Thực đơn ăn dặm giúp bé tăng cân

Cân nặng được xem như thước đo chính xác để phản ánh tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Làm thế nào để tăng cân hoặc áp dụng thực đơn như thế nào để cải thiện cân nặng của trẻ luôn là mối quan tâm nhất định của cha mẹ. Để thực hiện được điều này cha mẹ cần có kiến thức về các nguyên tắc xây dựng thực đơn ăn dặm giúp bé tăng cân.

1. Nguyên nhân làm cho trẻ không thể tăng cân

  • Bé ăn nhiều nhưng quá trình này thực hiện không đúng cách:

Có nhiều cha mẹ cho rằng, cho trẻ ăn nhiều mới khiến trẻ phát triển tốt được. Nhưng điều đó không quyết định được toàn bộ sự phát triển của trẻ. Để đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ ở từng độ tuổi nên cung cấp cho trẻ đủ chất dinh dưỡng cả về số lượng và chất lượng. Đảm bảo đủ số lượng bữa ăn trong một ngày của trẻ. Tình trạng trẻ không tăng cân cũng có thể do trẻ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hoặc trái cây thiếu hàm lượng chất béo và chất đạm khiến cho trẻ tăng cân chậm.

  • Cha mẹ cho trẻ ăn quá nhiều, vượt quá mức đáp ứng hấp thụ chất dinh dưỡng của trẻ:

Việc cha mẹ cung cấp lượng thực phẩm cho trẻ quá lớn so với nhu cầu khuyến nghị khiến cho hệ tiêu hoá của trẻ không thể hấp thụ hết chất dinh dưỡng, tiêu chảy, chướng bụng, khó tiêu và đặc biệt là trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân được.

  • Cha mẹ sử dụng quá nhiều hàm lượng chất đạm trong chế độ ăn của trẻ:

Tâm lý chung của cha mẹ luôn sợ con trẻ của mình ăn không đủ chất nên thường lựa chọn các loại thực phẩm giàu đạm để bổ sung vào bữa ăn cho trẻ Và cho trẻ ăn với hàm lượng nhiều hơn bình thường với mong muốn giúp trẻ tăng cân nhanh chóng. Tuy nhiên, khi cho trẻ ăn quá nhiều chất đạm có thể gây cho trẻ tình trạng khó tiêu giảm ăn, thậm chí cả giảm bú. Bởi vì hệ tiêu hoá của trẻ chưa phát triển toàn bộ như người trưởng thành nên việc lựa chọn những loại thực phẩm quá nhiều chất dinh dưỡng có thể khiến cho cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thận phải làm việc nhiều và gây nên gánh nặng cho các cơ quan này.

2. Làm thế nào để bé tăng cân?

Bé ăn gì để tăng cân” là thắc mắc mà nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Trong thực đơn ăn dặm giúp bé tăng cân theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO nên sử dụng khoảng 15 đến 20 loại thực phẩm khác nhau mỗi ngày nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như vi chất cho trẻ. Chính vì vậy cha mẹ cần lựa chọn đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng sau đây:

  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp carbohydrate hay chất bột đường bao gồm các loại thực phẩm như ngũ cốc, khoai, củ mì... giúp cung cấp năng lượng và chất xơ cần thiết cho trẻ
  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp chất béo bao gồm dầu ăn, mỡ động vật, bơ, phô mai... giúp cung cấp năng lượng ở dạng đậm đặc nhất. Chất béo giúp cơ thể bé có làn da tốt, đồng thời giúp hấp thu vitamin tan trong dầu tốt và phát triển tế bào não và hệ thần kinh
  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp protein bao gồm thịt, cá, trứng, tôm, cua, lươn, ếch... nhằm giúp xây dựng cơ thể và tổng hợp kháng thể bảo vệ cơ thể
  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp vitamin và chất khoáng bao gồm các loại thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng như rau xanh, quả chín... giúp cung cấp vitamin và chất khoáng nhằm điều hoà các hoạt động của cơ thể trẻ đặc biệt giàu chất xơ chống táo bón.

Cha mẹ có thể áp dụng thực đơn ăn dặm giúp bé tăng cân bằng cách bổ sung sữa hoặc các sản phẩm chế biến từ sữa như sữa chua, sữa tươi, phô mai... giúp cung cấp chất dinh dưỡng cao với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng. Ngoài ra, trong sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn giúp trẻ tránh được tình trạng táo bón hay tiêu chảy hoặc giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, từ đó trẻ có thể tăng cân dễ dàng.


Thực đơn ăn dặm giúp bé tăng cân là vấn đề được nhiều cha mẹ quan tâm
Thực đơn ăn dặm giúp bé tăng cân là vấn đề được nhiều cha mẹ quan tâm

3. Thực đơn ăn dặm giúp bé tăng cân

3.1. Cháo tôm nấu với bí đỏ

Món ăn này bao gồm tôm với thành phần dinh dưỡng khá đa dạng, đặc biệt hàm lượng canxi, vitamin cũng như chất đạm trong thịt tôm giúp cho xương chắc khỏe. Bên cạnh đó, hàm lượng kẽm trong thịt tôm còn giúp cho trẻ được kích thích ăn ngon miệng hơn.

Đối với trẻ ở từng độ tuổi khác nhau thì sẽ áp dụng trọng lượng tôm khác nhau trong chế độ ăn. Với những trẻ từ 6 đến 12 tháng thì nên cho trẻ ăn khoảng từ 16 đến 18 gam thịt tôm mỗi ngày. Trẻ chỉ nên ăn một bữa với thịt tôm mỗi ngày và một tuần có thể cho trẻ ăn từ 3 đến 4 bữa. Khi nấu cháo tôm cho trẻ, cha mẹ lưu ý nên bổ sung thêm rau củ để đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất thiết yếu cho trẻ.

Để thực hiện món ăn này cha mẹ sẽ chuẩn bị 200 gam tôm tươi, 200 gam bí đỏ, 1 nắm gạo cùng với các loại rau thơm như hành... Bí đỏ được sơ chế gọt vỏ và rửa sạch để ráo nước. Bí đỏ sẽ được cắt thành các miếng nhỏ. Đem bí đi hấp rồi nghiền mịn. Tôm bóc vỏ đồng thời rút bỏ phần chỉ đen và cho vào máy xay nhuyễn, sau đó thêm gia vị vừa ăn. Gạo cho vào nồi cùng với nước tiến hành nấu nhừ thành cháo. Khi cháo chín thì cho bí đỏ và tôm vào khuấy đều cho đến khi sôi là có thể múc ra sử dụng được.

3.2. Cháo lươn nấu với khoai môn

Thịt lươn được xếp vào loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao với hàm lượng các chất dinh dưỡng đa dạng. Đồng thời thịt lươn cũng được đánh giá thuộc nhóm thực phẩm hợp với những trẻ biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng.

Khoai môn giàu vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như magie, sắt, kẽm... Khi kết hợp các loại thực phẩm này thành món cháo ăn dặm sẽ giúp cho trẻ thích thú với món ăn và ăn ngon cũng như ăn được nhiều hơn.

Thành phần nguyên liệu thực hiện cháo lươn nấu với khoai môn bao gồm: 200 gam thịt lươn, 200 gam khoai môn, 100 gam đậu xanh, 1 nắm gạo, gia vị và hành lá...

Lươn được đem đi mổ và rửa sạch sau đó cho vào nồi luộc chín. Khi lươn chín vớt ra để nguội sau đó lọc lấy phần thịt lươn. Còn phần xương và nước luộc thì cho gạo và nấu chín nhừ thành cháo. Khoai môn gọt sạch vỏ, rửa sạch để ráo nước và cắt thành miếng nhỏ. Sau đó cho khoai môn vào nấu chín. Bắc chảo lên bếp và phi thơm hành tím sau đó cho lương vào đảo đều cùng gia vị cho ngấm đều. Khi cháo chín, cho phần lương vào cháo cùng với khoai nấu nhừ. Sau khi hỗn hợp này sôi thì có thể múc cháo ra bát và cho trẻ sử dụng.

3.3. Cháo thịt bò nấu với súp lơ

Thịt bò được biến đến như một thực phẩm có hàm lượng protein cao, giàu chất khoáng như sắt, kẽm, giúp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Súp lơ thuộc nhóm rau chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp trẻ tăng cường chức năng hệ miễn dịch cũng như quá trình tiêu hoá đạt hiệu quả tốt.

Thành phần nguyên liệu sử dụng cháo thịt bò nấu với súp lơ bao gồm 150 gam thịt bò, 80 gam súp lơ, 1 nắm gạo và gia vị. Gạo được vo và cho vào nồi cùng nước để nấu thành cháo. Súp lơ rửa sạch thái nhỏ, thịt bò thái thành miếng nhỏ. Bắc chảo lên bếp và phi thơm hành sau đó cho thịt bò và súp lơ vào xào sơ, sau đó cho hỗn hợp này vào máy xay nhuyễn. Khi cháo chín nhừ thì cho hỗn hợp này vào và khuấy đều cháo sôi là sử dụng được.


Việc kết hợp các nhóm thực phẩm dinh dưỡng là một phần của thực đơn ăn dặm giúp bé tăng cân
Việc kết hợp các nhóm thực phẩm dinh dưỡng là một phần của thực đơn ăn dặm giúp bé tăng cân

4. Lưu ý khi cho trẻ ăn dặm

Một vài lưu ý khi ăn dặm giúp trẻ tăng cân dễ dàng:

  • Thời điểm ăn dặm được xem như dấu mốc quan trọng để trẻ làm quen với nhiều điều mới lạ, trong đó bao gồm cả việc làm quen với các loại thực phẩm.
  • Thời điểm ban đầu khi thực hiện cho trẻ ăn dặm cha mẹ nên cho bé thử ăn 1 bữa và số bữa sẽ tăng dần khi trẻ đã hình thành được thói quen cũng như phản xạ.
  • Thức ăn của trẻ nên được chế biến từ loãng đến đặc để trẻ quen dần với kỹ năng nhai. Hơn nữa, ở độ tuổi này hệ tiêu hoá của trẻ đang trong giai đoạn hoàn thiện nên nếu cho trẻ ăn thức ăn khó tiêu có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Tóm lại, thực đơn ăn dặm giúp bé tăng cân cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như vi chất cho trẻ. Chính vì vậy cha mẹ cần lựa chọn đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng cung cấp carbohydrate hay chất bột đường, nhóm chất béo, nhóm chất cung cấp protein cũng như nhóm chất cung cấp vitamin và chất khoáng.

Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Để có thêm kiến thức về việc chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng hàng đầu khi cần tư vấn nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe