Sau khi được đưa vào cơ thể, để phát huy được tác dụng điều trị, thuốc cần trải qua các giai đoạn hấp thụ, phân bố, chuyển hóa và đào thải. Quá trình hấp thu thuốc diễn ra như thế nào và thời gian thuốc tan trong dạ dày là bao lâu?
1. Quá trình hấp thu thuốc trong cơ thể
Để đáp ứng được nhu cầu sử dụng và mục đích điều trị, hiện nay trên thị trường có rất nhiều dạng thuốc khác nhau như:
- Đối với thuốc dạng đường uống: có dạng viên nén, viên nang, thuốc dạng nước, bột, siro...
- Thuốc đường tiêm: dạng bột pha tiêm, dạng dung dịch tiêm truyền.
- Thuốc bôi ngoài da: dạng cream, dạng gel, dạng dung dịch...
Mỗi con đường sử dụng thuốc khác nhau thì thuốc sẽ được hấp thu trong cơ thể theo cơ chế khác nhau nhưng đều trải qua các giai đoạn: hấp thu, phân bố trong máu, chuyển hóa và đào thải.
Giai đoạn hấp thu thuốc
Cơ chế, thời gian cũng như cách hấp thu thuốc trong cơ thể là khác nhau đối với đường uống, đường tiêm tuyền và đường bôi. Tùy theo từng bệnh lý, thể trạng bệnh nhân và loại thuốc sử dụng để bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định phù hợp với từng người bệnh.
Hiện nay, các thuốc đường uống đang được sử dụng phổ biến, rộng rãi nhất do tính thuận tiện, dễ dàng sử dụng, an toàn mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị. Chỉ những trường hợp cấp cứu cần thiết hoặc không đáp ứng với đường uống hay đường bôi mới chuyển sang sử dụng thuốc đường tiêm truyền.
Với thuốc đường uống
Sau khi thuốc được đưa vào miệng sẽ theo đường thực quản đi xuống dạ dày và được hòa tan bởi dịch vị. Có một số thuốc sẽ được hấp thu trực tiếp tại dạ dày, một số khác sau khi được hòa tan trong dạ dày sẽ di chuyển xuống ruột non rồi được tái hấp thu tại hệ đường ruột. Câu hỏi đặt ra là thời gian thuốc tan trong dạ dày là bao lâu? Trên thực tế, hệ thống mao mạch ở niêm mạc dạ dày rất nghèo nàn nên thuốc ít được hấp thu tại dạ dày và thời gian thuốc lưu lại dạ dày cũng không lâu. Khi nói về thời gian tan thuốc trong dạ dày, các chuyên gia khẳng định rằng điều này có liên quan đến sự trống rỗng và tháo sạch của dạ dày. Tức là, khi đói dạ dày trống rỗng, thuốc sẽ di chuyển trong dạ dày với tốc độ nhanh hơn. Thời gian của thuốc trong dạ dày chỉ khoảng từ 10 - 30 phút. Ngược lại khi ăn no, tốc độ này bị chậm lại, thời gian thuốc ở trong dạ dày có thể kéo dài từ 1 đến 4 giờ. Những thuốc tan chậm, không tan hoặc được hấp thụ ít ở dạ dày sẽ được chuyển xuống ruột và hấp thu tại ruột.
Ở ruột non có rất nhiều nhung mao phát triển phong phú với lưu lượng máu cao nên diện tích hấp thu thuốc lớn, nhu động ruột thường xuyên giúp thuốc được hòa tan và phân bố đều hơn, độ pH của ruột lại thích hợp với nhiều loại thuốc khác nhau. Do đó, khả năng hấp thu thuốc ở ruột non tốt hơn ở dạ dày.
Với thuốc đường tiêm truyền:
So với đường uống, các thuốc tiêm tĩnh mạch và đường truyền sẽ có tác dụng nhanh hơn rất nhiều do trực tiếp đi vào máu để phân bố khắp cơ thể. Ngoài ra, tiêm bắp và tiêm dưới da cũng cho hiệu quả điều trị rất tốt.
Với thuốc đường bôi tại chỗ
Khi sử dụng các thuốc bôi tại chỗ, thuốc sẽ được thẩm thấu trực tiếp qua da và niêm mạc tại vị trí bôi thuốc.
Ưu điểm của thuốc bôi là thuốc có thể thấm nhanh và trực tiếp vào vị trí tổn thương mà không cần phải thông qua hệ mạch máu, cũng không bị sự tác động phá hủy của các enzym trong cơ thể. Mặc dù là thuốc bôi tác động tại chỗ nhưng có một số loại thuốc bôi có thể gây độc tính và tác dụng phụ toàn thân nếu sử dụng trên diện rộng, dùng không đúng cách hay quá liều thuốc. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng thuốc.
Một điều mà có không ít người bệnh thắc mắc ở đây là liệu những thuốc đường tiêm hay những thuốc bôi tại chỗ có thể tác động đến dạ dày được hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Về bản chất, thuốc có khả năng tác động đến dạ dày hay không chủ yếu liên quan đến tính chất, dược tính và các hoạt chất của thuốc. Một số thuốc giảm đau chống viêm, corticoid hay nhóm ức chế chọn lọc COX-2 dạng đường tiêm trong điều trị bệnh lý về khớp vẫn có thể gây tổn thương dạ dày nếu không được sử dụng đúng liều và đúng cách.
Giai đoạn phân bố thuốc trong cơ thể
Sau khi được hấp thu, thuốc sẽ theo đường mạch máu đi vào hệ tuần hoàn và được phân bố trong cơ thể tại các tổ chức cơ quan khác nhau với nồng độ và dạng tồn tại khác nhau. Sự phân bố này phụ thuộc vào đặc tính của thuốc và tính chất của cơ quan đích. Tuy nhiên, có một số cơ quan đích rất khó thâm nhập như ở mắt, xương và dịch não tủy. Bởi vậy, cần cân nhắc và thận trọng khi kê đơn.
Giai đoạn chuyển hóa thuốc
Trong cơ thể, gan là cơ quan chính để diễn ra các chuyển hóa thuốc và các chất dưới tác động của men gan và các enzym xúc tác. Trong quá trình chuyển hóa tại gan, thuốc có thể được biến đổi từ dạng không hoạt động sang dạng hoạt động, biến đổi chất độc thành không độc tính và ngược lại cũng có thể chuyển hóa thuốc từ không độc thành có độc tính với cơ thể. Lúc này, gan sẽ tiết ra các men hay các enzym hay các hoạt chất có khả năng phân hủy và làm giảm độc tính của chất độc rồi sau đó đào thải chúng ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Ở những trường hợp quá liều, độc tính của hoạt chất bị tăng lên, gan không thể sản xuất đủ lượng men cần thiết để làm giảm độc tính thì các chất độc sẽ xâm nhập phá hủy và gây hoại tử tế bào gan. Do đó, việc đảm bảo duy trì tốt hoạt động chức năng gan là yếu tố quan trọng để giữ một cơ thể khỏe mạnh.
Giai đoạn đào thải
Sau khi trải qua quá trình chuyển hóa tại gan, các chất có lợi sẽ được phân bố vào máu và đưa đến các cơ quan đích, còn lại sẽ được giữ trong gan hoặc đưa đến thận để thận sàng lọc lại rồi sau đó đào thải các chất độc và dư thừa ra ngoài theo con đường nước tiểu. Nói chung, gan và thận là 2 cơ quan chính giúp cơ thể thực hiện quá trình thải trừ thuốc ra ngoài. Ngoài ra, một phần thuốc còn được đào thải qua phân theo đường ruột, hoặc qua phổi theo đường ơi thở và qua da theo đường tuyến mồ hôi. Ở phụ nữ có thai và đang cho con bú, thuốc có thể được bài tiết vào sữa mẹ.
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian thuốc tan trong dạ dày
Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thời gian thuốc tan trong dạ dày bao gồm:
Về thuốc
- Tính chất, đặc điểm của thuốc bao gồm: cấu trúc hóa học, dạng bào chế, tính chất tan trong nước hay tan trong dầu...
- Lớp áo của viên thuốc là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thuốc có được hòa tan ở dạ dày hay không. Có những viên thuốc sẽ được bào chế ở dạng viên nén bao tan trong ruột để nhằm bảo vệ viên thuốc tránh sự tác động và phá hủy của dịch vị hoặc được thiết kế có lớp vỏ bọc để tránh thuốc gây tác động trực tiếp làm tổn thương đến niêm mạc dạ dày.
- Độ pH của thuốc: pH của dạ dày khi đói ở khoảng từ 1, 7 đến 1,8 nên sẽ hấp thụ được những thuốc ít bị ion hóa và có độ acid yếu như thuốc Barbiturat hay Phenylbutazon, còn khi no thì độ pH có thể tăng lên 3. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hấp thu của thuốc tại dạ dày. Thuốc Aspirin là một loại thuốc dễ bị ion hóa có thể hấp thu tốt tại dạ dày nên khi sản xuất thường được bào chế dưới dạng viên nén bao phim để làm giảm sự hấp thu này, đồng thời hạn chế làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Về người dùng thuốc
Các yếu tố cơ bản bao gồm độ tuổi, giới tính, cân nặng, thể trạng đều là những tác nhân có thể tác động đến sự hấp thu cũng như thời gian thuốc tan trong dạ dày.
Thời điểm uống thuốc trong, trước hay sau bữa ăn:
- Ở dạ dày, thuốc sẽ được hấp thu tốt hơn khi đói nhưng dễ bị kích ứng, làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây nên các tình trạng viêm loét.
- Thuốc tan mạnh trong lipid sẽ được hấp thu tốt hơn nếu bạn uống trong một bữa ăn giàu lipid như thuốc Sulfamid, Phenytoin hay Griseofulvin...
- Các thuốc dễ gây kích ứng tổn thương niêm mạc dạ dày như thuốc giảm đau chống viêm Non-steroid, corticoid... nên uống lúc no và uống cùng nhiều nước lọc để tăng khả năng hấp thu, đồng thời bảo vệ dạ dày.
Thức ăn và chế độ dinh dưỡng kết hợp cùng:
- Thức ăn là tác nhân làm thay đổi pH của dạ dày. Một chế độ ăn uống có chứa nhiều các chất acid, vị chua và các chất có gas hay chất kích thích không chỉ làm tăng tính acid của dịch vị mà còn gây nên tình trạng tổn thương niêm mạc dẫn đến viêm loét dạ dày.
- Nên kiểm soát lượng Na+ và K+ trong chế độ ăn hàng ngày nếu bạn đang sử dụng các thuốc lợi niệu, Glycosid và corticoid.
- Hoạt tính của CYP450 (hệ thống enzym có tham gia vào quá trình chuyển hóa thuốc) sẽ bị giảm nếu chế độ dinh dưỡng của bạn đang bị thiếu hàm lượng protein.
- Uống thuốc nên dùng chung với nước lọc. Nước ngọt, nước hoa quả hay nước có gas và các chất kích thích khác sẽ làm giảm sự hấp thu thuốc trong cơ thể. Một số điểm đặc biệt cần lưu ý như độ pH của sữa cao nên có thể làm giảm tác dụng phụ của thuốc có tính acid mạnh với niêm mạc dạ dày, thuốc chứa sắt hoặc Alcaloid sẽ bị kết tủa nếu uống với nước chè, thuốc tránh thai sẽ làm tăng tác dụng phụ của cà phê gây buồn ngủ, mê sảng...
- Cơ địa dị ứng và tình trạng bệnh lý của người bệnh. Cần thận trọng khi kê đơn cho những bệnh nhân đang có bệnh lý về dạ dày thực quản hay bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản...
Có thể nói sự hòa tan của thuốc trong dạ dày là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thuốc của cơ thể và hiệu quả điều trị bệnh. Do đó, hãy sử dụng thuốc đúng cách, đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất mà an toàn, không nguy hại đến sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.