Piperacillin là thuốc kháng sinh penicillin phổ rộng, thuộc họ beta – lactam. Thuốc được sử dụng trong điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn trong cơ thể.
1. Công dụng của Piperacillin
Piperacillin là 1 ureido penicilin phổ rộng, có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn ưa khí và kỵ khí gram dương và gram âm bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc Piperacillin được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, tương ứng Piperacillin 1g, Piperacillin 2g, Piperacillin 4g,...
Thuốc Piperacillin được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp và mạn tính, nhiễm khuẩn máu, nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn đường mật, bệnh lậu không có biến chứng do cầu lậu khuẩn nhạy cảm penicillin và nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng do các vi khuẩn nhạy cảm, đặc biệt là do Pseudomonas;
- Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn toàn thân do Pseudomonas hoặc người bệnh có giảm bạch cầu trung tính thì cần phối hợp Piperacillin với aminoglycosid để điều trị;
- Nhiễm khuẩn sau phẫu thuật tử cung, ổ bụng.
Thuốc Piperacillin chống chỉ định trong các trường hợp người bị quá mẫn cảm với nhóm penicillin, các cephalosporin, thuốc ức chế beta – lactamase (Piperacillin kết hợp với tazobactam).
2. Cách dùng Piperacillin
Thuốc Piperacillin được tiêm dưới dạng muối natri, liều lượng tính theo Piperacillin. Cụ thể 1,04g Piperacillin natri tương đương khoảng 1g Piperacillin.
Thuốc có thể dùng tiêm tĩnh mạch chậm 3 – 5 phút, tiêm truyền tĩnh mạch 20 – 40 phút hoặc tiêm bắp sâu. Không nên tiêm bắp quá 2g/lần (đối với người lớn) hoặc quá 0,5g/lần (đối với trẻ em).
- Tiêm tĩnh mạch: 1g Piperacillin pha với ít nhất 5ml nước cất để tiêm;
- Tiêm truyền tĩnh mạch: 1g Piperacillin pha với ít nhất 5ml nước cất, tiếp tục pha loãng với dịch truyền thành 50ml, truyền trong vòng 20 – 40 phút;
- Tiêm bắp sâu: 1g bột Piperacillin pha với 2ml nước cất hoặc dung dịch lidocain 0,5 – 1% (không có epinephrine) để đạt nồng độ 1g/2,5ml.
Dịch pha loãng thích hợp để pha thuốc là: Dung dịch glucose 5%, dung dịch Ringer lactate, natri clorid 0,9%, dung dịch glucose 5% và natri clorid 0,9%, glucose 30%, dextran 6% trong dung dịch natri clorid 0,9%, mannitol 20%, nước cất pha tiêm.
Dịch pha loãng thích hợp để pha thuốc Piperacillin + tazobactam là: Dung dịch glucose 5%, nước cất pha tiêm, dung dịch natri clorid 0,9%.
Thuốc cần được pha ngay trước khi dùng. Dung dịch còn lại sau khi sử dụng phải bỏ đi. Dung dịch thuốc đã pha vẫn ổn định về mặt hóa học trong ít nhất 24 giờ ở điều kiện nhiệt độ phòng hoặc 48 giờ ở nhiệt độ 4°C.
3. Liều dùng Piperacillin
Liều dùng Piperacillin ở người trưởng thành như sau:
- Nhiễm trùng nặng hoặc có biến chứng: Tiêm tĩnh mạch với liều 200 – 300mg/kg/24 giờ. Liều thường dùng là 3 – 4g, cách 4 – 6 giờ/lần;
- Nhiễm khuẩn nặng, nguy hiểm tới tính mạng nghi do Klebsiella hoặc Pseudomonas gây ra: Liều hằng ngày từ 16g trở lên, thông thường 2 – 4g/lần, cách mỗi 4 – 6 giờ/lần, tối đa 24g/ngày (tiêm tĩnh mạch);
- Viêm đường mật cấp: Tiêm tĩnh mạch 4g/lần, cách mỗi 6 giờ/lần;
- Viêm khoang tai ngoài ác tính: Tiêm tĩnh mạch 4 – 6g/lần, cách mỗi 4 – 6 giờ/lần kết hợp với tobramycin;
- Nhiễm khuẩn nhẹ hoặc không biến chứng: Tiêm tĩnh mạch 100 – 250mg/kg/ngày, liều dùng thông thường là 2g/lần, cách mỗi 6 – 8 giờ/lần hoặc dùng liều 4g/lần cách mỗi 12 giờ/lần hoặc tiêm bắp 2g/lần cách 8 – 12 giờ/lần;
- Bệnh lậu không biến chứng: Dùng 1 liều duy nhất 2g, tiêm bắp; có thể uống 1g probenecid 30 phút trước tiêm Piperacillin;
- Phòng ngừa nhiễm khuẩn trong phẫu thuật: Dùng liều 2g trước khi phẫu thuật, sau đó dùng tối thiểu 2 liều nữa, mỗi liều 2g cách nhau 4 – 6 giờ, trong vòng 24 giờ sau ca phẫu thuật.
Liều dùng Piperacillin ở trẻ em như sau:
- Trẻ em 1 tháng – 12 tuổi: Liều thường dùng cho nhiễm trùng nhẹ và vừa là 100 – 150mg/kg/24 giờ, chia làm 4 lần. Nếu nhiễm trùng nặng, dùng liều 200 – 300mg/kg/24 giờ, chia liều cách nhau 4 – 6 giờ/lần;
- Trẻ sơ sinh 0 – 1 tháng tuổi: Điều chỉnh liều như sau:
- Trẻ sơ sinh < 7 ngày tuổi hoặc cân nặng dưới 2kg: Dùng liều 150mg/kg/ngày, chia làm 3 lần;
- Trẻ sơ sinh > 7 ngày tuổi hoặc cân nặng trên 2kg: Dùng liều 300mg/kg/ngày, chia làm 3 – 4 liều nhỏ.
Liều dùng Piperacillin cho các đối tượng khác:
- Người trưởng thành suy thận: Cần điều chỉnh liều dùng dựa trên hệ số thanh thải creatinin (Clcr):
- Clcr 41 - 80ml/phút: Dùng liều 4g/lần, cách nhau 8 giờ/lần (không cần điều chỉnh liều);
- Clcr 20 – 40ml/phút: Dùng liều 3 – 4g/lần, cách nhau 8 giờ/lần;
- Clcr < 20ml/phút: Dùng liều 3 – 4g, cách nhau 12 giờ/lần;
- Người bệnh chạy thận nhân tạo: Dùng liều 2g, cách nhau 8 giờ/lần; ngay sau khi lọc máu dùng liều 1g;
- Trẻ em bị suy thận: Liều dùng và khoảng cách tiêm tùy thuộc nồng độ thuốc trong huyết tương. Trẻ bị nhiễm khuẩn nặng đường tiết niệu: Dùng liều 100 – 150mg/kg/24 giờ, tiêm tĩnh mạch.
Quá liều: Liều dùng 24g/ngày ở người lớn không gây tác dụng có hại. Biểu hiện quá liều thường là kích thích vận động, co giật. Khi dùng thuốc quá liều, bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng cách sử dụng các thuốc chống co giật như diazepam, barbiturat.
4. Tác dụng phụ của thuốc Piperacillin
Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Piperacillin gồm:
- Thường gặp: Toàn thân (dị ứng phát ban ở da, sốt, đau, ban đỏ sau khi tiêm bắp), máu (tăng bạch cầu ưa eosin), tuần hoàn (viêm tắc tĩnh mạch), tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy), gan (tăng transaminase có hồi phục);
- Ít gặp: Máu (giảm bạch cầu đa nhân trung tính nhất thời, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu);
- Hiếm gặp: Toàn thân (sốc phản vệ), tiêu hóa (viêm ruột màng giả), da (nổi ban đỏ đa dạng, nổi mày đay, hội chứng Stevens – Johnson), tiết niệu (viêm thận kẽ);
- Người bệnh xơ nang khi dùng Piperacillin thường có phản ứng ở da và sốt.
Bác sĩ cần nắm được các phản ứng quá mẫn trước đây của bệnh nhân đối với penicillin, cephalosporin hay các tác nhân gây dị ứng khác. Cần thực hiện các phép thử dưới da trước khi dùng Piperacillin. Khi gặp dị ứng nặng do Piperacillin, cần ngừng thuốc, dùng adrenalin và các biện pháp khẩn cấp điều trị tình trạng sốc phản vệ. Ngoài ra, có thể giảm đau ở vị trí tiêm bằng cách pha bột tiêm với dung dịch lidocain 0,5 – 1%.
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Piperacillin
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ khi sử dụng thuốc Piperacillin:
- Dùng thuốc Piperacillin thận trọng ở người bị suy giảm chức năng thận;
- Trường hợp tiêu chảy nặng, kéo dài cần liên hệ tới tình trạng viêm ruột màng giả do kháng sinh gây ra và có thể điều trị bằng metronidazol;
- Chú ý tới lượng natri trong những liều điều trị của thuốc đối với bệnh nhân có tích lũy natri và nước, đặc biệt khi dùng thuốc Piperacillin liều cao;
- Thận trọng về liều lượng và cách dùng thuốc Piperacillin ở trẻ em và trẻ sơ sinh;
- Nguy cơ chảy máu có thể gặp ở bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh beta – lactam, thường xảy ra ở người bị suy thận. Nếu người bệnh có giảm tiểu cầu hoặc chảy máu do kháng sinh thì cần ngừng thuốc, điều trị thích hợp;
- Piperacillin dùng được ở phụ nữ có thai và người mẹ cho con bú (cần tham khảo ý kiến bác sĩ).
6. Tương tác thuốc Piperacillin
Một số tương tác thuốc của Piperacillin:
- Piperacillin có tác dụng hiệp đồng với các aminoglycosid nhưng phải tiêm riêng 2 loại thuốc này;
- Piperacillin có thể sử dụng phối hợp với các penicillin kháng beta lactamase nhưng không được kết hợp với cefoxitin để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn do Pseudomonas;
- Piperacillin kéo dài tác dụng của vecuronium nên cần thận trọng khi sử dụng Piperacillin phòng ngừa nhiễm khuẩn trong phẫu thuật có dùng vecuronium hay các chất phong bế thần kinh – cơ tương tự;
- Piperacillin dùng đồng thời với metronidazol cần phải tiêm, uống riêng, không được trộn thuốc;
- Các loại penicillin có thể làm giảm bài tiết methotrexate;
- Một số chế phẩm phối hợp Piperacillin với tazobactam (tỷ lệ 8/1 theo trọng lượng) có thể mở rộng phổ tác dụng của Piperacillin với các chủng thường kháng do tiết beta – lactamase;
- Không trộn Piperacillin trong cùng 1 dung dịch với metronidazol tiêm, aminoglycosid hoặc với dung dịch chỉ chứa natri bicarbonat.
Khi sử dụng thuốc Piperacillin, người bệnh nên báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng, các loại thuốc mình đang dùng. Điều này giúp bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp, tránh tình trạng tương tác thuốc hay các tác dụng phụ khó lường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.