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc;
  • Nguy cơ nhiễm toan lactic liên quan tới thành phần metformin trong thuốc Dianorm-m. Một số biến chứng nghiêm trọng gồm giảm thân nhiệt, tụt huyết áp, loạn nhịp tim chậm kéo dài, tử vong,... Yếu tố nguy cơ nhiễm toan acid lactic liên quan tới metformin gồm: Suy thận, kết hợp dùng với một số loại thuốc nhất định, phẫu thuật, suy tim sung huyết cấp, suy gan, uống nhiều rượu, thực hiện chiếu chụp có dùng thuốc cản quang, trên 65 tuổi. Nếu nghi ngờ nhiễm toan acid lactic liên quan tới metformin thì bạn cần ngừng dùng thuốc, nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để được cấp cứu.

5. Tương tác thuốc Dianorm-m

Một số tương tác thuốc của Dianorm-m gồm:

  • Các thuốc lợi tiểu, rifampicin, barbiturate, phenytoin, estrogen, các corticosteroid, progestin và progestogen tinh khiết có thể làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết;
  • Tác dụng hạ đường huyết của thuốc Dianorm-m có thể tăng cường bởi các salicylate, các sulphonamide, phenylbutazone, các chất chẹn beta, chất đối kháng vitamin K, acid clofibric, chất ức chế MAO, caffeine, theophylline, allopurinol,...;
  • Sử dụng đồng thời perhexiline, miconazole hay cimetidin với gliclazide (hoạt chất có trong thuốc Dianorm-m) có thể làm tăng nồng độ glucose trong máu;
  • Acarbose và gôm guar có thể làm giảm đáng kể sinh khả dụng đường uống của thành phần metformin (hoạt chất có trong thuốc Dianorm-m).

Trước khi sử dụng thuốc Dianorm-m, để tránh các tác dụng phụ bất lợi hoặc tương tác thuốc, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng. Đồng thời, bệnh nhân nên nghiêm ngặt tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe