Các loại thịt mỡ được xem là không lành mạnh vì chúng có chứa nhiều chất béo bão hòa. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây lại cho thấy chất béo bão hòa là vô hại và thịt mỡ cũng là một thực phẩm tốt cho sức khỏe. Vậy việc ăn thịt mỡ có béo không và bạn có nên ăn thịt mỡ?
1. Phân biệt thịt mỡ và thịt nạc
1.1. Sự khác biệt giữa calo và chất dinh dưỡng đa lượng
Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa thịt nạc và thịt mỡ là hàm lượng chất béo. Trong đó, thịt mỡ sẽ có tổng lượng chất béo cao hơn nhiều so với thịt nạc. Tuy nhiên, chất béo không đồng nghĩa với lượng calo hàng ngày. Mỗi gram chất béo thường chứa khoảng 9 calo. Trong khi đó, mỗi gram chất đạm chỉ cung cấp khoảng 4 calo. Điều này đồng nghĩa với việc: thịt mỡ sẽ chứa nhiều calo hơn so với thịt nạc.
Ví dụ, mỗi 100 gram các phần khác nhau của thịt gà có thể chứa:
- Thịt nạc: 165 calo với 4 gam chất béo và 31 gram protein.
- Cánh, đùi và phần da là thịt mỡ: chứa đến 290 calo với 19 gam chất béo và 27 gam protein.
1.2. Sự khác biệt liên quan đến vi chất dinh dưỡng
Nhìn chung, thịt là một thực phẩm bổ dưỡng và chứa hầu hết các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu đối với cơ thể. Tuy nhiên, giữa thịt mỡ và thịt nạc có sự khác biệt nhỏ liên quan đến vi chất dinh dưỡng (như vitamin, khoáng chất...)
Trong thịt mỡ thường có chứa nhiều vitamin tan trong chất béo hơn, như vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K2. Cần chú ý rằng, sự khác biệt về vi chất dinh dưỡng giữa hai loại thịt này không nhiều, vì vậy, đây không phải là tiêu chí để lựa chọn bạn nên ăn loại thịt nào. Điểm mấu chốt là bạn cần phải tối đa hóa lượng chất dinh dưỡng nhận được từ các loại thịt.
2. Có nên ăn thịt mỡ? Ăn thịt mỡ có béo không?
Ngày trước, quan niệm thịt mỡ là loại thịt có hại đã khiến nhiều người bỏ qua loại thịt này, thậm chí tẩy chay. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy câu trả lời cho vấn đề “Có nên ăn thịt mỡ không?” lại phụ thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng của bạn.
Theo đó, nếu việc hấp thụ protein là ưu tiên, thịt nạc là lựa chọn tốt hơn. Tiêu thụ một lượng protein cao có thể đem lại nhiều lợi ích khác nhau đối với việc cải thiện cân nặng. Đối với một số đối tượng như vận động viên, người tập thể hình, hoặc người cần giảm cân, tập trung bổ sung protein là một việc nên làm.
Trong trường hợp này, thịt nạc sẽ là lựa chọn lý tưởng hơn thịt mỡ, vì cùng một khối lượng, thịt mỡ sẽ cung cấp protein nhiều nhưng kèm theo đó là lượng calo khổng lồ nên rất khó kiểm soát.
Ví dụ, những người tập thể hình cần ăn khoảng 200 gram protein, nếu như chọn thịt mỡ, họ sẽ dễ dàng nhận được lượng calo vượt ngoài nhu cầu. Điều này khiến quá trình kiểm soát cân nặng diễn ra khó khăn hơn.
Vì vậy, hãy chọn thịt nạc nếu bạn cần ăn nhiều protein mà không làm tăng tổng lượng calo mỗi ngày.
3. Khi nào nên ăn thịt mỡ?
Nếu như bạn đang theo chế độ ăn hạn chế tinh bột (đặc biệt là chế độ ăn Keto – loại bỏ hoàn toàn tinh bột), các loại thịt mỡ thường sẽ là lựa chọn tốt hơn. Thịt mỡ sẽ cung cấp cho bạn lượng Calo dồi dào đủ cho hoạt động cả ngày. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn hạn chế carb sẽ dẫn đến nhiều lợi ích ấn tượng cho sức khỏe.
Tuy nhiên, ở chế độ thiếu carbs, nếu như bạn không có nguồn cung cấp năng lượng khác, bạn sẽ rất dễ nản bởi sự mệt mỏi, đói và kiệt sức. Do đó, ăn thịt mỡ trong trường hợp này rất được khuyến khích.
4. Ăn thịt mỡ có béo không?
Ăn thịt mỡ có béo không sẽ tùy vào từng trường hợp. Việc một loại thực phẩm có gây béo hay không hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân. Nếu như bạn cung cấp cho cơ thể quá nhiều calo nhưng lại không tìm cách tiêu thụ chúng thông qua các hoạt động thể chất, calo dư thừa sẽ tích lũy lại thành mỡ và gây béo ở nhiều vùng cơ thể, đặc biệt là vùng bụng.
Trái lại, nếu việc ăn thịt mỡ đi kèm với hoạt động thể chất điều độ, một chế độ thịt mỡ thậm chí có thể trở thành chế độ giảm cân hiệu quả - nhanh chóng.
5. Tổng hợp một số loại thịt ít béo
Nếu như bạn đang ở trong trường hợp phải theo dõi lượng chất béo bão hòa trong cơ thể, bạn nên chọn một số loại thịt có ít béo hoặc có chứa chất béo không bão hòa. Một số nhóm thịt sau có thể đáp ứng điều kiện này.
5.1. Cá và các loại hải sản
Hầu hết các loại cá cũng như hải sản đều có chứa nhiều acid béo omega – 3, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường loại 2. Tuy nhiên, bạn cần tránh ăn hải sản tẩm bột hoặc chiên giòn. Cách chế biến này sẽ làm tăng hàm lượng chất béo bão hòa có trong thịt.
Bên cạnh cá, một số loại hải sản như sò, tôm, cua... cũng có nhiều dinh dưỡng, an toàn và ít chất béo bão hòa. Nên chọn các loại cá nướng, cá luộc, cá hấp... thay vì cá chiên.
5.2. Gia cầm
Thịt gia cầm cũng thuộc nhóm thịt nạc ít béo. Cũng tương tự như cá, bạn nên tránh cách chế biến tẩm bột hoặc chiên gia cầm. Theo các khuyến nghị, bạn có thể ăn thịt gà có cả da vì chất béo trong thịt gà và da gà đều là chất béo không bão hòa. Tuy nhiên, thịt ngỗng lại là nguồn chất béo bão hòa dồi dào. Do đó, bạn nên hạn chế ăn loại gia cầm này.
5.3. Thịt heo
Nếu như bạn không thích ăn thịt gà hoặc hải sản, thịt heo cũng có thể trở thành loại thịt ít mỡ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt heo là nguồn cung cấp protein nạc tuyệt vời. Mặc dù hàm lượng chất béo bão hòa trong thịt có thể khác nhau, một số nhóm thịt heo sau có lượng chất béo rất thấp:
- Thịt nguội luộc.
- Thịt lợn nạc và được cắt nhỏ.
- Thịt thăn hoặc cốt lết.
Nếu như bạn muốn hạn chế ăn thịt mỡ, nên tránh các sản phẩm thịt heo chế biến sẵn, vì chúng chứa rất nhiều chất nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, muối, chất phụ gia...
Nhìn chung, câu hỏi có nên ăn thịt mỡ không và ăn thịt mỡ có béo không phụ thuộc vào từng cá nhân (chế độ ăn hiện tại, mức độ hoạt động thể chất...). Bản chất thịt mỡ cũng là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, vì vậy, bạn không nên bài trừ mà hãy tận dụng lợi ích của nó một cách tối đa.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Do đó, nếu có dấu hiệu bệnh lý, bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, verywellfit.com