Thuốc Niaspan được sử dụng với một chế độ ăn uống và chương trình tập thể dục thích hợp để giúp giảm cholesterol và chất béo "xấu" ( LDL, triglyceride) và tăng cholesterol "tốt" (HDL) trong máu. Niaspan thường được sử dụng sau khi các phương pháp điều trị không dùng thuốc không hoàn toàn hiệu quả trong việc giảm cholesterol.
1. Thuốc Niaspan có tác dụng gì?
Thành phần chính của thuốc Niaspan là Niacin. Niacin còn được gọi là vitamin B3 (axit nicotinic), một trong những vitamin B phức hợp. Nó có thể được sử dụng đơn độc hoặc cùng với các loại thuốc khác.
Giảm lượng cholesterol xấu, triglyceride và tăng cholesterol "tốt" giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ và đau tim. Chất béo giảm cũng có thể giúp giảm nguy cơ viêm tụy. Ngoài ra bạn cần ăn một chế độ ăn uống thích hợp (ví dụ như cholesterol thấp / ít chất béo chế độ ăn uống), thay đổi lối sống khác có thể giúp thuốc Niaspan hiệu quả hơn bao gồm tập thể dục, giảm cân nếu bạn đang thừa cân và ngừng hút thuốc.
Thuốc Niaspan được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Cholesterol cao
- Điều trị làm chậm sự tiến triển của bệnh động mạch vành.
- Lượng chất béo trung tính trong máu cao
- Cholesterol cao và chất béo trung tính cao
- Ngăn ngừa tái nhồi máu cơ tim
- Quá nhiều chất béo trong máu
- Cholesterol HDL thấp
Thuốc Niaspan chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh gút
- Lượng phốt phát trong máu thấp
- Rối loạn đông máu làm tăng nguy cơ bị chảy máu.
- Nghiện rượu
- Đau tim trong vòng 30 ngày qua
- Huyết áp thấp
- Chảy máu từ động mạch
- Loét dạ dày
- Bệnh gan
- Xét nghiệm chức năng gan bất thường
2. Cách sử dụng thuốc Niaspan
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng do bác sĩ của bạn trước khi bạn bắt đầu dùng Niaspan và mỗi khi bạn được bổ sung thêm thuốc. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về cách sử dụng Niaspan, hãy hỏi bác sĩ của bạn.
Thuốc Niaspan được sử dụng bằng đường uống với một bữa ăn ít chất béo hoặc bữa ăn nhẹ theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là trước khi đi ngủ. Uống Niaspan khi bụng đói sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ (như đỏ bừng, khó chịu ở dạ dày).
Không nghiền nát hoặc nhai viên nén giải phóng chậm của thuốc Niaspan. Làm như thế có thể khiến cho tất cả thuốc được giải phóng cùng một lúc, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Ngoài ra, bạn cũng không nên chia nhỏ các viên thuốc trừ khi chúng có vạch chỉ số và bác sĩ của bạn yêu cầu bạn làm như vậy.
Niacin có sẵn trong các sản phẩm khác nhau. Không chuyển đổi giữa các loại thuốc có nồng độ khác nhau, nhãn hiệu hoặc dạng niacin khác nhau. Các vấn đề nghiêm trọng về gan có thể xảy ra nếu bạn làm như vậy.
Liều lượng thuốc Niaspan được tính dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn và đáp ứng với điều trị. Để giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn bắt đầu dùng thuốc Niaspan với liều lượng thấp và tăng dần liều thuốc.
Nếu bạn cũng dùng một số loại thuốc khác để giảm cholesterol (như cholestyramine hoặc colestipol), hãy dùng niacin ít nhất 4-6 giờ trước hoặc sau khi dùng những loại thuốc này. Các sản phẩm này có thể phản ứng với niacin, ngăn cản sự hấp thụ hoàn toàn thuốc. Tiếp tục dùng các thuốc giảm cholesterol khác theo chỉ định của bác sĩ.
Để giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ của thuốc Niaspan như đỏ bừng mặt, hãy tránh uống rượu, đồ uống nóng và ăn thức ăn cay gần thời gian bạn dùng niacin. Uống một viên aspirin thông thường hoặc một loại thuốc chống viêm không steroid (chẳng hạn như ibuprofen, 200 miligam) 30 phút trước khi dùng niacin có thể giúp ngăn ngừa đỏ bừng.
Sử dụng thuốc Niaspan thường xuyên để có được nhiều lợi ích nhất từ nó. Để giúp bạn nhớ sử dụng thuốc, hãy uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Đừng ngừng dùng thuốc Niaspan mà không hỏi ý kiến bác sĩ của bạn. Nếu bạn ngừng dùng niacin, bạn có thể phải quay trở lại sử dụng với liều lượng ban đầu và tăng dần trở lại. Hãy hỏi bác sĩ của bạn để được hướng dẫn về cách bắt đầu lại nếu bạn không dùng thuốc trong một thời gian dài (hơn 7 ngày).
Điều rất quan trọng trong điều trị cholesterol cao đó là tiếp tục làm theo lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống và tập thể dục.
Các xét nghiệm như lipid máu, đường huyết, xét nghiệm chức năng gan nên được thực hiện định kỳ để theo dõi sự tiến triển của bạn hoặc kiểm tra các tác dụng phụ khi điều trị bằng Niaspan.
3. Phản ứng phụ của thuốc Niaspan
Đỏ bừng mặt và cổ cùng với nóng, nhức đầu, ngứa, rát, đổ mồ hôi, ớn lạnh hoặc ngứa ran có thể xảy ra trong vòng 2-4 giờ sau khi dùng thuốc Niaspan. Hiện tượng bốc hỏa có thể tồn tại trong vài giờ sau khi sử dụng. Những tác dụng phụ này sẽ cải thiện hoặc biến mất khi cơ thể bạn thích nghi với thuốc.
Chóng mặt, đau dạ dày, ợ chua, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy cũng có thể xảy ra. Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Niaspan kéo dài hoặc trầm trọng hơn, hãy báo cho bác sĩ của bạn ngay lập tức.
Để giảm nguy cơ chóng mặt và choáng váng khi sử dụng Niaspan, hãy đứng dậy từ từ khi bạn đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm. Điều này rất quan trọng nếu bạn cũng đang dùng thuốc để giảm huyết áp.
Hãy nhớ rằng bác sĩ đã kê cho bạn thuốc Niaspan vì họ đã đánh giá rằng lợi ích thuốc mang lại cho bạn lớn hơn nguy cơ gây ra các tác dụng phụ. Nhiều người sử dụng thuốc Niaspan mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xảy ra.
Hãy báo cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào của thuốc Niaspan, bao gồm: Cảm giác chóng mặt nghiêm trọng/ngất xỉu, nhịp tim nhanh/không đều, đau đầu dữ dội (đau nửa đầu), đau khớp bất thường, sưng chân/tay, các vấn đề về thị lực, đau dạ dày/bụng dữ dội, phân đen, dễ bầm tím/chảy máu, đau hoặc yếu cơ không rõ nguyên nhân, buồn nôn/nôn dai dẳng, dấu hiệu của các vấn đề về thận, nước tiểu sẫm màu, chất nôn trông giống như bã cà phê, vàng mắt hoặc vàng da.
Một phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng với thuốc Niaspan rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc Niaspan, bao gồm: Phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là mặt/lưỡi/cổ họng), khó thở, chóng mặt, hãy nhận trợ giúp y tế ngay lập tức.
Dưới đây là các tác dụng phụ của thuốc Niaspan theo khả năng xảy ra.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Niaspan gồm có:
- Khó tiêu
- Ngứa
- Đỏ mặt và cổ tạm thời
- Ho
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Bệnh tiêu chảy
Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Niaspan gồm có:
- Lượng phốt phát trong máu thấp
- Giảm tiểu cầu
- Nhịp tim bất thường
- Loét dạ dày tá tràng xấu đi
- Da khô
- Đau cơ
- Ngất xỉu
- Chóng mặt
- Co thắt dạ dày
- Lượng axit uric trong máu cao
- Đường trong máu cao
Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Niaspan gồm có:
- Bệnh cơ
- Co thắt thanh quản
- Viêm gan
- Tổ đỉa
- Tình trạng giữ nước có thể nhìn thấy
- Khó thở
- Xét nghiệm chức năng gan bất thường
- Sốc phản vệ
- Phù mạch
- Cảm giác kim châm trên da
- Vàng mắt hoặc vàng da do tích tụ bilirubin
- Phù hoàng điểm
- Giảm prothrombin
- Đau nửa đầu
- Mờ mắt
- Hạ huyết áp tư thế đứng
- Huyết áp thấp
- Thay đổi màu da
- Yếu cơ
- Khó ngủ
- Đổ quá nhiều mồ hôi
- Ớn lạnh
- Phát ban trên da
- Tim đập thình thịch
- Đầy bụng
- Ợ hơi
- Lo lắng
- Suy nhược cơ thể
Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc Niaspan. Nếu bạn nhận thấy các tác dụng phụ khác của Niaspan không được liệt kê ở trên, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức để có hướng xử lý kịp thời.
4. Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc Niaspan
Trước khi dùng Niaspan, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với loại thuốc này và bất kỳ dị ứng nào khác nếu có. Sản phẩm Niaspan có thể chứa các thành phần không có tác dụng, chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề khác.
Trước khi sử dụng thuốc Niaspan, hãy cho bác sĩ biết tiền sử bệnh của bạn, đặc biệt là: Huyết áp rất thấp, sử dụng rượu, các vấn đề về chảy máu, bệnh tiểu đường, bệnh túi mật, bệnh tăng nhãn áp, bệnh gút, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan/tăng men gan, mất cân bằng khoáng chất không được điều trị (mức phosphate thấp), tiền sử loét dạ dày/ruột, suy giáp.
Thuốc Niaspan có thể làm cho bạn chóng mặt và rượu, cần sa có thể khiến bạn chóng mặt hơn. Không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ điều gì cần sự tỉnh táo khi sử dụng Niaspan, cho đến khi bạn có thể làm việc đó một cách an toàn.
Trước khi phẫu thuật, hãy nói với bác sĩ hoặc nha sĩ của bạn về việc bạn đang điều trị bằng thuốc Niaspan.
Thuốc Niaspan hiếm khi có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng lên, có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường. Nếu bạn đã mắc bệnh tiểu đường, hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên và cho bác sĩ biết kết quả kiểm tra. Hãy báo cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng của lượng đường trong máu cao như tăng cảm giác khát nước / đi tiểu. Khi đó, bạn cần phải điều chỉnh thuốc tiểu đường, chương trình tập thể dục hoặc chế độ ăn uống.
Đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, thuốc Niaspan chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết. Thảo luận với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích thuốc mang lại cho bạn. Thuốc Niaspan đi vào sữa mẹ, do đóp phụ nữ đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
5. Tương tác thuốc của Niaspan
Tương tác thuốc có thể thay đổi cách hoạt động của thuốc Niaspan hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc theo đơn/không kê đơn và các sản phẩm thảo dược bạn đang sử dụng. Không bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào trong quá trình điều trị bằng Niaspan mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.
Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc Niaspan bao gồm: Thuốc chống đông (như acenocoumarol, warfarin).
Kiểm tra kỹ tất cả các nhãn thuốc theo đơn và không theo đơn vì vitamin/thực phẩm chức năng cũng có thể chứa niacin hoặc nicotinamide. Những thuốc này có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nếu dùng cùng nhau.
Thuốc Niaspan có thể can thiệp vào một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (bao gồm catecholamine trong nước tiểu hoặc máu, xét nghiệm glucose trong nước tiểu), có thể gây ra kết quả xét nghiệm sai. Đảm bảo rằng nhân viên phòng thí nghiệm và tất cả các bác sĩ của bạn biết bạn sử dụng thuốc Niaspan.
6. Làm gì khi sử dụng quá liều hoặc quên dùng Niaspan?
Nếu bạn hoặc ai đó đã sử dụng quá liều thuốc Niaspan và có các triệu chứng nghiêm trọng như ngất đi hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu 115 ngay lập tức.
Nếu bạn bỏ lỡ một liều Niaspan, hãy dùng nó ngay khi bạn nhớ ra. Nếu đã gần đến thời điểm sử dụng liều thuốc tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên. Sử dụng liều Niaspan tiếp theo của bạn vào thời điểm bình thường, đừng dùng gấp đôi liều thông thường.
7. Cách lưu trữ thuốc Niaspan
Bảo quản thuốc Niaspan trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh khỏi ánh sáng và hơi ẩm, không lưu trữ trong phòng tắm và để thuốc tránh xa trẻ em và vật nuôi. Vứt bỏ sản phẩm Niaspan một cách thích hợp khi hết hạn hoặc không còn cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com