Thế nào là bạch cầu trung tính tăng?

Bạch cầu trung tính chiếm từ 50-75% số lượng bạch cầu trong cơ thể. Chúng có một chức năng quan trọng là thực bào, tức là tấn công và tiêu diệt các tác nhân vi khuẩn, nấm để bảo vệ cơ thể. Bạch cầu trung tính tăng cao là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm và cần được điều trị kịp thời.

1. Bạch cầu trung tính tăng cao là như thế nào?

Bạch cầu chiếm khoảng 1% tổng tế bào máu của cơ thể và là một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Bạch cầu trung tính là các tế bào phản ứng đầu tiên trong các bệnh nhiễm trùng hoặc vết thương và chiếm 50% đến 75% tế bào bạch cầu. Bạch cầu trung tính được sản xuất trong tủy xương. Đời sống của bạch cầu trung tính thường ít hơn một ngày, vì vậy tủy xương liên tục tạo ra tế bào bạch cầu trung tính mới.

Bạch cầu trung tính sẽ tấn công và phá hủy các loại vi khuẩn, nấm ngay trong máu tuần hoàn khi các tác nhân này xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy bạch cầu đa nhân trung tính thường tăng trong các trường hợp nhiễm trùng cấp tính. Đôi khi trong trường hợp nhiễm trùng quá nặng như nhiễm trùng huyết hoặc bệnh nhân suy kiệt, trẻ sơ sinh, lượng bạch cầu trung tính giảm xuống. Nếu số lượng bạch cầu trung tính giảm quá thấp sẽ rất nguy hiểm vì khả năng chống lại tác nhân gây bệnh bị sụt giảm. Số lượng bạch cầu trung tính bình thường phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như tuổi tác. Nhưng nhìn chung, mức bạch cầu trung tính bình thường là từ 1500 đến 8000 bạch cầu trung tính trên mỗi microlit. Số lượng bạch cầu trung tính tăng cao là hơn 8000 bạch cầu trung tính trên mỗi microlit.


Bạch cầu trung tính tăng phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau
Bạch cầu trung tính tăng phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau

2. Bạch cầu trung tính tăng trong trường hợp nào?

Nhiễm trùng: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến số lượng bạch cầu trung tính tăng cao. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra đều làm tăng bạch cầu trung tính. Nhiễm virus thường không gây tăng bạch cầu trung tính, nhưng chúng cũng có thể gia tăng trong giai đoạn đầu nhiễm virus. Một số bệnh nhiễm nấm và ký sinh trùng cũng có thể gây tăng bạch cầu trung tính.

Viêm: Bất kỳ nguyên nhân nào gây viêm trong cơ thể cũng có thể làm tăng số lượng bạch cầu trung tính. Các trường hợp này bao gồm:

Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tăng bạch cầu trung tính, chẳng hạn như:

  • Lithium.
  • Heparin.
  • Thuốc chống co giật
  • Minocycline.
  • Clozapine.
  • Corticosteroids

Ung thư : Một số loại ung thư có thể gây tăng bạch cầu trung tính bao gồm:

  • U lympho hodgkin: Loại ung thư này bắt đầu trong hệ thống bạch huyết, một phần của hệ thống miễn dịch.
  • Bệnh bạch cầu myelocytic mãn tính: Đây là một loại ung thư bắt nguồn trong tủy xương.
  • Một số khối u, phổ biến nhất là khối u trong phổi.

Ngoài ra, bạch cầu trung tính còn tăng cao trong trường hợp bạn hút thuốc lá, tình trạng căng thẳng, suy nhược cơ thể kéo dài. Sau quá trình vận động thì bạch cầu thường tăng ít và mang tính tạm thời.


Thuốc Heparin có thể khiến bạch cầu trung tính tăng cao khi sử dụng
Thuốc Heparin có thể khiến bạch cầu trung tính tăng cao khi sử dụng

3. Các triệu chứng cho thấy bạch cầu trung tính tăng

Các triệu chứng có thể khác nhau tùy vào nguyên nhân khiến bạch cầu trung tính tăng. Tuy nhiên, nhìn chung người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như sau:

  • Sốt và đau nhức, mệt mỏi
  • Dễ bị chảy máu, bầm tím
  • Có thể bị đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Nổi mề đay, ngứa và dị ứng ngoài da
  • Có cảm giác khó thở
  • Trong một số trường hợp, số lượng bạch cầu trong máu quá cao có thể khiến máu đặc hơn và ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu trong cơ thể. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như khó thở và có các vấn đề về hô hấp, đột quỵ

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng nguy hiểm kể trên, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

4. Cách chẩn đoán bạch cầu trung tính tăng

Một số loại xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán tình trạng tăng bạch cầu trung tính và nguyên nhân gây bệnh. Các loại xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần: đây là một trong những loại xét nghiệm thường được thực hiện khi khám sức khỏe, khi chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Khi xét nghiệm máu toàn phần, nhân viên y tế sẽ lấy máu từ tĩnh mạch rồi mang phân tích trên để xác định số lượng và tỷ lệ của từng loại tế bào máu, trong đó có bạch cầu trung tính. Kết quả xét nghiệm sẽ cung cấp thông tin về nhiều loại tế bào máu khác nhau nhờ đó giúp bác sĩ có thể phần nào xác định được nguyên nhân gây bệnh.
  • Xét nghiệm phết máu ngoại vi: Đây là loại xét nghiệm thường được thực hiện bên cạnh xét nghiệm công thức máu toàn phần. Nhân viên y tế sẽ quan sát phết máu dưới kính hiển vi để xác định kích thước, hình dạng, màu sắc của các tế bào máu. Xét nghiệm này có thể được tiến hành khi nghi ngờ bệnh nhân có tình trạng tăng bạch cầu trung tính hoặc bạch cầu lympho. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ phần nào định hướng được nguyên nhân gây bệnh.
  • Xét nghiệm sinh thiết tủy xương: Bạch cầu được tạo ra từ tủy xương rồi phân bố vào máu. Khi nhận thấy số lượng bạch cầu trung tính cao bất thường ở các loại xét nghiệm trên, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm chọc hút và sinh thiết tủy xương để hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Mẫu tủy thường được lấy từ xương hông, xương ức hoặc phía trước xương chày ở chân bằng một mũi kim dài và mỏng. Sau đó, mẫu sinh thiết sẽ được mang đi phân tích để kiểm tra xem liệu có những bất thường xảy ra trong quá trình sản xuất bạch cầu ở tủy xương hay không, từ đó giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

Tóm lại, điều trị tình trạng tăng bạch cầu trung tính phụ thuộc vào việc điều trị nguyên nhân gây bệnh. Số lượng bạch cầu trung tính tăng cao không phải là một bệnh lý mà là dấu hiệu, hệ quả của một bệnh lý khác. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm khác nhau để tìm hiểu nguyên nhân khiến bạch cầu trung tính tăng và đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe