Thuốc Clazic MR thường được kê đơn sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường loại 2 không phụ thuộc insulin. Liều dùng Clazic MR có thể điều chỉnh dựa trên khả năng đáp ứng của mỗi đối tượng. Do đó, trước khi quyết định điều trị bằng Clazic MR, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có liều dùng phù hợp.
1. Thuốc Clazic MR là thuốc gì?
Clazic MR thuộc nhóm thuốc hormon - nội tiết tố, được sử dụng trong những trường hợp mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin. Thuốc Clazic MR là một sản phẩm của Công ty TNHH United International Pharma - Việt Nam, được bào chế dưới dạng viên nén phóng thích kéo dài và đóng gói theo quy cách hộp 1 vỉ, 3 vỉ hoặc 30 vỉ x 10 viên.
Trong mỗi viên nén Clazic MR có chứa thành phần hoạt chất chính là Gliclazide hàm lượng 60mg. Ngoài ra, thuốc còn được bổ sung thêm một số dược chất khác có tác dụng phụ trợ và nâng cao hiệu quả điều trị của Gliclazide.
2. Tìm hiểu tác dụng thuốc Clazic MR
2.1. Công dụng của hoạt chất Gliclazide
Gliclazide trong thuốc Clazic MR được biết đến là một loại thuốc điều trị đái tháo đường thuộc nhóm sulfonylurea. Theo nghiên cứu cho thấy, Gliclazide chủ yếu làm tăng quá trình tiết insulin ở pha thứ nhất và ở mức độ tăng tiết thấp hơn ở pha thứ nhì. Cả hai pha này đều có xu hướng bị giảm đi đối với những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường không phụ thuộc vào insulin.
Tác dụng hạ đường huyết của Gliclazide dựa trên cơ chế kích thích sản xuất insulin từ các tế bào beta tại đảo Langerhans trong cơ thể. Ngoài ra, hoạt chất Gliclazide cũng có đặc điểm huyết mạch độc lập, giúp làm giảm sự hình thành của huyết khối theo 2 con đường chính, bao gồm:
- Ức chế một phần quá trình kết tập cũng như kết dính của các tế bào tiểu cầu lên thành mạch.
- Tác động lên đặc tính tiêu giải sợi Fibrin tại thành mạch.
Nhìn chung, hoạt chất Gliclazide được hấp thu khá nhanh trong đường tiêu hóa sau khi uống. Tính liên kết của Gliclazide đối với protein huyết tương cũng rất mạnh mẽ. Ước tính, mất khoảng từ 10 - 12 giờ để Gliclazide bán thải. Mặt khác, gan chính là nơi chuyển hóa chính của Gliclazide thành những chất không còn hoạt tính hạ đường huyết. Gliclazide và các chất chuyển hóa của thuốc được đào thải phần lớn qua đường nước tiểu.
2.2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Clazic MR
Hiện nay, thuốc Clazic MR được bác sĩ kê đơn sử dụng cho các trường hợp dưới đây:
- Điều trị bệnh tiểu đường loại 2 không phụ thuộc insulin.
- Điều trị phối hợp cùng với một chế độ ăn kiêng thích hợp cho bệnh nhân đái tháo đường không thể kiểm soát tốt mức đường huyết bằng chế độ ăn kiêng đơn thuần.
Tuy nhiên, cần tránh sử dụng thuốc Clazic MR cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa được bác sĩ chỉ định:
- Người có phản ứng dị ứng hoặc tiền sử quá mẫn với hoạt chất Gliclazide hay bất kỳ chất nào có trong công thức thuốc.
- Chống chỉ định dùng thuốc Clazic MR cho bệnh nhi mắc đái tháo đường.
- Không sử dụng Clazic MR cho bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2 biến chứng ở giai đoạn nhiễm acid và ceton.
- Chống chỉ định thuốc Clazic MR cho người bị tiểu đường loại 2 phải thực hiện phẫu thuật, đang bị nhiễm trùng hoặc sau chấn thương.
- Không dùng Clazic MR cho người có tiền sử quá mẫn với các loại thuốc thuộc nhóm sulfonylurea khác.
- Tránh dùng Clazic MR cho bệnh nhân bị đái tháo đường đang trong giai đoạn tiền hôn mê/ hôn mê.
- Không dùng thuốc Clazic MR đối với người bị suy gan hay suy thận nghiêm trọng.
- Phụ nữ đang mang thai và bà mẹ nuôi con bú cũng cần tránh dùng thuốc Clazic MR khi chưa được bác sĩ chấp thuận.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Clazic MR hiệu quả
Thuốc Clazic MR được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống. Bệnh nhân chỉ nên uống một liều duy nhất Clazic MR vào buổi sáng, tránh nhai hay nghiền nát thuốc. Nhìn chung, thuốc Clazic MR có hoạt tính cải thiện đường huyết kéo dài từ 12 - 24 giờ sau khi sử dụng. Mặt khác, Clazic MR có hiệu lực ngắn hơn so với Glibenclamid và Clopropamid, do đó loại thuốc này phù hợp khi điều trị cho người bệnh cao tuổi hay những đối tượng có nguy cơ cao hạ đường huyết nghiêm trọng khi sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm sulfonylurea phóng thích kéo dài.
Dưới đây là liều dùng thuốc Clazic MR theo khuyến cáo chung của bác sĩ:
- Liều khởi đầu: Uống 30mg/ lần/ ngày.
- Liều duy trì: Trong trường hợp mức glucose huyết đã kiểm soát được ở mức bình thường, bệnh nhân có thể dùng liều duy trì 30mg/ ngày.
- Tăng liều: Nếu mức glucose chưa được kiểm soát tốt, bệnh nhân nên tăng liều Gliclazide lên đến 60mg, 90mg hoặc 120mg/ ngày lần lượt theo từng cấp độ và mỗi lần tăng nên cách nhau tối thiểu một tháng. Đôi khi, bệnh nhân cũng có thể phối hợp Gliclazide cùng với chất ức chế α-glucosidase, Metformin hoặc Insulin để tăng thêm hiệu quả điều trị.
Trong quá trình điều trị tiểu đường loại 2 không đáp ứng insulin bằng thuốc Clazic MR, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng liều dùng thuốc đã được bác sĩ khuyến cáo. Tuyệt đối không tự ý tăng/ giảm liều hay kéo dài thời gian sử dụng thuốc khi chưa được cho phép.
4. Thuốc Clazic MR gây ra các tác dụng phụ gì?
Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể gặp phải một số phản ứng bất lợi khi điều trị đái tháo đường (không phụ thuộc insulin) bằng thuốc Clazic MR, bao gồm:
- Buồn nôn, nôn ói, chán ăn, ợ hơi, miệng có vị kim loại.
- Tiêu chảy, tăng cân hoặc tăng sự thèm ăn.
- Phát ban da, nổi mẩn ngứa hoặc nổi mày đay.
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng.
- Mặt đỏ ửng.
- Hạ đường huyết nhẹ.
- Vàng da ứ mật.
- Viêm gan.
- Tăng men gan.
- Giảm mức bạch cầu.
- Giảm tiểu cầu.
- Mất bạch cầu hạt.
- Thiếu máu bất sản.
- Nổi ban đỏ trên da.
- Viêm tróc da.
- Hội chứng Stevens-Johnson.
- Thiếu máu tán huyết.
- Hồng ban đa dạng.
Nếu gặp phải bất kỳ một trong số các triệu chứng được liệt kê ở trên, bệnh nhân cần ngưng dùng thuốc Clazic MR và báo cho bác sĩ sớm nhất có thể. Việc điều trị kịp thời các dấu hiệu bất lợi liên quan đến Clazic MR sẽ giúp bệnh nhân tránh khỏi những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng khác.
5. Những điều cần lưu ý trong quá trình dùng thuốc Clazic MR
Nhằm đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị tối ưu khi sử dụng thuốc Clazic MR, bệnh nhân nên lưu ý và thận trọng một số khuyến cáo sau:
- Các loại thuốc thuộc nhóm Sulfonylurea không sử dụng để điều trị cho bệnh tiểu đường loại 1. Khi dùng Clazic MR điều trị tiểu đường loại 2 cần tránh sử dụng cho những bệnh nhân đã bị nhiễm trùng hoặc nhiễm toan ceton mức nặng, người gặp phải chấn thương hay bất kỳ tình trạng nào mà loại thuốc này không thể kiểm soát được vấn đề tăng đường huyết.
- Thận trọng khi sử dụng Clazic MR cho bệnh nhân có nguy cơ hạ đường huyết, tốt nhất nên chuyển sang một loại thuốc có tác dụng ngắn hạn như Gliclazide. Những bệnh nhân bị suy thận cũng nên dùng Gliclazid thay vì Clazic MR để tránh gặp phải các tác dụng bất lợi.
- Thuốc Clazic MR có thể gây ra các cơn hạ đường huyết, mất nhận thức và ảnh hưởng đến khả năng lái xe hay vận hành máy móc của bệnh nhân.
- Thuốc Clazic MR có thể phân phối vào sữa mẹ, do đó cần tránh dùng loại thuốc này trong thời gian nuôi con bú.
- Khi uống quá liều Clazic MR, bệnh nhân có thể gặp phải triệu chứng hạ đường huyết nghiêm trọng. Lúc này, bác sĩ sẽ cấp cứu bằng phương pháp rửa dạ dày và điều trị tình trạng hạ đường huyết bằng các phương pháp thích hợp.
- Trong trường hợp quên liều thuốc Clazic MR, bệnh nhân nên bù liều càng sớm càng tốt, tuy nhiên tránh uống gấp đôi liều cùng lúc.
- Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của Clazic MR trước khi dùng nhằm tránh uống thuốc đã quá hạn.
- Nếu thuốc Clazic MR có dấu hiệu nấm mốc hoặc chảy nước, bệnh nhân nên vứt bỏ thuốc theo đúng hướng dẫn.
- Tránh dùng chung thuốc Clazic MR cùng với những loại thuốc như Phenylbutazon, Sulfonamid, các thuốc IMAO, Tetracycline, dẫn xuất coumarin, Salicylate, Clofibrate, Disopyramide, thuốc chẹn b-adrenergic, miconazol đường uống, Chloramphenicol hoặc Cimetidin.