Khi bạn cần nhiều hơn 1 thuốc cho bệnh tiểu đường type 2?

Đối với người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2, song song với việc xây dựng chế độ ăn uống khoa học và tăng cường các bài tập thể dục, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc. Chế độ dùng thuốc ban đầu thường là đơn trị liệu (chỉ dùng 1 thuốc). Vậy người bệnh tiểu đường type 2 khi nào cần chuyển sang chế độ phối hợp nhiều thuốc?

1. Lựa chọn đầu tay chữa tiểu đường type 2

Hầu hết bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 bắt đầu với chế độ đơn trị liệu 1 thuốc, lựa chọn đầu tay chính là metformin (ngoại trừ những bệnh nhân dị ứng với hoạt chất này). Thuốc chữa tiểu đường metformin được bào chế dưới dạng viên nén hoặc chất lỏng có tác dụng làm giảm lượng glucose do gan tạo ra.


Thuốc metformin là lựa chọn ưu tiên để điều trị bệnh tiểu đường type 2
Thuốc metformin là lựa chọn ưu tiên để điều trị bệnh tiểu đường type 2

2. Khi nào người bệnh cần nhiều hơn loại 1 thuốc cho bệnh tiểu đường type 2

Trên thực tế, ngay cả khi người bệnh tiểu đường type 2 luôn cố gắng thay đổi lối sống và dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn, lượng đường trong máu của bệnh nhân vẫn trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Điều này không có nghĩa là bệnh nhân đã làm sai mà bản chất bệnh tiểu đường luôn tiến triển (việc tuân trị và thay đổi lối sống chỉ giúp quá trình này kéo dài hơn), từ đó dẫn đến bệnh nhân tiểu đường type 2 phải chuyển sang chế độ điều trị khác cần nhiều hơn 1 loại thuốc, hay còn gọi là liệu pháp kết hợp thuốc để kiểm soát đường huyết về mức kỳ vọng.

Vậy có thể hiểu rằng, người bệnh cần phải thêm thuốc để chữa bệnh tiểu đường khi chế độ 1 thuốc và thay đổi lối sống không thể đáp ứng việc đưa đường huyết về mục tiêu điều trị.

XEM THÊM: Thuốc metformin: Lưu ý khi điều trị tiểu đường type 2

3. Các loại thuốc chữa bệnh tiểu đường type 2

Thuốc chữa bệnh tiểu đường được chia thành 2 loại: insulin và không insulin. Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường type 2 sẽ bắt đầu với loại thuốc không phải insulin.

Thuốc không phải insulin được chia thành các nhóm lớn dựa trên cơ chế tác dụng của thuốc như:

  • Metformin (tên thương mại phổ biến là Glucophage): giảm sinh tổng hợp glucose ở gan;
  • Thiazolidinediones (hay còn gọi là nhóm glitazones): tăng nhạy cảm với insulin (insulin có tác dụng đưa đường vào tế bào để sử dụng, từ đó làm giảm đường huyết) và tăng cường hoạt động của insulin trong tế bào cơ và tế bào mỡ;
  • Thuốc kích thích tiết: thuốc chữa tiểu đường này sẽ giúp kích thích tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn;
  • Thuốc “chẹn” tinh bột: thuốc thuộc nhóm này giúp tăng đường huyết quá mức bằng cách làm chậm quá trình cơ thể hấp thụ đường từ thức ăn;
  • Liệu pháp dựa trên incretin: giúp gan tạo ra ít đường hơn, làm chậm quá trình hấp thụ thức ăn, liệu pháp này có thể là thuốc viên uống hoặc thuốc tiêm.
  • Các chất tương tự amylin (hormone do tế bào beta tuyến tụy tiết ra, có tác dụng làm giảm sự gia tăng glucose sau ăn bằng cách giảm tỷ lệ làm rỗng dạ dày, ức chế sản xuất glucagon - hormone gây tăng đường huyết, giảm sản xuất glucose tại gan sau ăn). Các loại thuốc thuộc nhóm này được bào chế dưới dạng thuốc tiêm và hoạt động tương tự như liệu pháp dựa trên incretin.
  • Thuốc ức chế SGLT2 (hay còn gọi là gliflozin): thuốc khiến thận tăng thải lượng đường dư thừa vào nước tiểu.

Một số loại thuốc chữa tiểu được không phải insulin có thể được bào chế dưới dạng viên thuốc uống kết hợp, bao gồm 2 hoặc nhiều hoạt chất thuộc các nhóm khác nhau kể trên.


Bệnh tiểu đường type 2 được chỉ định thuốc không phải insulin ở giai đoạn đầu
Bệnh tiểu đường type 2 được chỉ định thuốc không phải insulin ở giai đoạn đầu

4. Cách lựa chọn thuốc thứ 2 để điều trị tiểu đường type 2

Nếu chế độ điều trị 1 thuốc không đủ để kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc để tìm ra một sự phối hợp tốt nhất cho người bệnh. Thông thường, bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng metformin và được cho kết hợp thêm 1 (hoặc nhiều) thuốc khác.

Việc lựa chọn thuốc thứ 2 để chữa bệnh tiểu đường phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng người bệnh. Ví dụ, một số loại giúp thuốc kiểm soát lượng đường trong máu tăng đột biến ngay sau bữa ăn trong khi những loại khác lại có hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn tình trạng giảm lượng đường trong máu (hạ đường huyết) giữa các bữa ăn trong ngày, một số thuốc khác lại giúp giảm cân hoặc giảm cholesterol...

Ngoài ra, quyết định lựa chọn cũng có thể phụ thuộc vào các loại thuốc mà người bệnh đang dùng để điều trị các bệnh lý mãn tính đồng mắc khác. Bác sĩ cũng có thể xem xét việc chọn thuốc dựa trên các tác dụng phụ có thể xảy ra hoặc chi phí mà bệnh nhân có thể đáp ứng để điều trị lâu dài.

Khi chế độ điều trị thay đổi (thêm thuốc), người bệnh cần đến gặp bác sĩ thường xuyên hơn. Nếu thêm 1 loại thuốc thứ hai không giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bệnh nhân hoặc sự kết hợp của 2 loại thuốc chỉ cho tác dụng cải thiện đường huyết trong một thời gian ngắn, khi đó bác sĩ có thể xem xét thêm loại thuốc thứ 3 thuộc nhóm không phải insulin hoặc có thể bắt đầu điều trị bằng insulin tiêm dưới da.

XEM THÊM: Có phương pháp chữa khỏi bệnh tiểu đường và thuốc thay thế insulin không?


Một số loại thuốc khác được áp dụng điều trị tiểu đường type 2 khi điều trị 1 thuốc không đủ
Một số loại thuốc khác được áp dụng điều trị tiểu đường type 2 khi điều trị 1 thuốc không đủ

5. Liệu pháp Insulin

Bổ sung insulin không thể thực hiện bằng đường uống vì dịch dạ dày sẽ khiến hormon này ngừng hoạt động. Liệu pháp Insulin được thực hiện bằng đường tiêm thông qua ống tiêm hoặc bút tiêm, một số người sử dụng máy bơm insulin để đưa thuốc vào cơ thể.

Insulin cũng được chia thành nhiều dạng, trong đó có dạng Insulin tác dụng kéo dài hoặc Insulin tác dụng nhanh. Bác sĩ sẽ quyết định loại nào phù hợp nhất đối với từng bệnh nhân cụ thể.

Có thể thấy, việc sử dụng nhiều hơn 1 thuốc chữa tiểu đường là việc mà bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường lâu năm nào cũng trải qua. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc luôn luôn cần đi kèm với chế độ ăn uống lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường kết hợp vận động vừa sức, giúp mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe