Zolmitriptan thuộc về nhóm thuốc triptan, có tác dụng chính là điều trị chứng đau nửa đầu kéo dài và giảm bớt các triệu chứng khác liên quan (ví dụ như buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng). Vậy thuốc Zolmitriptan nên được dùng như thế nào để có hiệu quả tốt?
1. Thuốc Zolmitriptan có tác dụng gì?
Thuốc Zolmitriptan thường được chỉ định để điều trị chứng đau nửa đầu. Zolmitriptan giúp giảm cơn đau đầu và các triệu chứng của đau nửa đầu khác (bao gồm buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh).
Thuốc Zolmitriptan tác động đến một hormone tự nhiên là serotonin gây thu hẹp các mạch máu trong não, ảnh hưởng đến một số dây thần kinh trong não để giảm cảm giác đau đầu.
Việc điều trị chứng đau nửa đầu kịp thời sẽ giúp bạn dễ thích nghi với cuộc sống bình thường và giảm nhu cầu dùng các loại thuốc đau đầu khác. Tuy nhiên Zolmitriptan không giúp phòng ngừa chứng đau nửa đầu trong tương lai hoặc giúp bạn giảm tần suất số lần bị đau nửa đầu.
2. Liều dùng và cách dùng Zolmitriptan
Thuốc Zolmitriptan thường được dùng theo đường uống kết hợp hoặc không kết hợp với thức ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của chứng đau đầu. Liều dùng dựa vào tình trạng sức khỏe, phản ứng với điều trị và các loại thuốc mà người bệnh đang dùng. Hãy thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng (bao gồm thuốc không kê đơn (OTC), thuốc kê đơn và cả các sản phẩm thảo dược);
Nếu thấy các triệu chứng đau đầu không cải thiện, không dùng thêm liều Zolmitriptan trước khi nói chuyện với bác sĩ. Nếu các triệu chứng đau chỉ thuyên giảm một phần hoặc nếu cơn đau đầu tái phát, bạn có thể dùng một liều khác ít nhất 2 giờ sau khi uống liều đầu tiên. Không dùng nhiều hơn 10 miligam trong 1 ngày. Một số bệnh nhân khác có thể được hướng dẫn không dùng quá 5 miligam trong 24 giờ. Hãy hỏi và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ cẩn thận.
Nếu bạn có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra tim trước khi chỉ định bạn dùng Zolmitriptan. Họ cũng có thể yêu cầu bạn uống liều đầu tiên của thuốc này tại ngay phòng khám để tiện theo dõi các tác dụng phụ nghiêm trọng (chẳng hạn như đau ngực). Nếu bạn đã và đang sử dụng thuốc đau đầu khác trên 10 ngày mỗi tháng, thuốc Zolmitriptan có thể làm cho cơn đau đầu của bạn tồi tệ hơn (đau đầu do lạm dụng thuốc). Không tự ý dùng thuốc này thường xuyên hơn hoặc lâu hơn so với đơn chỉ định. Nếu bạn cần dùng thuốc thường xuyên hơn, hoặc nếu thuốc không hoạt động hiệu quả hoặc nếu cơn đau đầu của bạn trở nên tồi tệ hơn...hãy báo cho bác sĩ biết.
3. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc
Cũng tương tự như nhiều loại thuốc giảm đau khác, thuốc Zolmitriptan cũng có thể mang lại một số tác dụng phụ như: ngứa ran, tê bì, buồn nôn, tăng huyết áp, khô miệng, suy nhược, buồn ngủ hoặc chóng mặt. Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn thấy có bất kỳ triệu chứng cảnh báo nghiêm trọng nào như: ngón tay, ngón chân, móng tay có màu xanh, bàn tay và bàn chân lạnh.
Zolmitriptan thường có thể gây tức, đau ở vùng ngực, hàm, cổ nhưng thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, những phản ứng phụ này có thể giống như triệu chứng của cơn đau tim, hãy nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu thấy các dấu hiệu như: nhịp tim nhanh, đau ngực, đau hàm, đau cánh tay trái, khó thở, đổ mồ hôi bất thường, đau dạ dày, đau bụng dữ dội, tiêu chảy ra máu, ngất xỉu, các dấu hiệu đột quỵ (chẳng hạn như suy nhược một bên cơ thể, khó nói, thay đổi thị lực đột ngột, lú lẫn).
Thuốc này có thể làm tăng serotonin và hiếm khi gây ra tình trạng rất nghiêm trọng được gọi là hội chứng serotonin. Nguy cơ càng tăng lên nếu bạn cũng đang dùng các loại thuốc khác làm tăng serotonin, vì vậy hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tất cả các loại thuốc bạn đang dùng. Nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn có một số triệu chứng như: tim đập nhanh, ảo giác, cơ thể mất phối hợp, chóng mặt nghiêm trọng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nghiêm trọng, co giật cơ, sốt không rõ nguyên nhân, kích động, bồn chồn bất thường.
Trường hợp dị ứng với thuốc Zolmitriptan cũng hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào của dị ứng nghiêm trọng như: ngứa và sưng ở mặt, lưỡi, cổ họng, choáng váng nghiêm trọng, phát ban, khó thở...thì cần tìm hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Zolmitriptan
Trước khi dùng thuốc Zolmitriptan, hãy lưu ý một số vấn đề sau:
- Nếu bạn bị dị ứng với Zolmitriptan hoặc có bất kỳ tình trạng nào khác, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
- Chia sẻ với bác sĩ về bệnh sử của bạn, đặc biệt là: các vấn đề về tuần hoàn máu (ví dụ: ở cánh tay, bàn tay, chân hoặc dạ dày), một số loại đau đầu (đau nửa đầu liệt nửa người, đau nửa đầu thông thường), các vấn đề về tim (như các cơn đau tim, đau ngực, nhịp tim không đều), bệnh gan, bệnh động kinh, đột quỵ hoặc "cơn đột quỵ nhỏ" (cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua).
- Một số tình trạng sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ tình trạng nào trong số này, bao gồm: cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim, béo phì, hút thuốc, sau mãn kinh (phụ nữ), trên 40 tuổi (nam giới).
- Thuốc Zolmitriptan có thể gây chóng mặt, buồn ngủ hoặc làm mờ tầm nhìn nên bệnh nhân không sử dụng cùng các chất kích thích, đồ uống có cồn. Không lái xe, vận hành máy móc hoặc làm bất cứ điều gì cần sự tỉnh táo hoặc tập trung trong khi thuốc còn tác dụng.
- Nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh gan và cao huyết áp sẽ tăng lên theo tuổi tác. Người lớn tuổi sẽ dễ nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc Zolmitriptan, đặc biệt là tình trạng tăng huyết áp và các vấn đề về tim.
- Đối với phụ nữ có thai, thuốc đau đầu Zolmitriptan chỉ nên được sử dụng khi thật sự cần thiết. Hiện vẫn chưa rõ thuốc Zolmitriptan có đi vào sữa mẹ và gây tác dụng không mong muốn với trẻ bú mẹ hay không, do vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thật cẩn thận.
5. Tương tác thuốc Zolmitriptan
Các thuốc ức chế MAO (như Moclobemide, Procarbazine, Phenelzine, Safinamide, Rasagiline, Selegiline, Linezolid, Isocarboxazid, Tranylcypromine...) nếu dùng chung với thuốc đau đầu Zolmitriptan có thể gây ra tương tác thuốc nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Không nên dùng các chất ức chế MAO 2 tuần trước và sau khi điều trị bằng Zolmitriptan.
Nguy cơ mắc hội chứng serotonin sẽ gia tăng nếu bạn cũng đang dùng các loại thuốc khác làm tăng serotonin. Ví dụ như thuốc lắc Ecstasy (MDMA), St. John's wort, một số loại thuốc chống trầm cảm (bao gồm nhóm SSRI như Fluoxetine, Paroxetine, SNRIs như Duloxetine, Venlafaxine). Nguy cơ bị hội chứng serotonin có thể càng cao hơn khi bạn bắt đầu hoặc tăng liều dùng các loại thuốc này.
6. Một số lưu ý thuốc Zolmitriptan
Một số loại thực phẩm, đồ uống hoặc phụ gia thực phẩm (ví dụ như rượu vang đỏ, pho mát, sôcôla, bột ngọt) cũng như lối sống như thói quen ăn ngủ không đều đặn hoặc căng thẳng stress có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Tránh những “tác nhân kích hoạt” này có thể giúp bạn giảm bớt các cơn đau nửa đầu.
Quá liều: Nếu sử dụng thuốc Zolmitriptan quá liều và thấy các triệu chứng như ngất xỉu hoặc khó thở, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.
Bảo quản: Bảo quản thuốc Zolmitriptan ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và độ ẩm. Giữ thuốc xa tầm tay của trẻ nhỏ và phạm vi hoạt động của thú nuôi.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Zolmitriptan. Việc đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng luôn mang đến những hiệu quả điều trị bệnh tích cực.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd