Thuốc cản quang đường uống

Bài viết được viết bởi Ths.Bs. Phạm Mạnh Chung - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Thuốc cản quang đường uống là những chất hấp thụ mạnh tia X-quang để làm hiện rõ cấu trúc của đường tiêu hóa giúp chẩn đoán bệnh. Thuốc cản quang đường uống có 2 loại hay dùng là loại không tan trong nước như Bari sulfat và loại tan trong nước như Xenetic, Ultravist, Omipaque.

1. Thuốc cản quang đường uống là gì, được dùng khi nào?

Thuốc cản quang đường uống là những chất hấp thụ mạnh tia X-quang để làm hiện rõ cấu trúc của đường tiêu hóa giúp chẩn đoán bệnh. Thuốc cản quang đường uống có 2 loại hay dùng là loại không tan trong nước như Bari sulfat và loại tan trong nước như Xenetic, Ultravist, Omipaque.

Bác sĩ thăm khám bệnh nghi ngờ có bệnh lý ở cơ quan tiêu hóa, sẽ chỉ định cho bạn chụp cản quang đường uống, cụ thể:

+ Bệnh lý thực quản: viêm, loét, chít hẹp, túi thừa, giãn tĩnh mạch thực quản, ung thư thực quản. Những bất thường bẩm sinh thực quản: teo thực quản bẩm sinh, dò thực quản - khí quản.

+ Bệnh lý dạ dày: viêm, loét, ung thư dạ dày. Đánh giá hình thái và vị trí trong sa dạ dày, thoát vị hoành. Đánh giá lưu thông qua miệng nối sau cắt dạ dày do loét hay do u.

+ Bệnh lý ruột non: đánh giá lưu thông ruột non tìm vị trí hẹp tắc. Đánh giá u ruột non. Lao hồi – manh tràng. Bệnh lý Crohn.

+ Khi thuốc sang khung đại tràng: cũng có thể đánh giá được một số bệnh lý ở đại tràng như viêm, loét, Polyp hoặc ung thư đại tràng. Tuy nhiên để chẩn đoán tốt bệnh lý đại tràng cản quang nên dùng phương pháp thụt thuốc cản quang vào trực tràng- đại tràng.


Ung thư thực quản được chỉ định thuốc cản quang đường uống
Ung thư thực quản được chỉ định thuốc cản quang đường uống

2. Ưu nhược điểm của chụp cản quang đường uống

2.1 Ưu điểm

+ Chụp Xquang cản quang thực quản, dạ dày, ruột non là kỹ thuật đơn giản, ít biến chứng, giá trị chẩn đoán bệnh cao.

+ Chẩn đoán được nhiều bệnh lý của đường tiêu hóa như bệnh lý ở thực quản, dạ dày, ruột non và đại tràng.

+ Chi phí thăm khám hợp lý.

2.2 Nhược điểm

+ Khi phát hiện ra tổn thương không thể tiến hành sinh thiết tổn thương làm giải phẫu bệnh.

+ Hạn chế đánh giá những tổn thương nhỏ như viêm sung huyết, polyp kích thước nhỏ <5mm.

+ Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đường tiêu hóa như nội soi ống mềm kèm sinh thiết, chụp cắt lớp vi tính đa dãy, chụp cộng hưởng từ hạt nhân, nên phương pháp chụp X-quang cản quang đường tiêu hóa được chỉ định hạn chế.

3. Quá trình thực hiện

3.1 Chuẩn bị trước khi thực hiện chụp X-quang cản quang đường uống

Thay đổi chế độ ăn uống trong 2-3 ngày trước khi chụp. Bạn nên chuyển sang chế độ ăn ít chất xơ, ăn các thức ăn mềm dễ tiêu hóa như súp hoặc cháo. Không nên uống đồ uống có ga trước hôm chụp.

Trước khi thực hiện chụp X-quang đường tiêu hóa có cản quang, bạn sẽ phải mặc một áo choàng của bệnh viện và tháo tất cả trang sức như răng giả, vòng cổ, khuyên ngực, khuyên rốn, hay những vật dụng khác có thể xuất hiện trên phim X-quang nếu không được cởi bỏ.

Hãy hỏi nhân viên y tế rằng bạn có cần thay đổi liều thuốc của những thuốc đang uống. Thông thường, bạn có thể tiếp tục uống thuốc như bình thường. Không nên tự thay đổi liều thuốc mà không báo cho nhân viên y tế.

3.2 Quy trình thực hiện chụp X-quang có cản quang

Bạn sẽ được chụp 1 phim trước khi uống thuốc cản quang để đánh giá sơ bộ ban đầu các cơ quan trước khi uống thuốc cản quang. Đánh giá những cản quang bất thường như vôi hóa.

Sau đó bạn sẽ được cho uống thuốc cản quang, nuốt hợp chất này nhiều lần trong lúc chụp X-quang. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ cho bạn biết khi nào uống và uống nước với lượng bao nhiêu. Thường thì bạn có thể sẽ phải uống 200ml cho thăm khám thực quản- dạ dày, 500-600ml cho thăm khám ruột non.

Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ xem lượng thuốc cản quang chảy xuống đường tiêu hoá bằng cách sử dụng hình ảnh huỳnh quang và tia X-quang. Bàn chụp bạn đang nằm sẽ được thay đổi vị trí và bạn cũng sẽ thay đổi vị trí để cho thuốc cản quang chảy xuống cơ thể.

Nếu bạn sử dụng chất tương phản khí, bạn sẽ uống ngụm chất lỏng bari bằng ống hút với thuốc tạo khí trong dạ dày. Nhờ lượng khí này mà bác sĩ có thể thấy các niêm mạc dạ dày và ruột một cách chi tiết hơn.

Nếu bạn có xét nghiệm ở ruột non, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ nhìn dòng chảy bari qua ruột non xuống ruột già.

Quá trình thăm khám thực quản- dạ dày sẽ mất khoảng 30-40 phút. Nếu thăm khám cả ruột non thì sẽ kéo dài từ 5- 6 tiếng để thuốc cản quang lưu thông qua ruột non.

3.3 Bạn nên làm gì sau khi thực hiện chụp X-quang đường tiêu hóa có cản quang

Bạn có thể được cho uống thuốc nhuận tràng hay thuốc xổ để thải bari ra khỏi ruột sau khi xét nghiệm để ngăn ngừa táo bón.

Uống nhiều nước trong vài ngày.

Hạn chế ăn những thức ăn nhiều chất xơ.


Bạn nên uống nhiều nước trước khi chụp X-quang
Bạn nên uống nhiều nước trước khi chụp X-quang

4. Tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc cản quang đường uống và cách xử trí

Hầu như không có tác dụng phụ gì khi chụp với cản quang đường uống.

Đôi khi táo bón hoặc ỉa lỏng. Đau bụng hoặc chảy máu tiêu hoá. Biến đổi điện tâm đồ có thể gặp khi bơm vào trực tràng. Viêm phổi và u hạt ở phổi nếu bari sulfat đi nhầm vào phế quản – phổi.

Dự phòng: Cho uống đủ nước sau khám xét với bari sulfat để tránh táo bón nặng.

Chống chỉ định Bari sulfat : Tắc ruột và nghi ngờ tắc ống tiêu hoá; Thủng dạ dày ruột hoặc đang có nguy cơ thủng như viêm loét đại tràng cấp tính, viêm túi thừa, sau sinh thiết dạ dày, đại tràng hoặc sau tia xạ. Bạn sẽ được các bác sĩ thăm khám cẩn thận trước khi chụp để không xảy ra các biến chứng này.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe