Theo dõi hồi tỉnh sau mổ

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Trung Thành - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Sau các phẫu thuật thủ thuật có an thần gây mê hoặc gây tê, người bệnh thường được chuyển vào khu vực hồi tỉnh để theo dõi trước khi chuyển về khoa phòng, một số trường hợp được chuyển đơn vị hồi sức tùy theo tình trạng người bệnh và tính chất phẫu thuật.

1. Hồi tỉnh là gì?

Hồi tỉnh là việc chăm sóc người bệnh sau mổ nhằm kiểm soát các tác dụng tồn dư của của gây mê, gây tê và theo dõi phát hiện các biến chứng liên quan gây mê phẫu thuật.

Bác sĩ gây mê và điều dưỡng hồi tỉnh sẽ chịu trách nhiệm theo dõi xuyên suốt người bệnh cho đến khi đáp ứng các tiêu chí an toàn trước khi bàn giao cho bác sĩ và điều dưỡng khoa nội trú

2. Tại sao phải theo dõi hồi tỉnh sau gây mê phẫu thuật?

Các biến chứng liên quan đến gây mê và phẫu thuật có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào sau mổ, phần lớn thường xảy ra vài giờ đầu sau mổ. Thời gian hồi tỉnh giúp chăm sóc, theo dõi, phát hiện để xử trí kịp thời các tai biến và biến chứng sớm của người bệnh sau gây mê phẫu thuật.


Hồi tỉnh sau gây mê phẫu thuật được theo dõi bằng các chỉ số thông qua hệ thống máy monitor
Hồi tỉnh sau gây mê phẫu thuật được theo dõi bằng các chỉ số thông qua hệ thống máy monitor

3. Các thông số cần được theo dõi trong giai đoạn hồi tỉnh

Người bệnh sẽ được bác sĩ gây mê và điều dưỡng hồi tỉnh theo dõi và chăm sóc các thông số và biểu hiện như sau:

  • Tri giác
  • Sinh hiệu: mạch, huyết áp, nhịp thở, thân nhiệt
  • Bão hòa oxy
  • Tình trạng đau
  • Tình trạng vết mổ, dẫn lưu
  • Cân bằng dịch xuất - nhập,
  • Vận động
  • Các biểu hiện bất thường (nếu có): Buồn nôn, ngứa, bí tiểu, run

4. Người bệnh nên làm gì trong giai đoạn hồi tỉnh?

Không tự ý rút đường truyền dịch, dây thở oxy, các ống dẫn lưu cũng như không tháo các trang bị theo dõi tình trạng xuất khỏe của bạn (bao đo huyết áp, các điện cực ECG, cáp theo dõi độ bão hòa oxy).

Hãy thư giãn, đừng ngần ngại thông báo hoặc ra dấu hiệu (nếu bạn không thể nói được) với điều dưỡng hay bác sỹ về tất cả những biểu hiện mà bạn cảm thấy khó chịu hoặc cảm thấy bất thường.


Người bệnh không được tự ý tháo rút đường truyền dịch cũng như một số trang thiết bị theo dõi trình trạng sức khoẻ
Người bệnh không được tự ý tháo rút đường truyền dịch cũng như một số trang thiết bị theo dõi trình trạng sức khoẻ

5. Thời gian theo dõi hồi tỉnh là bao lâu?

Thời gian theo dõi hồi tỉnh tùy thuộc vào mức độ hồi phục của người bệnh sau gây mê phẫu thuật thể hiện qua bảng điểm Aldrete, mỗi mức độ hồi phục sẽ thể hiện bằng điểm số từ 0 đến 2 điểm. Bạn sẽ được xem xét kết thúc theo dõi hồi tỉnh khi tổng điểm Aldrete đạt ít nhất 10 điểm. Ngoài ra bạn còn phải thỏa mãn các tiêu chí về giảm đau, tình trạng nôn, cân bằng dịch, giữ ấm cơ thể, vết mổ và dẫn lưu.

Thông thường thời gian theo dõi hồi tỉnh là 120 phút, một số trường hợp an thần thủ thuật có thời gian theo dõi 60 phút sau an thần.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe