Thoát vị đĩa đệm nằm và ngồi tư thế nào cho đúng cách?

Việc lựa chọn tư thế ngồi và tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm đóng vai trò quan trọng trong giảm đau nhức cũng như hỗ trợ quá trình hồi phục của bệnh nhân. Nằm sai tư thế làm gia tăng áp lực lên cột sống, khiến tình trạng thoát vị đĩa đệm thêm trầm trọng. Ngược lại, nằm đúng tư thế giúp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, giảm đau đớn và thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Biến chứng do thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Nặng nề nhất là liệt nửa người hoặc liệt toàn thân. Ngoài ra, hội chứng đuôi ngựa dẫn đến mất kiểm soát tiểu tiện, teo chân tay nên giảm khả năng vận động, bí tiểu, tiểu không tự chủ cũng có thể xảy ra.

2. Các phương pháp chữa trị thoát vị đĩa đệm

Ngoài các phương pháp phổ biến như kéo nắn xương khớp, massage, châm cứu, người bệnh thoát vị đĩa đệm cần chú trọng điều chỉnh tư thế sinh hoạt, đặc biệt là tư thế ngồi và nằm ngủ.  

Tư thế nằm ngủ cho người thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống lưng và cột sống cổ, có thể làm tăng triệu chứng bệnh. Ngược lại, ngủ đúng tư thế 6 - 8 tiếng mỗi ngày sẽ góp phần hỗ trợ điều trị, giảm triệu chứng và cải thiện tình trạng thoát vị đĩa đệm hiệu quả.

3. Tư thế nằm cho người bị thoát vị đĩa đệm

Như đã nói ở trên, tư thế nằm ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cột sống, đặc biệt là đối với người bị thoát vị đĩa đệm. Nằm sai tư thế có thể làm nặng thêm các triệu chứng đau nhức, trong khi nằm đúng tư thế có thể hỗ trợ điều trị, giảm đau và cải thiện tình trạng bệnh.

Để giảm bớt cơn đau do thoát vị đĩa đệm, người bệnh có thể áp dụng một số tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm sau:

3.1 Nằm nghiêng và kê gối giữa hai chân

Bệnh nhân nằm nghiêng về một bên, kẹp một chiếc gối nhỏ giữa hai đầu gối và co nhẹ hai chân (không cần gập hẳn). Đồng thời, bệnh nhân có thể kê thêm một chiếc gối nhỏ ở vùng thắt lưng để bảo vệ đường cong sinh lý cột sống. Chiếc gối này giúp nâng đỡ vùng xương hông và xương chậu, từ đó giảm bớt áp lực lên cột sống.

Tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm này đặc biệt hữu ích cho người bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Việc nằm nghiêng giúp thư giãn vùng cổ và lưng trên, đồng thời chiếc gối (hoặc chăn) kê ở thắt lưng sẽ ngăn chặn việc thắt lưng bị cong quá mức.

3.2 Nằm sấp

Nằm sấp giúp giảm căng thẳng cho vùng cổ và lưng trên hiệu quả. Kê thêm gối hoặc chăn mỏng dưới bụng khi nằm ở tư thế này sẽ giúp thắt lưng hạn chế uốn cong quá mức. 

Nằm sấp là một trong những tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm, giúp giảm căng thẳng cho vùng cổ và lưng trên hiệu quả.
Nằm sấp là một trong những tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm, giúp giảm căng thẳng cho vùng cổ và lưng trên hiệu quả.

3.3 Nằm ngửa và kê gối dưới chân

Nằm ngửa, kê gối dưới chân được đánh giá là tư thế nằm tốt nhất và mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và giảm áp lực lên cột sống:

  • Thay vì kê dưới đầu, hãy đặt gối dưới đầu gối khi ngủ. Tư thế này giúp giãn đều lực trên cột sống, điều chỉnh lại đường cong tự nhiên hiệu quả.
  • Tư thế này không chỉ hỗ trợ giảm đau mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ cơ thể, giúp ngủ sâu và ngon hơn.

Tuy nhiên, để tối ưu hiệu quả, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:

  • Tuyệt đối không thực hiện tư thế nằm ngửa mà không kê gối.
  • Hạn chế duy trì tư thế ngủ nghiêng người với hai chân co duỗi trong thời gian dài.
  • Hạn chế nằm ngửa hoặc nằm cong vẹo, nghiêng ngả khiến cột sống không thẳng.
  • Nên sử dụng đệm có độ đàn hồi vừa phải, không quá cứng hoặc quá mềm.
  • Tránh kê gối quá cao. Gối quá cao sẽ gây đau nhức ở cổ và vai gáy.

4. Tư thế ngồi cho người thoát vị đĩa đệm

Ngồi lâu ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống lưng và cổ, khiến tình trạng thoát vị đĩa đệm trở nên trầm trọng hơn, từ đó gây ra các cơn đau nhức khó chịu. Vì vậy, việc duy trì tư thế ngồi đúng trong giai đoạn điều trị là vô cùng quan trọng để giảm thiểu các triệu chứng đau đớn.

Để giảm bớt triệu chứng đau do thoát vị đĩa đệm, người bệnh nên áp dụng tư thế ngồi sau:

  • Giữ tay vuông góc với khuỷu tay khi làm việc.
  • Chọn ghế có phần tựa lưng thẳng và độ sâu phù hợp, có thể ngồi thẳng lưng thoải mái.
  • Đặt màn hình máy tính ngang tầm mắt, cách xa vừa phải để tránh cúi đầu hoặc ngước nhìn thường xuyên, gây áp lực lên đốt sống cổ.
  • Sử dụng thêm vật kê chân để hai bàn chân đặt phẳng và thoải mái trên sàn nhà, tránh rướn.
  • Tuyệt đối không ngồi xổm, khoanh chân hoặc vặn mình khi đang ngồi vì có thể tăng áp lực lên cột sống thắt lưng. Ngoài ra, động tác vặn mình dễ gây áp lực lên sụn khớp và đĩa đệm, đặc biệt khi thực hiện đột ngột. Hậu quả là dây chằng lưng có thể bị giãn, dẫn đến đau đớn.
  • Việc đứng dậy và vận động nhẹ nhàng sau mỗi 45-60 phút giúp giảm thiểu áp lực lên cột sống.
  • Việc ngồi xuống và đứng lên đột ngột có thể dẫn đến tình trạng đau cột sống thắt lưng.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng khoa học, người bệnh cần duy trì lối sống hợp lý. Hạn chế vận động mạnh hoặc ở tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm lâu, thay vào đó hãy tập thể dục nhẹ nhàng và nghỉ ngơi đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe