Thuốc Valtoco có thành phần chính là Diazepam, thường được sử dụng trong điều trị động kinh ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
1. Valtoco là thuốc gì?
Valtoco là một loại thuốc kê toa được phân loại vào nhóm thuốc chống co giật, được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc khác để điều trị các triệu chứng của động kinh. Thuốc Valtoco có thành phần hoạt chất chính là Diazepam.
Dạng bào chế: Hỗn dịch xịt mũi.
Dạng đóng gói: Valtoco được cung cấp và đóng gói với liều lượng 5mg (2 vỉ riêng lẻ, mỗi vỉ chứa một dụng cụ xịt mũi 5mg), 10 mg (2 vỉ riêng lẻ, mỗi vỉ chứa một dụng cụ xịt mũi 10mg), 15 mg (2 vỉ riêng lẻ, mỗi vỉ chứa hai thiết bị xịt mũi 7,5mg) hoặc 20mg (2 vỉ riêng lẻ, mỗi vỉ chứa hai thiết bị xịt mũi 10 mg).
2. Công dụng của thuốc Valtoco
Thuốc Valtoco thuộc nhóm benzodiazepin, có cơ chế hoạt động là làm tăng tác dụng của GABA trong não, giúp làm dịu hệ thống thần kinh. Do đó, Valtoco được chỉ định để điều trị cấp tính các cơn co giật, cơn co giật cấp tính lặp đi lặp lại ở bệnh nhân động kinh từ 6 tuổi trở lên.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Valtoco
3.1. Liều lượng
Liều khuyến cáo của thuốc xịt mũi Valtoco là 0,2 mg/ kg hoặc 0,3 mg/ kg, tùy thuộc vào độ tuổi và cân nặng của bệnh nhân.
Liều lượng khuyến cáo cho người lớn và bệnh nhi từ 6 tuổi trở lên (dựa trên độ tuổi và cân nặng) như sau:
- Với bệnh nhi từ 6 – 11 tuổi:
- Cân nặng từ 10 đến 18kg: 5mg, xịt 1 lần vào 1 mũi.
- Cân nặng từ 19 đến 37kg: 10mg, xịt 1 lần vào 1 mũi.
- Cân nặng từ 38 đến 55kg: 15mg, xịt 7,5mg vào 1 mũi. Xịt cả 2 mũi.
- Cân nặng từ 56 đến 74kg: 20mg, xịt 10mg vào 1 mũi. Xịt cả 2 mũi.
- Với trẻ bệnh nhi từ 12 tuổi trở lên và người lớn:
- Cân nặng từ 14 đến 27kg: 5mg, xịt 1 lần vào 1 mũi.
- Cân nặng từ 28 đến 50kg: 10mg, xịt 1 lần vào 1 mũi.
- Cân nặng từ 51 đến 75kg: 15mg, xịt 7,5mg vào 1 mũi. Xịt cả 2 mũi.
- Cân nặng từ 76kg trở lên: 20mg, xịt 10mg vào 1 mũi. Xịt cả 2 mũi.
- Liều thứ 2: Khi cần thiết, có thể được dùng liều thứ hai sau ít nhất 4 giờ sau liều ban đầu. Tuy nhiên, không sử dụng nếu người bệnh buồn ngủ quá mức hoặc thở rất chậm.
Lưu ý:
- Không sử dụng quá 2 liều thuốc Valtoco để điều trị một đợt động kinh.
- Khuyến cáo rằng Valtoco được sử dụng để điều trị không quá một đợt mỗi 5 ngày và không quá 5 đợt / tháng.
3.2. Cách dùng
Valtoco là thuốc kê đơn, do đó người bệnh cần sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện theo tất cả các hướng dẫn trên nhãn thuốc và đọc tất cả các hướng dẫn thuốc. Không bao giờ sử dụng thuốc Valtoco với số lượng lớn hơn hoặc lâu hơn quy định. Đồng thời, không chia sẻ thuốc này với người khác, đặc biệt là người có tiền sử nghiện ma túy. Lạm dụng thuốc Valtoco có thể gây nghiện, quá liều hoặc tử vong.
Valtoco là thuốc xịt mũi được đựng trong chai sẵn sàng sử dụng. Mỗi chai chỉ dành cho một lần sử dụng, người bệnh có thể cần sử dụng nhiều hơn 1 chai để có đủ liều lượng.
Xử trí khi quên liều Valtoco:
- Vì Valtoco được sử dụng khi cần thiết nên nó không có lịch dùng thuốc hàng ngày. Gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện sau khi sử dụng thuốc này.
Xử trí khi quá liều Valtoco:
- Quá liều Valtoco có thể gây tử vong nếu dùng nó với rượu, thuốc opioid hoặc các loại thuốc khác gây buồn ngủ hoặc làm chậm nhịp thở. Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm buồn ngủ, nhầm lẫn, yếu cơ hoặc mất ý thức.
- Khi nghi ngờ quá liều thuốc Valtoco, cần khẩn trương đưa người bệnh đến trung tâm cấp cứu gần nhất để được xử trí.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Valtoco
Đưa người bệnh đến trung tâm cấp cứu gần nhất nếu có các dấu hiệu dị ứng với Valtoco: Nổi mề đay, khó thở, phù mặt, môi, lưỡi và cổ họng.
Thuốc Valtoco có thể làm chậm hoặc ngừng thở, đặc biệt nếu gần đây người bệnh đã sử dụng thuốc gây nghiện hoặc rượu. Nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu người bệnh có thở chậm với những khoảng dừng dài, môi tái xanh hoặc lơ mơ, khó đánh thức.
Liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Cực kỳ yếu hoặc buồn ngủ;
- Thay đổi hành vi, tâm trạng;
- Các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng mới xuất hiện hoặc trầm trọng hơn;
- Ý nghĩ tự tử hoặc hủy hoại bản thân;
- Các vấn đề về giấc ngủ;
- Co giật mới xuất hiện hoặc trầm trọng hơn;
- Triệu chứng buồn ngủ hoặc chóng mặt có thể kéo dài hơn ở người già. Hãy cẩn trọng để tránh bị té ngã hoặc chấn thương.
Các tác dụng phụ phổ biến của Valtoco có thể bao gồm: Buồn ngủ, đau đầu, khó chịu trong mũi.
Sau khi ngừng sử dụng thuốc Valtoco, hãy nhờ trợ giúp y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng như: Cử động cơ bất thường, năng động hơn hoặc nói nhiều hơn, thay đổi tâm trạng hoặc hành vi đột ngột và nghiêm trọng, lú lẫn, ảo giác, co giật, ý nghĩ hoặc hành động tự tử.
Một số triệu chứng cai nghiện có thể kéo dài đến 1 năm hoặc lâu hơn sau khi đột ngột ngừng Valtoco. Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh liên tục lo lắng, có vấn đề về trí nhớ hoặc suy nghĩ, trầm cảm, khó ngủ, ù tai, cảm giác nóng rát, kiến bò dưới da hoặc kim châm.
5. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi cơ chế hoạt động của thuốc hoặc tăng nguy cơ mắc các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Giữ một danh sách tất cả các sản phẩm chăm sóc sức khỏe bạn sử dụng (bao gồm cả thuốc kê đơn/không kê đơn và các sản phẩm thảo dược) và chia sẻ danh sách đó với bác sĩ và dược sĩ trước khi được kê đơn. Không bắt đầu, ngừng đột ngột hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Các thuốc có thể tương tác với Valtoco là:
- Natri oxybate.
- Nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng (như thở chậm, thở nông, buồn ngủ, chóng mặt nghiêm trọng) có thể tăng lên nếu sử dụng Valtoco cùng với các sản phẩm khác có tác dụng gây buồn ngủ hoặc khó thở. Hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn đang sử dụng các sản phẩm khác như thuốc giảm đau opioid hoặc thuốc giảm ho (như codeine, hydrocodone), rượu, cần sa, thuốc ngủ hoặc thuốc chống lo âu (như alprazolam, lorazepam, zolpidem), thuốc giãn cơ (carisoprodol, cyclobenzaprine) hoặc thuốc kháng histamine (cetirizine, diphenhydramine).
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Valtoco
- Trước khi sử dụng thuốc Valtoco, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc với các loại thuốc benzodiazepin khác (như lorazepam); hoặc nếu bạn có bất kỳ dị ứng nào khác.
- Trước khi sử dụng thuốc Valtoco, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tiền sử bệnh của bạn, đặc biệt là: Bệnh tăng nhãn áp, các vấn đề về hô hấp (như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn), tiền sử cá nhân hoặc gia đình về rối loạn sử dụng chất (như lạm dụng hoặc nghiện ma túy, nghiện rượu), rối loạn tâm thần (như trầm cảm, ý nghĩ tự tử,...).
- Thuốc Valtoco có thể làm người bệnh chóng mặt hoặc buồn ngủ. Do đó, không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm các công việc cần sự tập trung cao.
- Tránh sử dụng đồ uống có cồn khi đang điều trị với Valtoco.
- Trong khi mang thai, thuốc Valtoco chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết vì nó có thể gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, động kinh không được điều trị là một tình trạng nghiêm trọng có thể gây hại cho cả phụ nữ mang thai và thai nhi, không được ngừng sử dụng thuốc này khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu người bệnh có các triệu chứng cai nghiện (như run rẩy, tiêu chảy, nôn mửa).
- Thuốc Valtoco đi vào sữa mẹ và có thể có tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ. Vì vậy, cho con bú trong khi sử dụng Valtoco không được khuyến khích.
7. Bảo quản thuốc
- Bảo quản thuốc Valtoco trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi thoáng mát, sạch sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, nhiệt độ từ 20 – 25 độ C.
- Để Valtoco tránh xa tầm tay trẻ em cũng như vật nuôi, tránh chúng không biết nhai phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
- Không dùng thuốc Valtoco đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu thay đổi màu sắc, tính chất, mùi vị, không còn nguyên tem nhãn.
- Không vứt thuốc Valtoco vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Valtoco, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Valtoco là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo: webmd.com, ncbi.nlm.nih.gov, rxlist.com, drugs.com