Bài viết được viết bởi ThS.BS Đoàn Trung Hiệp - Trưởng khoa Xạ trị và Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Hân - Trung tâm Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia bức xạ ion hóa năng lượng cao để tiêu diệt diệt tế bào ung thư, đồng thời bảo vệ tối đa các mô lành xung quanh vị trí u và là một trong những phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh ung thư đầu cổ. Xạ trị ngoài là phương pháp điều trị không xâm lấn sử dụng hệ thống máy gia tốc chiếu chùm tia bức xạ tới vị trí khối u, vì vậy khi xạ trị ngoài, bạn không cần cách ly sau khi điều trị.
Với sự tiến bộ của của công nghệ trong điều trị ung thư hiện nay, những kỹ thuật xạ trị tiên tiến và hiện đại nhất đều có thể áp dụng trong điều trị ung thư vùng đầu mặt cổ.
1. Thông tin cần thiết về chăm sóc bệnh nhân khi điều trị xạ trị
1.1 Tác dụng phụ sớm
Tác dụng phụ sớm xuất hiện dưới 90 ngày từ khi bắt đầu xạ trị, tăng lên từ tuần 2 khi điều trị xạ trị, có thể tiếp tục diễn ra nặng nề hơn khoảng 7 - 10 ngày sau khi kết thúc, giảm dần những triệu chứng sau đó, và những tác dụng phụ thường được cải thiện sau khi đi kết thúc điều trị.
- Mệt mỏi: Người bệnh có thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi nhẹ, tuy nhiên, mệt mỏi do xạ trị cải thiện trong vòng một vài tuần sau khi kết thúc điều trị.
- Viêm da xạ trị với các biểu hiện như: Thay đổi màu sắc da, bong tróc, phồng rộp, chảy máu...
- Viêm niêm mạc miệng, nhiễm trùng niêm mạc miệng, lưỡi, đau rát họng, miệng.
- Mất hoặc giảm vị giác khi ăn, khô miệng, đau, thay đổi giọng nói...
- Rụng tóc tại vị trí điều trị: thường xuất hiện ở vùng gáy.
- Ngoài ra, người bệnh còn có thể sụt cân trong quá trình điều trị.
1.2 Tác dụng phụ muộn
Tác dụng phụ muộn xuất hiện trên 90 ngày khi bắt đầu xạ trị
- Khô miệng và sâu răng.
- Khó mở miệng hay cứng hàm.
- Hoại tử xương hàm.
- Thay đổi tuyến giáp thường xảy ra suy giáp sau xạ trị.
- Thay đổi khả năng nghe: giảm thính lực.
- Xơ cứng da, mô dưới da vùng xạ trị.
- Nuốt khó do xơ, teo cơ khít hầu.
2. Khuyến cáo chăm sóc cho người bệnh trị xạ trị vùng đầu cổ
2.1 Chăm sóc da xạ trị
Hầu hết tất cả người bệnh điều trị xạ trị ung thư đầu cổ đều gặp phải vấn đề về da vùng xạ trị với nhiều mức độ khác nhau từ thay đổi màu sắc da tới bong da khô, bong da ẩm. Tùy thuộc vào mức độ mà chúng ta có cách điều trị và xử trí phù hợp.
2.2 Phân độ viêm da xạ trị
- Độ 1: Thay đổi màu sắc da, ban đỏ, mẩn ngứa, rát nhẹ hoặc có thể bong da khô.
- Độ 2: Người bệnh đau rát tăng lên, bong trợt da ẩm tại các vị trí là nếp gấp hoặc bị cọ sát nhiều, tổn thương ở diện tích da < 50% trường chiếu.
- Độ 3: Viêm da xuất tiết mở rộng hơn ngoài những vùng nếp gấp, loét > 2cm, hoại tử da đến tận lớp cân, dễ chảy máu khi tiếp xúc, tổn thương ở diện tích da > 50% trường chiếu.
- Độ 4: Hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, hoại tử da hoặc loét lan rộng tổn thương lớp cơ, xương, chảy máu vùng da chiếu xạ.
2.3 Dự phòng và chăm sóc da khi điều trị xạ trị
2.3.1 Bảo vệ da
- Mặc áo mềm mại, chất cotton, thấm hút mồ hôi.
- Mặc áo cổ rộng, tránh cọ sát cổ áo vào da vùng xạ trị. Có thể mua các loại áo chuyên biệt dành riêng cho người bệnh xạ trị tại các cửa hàng thiết bị y tế.
- Tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào da vùng xạ (đặc biệt là khoảng thời gian 10h- 15h). Che kín vùng da xạ bằng áo chống nắng, khăn khi đi ra ngoài.
- Không dán băng dính lên vùng da chiếu xạ.
Giữ ẩm vùng da xạ trị:
- Bôi kem bảo vệ phóng xạ theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng các loại kem dưỡng da khác. Làm sạch da bằng nước muối sinh lý trước khi bôi kem.
- Thoa kem nhẹ nhàng xung quanh vùng da xạ, thoa một lớp mỏng, không thoa chồng chéo nhau ngày 2-3 lần. Thoa kem trước xạ trị 1-2h hoặc sau khi xạ xong 1h. Không thoa kem ngay trước khi xạ trị.
Lưu ý: Không để lớp kem bám dày trên mặt da vùng xạ trị làm giảm tác dụng của tia xạ.
2.3.2 Vệ sinh da
- Không chà sát da vùng xạ trị, không gãi, không xoa hay chạm nhiều vào da vùng xạ trị, giảm ma sát một cách tối đa nhất.
- Dùng khăn mềm để vệ sinh, thấm khô da vùng xạ khi tắm.
- Không tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh.
- Không dùng xà bông hay sữa tắm có tính chất tẩy mạnh hoặc gây kích ứng da. Nên dùng các loại sữa tắm dành cho trẻ em.
Lưu ý: Làm sạch tay trước khi vệ sinh da. Không để móng tay quá dài khi chăm sóc da.
2.3.3 Chăm sóc răng miệng
Trước khi điều trị xạ trị vùng đầu cổ, người bệnh sẽ được khám chuyên khoa răng hàm mặt. Nếu có răng sâu, viêm áp xe cuống răng thì phải điều trị răng trước xạ trị (Thông thường sẽ được điều trị răng miệng trước 1 tuần khi bắt đầu xạ trị).
Viêm niêm mạc là biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Nó có thể xuất hiện tại lưỡi, môi, lợi, sàn miệng và vòm gây ra các khó khăn về ăn, nói, nuốt, thở thường xảy ra ở tuần thứ 2-3 sau khi bắt đầu xạ trị và tổn thương thường hồi phục sau 8-10 tuần sau kết thúc xạ trị.
2.3.4 Phân độ viêm niêm mạc miệng
- Độ 1: đau nhẹ, xuất hiện ban đỏ
- Độ 2: loét, đau nhưng người bệnh vẫn nuốt được thức ăn rắn
- Độ 3: Đau nhiều, ban đỏ và ổ loét lan rộng, người bệnh không thể ăn được
- Độ 4: Đau dữ dội, không thể ăn được, nguy hiểm đến tính mạng
2.3.5 Dự phòng và chăm sóc răng miệng khi điều trị xạ trị
Vệ sinh răng
- Sử dụng bàn chải đánh răng nhỏ, lông mềm, đánh răng sau mỗi bữa ăn, cũng như sau khi ngủ dậy hằng ngày.
- Sử dụng kem đánh răng chứa Flouride như Sensodyne để ngăn ngừa cũng như bảo vệ răng khỏi bị sâu.
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng sau khi ăn (nếu có tình trạng viêm thì không sử dụng).
- Không đánh răng khi có viêm quanh răng, viêm lợi, chảy máu, viêm niêm mạc miệng độ 2 trở lên.
- Khám chuyên khoa răng định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ hoặc khi có vấn đề bất thường ở răng.
Vệ sinh và giữ ẩm khoang miệng
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên, liên tục 2h/ lần.
- Súc miệng bằng nước sát khuẩn theo chỉ định của BS (Betadine Mouth Wash). Súc trong khoảng 20-30 giây.
- Thường xuyên sử dụng các bài tập về khớp thái dương hàm hoặc sử dụng kẹo cao su không đường để nhai tập cơ thái dương hàm, nhằm mục đích ngăn ngừa dự phòng khít hàm sau điều trị.
- Dùng cao lưỡi và gạc mềm để làm sạch lưỡi (nếu có tổn thương lưỡi thì không dùng).
- Dùng thuốc kháng nấm đúng theo chỉ định của bác sĩ (nếu có).
- Vệ sinh răng, miệng sạch sẽ sau khi ăn, trước khi ngủ.
- Uống nhiều nước hoặc uống nước thường xuyên để luôn giữ ẩm cho miệng.
- Tránh hút thuốc, uống các thức uống chứa cồn, điều này có thể làm cho răng miệng của bạn bị viêm loét nặng nề hơn.
- Thường xuyên kiểm tra răng miệng hằng ngày để nhận biết và phòng ngừa các dấu hiệu của nhiễm khuẩn miệng ..
- Khám răng định kỳ 3 - 6 tháng một lần.
3. Chế độ ăn cho người bệnh xạ trị ung thư đầu cổ
Khi điều trị xạ trị, hầu hết người bệnh đều cảm thấy đau rát miệng, giảm hoặc mất vị giác làm người bệnh chán ăn, vì vậy người bệnh có nguy cơ giảm cân trong quá trình điều trị. Dưới đây một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh xạ trị vùng đầu cổ. Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Vấn đề tâm lý như lo lắng hay cảm giác mệt mỏi cũng làm tăng buồn nôn:
- Ăn đồ ăn mềm lỏng, nguội. Tránh các thực phẩm khô, cứng giòn, dính, cay mặn. Chia nhỏ bữa ăn, ngày 5 - 6 bữa.
- Bổ sung sữa dành cho người bệnh ung thư như Forticare (loại chai uống sẵn chứa 200 Kcal/hộp), Prosure ...
- Đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt là các chất đạm, protein tránh giảm cân >10 % trọng lượng cơ thể. Thay đổi cách chế biến thức ăn để người bệnh không bị nhàm chán. Hàm lượng dinh dưỡng đảm bảo 25-30 Kcal/ kg cân nặng/ ngày.
- Uống nhiều nước để luôn giữ cho khoang miệng không bị khô rát.
- Theo dõi cân nặng hàng tuần.
- Bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch nếu người bệnh bị viêm niêm mạc miệng độ 3 trở lên mà không thể ăn qua đường miệng, sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể.
Một số loại sữa dùng cho người bệnh:
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.