Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Định nghĩa y học về thiếu máu cơ tim là thuật ngữ chỉ cơ tim bị thiếu máu nuôi do mạch máu nuôi tim bị hẹp bởi mảng xơ vữa. Thông thường, thiếu máu cơ tim sẽ gây cơn đau thắt ngực, phần cơ tim không được nuôi dưỡng đủ sẽ gây ra triệu chứng đau ngực hoặc nặng ngực.
1. Thiếu máu cơ tim thầm lặng là gì?
Cơn đau thắt ngực được coi là triệu chứng cơ bản của thiếu máu cơ tim và bệnh mạch vành (động mạch nuôi tim), các nghiên cứu đã xác định rằng thiếu máu cơ tim thầm lặng (được định nghĩa là thiếu máu cơ tim có bằng chứng khách quan mà không có triệu chứng đau ngực) thường thấy ở bệnh nhân bệnh mạch vành.
Một số báo cáo vào những năm 1980 và 1990 đã ghi lại rằng từ 25 - 45% bệnh nhân mắc bệnh mạch vành bị thiếu máu cục bộ cơ tim, và hầu hết (> 75%) các đợt thiếu máu cục bộ này không liên quan đến đau ngực.
2. Thiếu máu cơ tim thầm lặng có khả năng xảy ra khi nào?
Thiếu máu cục bộ cơ tim thầm lặng đã được ghi nhận rộng rãi ở bệnh nhân không có tiền căn bệnh mạch vành và ở những bệnh nhân có bệnh mạch vành như: nhồi máu cơ tim trước đó, đau thắt ngực không ổn định và đau thắt ngực ổn định.
Thiếu máu cơ tim xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa cung và cầu oxy cơ tim. Khi gắng sức, quả tim phải bơm máu đi nuôi cơ thể nhiều hơn. Bản thân quả tim cũng cần nhiều oxy hơn. Nhưng do động mạch nuôi tim bị hẹp, không thể bơm máu đủ nuôi tim, nên cơ tim bị thiếu máu và gây triệu chứng đau ngực.
Những bệnh nhân bị tiểu đường hoặc đã từng bị đau thắt ngực sẽ có khả năng cao bị thiếu máu cơ tim thầm lặng.
3. Vì sao có thiếu máu cơ tim mà không gây triệu chứng đau ngực?
Các cơ chế có thể giải thích bao gồm:
- Chưa đạt đến ngưỡng đau trong một đợt thiếu máu cơ tim.
- Mức độ nghiêm trọng và thời gian đau ít hơn các đợt thiếu máu cơ tim trước.
- Ngưỡng chịu đau của bệnh nhân cao hơn cơn đau.
- Khiếm khuyết nhận thức các kích thích đau.
- Hệ thống cảnh báo đau thắt ngực bị lỗi.
- Mức beta-endorphin cao: chất ức chế truyền tín hiệu đau.
4. Thiếu máu cơ tim thầm lặng được chẩn đoán như thế nào?
Cách duy nhất để chẩn đoán thiếu máu cơ tim thầm lặng là làm các xét nghiệm chẩn đoán như nghiệm pháp gắng sức hoặc theo dõi holter điện tim:
- Có biến trên điện tim khi thực hiện nghiệm pháp thảm lăn hoặc xe đạp so với khi nghỉ.
- Xạ hình tưới máu cơ tim: giúp thấy được lượng máu đến nuôi cơ tim có đủ hay không
- Siêu âm tim gắng sức (chạy thảm hoặc dùng thuốc): là một thăm dò không chảy máu dùng để khảo sát vận động thành tim trong khi nghỉ và khi gắng sức.
- Holter ECG là máy ghi điện tim lưu động mang theo trên người. Nó có ưu điểm là cung cấp bản ghi điện tâm đồ 24-48 giờ về các biến cố thiếu máu cục bộ và loạn nhịp trong khi bệnh nhân tham gia vào các hoạt động thường ngày ngoài bệnh viện.
Để tầm soát phòng bệnh và điều trị bệnh sớm, mỗi người nên chủ động theo dõi sức khỏe, theo dõi nhịp tim, nếu có bất thường nên đi khám ngay tránh trường hợp xấu xảy ra. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho khách hàng các dịch vụ khám, xét nghiệm, siêu âm tim và đo điện tim... giúp bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán, kết luận về tình trạng sức khỏe, tư vấn điều trị dựa vào hồ sơ kết quả của từng bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
5. Ai có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng?
Những người có nguy cơ mắc bệnh tim và đau thắt ngực cũng có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Đái tháo đường
- Rối loạn lipid máu
- Tăng huyết áp
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm (nam < 55 tuổi, nữ < 65 tuổi)
- Tuổi (> 45 tuổi đối với nam và > 55 tuổi đối với nữ)
- Lối sống lười vận động
- Béo phì
- Căng thẳng
6. Tôi có thể giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim thầm lặng bằng cách nào?
Để giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng, bạn nên giảm nguy cơ mắc bệnh tim nói chung. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm:
- Ngưng hút thuốc lá
- Kiểm soát huyết áp và đường huyết, mỡ máu.
- Tập thể dục thường xuyên: 15-30 phút/ ngày, 3-5 ngày/tuần
- Nếu bạn thừa cân, hãy giảm cân; duy trì BMI =18,5- 23 kg/m2 (người châu Á)
- Ăn một chế độ ăn tốt cho tim: nhiều rau quả hạt, hạn chế thức ăn mặn, ngọt, béo.
- Thực hiện các bước để giảm căng thẳng trong cuộc sống và học cách kiểm soát căng thẳng.
- Đi gặp bác sĩ thường xuyên và làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
7. Các phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng là gì?
Nếu bạn được chẩn đoán mắc chứng thiếu máu cơ tim thầm lặng, kế hoạch điều trị của bạn sẽ dựa trên một số yếu tố như tuổi tác và sức khỏe tổng thể, lối sống và các yếu tố nguy cơ của bạn. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:
- Thay đổi lối sống để giảm nguy cơ đau tim.
- Nội khoa: Chống kết tập tiểu cầu như Aspirin, statin, kiểm soát huyết áp - đường huyết
- Ngoại khoa:
+ Nong mạch máu bằng bóng.
+ Can thiệp mạch vành qua da.
8. Bác sĩ chuyên khoa nào có thể giúp bạn điều trị bệnh thiếu máu cục bộ thầm lặng
Thiếu máu cơ tim thầm lặng có thể được điều trị bởi các bác sĩ nội khoa; tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ sẽ giới thiệu bệnh nhân của họ đến bác sĩ tim mạch, bác sĩ phẫu thuật tim hoặc bác sĩ phẫu thuật lồng ngực để chẩn đoán và điều trị thiếu máu cơ tim thầm lặng. Các bác sĩ chuyên khoa khác cũng có thể là một phần của nhóm chuyên gia đa chuyên khoa để điều trị bệnh tim của bạn.