Cà phê là loại đồ uống rất quen thuộc, rất phổ biến với mọi người, được nhiều người ưa chuộng và sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên có một số người muốn dần từ bỏ cà phê, tại sao như vậy, và thức uống nào có thể thay thế?
1. Tại sao có người lại muốn dần từ bỏ cà phê?
Đối với đa số mọi người thì caffeine là an toàn và không gây hại, ít nhất là khi một người trong một ngày tiêu thụ lượng caffeine có trong không quá bốn tách cà phê. Tuy nhiên thu nhận nhiều cafein vào cơ thể như vậy có thể gây ra tâm trạng lo âu, làm gián đoạn giấc ngủ hoặc làm tăng nhanh nhịp tim.
2. Cà phê khử caffeine (decaf)
Nếu là người muốn giảm lượng caffeine thu nhận vào cơ thể nhưng vẫn muốn thưởng thức hương vị của cà phê, cà phê khử caffeine là một lựa chọn thích hợp. Có nhiều phương pháp để khử caffeine ra khỏi cà phê, một số nhà sản xuất có thể sử dụng các chất hóa học hoặc các loại khí (chẳng hạn như carbon dioxide) để khử, hoặc có thể sử dụng phương pháp khử caffeine bằng nước của Thụy Sĩ (The Swiss Water Method).
Để được gọi là cà phê khử caffeine thì tối thiểu 97% lượng caffeine trong hạt cà phê phải được loại bỏ. Vì lý do đó, so với lượng caffeine (khoảng 100 mg) trong một tách cà phê bình thường, mỗi tách cà phê khử caffeine chỉ có lượng caffeine từ 3 tới 12 mg.
3. Trà xanh
Nếu có ý định loại bỏ caffeine khỏi chế độ uống hàng ngày, tốt nhất là nên làm điều đó một cách từ từ. Nếu cắt giảm đột ngột có thể khiến cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, đầu óc thiếu minh mẫn, dễ bị kích thích, đồng thời có thể xuất hiện hiện tượng đau đầu dữ dội.
Trà xanh là một thức uống lý tưởng để thay thế cà phê. Ngoài các chất chống oxy hóa có lợi, trong trà xanh còn chứa hàm lượng caffeine bằng 1⁄4 so với trong cà phê.
4. Trà sữa nghệ vàng (golden milk turmeric tea)
Nghệ là một loại gia vị có màu vàng sáng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch, làm nhẹ đi cơn đau khớp và làm giảm kích ứng da trong điều trị ung thư.
Cách pha chế trà sữa nghệ vàng hết sức đơn giản, hãy chuẩn bị sẵn một bình sữa hạnh nhân hoặc sữa dừa ấm, cho nghệ vào và khuấy đều, sau đó đậy nắp bình và lắc tới khi thức uống nổi bọt. Rót đồ uống vào tách, thêm vào một chút nhục đậu khấu trước khi thưởng thức. Để hợp khẩu vị có thể tùy ý gia thêm mật ong hoặc đường, tuy nhiên hãy nếm thử vị nguyên bản trước, bởi rất có thể thức uống đã đủ ngon rồi.
5. Giấm táo (apple cider vinegar)
Hãy lấy một nắp đầy giấm táo hòa trong một ly nước hoặc một cốc trà nóng, thêm chanh, mật ong hoặc thậm chí cả quế (nếu thích), rồi thưởng thức. Đừng sử dụng quá nhiều giấm táo, bởi lượng acid trong đó có thể gây hại cho răng. Giấm táo có thể có một chút tác dụng giúp ổn định đường huyết, và sau khi sử dụng giấm táo cơ thể sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn, từ đó ít khi lâm vào tình trạng ăn quá nhiều.
6. Bột maca
Maca là một loại rễ củ mọc trên những ngọn núi thuộc dãy Andes ở Peru. Bột maca có thể thêm vào các loại sinh tố hoặc chocolate nóng. Hiện có một số bằng chứng gợi ý bột maca có tác dụng khiến con người cảm thấy khỏe mạnh hơn, làm giảm nhẹ các triệu chứng mãn kinh ở nữ giới như cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm, rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm và bất thường nhịp tim.
7. Nước chanh
Nước chanh có thể uống cùng đá hoặc uống nóng, và giống như các loại nước ép trái cây khác, nước chanh chứa nhiều vitamin C cùng các hợp chất chống oxy hóa (chẳng hạn như các flavonoid). Một số nghiên cứu cho thấy uống nước chanh hàng ngày giúp kiểm soát tình trạng tăng huyết áp.
8. Bột carob
Bột carob được làm từ vỏ quả đậu của cây carob, và nó được dùng để cho thêm vào các thức sinh tố hoặc chocolate nóng. Ngoài ra bột carob có thể hòa vào với sữa nóng, sữa đậu nành hoặc sữa hạnh nhân để tạo ra hương vị khác biệt. Bột carob giàu chất xơ, có lợi cho tiêu hóa và giúp ổn định đường huyết cũng như nồng độ cholesterol.
9. Nước hầm xương
Nước hầm xương có thể làm từ các loại động vật khác nhau, phổ biến nhất là bò, gà, heo hoặc cừu. Nước hầm xương rất giàu protein, mỗi cốc chứa từ 6 tới 12 g protein. Một số bằng chứng cho thấy nước hầm xương gà giúp làm thông thoáng mũi tốt hơn các loại đồ uống nóng khác khi bị ngạt mũi, và nó cũng có một chút tác dụng làm giảm viêm, giảm sưng.
10. Trà Kombucha
Để tạo ra trà Kombucha, cần hòa lẫn nấm men của nấm thủy sâm và đường vào trong trà rồi để nó lên men, nổi bong bóng, tạo ra giấm và các vitamin nhóm B. Kết quả cuối cùng là một loại thức uống ít đường với mùi thơm đầy sảng khoái.
Các tác dụng của trà Kombucha đối với sức khỏe cần được thêm nhiều nghiên cứu xác nhận, tuy nhiên hương vị của nó rất đáng thưởng thức. Trà Kombucha có thể tự làm ở nhà, nhưng cần hết sức cẩn thận, bởi nếu làm sai, các vi khuẩn có hại sẽ sản sinh và ảnh hưởng tới người sử dụng.
11. Trà tầm xuân
Trà tầm xuân được làm từ các bộ phận của một số cây thuộc họ Rosaceae, chứa nhiều vitamin C cùng các hợp chất chống oxy hóa, kháng viêm (như các phenolic, carotenoid). Trà tầm xuân dường như có tác dụng giảm đau khớp và kiểm soát cân nặng, nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu xác nhận những tác dụng này.
12. Sữa tươi
Sữa tươi là thức uống đầy dinh dưỡng quen thuộc. Trong sữa tươi chứa nhiều các vitamin nhóm B, bao gồm riboflavin, niacin, B6 và B12. Uống sữa tươi hàng ngày giúp cơ thể luôn tràn đầy năng lượng, tuy nhiên nếu muốn giới hạn lượng calo và chất béo thu nhận vào cơ thể, hãy chọn loại sữa tươi ít béo hoặc tách kem.
13. Nước dừa
Nước dừa là thức uống tự nhiên quen thuộc, chứa ít đường và không có caffeine. Nước dừa có một tác dụng tuyệt vời khác, đó là bổ sung điện giải mà cơ thể mất khi đổ mồ hôi. Nên sử dụng nước dừa tươi, còn nếu mua nước dừa đóng hộp và đang muốn kiểm soát lượng calo thu nhận, hãy kiểm tra nhãn xem nhà sản xuất có bổ sung thêm đường hay không.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài dịch tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com