Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thông khí áp lực dương là phương pháp thông khí nhân tạo được chỉ định sử dụng để hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân không tự hô hấp được. Việc theo dõi bệnh nhân thở máy là một phần quan trọng trong công tác điều trị và chăm sóc người bệnh.
1. Thông khí áp lực dương là gì?
Phương pháp thông khí áp lực dương được biết đến là cách thông khí nhân tạo cho người bệnh mà không cần sử dụng đến ống nội khí quản. Đây là phương pháp giúp làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện và là bước tiến mới trong hồi sức cấp cứu, đặc biệt trong đợt cấp COPD.
Một số máy thở thông khí áp lực dương được sử dụng hiện nay:
- Máy thở BiPAP: Máy thở tự nhiên, thông khí không xâm nhập.
- Máy thở CPAP: Đây là máy thở mà bệnh nhân không cần phải đặt ống thở nội khí quản. Máy sẽ tạo một áp lực đường thở giúp đường thở không bị xẹp và hỗ trợ bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
2. Khi nào bệnh nhân được chỉ định sử dụng máy thở?
Trong các trường hợp bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp hay không thể tự hô hấp được, bệnh nhân vừa phẫu thuật xong thường được bác sĩ chỉ định thở máy với mục đích hỗ trợ hô hấp cho người bệnh.
Ngoài ra, trong các trường hợp sau đây, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng máy thở:
- Bệnh nhân suy hô hấp ở mức độ nhẹ và vừa
- Bệnh nhân phù phổi cấp huyết động, liệt tứ chi cấp
- Bệnh nhân sau khi rút ống do phù phổi hoặc xẹp phổi có dấu hiệu thiếu oxy.
- Bệnh nhân có biểu hiện phù nề thanh môn nhẹ sau khi rút ống nội khí quản.
- Bệnh nhân cai thở máy, có đợt cấp của COPD.
Các trường hợp chống chỉ định sử dụng thông khí áp lực dương:
- Bệnh nhân ngừng thở
- Bệnh nhân không hợp tác sử dụng, không tự bảo vệ đường thở
- Bệnh nhân loạn nhịp tim chưa kiểm soát được
- Bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp trên, bị chấn thương biến dạng mặt và huyết động không ổn định
- Bệnh nhân có nhiều đờm dãi mã khả năng ho khạc kém.
3. Bác sĩ theo dõi bệnh nhân thở máy như thế nào?
Máy thở thông khí áp lực dương hoạt động liên tục, vì vậy bác sĩ hay điều dưỡng viên là người phải liên tục quan sát máy thở để kịp thời điều chỉnh và xử lý những vấn đề trục trặc có thể xảy ra trong quá trình sử dụng.
Bác sĩ hoặc điều dưỡng theo dõi bệnh nhân thở máy thông qua việc theo dõi bệnh nhân và kiểm tra hoạt động của máy.
3.1 Theo dõi bệnh nhân thở máy
- Kiểm tra các dấu hiệu sống như mạch đập, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở của người bệnh bằng các dụng cụ thông thường hoặc bằng máy theo y lệnh 15 phút/ lần, 30 phút / lần, 1 giờ / lần, 3 giờ / lần tùy vào tình trạng thực tế của từng bệnh nhân.
- Kiểm tra các triệu chứng của giảm oxy máu như người bệnh tím tái, vã mồ hôi, ý thức mơ hồ và dấu hiệu vật vã...
- Kiểm tra nếu thấy các triệu chứng của suy hô hấp, suy tuần hoàn, tình trạng tinh thần của bệnh nhân
- Phát hiện sớm các biến chứng do máy thở gây ra như chấn thương do áp lực đường thở quá cao, tổn thương phổi cấp, rối loạn trao đổi khí, rối loạn tiêu hóa...
- Theo dõi và kiểm tra tình trạng rối loạn nước điện giải và dinh dưỡng.
3.2 Kiểm tra hoạt động của máy thở
Bác sĩ hoặc điều dưỡng phải thường xuyên kiểm tra hoạt động của máy thở và các thông số của máy. Kiểm tra các khớp nối với ống nội khí quản, các điện cực của máy theo đúng vị trí, đặc biệt lưu ý hệ thống dây tiếp đất của máy để phòng ngừa các sự cố chập điện cũng như tránh gây điện giật cho bệnh nhân.
Kiểm tra thể tích thông khí/phút của máy thở, áp lực bơm khí và hệ thống dẫn khí. Nước ở bình làm ẩm cần đủ thể tích cần thiết và bác sĩ hoặc điều dưỡng phải chú ý thay nước sau 8-12 giờ hoạt động máy.
Và điều quan trọng nhất là nhịp thở của máy phải trùng với nhịp thở của bệnh nhân.
Bệnh nhân thở máy cần được theo dõi bởi các bác sĩ hồi sức cấp cứu nếu không sẽ dẫn đến các biến chứng trong quá trình thở máy dẫn đến nguy cơ tử vong.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.