Vịt là một món ăn có hàm lượng chất béo cao nhưng rất giàu chất dinh dưỡng đối với cơ thể. Hầu hết chất béo trong thịt vịt là chất béo lành mạnh và là nguồn protein tuyệt vời. Vậy việc ăn thịt vịt có tác dụng gì đối với cơ thể?
1. Giá trị dinh dưỡng của thịt vịt
Để biết được ăn thịt vịt có tác dụng gì và ăn thịt vịt có béo không thì bạn cần nắm được thông tin về giá trị dinh dưỡng của chúng. Theo đó, mỗi 100 gram thịt vịt thường có giá trị dinh dưỡng sau đây:
Calo / chất dinh dưỡng đa lượng | Hàm lượng |
Calo | 337 kcal |
Carbohydrate | 0 gram |
Chất béo - Chất béo bão hòa |
28.4 gram - 9.7gram |
Omega – 3 | 290 mg |
Omega – 6 | 3360 mg |
Protein (chất đạm) | 19 gram |
Ngoài ra, thịt vịt cũng có nguồn protein tương đối phong phú như sau:
Vitamin | % RDI |
Vitamin B3 | 24% |
Vitamin B2 | 16% |
Vitamin B1 | 12% |
Vitamin B5 | 11% |
Vitamin B6 | 9% |
Vitamin K | 6% |
Vitamin B12 | 5% |
Vitamin A | 4% |
Vitamin E | 4% |
Folate | 1% |
Lượng khoáng chất trong thịt vịt cũng được đánh giá cao, trong đó:
Khoáng chất | % RDI |
Selen | 29% |
Phốt pho | 16% |
Sắt | 15% |
Kẽm | 12% |
Đồng | 11% |
Kali | 6% |
Magiê | 4% |
Natri | 2% |
Canxi | 1% |
Mangan | 1% |
Dựa vào bảng trên, có thể thấy, thịt vịt là một loại gia cầm giàu chất béo, cung cấp hàm lượng protein vừa phải và có chứa nhiều vitamin B, selen, phốt pho cũng như sắt.... Nhìn chung, đây là món ăn khá bổ dưỡng.
2. Ăn thịt vịt có béo không?
Thịt vịt có hàm lượng chất béo tương đối cao, thường ở giữa lớp da và thịt. Tuy nhiên, chất béo trong thịt vịt là chất béo không bão hòa (khác với chất béo bão hòa trong động vật). Lượng chất béo này được đánh giá là lành mạnh, ít gây hại đến sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, thông qua quá trình chế biến, lượng chất béo trong vịt sẽ giảm đi đáng kể tùy thuộc theo vịt được nấu chín kỹ hay không, hoặc khi dùng, bạn có bỏ lớp da bên ngoài ra không.
Trên thực tế, một số đoạn thịt như ức vịt có hàm lượng chất béo thấp (2gram, trong đó chỉ có 0.5gram là chất béo bão hòa) cho mỗi 85 gram thịt. Lượng chất béo này thấp hơn so với lượng chất béo có trong ức gà (3 gam chất béo tổng và có 1 gram chất béo bão hòa).
Chân vịt và đùi vịt có tổng lượng chất béo cao hơn (trung bình 5 gram chất béo / 85 gram thịt), tuy nhiên, chân vịt vẫn có ít chất béo hơn so với đùi gà không da.
Như vậy, có thể thấy, thịt vịt là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh và ít có khả năng gây béo phì đối với cơ thể con người. Đây cũng là loại thực phẩm được chọn nhiều trong các chế độ ăn kiêng – giảm mỡ.
3. Ăn thịt vịt có tác dụng gì? Tổng hợp lợi ích sức khỏe của thịt vịt
Với nguồn dinh dưỡng dồi dào, thịt vịt có thể đem lại nhiều lợi ích độc đáo mà nhiều loại thịt khác không có. Cụ thể như:
3.1. Da vịt là nguồn cung cấp Glycine tuyệt vời
Glycine là một loại acid amin quan trọng và có nhiều vai trò trong cơ thể, ví dụ như chữa lành vết thương, thúc đẩy một giấc ngủ ngon... Mỗi 100 gram thịt vịt (tính luôn da) có thể cung cấp khoảng 1614 mg loại acid amin này.
3.2. Nguồn protein tốt cho chế độ ăn uống
Mỗi 100 gram thịt vịt (bao gồm cả da vịt) cung cấp khoảng 19 gram protein. Đặc biệt, nếu chỉ tính thịt vịt nguyên chất, lượng protein nhận được sẽ nhiều hơn đáng kể, lên đến 23.5 gam protein / 100 gram thịt vịt.
Protein là một nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu đối với cơ thể bởi chúng có vai trò:
- Cấu trúc và sửa chữa các tế bào trong cơ thể.
- Xây dựng các khối cơ bắp, duy trì khối lượng thịt nạc.
- Tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.
- Cung cấp các protein quan trọng cho sức khỏe của da, tóc và móng.
- Một số protein hoạt động như enzyme với nhiều xúc tác khác.
3.3. Thịt vịt giàu Selenium
Khoáng chất chính trong thịt vịt là Selen. Đây là khoáng chất chủ chốt trong các hoạt động chống oxy hóa, có nhiều lợi ích đối với phản ứng viêm và miễn dịch. Cùng với đó, cung cấp đúng và đủ lượng Selen hàng ngày cũng rất hữu ích đối với sức khỏe tuyến giáp.
Đáng chú ý, một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ cao tuổi có nồng độ selen trong máu thấp sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể trong vòng 5 năm.
3.4. Vịt cung cấp đầy đủ các loại vitamin nhóm B
Thịt vịt có chứa đa dạng các loại vitamin nhóm B và đặc biệt chứa nhiều vitamin B3 (niacin). Nhóm vitamin này rất quan trọng đối với cơ thể bởi các chức năng như:
- Chuyển đổi thực phẩm đi vào cơ thể thành năng lượng.
- Đóng vai trò trong chức năng nhận thức của não bộ.
- Liên quan đến hoạt động của hệ thống cơ và thần kinh.
- Hỗ trợ sản xuất nhiều loại hormone điều hòa cơ thể.
- Có vai trò nhất định trong hệ thống miễn dịch.
- Sản xuất DNA và các tế bào hồng cầu, giảm nguy cơ thiếu máu.
3.5. Giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Trong khi cá và các loại hải sản được xem là nguồn cung cấp acid béo omega – 3 hàng đầu thì ít ai biết thịt vịt cũng rất dồi dào các acid có lợi cho tim mạch. Việc ăn thịt vịt có thể giảm thiểu và ngăn ngừa các vấn đề tim mạch một cách hiệu quả.
3.6. Bảo vệ sức khỏe xương
Một số nghiên cứu cho thấy tiêu thụ protein động vật, bao gồm ăn thịt vịt, có thể cải thiện hiệu quả mật độ và sức mạnh của xương.
Có thể thấy, ăn thịt vịt đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Vì nguồn chất béo trong vịt đa phần là chất béo lành mạnh, vì vậy có rất ít khả năng thịt vịt gây nổi mụn hoặc gây béo đối với người ăn. Tuy nhiên, bạn cần chú ý lựa chọn thịt vịt sạch sẽ - an toàn ở các cửa hàng uy tín để tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến thịt vịt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: verywellfit.com, .nutritionadvance.com, .webmd.com