Bệnh u thần kinh đệm ở người lớn thường có nhiều loại khác nhau, được xác định dựa trên vị trí của khối u trong não. Tuỳ thuộc vào từng cấp độ và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các quyết định điều trị phù hợp, chẳng hạn như hoá trị liệu, bức xạ, phẫu thuật,...
1. U thần kinh đệm ở người lớn là gì?
U thần kinh đệm người lớn là khối u bắt đầu hình thành trong não, hay còn được biết đến là khối u não nguyên phát. Tình trạng này khác so với khối u não bắt nguồn từ một khối ung thư di căn từ bộ phận khác trong cơ thể.
Theo nghiên cứu cho thấy, Gliomas người lớn là những khối u phát sinh từ các tế bào thần kinh đệm. Thông thường, tế bào thần kinh giữ nhiệm vụ mang tín hiệu, trong khi đó tế bào thần kinh đệm đóng vai trò hỗ trợ, nuôi dưỡng và giữ cho các tế bào thần kinh trong não ở đúng vị trí cũng như hoạt động hiệu quả. Thực tế, trong não bộ có nhiều tế bào thần kinh đệm hơn tế bào thần kinh. Tất cả các loại tế bào thần kinh đệm đều xuất phát từ một tế bào gốc chung trong não – loại tế bào có thể biến chuyển thành nhiều dạng tế bào khác nhau. Bệnh Gliomas thường hình thành khi những tế bào gốc chưa trưởng thành đột biến và phát triển ngoài phạm vi kiểm soát.
Tế bào thần kinh đệm được phân thành nhiều loại khác nhau, bao gồm tế bào hình hạt, tế bào hình sao và tế bào đệm. Các loại u thần kinh đệm khác nhau sẽ được đặt tên dựa trên vị trí tế bào mà chúng phát sinh, ví dụ như u tế bào hình sao, u nguyên bào thần kinh đệm, u tế bào thần kinh đệm hoặc u quái.
2. Nguyên nhân và nguy cơ mắc u thần kinh đệm ở người lớn
Theo báo cáo từ Hiệp hội u não Hoa Kỳ, mỗi năm có hơn 79.000 ca mắc u não mới được chẩn đoán, tuy nhiên chỉ khoảng 1/3 trong số này là khối u ác tính của tuỷ sống hoặc não (ung thư). Ước tính, bệnh Gliomas người lớn chiếm khoảng 74% các khối u não ác tính. Nam giới thường có nguy cơ phát triển khối u não ác tính cao hơn một chút so với những đối tượng khác. Tỷ lệ mắc các khối u não ác tính là tương đối nhỏ, với nguy cơ mắc suốt đời chưa đến 1%.
Theo nghiên cứu mới đây cho thấy, các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh u thần kinh đệm ở người lớn thường bao gồm:
- Sự tiếp xúc với các bức xạ ion hoá.
- Biện pháp điều trị ung thư.
- Sự tiếp xúc với vũ khí hạt nhân.
- Yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ mắc u thần kinh đệm cũng như sự phát triển một số loại ung thư khác, chẳng hạn như tiền sử gia đình có người thân mắc một số hội chứng di truyền như hội chứng u ác tính – tế bào hình sao, hội chứng Li-Fraumeni, u sợi thần kinh (loại I và II) hội chứng BRCA hoặc hội chứng Turcot (loại I và II).
Hiện nay, nguy cơ phát triển khối u não liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động vẫn chưa được chứng minh cụ thể. Tương tự như vậy, không có bằng chứng thuyết phục cho thấy chất thay thế đường (aspartame), hoá chất công nghiệp hoặc đường dây điện có thể làm tăng nguy cơ phát triển u thần kinh đệm ở người lớn.
3. Các triệu chứng phổ biến của u thần kinh đệm ở người lớn
Theo quan điểm của giới chuyên gia, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh u thần kinh đệm người lớn cũng tương tự như đối với hầu hết các khối u não. Dưới đây là những biểu hiện phổ biến nhất của u thần kinh đệm ở người lớn, bao gồm:
- Buồn nôn và/ hoặc nôn ói.
- Đau đầu.
- Lú lẫn.
- Mất trí nhớ.
- Co giật.
- Nhìn đôi, nhìn mờ hoặc giảm thị lực.
- Yếu một bên cơ thể.
- Giọng nói hoặc ngôn ngữ có dấu hiệu bị thay đổi bất thường.
- Thay đổi tính cách.
- Gặp khó khăn khi giữ thăng bằng hoặc đi bộ.
Những triệu chứng u thần kinh đệm người lớn được đề cập ở trên thường xuất hiện từ từ trong khoảng thời gian vài ngày cho đến vài tháng. Các triệu chứng của Gliomas có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân, tuỳ thuộc vào vị trí u thần kinh đệm ảnh hưởng.
Những bệnh nhân có khối u não thường có nguy cơ cao hình thành các cục máu đông ở phổi (thuyên tắc phổi, PE), chân (huyết khối tĩnh mạch sâu, DVT) hoặc ở não (đột quỵ). Mặt khác, các triệu chứng của u thần kinh đệm khá chung chung và có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý khác không phải ung thư gây ra. Nếu nhận thấy cơ thể có bất kỳ biểu hiện nào như trên, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ hoặc chủ động đi khám để được chẩn đoán sớm.
4. Phương pháp chẩn đoán u thần kinh đệm ở người lớn
Khi bệnh nhân có các dấu hiệu hoặc triệu chứng nghi ngờ sự hiện diện của u thần kinh đệm, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán sau:
- Chụp MRI (cộng hưởng từ) não bộ có cản quang: Giúp kiểm tra xem có sự tồn tại của khối u não hay không, nếu có giúp xác định được đặc điểm của khối u. Hiện nay, chẩn đoán u thần kinh đệm người lớn bằng MRI đã thay thế phần lớn cho phương pháp chụp CT, bởi MRI giúp cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về não cũng như khối u não, hơn nữa biện pháp này không sử dụng bức xạ. Tuy nhiên, chụp CT có thể được áp dụng cho những bệnh nhân không thể thực hiện chụp cộng hưởng từ, chẳng hạn như người có vật kim loại bên trong cơ thể.
- Sinh thiết: Giúp xác định loại khối u não. Trong quá trình phẫu thuật cắt sọ hoặc sinh thiết lập thể (kim), một phần của khối u sẽ được lấy ra và đem đi kiểm tra dưới kính hiển vi để có chẩn đoán chính xác nhất. Nhìn chung, sinh thiết hoặc phẫu thuật cắt sọ là phương pháp cần thiết để bác sĩ chẩn đoán u não là loại u thần kinh đệm.
5. Phân loại u thần kinh đệm ở người lớn
Gliomas người lớn sẽ được phân loại thành cấp thấp hoặc cấp cao dựa trên những đánh giá về chúng thông qua kính hiển vi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các cấp u thần kinh đệm được phân loại dựa trên loại tế bào phát triển khối u và mức độ hung hăng của chúng biểu hiện dưới kính hiển vi. Các nhà bệnh học phân Gliomas theo thang điểm từ 1 – 4 (I – IV), trong đó khối u cấp 1 phát triển chậm nhất và khối u cấp 4 phát triển nghiêm trọng nhất, cụ thể:
U thần kinh đệm người lớn cấp 1:
- Thường phát triển chậm.
- Hầu như trông bình thường khi quan sát dưới kính hiển vi.
U thần kinh đệm người lớn cấp 2:
- Tế bào có xu hướng phát triển tương đối chậm.
- Trông hơi dị thường khi quan sát dưới kính hiển vi.
- Tế bào có thể xâm lấn vào mô bình thường.
- Có thể tái phát thành khối u cấp cao hơn.
U thần kinh đệm người lớn cấp 3:
- Có xu hướng tích cực tái tạo các tế bào bất thường trong não.
- Trông bất thường khi quan sát dưới kính hiển vi.
- Xâm lấn vào các mô bình thường liền kề trong não.
- Khối u thần kinh đệm có xu hướng tái phát ở cấp độ cao hơn.
U thần kinh đệm người lớn cấp 4:
- Các tế bào bất thường sản sinh nhanh chóng.
- Trông rất dị thường khi quan sát dưới kính hiển vi.
- Hình thành nên những mạch máu mới để duy trì sự phát triển của các tế bào.
- Xuất hiện vùng hoại tử (mô chết) ở giữa khối u.
6. Các phương pháp điều trị u thần kinh đệm người lớn hiện nay
Phẫu thuật là hình thức điều trị chính dành cho bệnh u thần kinh đệm ở người lớn, bởi thông qua phẫu thuật để bác sĩ có thể phân giai đoạn bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành điều trị đa phương thức (kết hợp của nhiều liệu pháp điều trị) cho những bệnh nhân mắc Gliomas. Dưới đây là các phương pháp điều trị u thần kinh đệm người lớn phổ biến hiện nay.
6.1. Phẫu thuật cho u thần kinh đệm người lớn
Phẫu thuật đối với u thần kinh đệm người lớn thường có 3 mục tiêu chính, bao gồm:
- Xác định giai đoạn u thần kinh đệm.
- Cải thiện các triệu chứng của Gliomas bằng cách giảm kích thước khối u.
- Loại bỏ tất cả các khối u (nếu có thể) hoặc loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt.
Bác sĩ có thể áp dụng phẫu thuật cắt sọ nhằm chẩn đoán và điều trị khối u não. Đa phần các triệu chứng u thần kinh đệm người lớn xuất phát từ tình trạng chèn ép các mô não bình thường hoặc do áp lực trong não. Bằng cách thực hiện phẫu thuật loại bỏ một số khối u sẽ giúp áp lực và chèn ép giảm bớt đi, nhờ đó cải thiện được các triệu chứng bệnh.
Tuỳ thuộc vào vị trí khối u trong não của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định cắt bỏ toàn bộ hay một phần khối u. Chẳng hạn, nếu khối u nằm ở trung tâm phát âm, ngôn ngữ hoặc vận động thì việc cắt bỏ hoàn toàn khối u sẽ không thể thực hiện, bởi điều này có thể gây tổn hại đến khả năng ngôn ngữ, nói và cử động của bệnh nhân. Đối với các khu vực khác trong não, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ an toàn để quyết định loại bỏ hoàn toàn khối u. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ giải phẫu thần kinh nếu băn khoăn việc cắt bỏ toàn bộ khối u thần kinh đệm có an toàn hay không.
6.2. Hoá trị liệu u thần kinh đệm người lớn
Phương pháp hoá trị là cách dùng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong hoá trị liệu, bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống thuốc hoặc tiêm truyền chất lỏng qua tĩnh mạch (IV).
Đối với hoá trị dành cho u thần kinh đệm ở người lớn, bác sĩ có thể đề nghị truyền thuốc từ máu vào não. Não bộ sẽ được bảo vệ bởi một hàng rào máu não, giúp ngăn chặn hóa chất và chất độc xâm nhập, gây ảnh hưởng đến não.
Hiện nay, các loại hoá trị được áp dụng để điều trị u thần kinh đệm người lớn sẽ được xác định dựa trên loại Gliomas mà người bệnh mắc phải, cụ thể:
- U thần kinh đệm hình sao và u Oligodendroglioma cấp độ thấp: Áp dụng phác đồ PCV (Vincristine, Lomustine, Procarbazine) hoặc Temozolomide (TMZ).
- U thần kinh đệm tái phát: Điều trị bằng TMZ, PCV và các loại thuốc hoá trị khác như Irinotecan, Bevacizumab, Carboplatin, Etoposide hoặc Cyclophosphamide.
- U nguyên bào thần kinh đệm: Sử dụng các loại thuốc hóa trị như PCV, TMZ, Irinotecan, Bevacizumab, Cyclophosphamide, Carboplatin hoặc Cisplatin.
- U màng não thất: Được điều trị bằng phác đồ dựa trên Cisplatin, Carboplatin, Lomustine, Etoposide, Carmustine, TMZ hoặc Bevacizumab.
6.3. Xạ trị u thần kinh đệm người lớn
Phương pháp xạ trị thường được áp dụng cho nhiều loại khối u não khác nhau, bao gồm cả Gliomas người lớn. Xạ trị đóng vai trò là liệu pháp cục bộ, chỉ nhắm vào phần não cần điều trị. Thông thường, u thần kinh đệm ở người lớn sẽ được điều trị bằng hình thức bức xạ phân đoạn, bác sĩ sẽ chiếu một liều bức xạ nhỏ vào khu vực có khối u não trong vòng 5 ngày/ tuần và liên tiếp một vài tuần. Trong thời gian xạ trị, lượng bức xạ đến khu u sẽ tăng lên và khiến các tế bào khối u chết đi.
Tuy nhiên, xạ trị có thể khiến bệnh nhân gặp phải một số tác dụng phụ như rụng tóc, mệt mỏi và giảm trí nhớ. Những tác dụng phụ khác có thể xuất hiện tùy thuộc vào vị trí của khối u. Triệu chứng mệt mỏi và rụng tóc thường xảy ra trong quá trình bệnh nhân thực hiện xạ trị u thần kinh đệm và có khả năng kéo dài từ 4 - 6 tuần sau khi kết thúc điều trị.
Triệu chứng mất trí nhớ có thể phát triển trong nhiều năm sau khi bệnh nhân u thần kinh đệm điều trị bức xạ, tuy nhiên vẫn có một số thay đổi về trí nhớ xuất hiện ngay lập tức. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, bức xạ đến não giống như lão hoá, tuy nhiên diễn tiến nhanh hơn, nghĩa là những thay đổi nhận thức của bệnh nhân có xu hướng xảy ra sớm hơn nhiều sau khi trải qua xạ trị.
6.4. Các biện pháp điều trị u thần kinh đệm người lớn khác
Ngoài phẫu thuật, xạ trị và hoá trị liệu, bệnh u thần kinh đệm ở người lớn có thể được điều trị bằng một số hình thức khác như:
- Steroid: Bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc steroid (ví dụ Dexamethasone hoặc Prednisone) nhằm làm giảm tình trạng sưng trong não phát triển từ chính khối u hoặc phương pháp điều trị nó. Tuy nhiên, thuốc steroid có thể gây ra một số tác dụng phụ như loét, nhiễm trùng, chảy máu dạ dày, khó ngủ, tăng cân hoặc thay đổi tâm trạng.
- Cấy ghép: Được áp dụng chủ yếu cho bệnh u thần kinh đệm tái phát hoặc cấp độ cao. Phương pháp cấy ghép thường được thực hiện sau khi phẫu thuật cắt bỏ. Trong biện pháp điều trị này, các hạt nhỏ chứa bức xạ hoặc hoá trị sẽ được đưa qua hàng rào máu não và đi đến trực tiếp vị trí khối u. Phương pháp cấy ghép điển hình nhất là Wafer hoá trị (Gliadel®), những hạt Wafer gel nhỏ có chứa chất hoá trị carmustine sẽ được đặt vào khoang khối u (tối đa 8 tấm Wafer). Trong vài ngày tiếp theo, các tấm Wafer cấy ghép sẽ giải phóng hoá trị liệu trực tiếp vào vị trí của khối u não. Trong 2 - 3 tuần, các tấm cấy ghép này sẽ tan hoàn toàn.
- Liệu pháp phóng xạ (Brachytherapy): Điều trị u thần kinh đệm ở người lớn bằng liệu pháp phóng xạ GliaSite® hoặc hạt i-ốt-125 (125I).
- Liệu pháp điện trường xoay chiều: Cho khối u tiếp xúc với điện trường xoay chiều nhằm cản trở sự phát triển của chúng. Bệnh nhân cần cạo đầu để bác sĩ gắn 4 bộ điện cực với bộ pin lên trên da đầu. Các điện cực sẽ gửi dòng điện nhẹ đến khối u. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, kích ứng da do điện cực, thay đổi tâm trạng, co giật hoặc khó ngủ.
7. Phương pháp điều trị phù hợp cho các cấp u thần kinh đệm ở người lớn
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào u thần kinh đệm người lớn ở cấp độ cao hay thấp, cũng như kích thước và vị trí khối u. Hiện nay có nhiều biện pháp điều trị khác nhau được áp dụng cho u thần kinh đệm cấp độ cao tái phát và u thần kinh đệm tái phát dù đã được trị liệu.
7.1. Điều trị u thần kinh đệm cấp thấp
Nếu không được điều trị kịp thời, u thần kinh đệm cấp thấp có thể tiến triển thành cấp cao hơn. Hiện không có biện pháp điều trị tiêu chuẩn dành cho bệnh nhân mắc u thần kinh đệm cấp thấp, tuy vậy hình thức phẫu thuật loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt được khuyến cáo đối với hầu hết bệnh nhân.
Bệnh nhân dưới 40 tuổi đã cắt bỏ hoàn toàn khối u đệm thần kinh sẽ không cần thực hiện điều trị bổ sung. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân trên 40 tuổi hoặc chưa hoàn thành phẫu thuật cắt bỏ khối u thì phương pháp bức xạ có thể được thực hiện. Thông thường, các bác sĩ sẽ cố gắng trì hoãn xạ trị cho bệnh nhân mắc u thần kinh đệm cấp thấp càng lâu càng tốt do bệnh có xu hướng trẻ hoá. Việc trì hoãn hoặc tránh xạ trị giúp người bệnh giảm rủi ro mất trí nhớ hoặc những vấn đề về nhận thức phát triển sau khi xạ trị não.
7.2. Điều trị u thần kinh đệm cấp cao
Các loại u thần kinh đệm cấp cao thông dụng nhất là u tế bào hình sao tăng sản và u nguyên bào. Thực tế, không có biện pháp nào giúp chữa khỏi u thần kinh đệm cấp cao. Do đó, việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân là điều quan trọng cần xem xét trong quá trình điều trị, bao gồm các khía cạnh như sức khoẻ tổng thể, thể lực, chức năng nhận thức - xã hội, chức năng cảm xúc, chứng mất ngủ, tiên lượng và gánh nặng tài chính.
Trong kế hoạch điều trị tổng thể cho bệnh u thần kinh đệm cấp cao cũng bao gồm quản lý sự lo lắng và các triệu chứng khác. Đo lường chất lượng cuộc sống giúp bệnh nhân nắm rõ được tác động của phương pháp điều trị đối với tình trạng bệnh.
Để cải thiện khả năng sống sót cho bệnh nhân mắc u thần kinh đệm cấp cao, bác sĩ có thể điều trị kết hợp xạ trị với Temozolomide. Việc điều trị bằng Temozolomide khiến gen MGMT bị tắt, dẫn đến chết tế bào khi sự tổn thương DNA do Temozolomide gây ra không được sửa chữa.
Dựa trên kết quả thử nghiệm Stupp, u thần kinh đệm cấp cao sẽ được điều trị đầu tiên bằng phẫu thuật, giúp loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt. Sau đó, bác sĩ sẽ kết hợp xạ trị phân đoạn trong vòng 6 tuần và Temozolomide (TMZ hoặc Temodar). Temozolomide sẽ được tiêm cho đến khi khối u tiến triển trở lại. Nếu có sự tiến triển, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện hoá trị với Bevacizumab (Avastin) hoặc một số loại thuốc hoá trị khác.
7.3. Điều trị Glicomas người lớn cấp cao tái phát
U thần kinh đệm cấp cao thường có nguy cơ kháng điều trị hoặc tái phát sau lần trị liệu ban đầu. Theo nghiên cứu, có tới trên 90% ca mắc u nguyên bào thần kinh đệm bị tái phát ít nhất một lần, đặc biệt là những bệnh nhân có khối u điều trị không hiệu quả bằng xạ trị hoặc Temozolomide.
Một số lựa chọn điều trị cho u thần kinh đệm người lớn cấp độ cao tái phát, bao gồm:
- Phẫu thuật cùng các tấm hoá trị (Gliadel).
- Phẫu thuật cùng cấy ghép phóng xạ (GliaSite).
- Một số lựa chọn hoá trị khác như Irinotecan, Bevacizumab, Lomustine, Carmustine hoặc các chất dựa trên bạch kim (Carboplatin hoặc Cisplatin).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.