Điều kiện để rút ống nội khí quản và cai máy thở

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thở máy kéo dài sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, tổn thương phổi, suy dinh dưỡng, loét tì đè, rối loạn điện giải...mặt khác chi phí điều trị tốn kém nhưng vẫn có nguy cơ gây tử vong cho người bệnh. Do đó, với những bệnh nhân thở máy cần được đánh giá nhanh quá trình cai máy thở để có thể bỏ máy thở càng sớm càng tốt. Quá trình này cần phải được xem xét ngay từ khi bắt đầu cho bệnh nhân thở máy.

1. Cai máy thở

Thở máy (thông khí nhân tạo hay hô hấp nhân tạo) được sử dụng khi chức năng thông khí tự nhiên của bệnh nhân không thể tự thực hiện được. Phương pháp này nhằm cung cấp nhân tạo thông khí và oxy hoá. Thở máy sẽ được bác sĩ chỉ định trong một số trường hợp như: ngưng thở, suy hô hấp có giảm oxy máu, hoặc tăng CO2 máu, chủ động kiểm soát không khí (vô cảm), cần ổn định thành ngực để chống xẹp phổi.

Cai máy thở là quá trình giảm dần sự hỗ trợ của máy thở và tăng dần thở tự nhiên của người bệnh để có thể đạt chỉ tiêu khi bỏ máy thở. Quá trình này có thể diễn ra vài ngày đến vài tuần, thậm chí hàng tháng. Cai máy thở đối với bệnh nhân khi: đã xử lý được nguyên nhân phải thông khí, duy trì trao đổi khí với mức hỗ trợ thấp nhất (khả năng tự thở tần số thở < 30 nhịp/phút)

Cai máy thở có tầm quan trọng lớn đối với người bệnh. Máy thở cần được bỏ càng sớm càng tốt bởi nếu kéo dài quá trình này bệnh nhân sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương phổi do thở máy, chấn thương đường thở, ... và một số yếu tố nguy cơ gây khó khăn cho quá trình cai máy thở sau này.


Dùng máy thở kéo dài có thể khiến phổi bị tổn thương
Dùng máy thở kéo dài có thể khiến phổi bị tổn thương

Theo đó, việc cai máy thở thành công là khi người bệnh thực hiện được thở tự nhiên mà không cần hỗ trợ cơ học trong thời gian lớn hơn 24 giờ. Tỷ lệ cai máy thở thành công và thời gian cai máy thở thành công là rất khác nhau, nó phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, bệnh lý, hay các nguyên nhân khác.

2. Điều kiện cai máy thở

Để cai máy thở thành công khi bệnh nhân đạt được phần lớn các tiêu chuẩn sau:

  • Giải quyết được nguyên nhân phải thở máy
  • HA ổn định: không dùng hoặc dùng liều nhỏ thuốc co mạch, trợ tim.
  • Nhịp tim <140 chu kỳ/phút
  • Nhiệt độ < 38 độ C
  • pH và PaCO2 phù hợp với bệnh lý hô hấp nền của người bệnh.
  • Tiêu chuẩn thông khí: PaO2 ≤ 50mmHg và pH bình thường, VC > 10-15ml/kg, Vt tự thở > 5-8ml/kg, tần số thở tự nhiên <30/ph, thông khí phút < 10L.
  • Tiêu chuẩn oxy: PaO2 không PEEP > 60mmHg với FiO2 ≤ 0.4, PaO2 có PEEP > 100 mmHg với FiO2 ≤ 0.4, SaO2 > 90% với FiO2 ≤ 0.4, Qs/Qt <20%, P(A-a)O2 < 350 mmHg với Fio2 = 1, PaO2/FiO2 > 200.
  • Khả năng dự trữ của phổi: MIP(NIP) > -20 đến -30 cmH2O trong vòng 20 giây
  • Thông số cơ học phổi: Compliance tĩnh > 30ml/cmH2O, sức cản đường thở (càng thấp khả năng thành công càng cao, bình thường là 0.6-2.4cmH2O/L/giây nếu không có ống nội khí quản), VD/VT < 60%.
  • Các chỉ số kết hợp: chỉ số thở nhanh nông (f/Vt) < 100 nhịp/phút/L; chỉ số cai đơn giản (SWI) < 9/phút; chỉ số CROP > 13ml/chu kỳ/phút

Bệnh nhân phải đạt được hầu hết các tiêu chuẩn mới có thể ngưng dùng máy
Bệnh nhân phải đạt được hầu hết các tiêu chuẩn mới có thể ngưng dùng máy

3. Các cách cai máy thở

Có ba cách cai máy thở cơ bản: cai bằng ống chữ T, IMV (SIMV) và PSV (CPAP/PS)

  • Cai máy thở bằng ống chữ T (quá trình bỏ máy ngắt quãng) thường thích hợp cho các trường hợp có tim phổi bình thường và thời gian thở máy ngắn (dưới 3 ngày). Phương pháp này có những ưu điểm như: đánh giá được khả năng thở tự nhiên thực sự của bệnh nhân, có thể sử dụng phép thử cơ lực của cơ hô hấp, đánh giá sớm và thường xuyên khả năng tự thở của bệnh nhân, thời gian cai có thể diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số nhược điểm như: kỹ thuật viên sẽ mất nhiều thời gian hơn cho quá trình hơn, một số bệnh nhân khó chuyển ngay sang bỏ máy đột ngột, không bù được sức cản đường thở do ống nội khí quản, có thể làm bệnh nhân quá gắng sức và mệt cơ hoành.
  • SIMV. Phương pháp này không làm mất thời gian của kỹ thuật viên, đồng thời nó rất dễ áp dụng. Nó đảm bảo thông khí phút tối thiểu. Bên cạnh đó nó còn có hệ thống báo động hiện đại. Ngoài ra, có thể sử dụng phương pháp này kết hợp với PSV (CPAP/PS). Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này cũng gặp một số nhược điểm như không có sự đồng thì giữa máy và bệnh nhân, nguy cơ gây công thở cao, có thể kéo dài thời gian quá trình cai, bệnh nhân mệt hơn và có thể làm cho tình trạng bệnh xấu đi.

Nếu máy và bệnh nhân không tương thích sẽ làm tình trạng bệnh xấu đi
Nếu máy và bệnh nhân không tương thích sẽ làm tình trạng bệnh xấu đi
  • PSV (CPAP/PS): Phương pháp này cải thiện một số thông số của phương pháp IMV, và nó còn có một số ưu điểm như: duy trì hoạt động của cơ hoành, tăng sự đồng thì giữa máy và bệnh nhân, bù lại công hô hấp yêu cầu, hỗ trợ tất cả các nhịp thở, tránh được các gánh nặng lên cơ hô hấp cho đến giai đoạn cuối cùng của quá trình cai máy thở. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm như: chế độ backup không chắc chắn, thông khí phút có thể rất biến động, tăng áp lực trung bình đường thở.

4. Theo dõi

  • Mạch, huyết áp, điện tim (trên máy theo dõi), SpO2: thường xuyên.
  • Xét nghiệm khí trong máu: làm định kỳ (12 - 24 giờ/lần) tùy theo tình trạng Người bệnh, làm cấp cứu khi có diễn biến bất thường.
  • Hoạt động của máy thở, các áp lực đường thở, báo động.
  • X quang phổi: chụp 1 - 2 ngày/lần, chụp cấp cứu khi có diễn biến bất thường.

Để cai máy thở thì bệnh nhân cần đáp ứng được các điều kiện cai máy, nếu không đáp ứng được điều kiện có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Thở máy là một biện pháp hỗ trợ thở cho người bệnh được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Khi thực hiện thở máy bệnh nhân sẽ được các Y, Bác sĩ hướng dẫn, đồng thời thực hiện cai thở máy khi người bệnh đã đáp ứng được điều kiện cai và có thể thở tự nhiên.

Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, dịch vụ y tế hoàn hảo đi kèm và được thực hiện bởi các Y Bác sĩ giàu chuyên môn, có nhiều năm công tác trong nghề sẽ đem lại kết quả điều trị tốt cho Quý khách hàng.

Thạc sĩ. Bác sĩ Tống văn Hoàn có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực Hồi sức cấp cứu, có khả năng thực hiện các kĩ thuật khó trong Hồi sức cấp cứu như: thở máy nâng cao, lọc máu liên tục, ngắt quãng, thay huyết tương, can thiệp đường thở khó, theo dõi huyết động bằng PiCCO, hồi sinh tim phổi nâng cao (ACLS), siêu âm bụng cấp cứu tại giường, siêu âm tim...

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe