Thuốc đi qua sữa mẹ như thế nào?

Nhiều bà mẹ buộc phải uống thuốc khi đang cho con bú. Hầu hết tất cả các loại thuốc qua sữa mẹ và điều này có thể gây rủi ro cho trẻ bú sữa mẹ. Theo đó, cần xem xét các yếu tố như liều dùng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú, dược động học và tác dụng của thuốc đối với trẻ sơ sinh nhằm có cách lựa chọn thuốc thích hợp, vừa đảm bảo hiệu quả điều trị cho mẹ, vừa đảm bảo sự đào thải thuốc vào sữa mẹ là an toàn cho trẻ nhỏ.

1. Thuốc đi qua sữa mẹ như thế nào?

Con đường đào thải thuốc vào sữa mẹ bị ảnh hưởng bởi liên kết protein, khả năng hòa tan trong lipid và quá trình ion hóa của loại thuốc được sử dụng.

Gần như tất cả các loại thuốc đều đào thải vào sữa mẹ ở một mức độ nào đó. Các trường hợp ngoại lệ đáng chú ý là heparin và insulin do có kích thước phân tử quá lớn để vượt qua hàng rào sinh học để vào sữa mẹ.

Thuốc truyền từ huyết tương của mẹ sang sữa là bằng cách khuếch tán thụ động qua màng sinh học. Các đặc điểm đóng vai trò lớn nhất về tính đào thải của thuốc qua sữa mẹ là khi thuốc có ít liên kết với protein huyết tương của người mẹ và khả năng hòa tan trong lipid cao. Ngoài ra, vì sữa có tính axit cao hơn một chút so với huyết tương (pH của sữa khoảng 7,2 và huyết tương là 7,4), điều kiện này sẽ cho phép các thuốc có tính bazơ yếu sẽ dễ dàng dịch chuyển vào sữa mẹ hơn và bị giữ lại sau quá trình ion hóa. Ngoài ra, thành phần sữa thay đổi trong và giữa các lần bú; điều này cũng có thể ảnh hưởng đến việc đào thải thuốc vào sữa mẹ. Ví dụ, sữa ở cuối bữa ăn của trẻ thường chứa nhiều chất béo hơn một cách đáng kể so với sữa đầu dòng và có thể tập trung các loại thuốc hòa tan trong chất béo.


Gần như tất cả các loại thuốc đều đào thải vào sữa mẹ ở một mức độ nào đó
Gần như tất cả các loại thuốc đều đào thải vào sữa mẹ ở một mức độ nào đó

2. Cách tính mức độ phơi nhiễm của trẻ sơ sinh với thuốc điều trị của mẹ

Việc tính toán mức độ phơi nhiễm của trẻ sơ sinh đối với thuốc lưu hành trong cơ thể mẹ có thể được thực hiện để giúp hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc ở phụ nữ đang cho con bú.

Công thức tính liều nhận được thuốc vào trong cơ thể trẻ sơ sinh qua sữa mẹ bằng tích số của nồng độ thuốc trong huyết tương của người mẹ, tỷ lệ sữa trong huyết tương theo thời gian và thể tích sữa mà trẻ ăn vào.

Thông thường, lượng sữa ăn vào của trẻ sơ sinh thường được ước tính là 0,15L/kg/ngày. Liều thuốc trong cơ thể trẻ sơ sinh (mg/kg) sau đó có thể được biểu thị bằng phần trăm của liều thuốc trong cơ thể mẹ (mg/kg). Ngưỡng cắt bên dưới 10% đã được chấp thuận làm tiêu chuẩn hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn trong thời kỳ cho con bú.

Dựa vào đó, nên tránh dùng các loại thuốc như lithium (liều cho trẻ sơ sinh cao đến 80% liều lượng mẹ điều chỉnh theo cân nặng) và amiodarone (liều cho trẻ sơ sinh lên đến 50%) do trẻ sơ sinh tiếp xúc nhiều và có khả năng gây độc đáng kể. Đối với các thuốc có độc tính cố hữu lớn hơn như tác nhân gây độc tế bào, ergotamine, muối vàng, chất ức chế miễn dịch và isotretinoin, ngưỡng cắt 10% lại được xem là quá cao và được xem trong nhóm thuốc chống chỉ định trong thời gian cho con bú.

Theo nguyên tắc như vậy, việc mẹ sử dụng các chế phẩm dùng tại chỗ như kem bôi ngoài da, thuốc xịt mũi hoặc thuốc hít sẽ ít gây rủi ro cho trẻ bú sữa mẹ hơn so với các loại thuốc dùng đường toàn thân thông thường. Điều này là do nồng độ thuốc vào trong tuần hoàn mẹ thấp hơn và do đó lượng thuốc qua sữa mẹ sẽ ở mức thấp hơn. Tuy nhiên, nguy cơ đối với trẻ sơ sinh còn phải được xem xét liên quan đến độc tính của thuốc được sử dụng, chế độ liều lượng và khu vực áp dụng.

Ngoài ra, các yếu tố khác cũng cần xem xét khi dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú là dược động học của thuốc trong cơ thể trẻ sơ sinh. Nói chung, các thuốc hấp thu kém hoặc có chuyển hóa lần đầu cao ít có khả năng gây ra vấn đề nguy hại trong thời kỳ cho con bú. Ví dụ, gentamicin rất ưa nước và rất kém hấp thu khi dùng đường uống nên ít có khả năng đào thải vào sữa mẹ, vốn là con đường đào thải của các thuốc ưa béo.


Việc tính toán mức độ phơi nhiễm của trẻ sơ sinh đối với thuốc lưu hành trong cơ thể mẹ có thể được thực hiện để giúp hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc ở phụ nữ đang cho con bú
Việc tính toán mức độ phơi nhiễm của trẻ sơ sinh đối với thuốc lưu hành trong cơ thể mẹ có thể được thực hiện để giúp hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc ở phụ nữ đang cho con bú

3. Cách giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm đối với trẻ bú sữa mẹ

Nguy cơ tổng thể của thuốc đối với trẻ bú mẹ phụ thuộc vào nồng độ của thuốc trong máu trẻ sơ sinh và tác dụng của thuốc đối với trẻ sơ sinh. Nếu sau khi đánh giá rủi ro và lợi ích, quyết định cho con bú trong khi người mẹ đang sử dụng thuốc, trẻ sơ sinh cần được theo dõi các tác dụng phụ như không phát triển bình thường, khó chịu và an thần. Tuy nhiên, rất khó để xác định các phản ứng có hại xảy ra ở trẻ sơ sinh. Vậy nên, cần cho trẻ ăn ngay trước khi dùng thuốc được xem là cách có thể giúp giảm thiểu sự phơi nhiễm của trẻ sơ sinh vì nồng độ trong sữa có thể thấp nhất vào cuối khoảng thời gian dùng thuốc. Tuy nhiên, đối với một số loại thuốc, nồng độ trong sữa thấp hơn nồng độ trong huyết tương.

Đối với các thuốc có liều dùng cho trẻ sơ sinh lớn hơn ngưỡng cắt 10%, liều dùng cho bà mẹ cần phải được điều chỉnh theo cân nặng để góp phần giảm phơi nhiễm cho trẻ sơ sinh. Song song đó, trẻ cũng có thể được cho bú mẹ và bú sữa công thức xen kẽ.

Đối với thuốc đã được xem là nguy hại, trẻ cần được nuôi dưỡng thay thế bằng sữa công thức hoàn toàn trong thời gian mẹ điều trị. Lúc này, nên khuyến khích người mẹ tiếp tục vắt sữa mẹ khi đang điều trị nhưng vắt bỏ sữa. Điều này sẽ giúp duy trì khả năng tiết sữa của tuyến vú và giúp mẹ có thể tiếp tục cho con bú sau khi kết thúc liệu trình.

4. Đánh giá tính an toàn của một số loại thuốc thường dùng trong thời kỳ cho con bú

Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen, naproxen và codeine được xem là an toàn trong thời kỳ cho con bú, do thuốc vào sữa mẹ thấp và ít gặp tác dụng bất lợi trên trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, việc dùng aspirin, dù thuốc qua sữa mẹ có ngưỡng thấp, tốt nhất là nên tránh do nguy cơ gây ra hội chứng Reye trên lý thuyết ở trẻ sơ sinh. Sumatriptan có thời gian bán hủy ngắn khoảng hai giờ và việc tiếp xúc với trẻ sơ sinh gần như hoàn toàn có thể tránh được bằng cách vắt và bỏ sữa mẹ trong khoảng tám giờ sau khi dùng thuốc. Morphine thường được coi là an toàn vì lượng truyền vào sữa thấp và chuyển hóa lần đầu cao.

Thuốc tẩy giun sán

Dường như không có bất kỳ dữ liệu nào về việc đào thải của các thuốc tẩy giun như mebendazole hoặc pyrantel vào sữa mẹ mặc dù những tác nhân này thường được coi là an toàn do kém hấp thu qua đường tiêu hóa.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh như penicilin, cephalosporin và macrolid là các nhóm phù hợp ở phụ nữ đang cho con bú. Dù vậy, có một ít rủi ro theo lý thuyết về nguy cơ làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ sơ sinh và gây mẫn cảm dị ứng.

Tính an toàn của metronidazole còn gây tranh cãi do khả năng thuốc qua sữa mẹ cao.

Tính đào thải của thuốc qua sữa mẹ đối với tetracycline là thấp nhưng chúng thường được tránh do có thể có nguy cơ ức chế sự phát triển của xương hoặc gây thay đổi màu răng ở trẻ sơ sinh.

Thuốc chống đông máu

Heparin (không phân đoạn và trọng lượng phân tử thấp) được coi là an toàn vì những tác nhân này có trọng lượng phân tử lớn và không đi vào sữa mẹ ở một mức độ đáng kể.

Warfarin cũng được uống thuốc khi đang cho con bú vì khả năng thay đổi thời gian prothrombin là không được phát hiện ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng khi theo dõi thời gian prothrombin của trẻ sơ sinh trong quá trình điều trị của mẹ.


Các loại thuốc chống đông máu như Heparin và Wafarin được coi là an toàn với phụ nữ đang cho con bú
Các loại thuốc chống đông máu như Heparin và Wafarin được coi là an toàn với phụ nữ đang cho con bú

Thuốc chống co giật

Carbamazepine, phenytoin và natri valproate thường được coi là an toàn với việc cho con bú mặc dù trẻ sơ sinh nên được quan sát để tìm bằng chứng về suy nhược hệ thần kinh trung ương.

Thuốc chống trầm cảm

Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) đào thải vào sữa mẹ ở các mức độ khác nhau.

Trong khi paroxetine được báo cáo là có khả năng đào thải vào sữa mẹ thấp nhất (liều điều chỉnh cân nặng cho trẻ sơ sinh 1-3%) thì fluoxetine ở mức độ lớn hơn (14%) và chất chuyển hóa có hoạt tính của nó, norfluoxetine, có thời gian bán hủy kéo dài từ một đến hai tuần và có thể tích lũy trong cơ thể trẻ bú sữa mẹ.

Thuốc kháng histamine

Các thuốc kháng histamine như promethazine, dexchlorpheniramine và diphenhydramine được xem là an toàn nếu uống thuốc khi đang cho con bú.

Tuy nhiên, cần thận trọng khi theo dõi tình trạng an thần hoặc khó chịu ở trẻ sơ sinh.

Benzodiazepine

Các thuốc benzodiazepin có thời gian bán hủy trong huyết tương ngắn, như midazolam và temazepam, không có khả năng nguy hại cho trẻ sơ sinh do lượng truyền vào sữa mẹ thấp.

Ngược lại, các tác nhân có thời gian bán hủy dài như diazepam lại có thể tích lũy trong cơ thể trẻ sơ sinh khi tiếp xúc kéo dài và có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng hôn mê, bỏ bú.

Thuốc thông mũi

Một đợt ngắn pseudoephedrin (liều điều chỉnh theo cân nặng <4%) được xem là an toàn đối với trẻ bú mẹ.

Tuy nhiên, dạng bào chế thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ làm thông mũi tại chỗ thường được ưu tiên hơn do khả năng tiếp xúc với trẻ sơ sinh thấp hơn.

Các chất kích thích và gây nghiện

Các thuốc này không có được kết luận chung vì tính thiếu thống nhất về liều lượng và cách sử dụng không được kiểm soát. Ngoài ra, hầu hết đều có liều tương đối cao cho cơ thể trẻ sơ sinh. Tiếp xúc với trẻ sơ sinh sau khi mẹ uống ethanol có thể tăng cao tới 20% và có liên quan đến sự phát triển tâm thần vận động. Chính vì vậy, nên giảm thiểu uống rượu trong thời kỳ cho con bú (ví dụ như ngừng cho con bú trong khoảng hai giờ sau khi uống rượu).

Tiếp xúc với caffein có thể cao tới 34% liều lượng mẹ điều chỉnh theo cân nặng và có các tác dụng phụ như bồn chồn và cáu kỉnh đã được báo cáo ở trẻ sơ sinh tiếp xúc qua sữa mẹ.

Nicotine đã được phát hiện trong huyết tương của trẻ sơ sinh bú sữa mẹ và tốt nhất là các bà mẹ đang cho con bú nên tránh hút thuốc. Việc sử dụng liệu pháp thay thế nicotin ở các bà mẹ đang cho con bú cũng cần được cân nhắc về rủi ro và lợi ích. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, việc sử dụng liệu pháp thay thế nicotine trong thời gian ngắn sẽ được ưu tiên hơn nhiều so với việc tiếp tục hút thuốc.


Nicotine đã được phát hiện trong huyết tương của trẻ sơ sinh bú sữa mẹ và tốt nhất là các bà mẹ đang cho con bú nên tránh hút thuốc
Nicotine đã được phát hiện trong huyết tương của trẻ sơ sinh bú sữa mẹ và tốt nhất là các bà mẹ đang cho con bú nên tránh hút thuốc

Tóm lại, uống thuốc khi đang cho con bú là một yếu tố cần được cân nhắc quan trọng khi điều trị, đảm bảo tính an toàn cho cả sức khỏe của mẹ và trẻ nhỏ. Việc lựa chọn thuốc dựa vào con đường đào thải thuốc qua sữa mẹ và ảnh hưởng của thuốc ở trẻ. Tốt nhất là không nên tự ý uống thuốc khi đang cho con bú, đặt biệt là bỏ các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nhằm bảo vệ nguồn dinh dưỡng tự nhiên diệu kỳ cho trẻ trong những ngày tháng đầu đời.

Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến chủ thuốc đi qua sữa mẹ như thế nào cần bác sĩ tư vấn, bạn có thể để lại câu hỏi ở mục HỎI BÁC SĨ VINMEC trực tiếp trên website bệnh viện. Câu hỏi của bạn sẽ được gửi đến bác sĩ và bạn sẽ nhận được tư vấn trong thời gian sớm nhất!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe