Thiamine (vitamin B1): Công dụng, liều dùng, tác dụng phụ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nội tiết.

Thiamin (vitamin B1) giúp cơ thể tạo ra năng lượng từ các chất dinh dưỡng. Thiamin là chất cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và chức năng của các tế bào.

Hầu hết mọi người nhận đủ thiamin từ thực phẩm được sử dụng hàng ngày. Thực phẩm giàu thiamin bao gồm men, các loại đậu, thịt lợn, gạo nâu, cũng như thực phẩm tăng cường, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng. Tuy nhiên, làm nóng thực phẩm có chứa thiamin có thể làm giảm hàm lượng thiamin. Thiamin cũng có thể được dùng như một chất bổ sung.

1. Thiamin là gì?

Thiamin là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà tất cả các mô của cơ thể cần để hoạt động đúng. Thiamin là vitamin B đầu tiên mà các nhà khoa học phát hiện ra. Đây là lý do tại sao tên của nó mang số 1. Giống như các vitamin B khác, thiamin tan trong nước và giúp cơ thể biến thức ăn thành năng lượng. Bạn có thể tìm thấy nó trong thực phẩm và vitamin tổng hợp.

Cơ thể cần thiamine để tạo ra adenosine triphosphate (ATP). Đây là một phân tử vận ​​chuyển năng lượng trong các tế bào. Sự thiếu hụt thiamin có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau của cơ thể bạn, bao gồm cả những chức năng của: hệ thần kinh, tim và não.

Hiện nay, tình trạng thiếu thiamin thường ít xảy ra. Thiếu thiamin hiếm gặp ở người lớn có sức khỏe tốt. Tình trạng thiếu thiamin thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy giảm. Các tác nhân làm giảm nồng độ thiamine bao gồm: nghiện rượu, bệnh Crohn, chán ăn. Những người đang chạy thận nhân tạo hoặc dùng thuốc lợi tiểu cũng có nguy cơ bị thiếu thiamine. Thuốc lợi tiểu được kê toa cho người bị suy tim xung huyết, có thể khiến thiamine ra khỏi cơ thể. Hoạt động của tim dựa vào thiamine để hoạt động đúng quy trình. Những người dùng digoxin và phenytoin cũng nên cẩn thận với các tác dụng của thuốc.

Thiếu thiamine có thể dẫn đến hai vấn đề sức khỏe chính: hội chứng beriberi và Wernicke-Korsakoff. Beriberi ảnh hưởng đến hơi thở, cử động mắt, chức năng tim. Nó gây ra bởi sự tích tụ axit pyruvic trong máu, đây là tác dụng phụ khiến cơ thể bạn không thể biến thức ăn thành năng lượng.

Hội chứng Wernicke-Korsakoff về mặt kỹ thuật là hai rối loạn khác nhau. Bệnh Wernicke ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và gây suy giảm thị lực, thiếu sự phối hợp cơ bắp và suy giảm tinh thần. Nếu bệnh của Wernicke không được điều trị, nó có thể dẫn đến hội chứng Korsakoff. Hội chứng Korsakoff làm suy yếu vĩnh viễn các chức năng bộ nhớ trong não. Một trong hai bệnh có thể được điều trị bằng cách tiêm thiamin hoặc bổ sung. Điều này có thể giúp cải thiện những vấn đề về tầm nhìn và cơ bắp. Tuy nhiên, thiamin không thể khắc phục tổn thương bộ nhớ vĩnh viễn do hội chứng Korsakoff gây ra.


Người đang sử dụng thuốc lợi tiểu có nguy cơ thiếu Thiamin
Người đang sử dụng thuốc lợi tiểu có nguy cơ thiếu Thiamin

2. Công dụng của Thiamin

Thiamin (vitamin B1) được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị lượng vitamin B1 thấp ở những người không có đủ vitamin từ chế độ ăn uống của họ. Hầu hết những người ăn chế độ ăn bình thường không cần thêm vitamin B1. Tuy nhiên, một số điều kiện (như nghiện rượu, xơ gan, các vấn đề về dạ dày, ruột) có thể gây ra mức độ vitamin B1 thấp. Vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Nó là cần thiết để duy trì sức khỏe của các dây thần kinh và tim. Hàm lượng vitamin B1 thấp có thể gây suy tim và các vấn đề về tinh thần, thần kinh.

Bên cạnh đó, thiamin kết hợp với một số chất bổ sung vitamin khác có thể làm giảm khả năng phát triển đục thủy tinh thể.

3. Cách sử dụng Thiamin

Uống vitamin thiamin từ 1 đến 3 lần mỗi ngày. Thực hiện theo tất cả các hướng dẫn trên gói sản phẩm, hoặc thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bạn không chắc chắn về bất kỳ thông tin nào, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng.

Liều dùng dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn và đáp ứng của vitamin với điều trị. Sử dụng thiamin thường xuyên để có được lợi ích cao nhất từ ​​nó. Để giúp bạn nhớ sử dụng hàng ngày thì bạn nên dùng nó vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Hãy báo bác sĩ nếu tình trạng của bạn vẫn còn hoặc trở nên xấu đi. Nếu bạn nghĩ rằng tình trạng trở nên nghiêm trọng thì bạn nên đến cơ sở y tế ngay lập tức.

4. Tác dụng phụ khi sử dụng thiamine


Tthường xuyên ăn cá sống hoặc động vật có vỏ có thể góp phần vào việc thiếu thiamin
Tthường xuyên ăn cá sống hoặc động vật có vỏ có thể góp phần vào việc thiếu thiamin

Một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng sẽ cung cấp cho hầu hết mọi người đủ thiamin. Tuy nhiên, đối với những người đã phẫu thuật, có các tình trạng như HIV/AIDS, nghiện rượu mãn tính hoặc sử dụng một số loại thuốc, có thể cần bổ sung thiamin. Thiamin nói chung là khá an toàn.

Khi được sử dụng như một chất bổ sung uống với liều lượng thích hợp, thiamin hiếm khi gây ra phản ứng da. Hiện tại không có bằng chứng cho thấy thiamin tương tác với các loại thuốc khác. Tuy nhiên, thường xuyên nhai hạt cau (trầu) hoặc thường xuyên ăn cá sống hoặc động vật có vỏ có thể góp phần vào việc thiếu thiamin.

Để hiểu hơn về việc bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, bạn tham khảo website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để biết thêm nhiều thông tin hữu ích được chia sẻ từ chính các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org; Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe