Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ thường cố gắng cho trẻ ăn thật nhiều nhưng lại bỏ qua việc bổ sung đầy đủ những vi chất cần thiết cho trẻ trong bữa ăn hằng ngày dẫn đến tình trạng trẻ lười ăn chậm lớn. Trong đó, trẻ thiếu kẽm là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này.
1. Trẻ lười ăn chậm lớn
Trẻ lười ăn chậm lớn là tình trạng rất thường gặp hiện nay, là mối quan ngại đối với hầu hết những bậc phụ huynh. Vì vậy, cha mẹ thường có xu hướng ép trẻ ăn thật nhiều trong mỗi bữa nhưng vấn đề cốt lõi lại là việc đảm bảo đầy đủ lượng vi chất cần thiết cho trẻ trong mỗi bữa ăn thì tình trạng trẻ lười ăn chậm lớn sẽ được cải thiện.
Trẻ lười ăn chậm lớn có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, với những biểu hiện dễ dàng nhận thấy được đó là trẻ ăn số lượng ít hơn so với bình thường, trẻ có thói quen ngậm thức ăn trong miệng trong thời gian dài và không nuốt xuống, không ăn những thức ăn thường ngày như thịt, cá, sữa, trứng và nhiều loại thực phẩm khác, khi đến bữa thì trẻ thường có dấu hiệu lẩn tránh hay buồn nôn...
2. Trẻ lười ăn thiếu chất gì?
Một số nguyên nhân gây ra trẻ lười ăn chậm lớn thường gặp đó là:
- Thiếu chất: sắt, calci, kẽm, vitamin... ngay từ những tháng còn nằm trong bụng mẹ, những trẻ này thường sinh non tháng nên thiếu cân, từ đó lười bú mẹ trong những năm tháng đầu đời. Thiếu chất dẫn đến lười ăn cũng có thể gặp ở trẻ lớn hơn do khẩu phần ăn hằng ngày không cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên trẻ bị thiếu hụt một số chất quan trọng như vitamin D, C, nhóm B, Magie, kẽm. Mặt khác, nếu cha mẹ cho trẻ ăn bổ sung trong thời gian quá sớm thì có thể khẩu phần ăn này làm trẻ bị dư thừa tinh bột nên cũng gây ra tình trạng lười ăn chậm lớn.
- Trẻ mắc một số bệnh lý về nhiễm khuẩn, nhiễm virus đường hô hấp, đường tiêu hóa. Lúc này, trẻ sẽ bị thiếu những vitamin A, C, Magie, B6, sắt và kẽm nên khiến trẻ trở nên lười ăn.
- Một số những nguyên nhân khác có thể kể đến như thức ăn không hợp khẩu vị của trẻ, trẻ đang trong thời gian mọc răng, trẻ ăn vặt trước bữa ăn, nguyên nhân về tâm lý của trẻ.
3. Trẻ thiếu kẽm
Dinh dưỡng không đầy đủ khiến trẻ trở nên biếng ăn, chậm tăng cân và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, trong đó có hệ miễn dịch của trẻ. Trong những vi chất mà trẻ hay thiếu thì kẽm là một trong những thành phần mà các bậc cha mẹ hay bỏ sót nhất nhưng lại đóng vai trò thiết yếu giúp trẻ phát triển.
Trẻ thiếu kẽm sẽ dẫn đến một số tình trạng như biếng ăn, chậm tăng ăn, suy giảm sức đề kháng nên dễ mắc phải một số bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nguy hiểm hơn nữa đó là bệnh suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, thiếu kẽm còn làm trẻ chậm phát triển về chiều cao, ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ khiến trẻ có xu hướng dễ dàng nóng nảy với những người xung quanh.
Về kẽm, đây là một vi chất quan trọng trong sự phát triển của trẻ, có liên quan đến khoảng 300 loại enzyme trong những phản ứng chuyển hóa cần thiết của cơ thể như quá trình tạo máu, hình thành cấu trúc của tim, tạo tế bào mỡ, tạo thần kinh võng mạc, tạo xương, điều hòa gen...
Một số cách bổ sung kẽm cho trẻ thiếu kẽm trong từng trường hợp cụ thể đó là:
- Đối với trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi: Bú sữa mẹ để dễ hấp thu kẽm và nguồn kẽm trong sữa mẹ cũng rất dồi dào, giúp trẻ phát triển chiều cao cũng như kích thích sự thèm bú của trẻ.
- Với những trẻ có triệu chứng biếng ăn, chậm tăng cân thì cần được khám và chẩn đoán xác định, các bậc cha mẹ không nên tự ý mua kẽm bổ sung cho trẻ vì có thể gây ra một số tác dụng ở gan, thận của trẻ.
- Một số loại thực phẩm giúp bổ sung kẽm cho trẻ nên được đưa vào bữa ăn hằng ngày đó là tôm, lươn, hàu, gan heo, sữa, lòng đỏ trứng gà, cá, đậu nành, hạnh nhân, đậu phộng...
- Khi trẻ đang gặp phải tình trạng nhiễm trùng thì không được bổ sung kẽm nên tốt nhất thì trẻ nên được đến khám và đưa ra chỉ định bổ sung kẽm ở những cơ sở có chuyên môn về dinh dưỡng nhi khoa.
4. Kết luận
Kẽm là một loại vi chất cần thiết cho cơ thể của trẻ em, nếu trẻ thiếu kẽm thì sẽ gây ra những ảnh hưởng đến sự phát triển, sức khỏe của trẻ trong bất cứ độ tuổi nào, trong đó dễ phát hiện nhất đó là tình trạng trẻ lười ăn chậm lớn. Để biết rõ trẻ lười ăn thiếu chất gì thì cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại những cơ sở y tế để được chẩn đoán và có phương pháp bổ sung phù hợp.
Tình trạng thiếu kẽm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ, do đó, cha mẹ cần quan sát và bổ sung kịp thời nguồn vitamin quan trọng này.
Ngoài bổ sung qua chế độ ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm hỗ trợ có chứa kẽm và các vi khoáng chất thiết yếu như Lysine, crom, selen, vitamin B1... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
>> Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm: Thiếu kẽm gây bệnh gì? Khi nào nên bổ sung kẽm?, Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.