Thuốc Concerta chứa hoạt chất Methylphenidate được sử dụng trong điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Thuốc thường được dùng một lần mỗi ngày vào buổi sáng, tránh dùng thuốc vào buổi tối vì có thể gây khó ngủ.
1. Thuốc Concerta chữa bệnh gì?
Concerta là thuốc gì? Thuốc Concerta chứa Methylphenidate, một hoạt chất có tác dụng kích thích hệ thống thần kinh trung ương, giúp người bệnh tăng khả năng chú ý, tập trung và kiểm soát các vấn đề về hành vi. Methylphenidate cũng giúp người bệnh tăng khả năng sắp xếp công việc và cải thiện kỹ năng lắng nghe. Thuốc concerta chữa bệnh gì? Thuốc Concerta được chỉ định trong điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Thuốc Concerta thường được sử dụng như sau:
- Thuốc thường được uống một lần mỗi ngày vào buổi sáng, có thể uống cùng hoặc không với thức ăn tùy theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu uống thuốc vào buổi tối có thể gây khó ngủ, do đó nên tránh uống thuốc vào buổi tối.
- Uống thuốc với một ly nước lớn (khoảng 240ml). Nuốt thuốc nguyên viên, không nghiền nát hoặc nhai viên thuốc, không bẻ để chia nhỏ viên thuốc trừ khi viên thuốc có vạch để bẻ hoặc bác sĩ hướng dẫn bạn làm như vậy.
- Thuốc cần được dùng thường xuyên để phát huy hiệu quả cao nhất. Để dễ dàng ghi nhớ việc uống thuốc, người bệnh nên uống thuốc vào cùng thời điểm trong ngày.
- Liều dùng thuốc của người bệnh được bác sĩ cân nhắc trên nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, đáp ứng với điều trị. Việc giảm liều hoặc tăng liều phải theo chỉ định của bác sĩ. Nếu đã dùng thuốc Concerta trong một thời gian dài, người bệnh không được đột ngột dừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Việc dừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến hội chứng cai nghiện với các triệu chứng như trầm cảm, thay đổi trạng thái tâm thần, có ý định tự tử. Để dừng thuốc Concerta một cách an toàn, bác sĩ sẽ giảm liều từ từ rồi mới dừng hẳn.
Nếu đã dùng thuốc Concerta trong một thời gian dài, có thể xảy ra hiện tượng lờn thuốc. Người bệnh hãy báo cho bác sĩ nếu cảm thấy thuốc không còn tác dụng.
Mặc dù là thuốc điều trị mang lại nhiều lợi ích nhưng thuốc Concerta có nguy cơ gây nghiện. Nguy cơ này sẽ cao hơn nếu người bệnh sử dụng các chất kích thích như rượu, ma túy. Để tránh nguy cơ nghiện do thuốc, người bệnh hãy dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ thêm chi tiết để phòng tránh tác dụng phụ này.
Người bệnh hãy báo cho bác sĩ nếu sử dụng thuốc Concerta mà bệnh rối loạn vận động giảm chú ý không được cải thiện hoặc thậm chí xấu đi.
2. Tác dụng phụ của thuốc Concerta
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Concerta, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như bồn chồn, khó ngủ, chán ăn, sụt cân, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau đầu. Hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu các tác dụng phụ kéo dài hoặc ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Thuốc Concerta có thể gây tăng huyết áp, hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên trong quá trình điều trị bằng thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu huyết áp của bạn tăng cao.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc Concerta bao gồm:
- Thay đổi lưu lượng máu đến ngón tay hoặc ngón chân: có triệu chứng lạnh, tê, đau hoặc thay đổi màu da, có vết thương bất thường trên ngón tay hoặc ngón chân
- Nhịp tim đập nhanh, mạnh, không đều.
- Thay đổi tâm thần, trạng thái, hành vi: người bệnh trở nên kích động, hung hăng, thay đổi tâm trạng, có những suy nghĩ bất thường, có ý định tự tử.
- Rối loạn vận động không kiểm soát như co giật, run rẩy
- Đột ngột phát ra các âm thanh khó hiểu; thay đổi thị lực như nhìn mờ,...
Hãy đưa người bệnh đến ngay các cơ sở ý tế nếu người bệnh ngất xỉu, co giật, có các triệu chứng của cơn đau tim như đau ngực, đau hàm, cánh tay trái; khó thở; đổ mồ hôi bất thường; các triệu chứng của đột quỵ như nói lắp, thụ lực thay đổi đột ngột, yếu một bên cơ thể.
Trong một số hiếm các trường hợp khi sử dụng thuốc ở nam giới có thể xảy ra tình trạng đau hoặc cương cứng dương vật kéo dài. Nếu xảy ra tình trạng này, hãy lập tức ngừng thuốc và đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Tình trạng người bệnh dị ứng nghiêm trọng với thuốc Concerta rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên hậu quả có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Do đó, hãy đưa người bệnh ngay đến các cơ sở y tế nếu có các triệu chứng phát ban; ngứa, sưng (đặc biệt là ở mặt, lưỡi, cổ họng); chóng mặt nghiêm trọng, khó thở.
3. Các thận trọng khi sử dụng thuốc Concerta
Trước khi sử dụng thuốc Concerta, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:
- Người bệnh dị ứng với Methylphenidate, Dexmethylphenidate hoặc có bất kỳ dị ứng với thuốc hoặc thức ăn nào khác.
- Bạn có tiền sử bệnh cao huyết áp, các bệnh tim mạch; bệnh cường giáp; tình trạng lo lắng, căng thẳng;kích động. Tiền sử bản thân hoặc gia đình có rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn cảm giác vận động, hội chứng Tourette,...
Tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh đơn thuốc phù hợp.Thuốc Concerta có thể làm cho người bệnh bị chóng mặt. Do đó, không nên lái xe, vận hành máy móc hoặc làm các công việc cần sự tập trung tỉnh táo cho đến khi tình trạng chóng mặt hết hoàn toàn. Sử dụng rượu có thể làm chóng mặt trở nên nặng hơn. Cần hạn chế rượu và các đồ uống có cồn trong thời gian điều trị bằng thuốc Concerta.Một số đối tượng cần cẩn trọng đặc biệt trong thời gian điều trị bằng thuốc Concerta là:
- Trẻ em: nếu dùng thuốc trong thời gian dài, thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, cân nặng, chiều cao của trẻ. Cần thường xuyên kiểm tra chiều cao, cân nặng trẻ trong thời gian điều trị bằng thuốc, đồng thời hỏi ý kiến bác sĩ các biện pháp để phòng ngừa tác dụng phụ này.
- Người cao tuổi: có thể nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc Concerta, thường gặp là các triệu chứng khó ngủ, sụt cân, đau ngực.
- Người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc này, đặc biệt là khó ngủ, sụt cân hoặc đau ngực.
- Phụ nữ có thai và cho con bú: người bệnh cần thảo luận với bác sĩ những lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc trong thời kỳ có thai và cho con bú. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết.
4. Các tương tác thuốc
Các tương tác giữa các thuốc dùng đồng thời có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần báo cho bác sĩ tất cả các thuốc đang sử dụng, bao gồm các thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc có nguồn gốc thảo dược, thực phẩm chức năng,... Bác sĩ sẽ kiểm tra tương tác giữa các thuốc người bệnh đang sử dụng với Concerta để ngăn ngừa các tương tác có thể xảy ra. Người bệnh không được tự ý sử dụng, thay đổi liều hoặc ngừng bất kỳ loại thuốc nào mà không được sự chấp thuận của bác sĩ.
Các thuốc ức chế IMAO như phenelzine, procarbazine isocarboxazid, linezolid, xanh methylen, moclobemide, ....có thể tương tác với Concerta gây hậu quả nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, trong hai tuần trước và sau khi điều trị bằng Concerta, người bệnh không được sử dụng các thuốc MAO.
Thuốc Concerta chứa hoạt chất methylphenidate, có tính chất rất giống với dexmethylphenidate. Do đó, không sử dụng thuốc có chứa dexmethylphenidate trong khi sử dụng thuốc Concerta.
5. Các lưu ý khác khi sử dụng thuốc Concerta
5.1. Xử lý khi sử dụng quá liều thuốc Concerta
Khi sử dụng Concerta quá liều, người bệnh có thể có các triệu chứng như nôn mửa, kích động, đổ mồ hôi, lú lẫn, đỏ bừng, co giật cơ, ảo giác, mất ý thức,... Nếu người bệnh có các triệu chứng như trên, hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
5.2. Làm gì nếu quên uống một liều Concerta?
Nếu quên uống một liều thuốc Concerta, người bệnh hãy dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu gần thời điểm dùng liều thuốc tiếp theo hoặc gần lúc đi ngủ, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều Concerta tiếp theo vào thời điểm như bình thường. Người bệnh tuyệt đối không được uống gấp đôi liều để bù lại liều thuốc đã quên.
5.3. Bảo quản thuốc Concerta
Thuốc Concerta được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp và độ ẩm cao. Hãy giữ thuốc Concerta tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi để đảm bảo an toàn.
Người bệnh cần tái khám đều đặn theo định kỳ. Bác sĩ sẽ đánh giá sự đáp ứng với thuốc, tiến triển của người bệnh và phát hiện sớm các tác dụng phụ. Có nhiều tên thuốc và dạng bào chế có cùng hoạt chất Methylphenidate. Người bệnh không được tự ý thay đổi thuốc mà không được sự chấp thuận của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com