Phẫu thuật sửa van tim hoặc thay van tim là phương pháp được chỉ định trong các trường hợp hệ thống van tim của người bệnh bị tổn thương gây hở van, hẹp van nặng hoặc cả hẹp và hở van gây nhiều biến chứng cho người bệnh.
1. Hệ thống van tim hoạt động như thế nào?
Quả tim bình thường có 4 loại van tim chính, bao gồm:
- Van 3 lá: Van nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải, có vai trò đưa máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải.
- Van động mạch phổi: Gồm 3 van nhỏ hình tổ chim, van nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Dòng máu từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi với mục đích trao đổi oxy.
- Van 2 lá: Van nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái, có vai trò đưa máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái.
- Van động mạch chủ: Nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ, dòng máu từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ đưa máu đi nuôi toàn cơ thể.
Các van tim có vai trò rất quan trọng trong việc điều phối hướng chảy tuần hoàn máu theo một chiều nhất định, kiểm soát dòng chảy của máu qua tim bằng cách đóng mở mỗi khi tâm nhĩ và tâm thất co bóp. Các chức năng đóng mở của van như vậy được điều khiển bởi sự chênh lệch áp suất giữa các buồng tim.
Các bệnh van tim thường hay gặp bao gồm gồm: Hở van tim (hở van hai lá, hở van động mạch chủ); hẹp van tim (thường gặp nhất là hẹp van hai lá, hẹp van động mạch chủ); cũng có thể gặp một số trường hợp cả hẹp và hở ở một van, hoặc hẹp hở nhiều van tim (hẹp hở van hai lá đi kèm hẹp hở van động mạch chủ). Khi van bị hẹp (lá van mở không hết) máu không đi qua van được dễ dàng, gây ứ trệ tuần hoàn phía thượng nguồn và thiếu máu phía hạ nguồn, làm cho các buồng tim giãn và suy tim. Khi van bị hở (lá van đóng không kín), máu không xuôi theo một chiều mà chảy ngược một phần về thượng nguồn, do vậy tim phải làm việc tăng lên, lâu ngày dẫn đến dày cơ tim, giãn buồng tim, suy tim.
Nếu so sánh với bệnh lý van hai lá và van động mạch chủ thì bệnh lý van ba lá và van động mạch phổi ít gặp hơn (nếu gặp thì thường gặp do bẩm sinh hoặc sẽ là hậu quả của các bệnh lý khác), van hai lá và van động mạch chủ được chỉ định phẫu thuật phổ biến hơn. Ngoài ra, ở người bình thường van ba lá và van động mạch phổi có thể hở nhẹ trên hình ảnh siêu âm tim.
2. Lựa chọn van tim loại nào?
Ngày nay có 3 loại van được sử dụng để thay thế van tim bị tổn thương của người bệnh, gồm có: Van tim cơ học, van tim sinh học và van tự thân. Bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên các yếu tố như: Tuổi tác; tình trạng người bệnh (mức độ tổn thương van tim, mức độ tổn thương cơ tim, triệu chứng trên lâm sàng, bệnh lý nền kèm theo,...); điều kiện theo dõi điều trị sau thay van của người bệnh cũng như điều kiện kinh tế để tư vấn loại van nào phù hợp với từng người bệnh.
2.1. Van cơ học
Van tim cơ học là loại van nhân tạo được chế tạo từ những nguyên liệu có tuổi thọ cao như kim loại, carbon, ceramic và chất dẻo.
Ưu điểm của loại van này là van có độ bền cao (có thể trên 20 năm) nếu người bệnh tuân thủ điều trị sau phẫu thuật theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Vì vậy, van cơ học thường được khuyến cáo cho người trẻ tuổi để hạn chế phải thay van nhiều lần. Một ưu điểm khác nữa là van cơ học có giá thành rẻ hơn so với van tim sinh học.
Nhược điểm khi dùng van cơ học là người bệnh cần phải dùng thuốc chống đông suốt đời với mục đích phòng ngừa nguy cơ hình thành huyết khối trên van (gây kẹt van, biến chứng đột quỵ não, nhồi máu cơ tim,..). Khi dùng thuốc chống đông (thường là thuốc kháng vitamin K), người bệnh cần phải xét nghiệm chỉ số đông máu (INR) định kỳ để điều chỉnh liều thuốc và người bệnh cũng dễ bị chảy máu hơn người không dùng thuốc (quá liều thuốc chống đông có thể gây xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong cơ và bao khớp...). Ngoài ra ở phụ nữ mang thai, thuốc cũng làm tăng nguy cơ quái thai, dị tật thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
2.2. Van sinh học
Đây là loại van lấy từ tim của động vật (van dị loài) đã được xử lý để loại bỏ các thành phần gây thải ghép cho người bệnh và được sửa lại một phần. Chúng được đặt lên một khung đỡ bằng kim loại hay bằng nhựa để có thể đặt vào cơ thể một cách dễ dàng.
Ưu điểm là người bệnh không phải dùng thuốc chống đông suốt đời (thường chỉ sử dụng thuốc khoảng 3 đến 6 tháng sau phẫu thuật).
Nhược điểm là do bản chất van sinh học là mô van tự nhiên nên sẽ dần thoái hóa theo thời gian, ảnh hưởng đến chức năng của van, gây ra tình trạng tái hẹp hoặc hở van. Tuổi thọ trung bình của van tim sinh học kéo dài từ 8 – 10 năm và mức độ thoái hóa van còn tùy thuộc vào độ tuổi, áp lực lên van. Tốc độ thoái hóa van sinh học nhanh hơn ở những người trẻ, nhất là phụ nữ mang thai, do đó van sinh học thường được chỉ định ở những người bệnh trên 60 tuổi.
Thay van nhân tạo trên trẻ em cần thực hiện nhiều lần vì vòng của van nhân tạo làm bằng van tự nhiên, không lớn lên được cùng với trẻ và các lá van trở nên hẹp khi trẻ lớn.
2.3. Thay van tim tự thân bằng phương pháp Ozaki
Kỹ thuật dùng màng ngoài tim tự thân tái tạo van động mạch chủ là phương pháp do Giáo sư Ozaki (người Nhật Bản) phát minh cách đây hơn 10 năm. Phương pháp Ozaki lấy màng ngoài tim của chính người bệnh để tái tạo trở thành thành van tim cho họ, màng tim được khâu trực tiếp vào vòng van tự nhiên sau đó hoạt động như van tự nhiên, nên dòng máu qua van ít bị cản trở hơn so với van cơ học hoặc van sinh học. Kỹ thuật tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân hiện đã được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới và được coi là một bước tiến vượt bậc, mang đến nhiều ưu điểm trong điều trị thay thế van tim như:
- Người bệnh không cần sử dụng thuốc chống đông suốt đời.
- Giảm nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng khi sử dụng van nhân tạo.
- Đối với người trẻ tuổi, tỷ lệ không phải mổ lại sau 10 năm đối với van sinh học là 85%, trong khi đó, tỷ lệ không phải mổ lại sau 10 năm nếu áp dụng kỹ thuật Ozaki thay van tự thân chiếm tới 95% – 98%.
- Thời gian van tim tồn tại gần như suốt đời người bệnh (vì van tim được tái tạo từ một phần cơ thể của người bệnh nên khả năng dung nạp của cơ thể sẽ tốt hơn, hạn chế quá trình thải ghép, giúp hạn sử dụng của lá van kéo dài hơn).
- Cấu trúc của van tự thân giống như van tự nhiên nên dòng máu qua van ít bị cản trở hơn so với van cơ học hoặc van sinh học có nguồn gốc động vật.
- Phương pháp này giúp giảm chi phí điều trị cho người bệnh do không cần mua van nhân tạo và tái phẫu thuật nhiều lần.
- Phương pháp này đặt biệt phù hợp với đối tượng người bệnh là phụ nữ có nhu cầu mang thai, người bệnh có vòng van tự nhiên nhỏ, trẻ em trong giai đoạn phát triển, người bệnh đang bị nhiễm trùng trong tim ( viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn).
Thay van tim tự thân bằng phương pháp Ozaki là một kỹ thuật tiên tiến, cần được thực hiện bởi chuyên gia có tay nghề thành thạo, chuyên môn cao, đào tạo bài bản.
3. Kỹ thuật thay van tim tự thân được thực hiện như thế nào?
Màng ngoài tim là một màng bao quanh trái tim, trước khi tiếp cận quả tim, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt một miếng màng ngoài tim kích cỡ khoảng 7 x 8cm, sau đó xử lý bằng dung dịch đặc biệt để màng ngoài tim trở nên cứng chắc hơn. Sau khi cắt bỏ lá van bị hư của người bệnh, bác sĩ phẫu thuật dùng một dụng cụ đo đặc biệt để đo kích thước giữa hai mép van, sau đó cắt màng ngoài tim của bệnh nhân theo kích thước tương ứng dựa trên bảng mẫu có sẵn. Sau đó, lần lượt từng lá van được khâu vào vị trí lá van cũ của người bệnh.
Phương pháp Ozaki từ khi bắt đầu được triển khai đã giúp người bệnh phải phẫu thuật van bớt đi những ưu phiền. Bắt đầu từ năm 2007, bác sĩ Shigeyuki Ozaki đã triển khai phương pháp tạo hình van động mạch chủ bằng màng ngoài tim tại bệnh viện Ohashi, Tokyo Nhật Bản. Đến năm 2011, tác giả lần đầu tiên công bố kết quả phẫu thuật thành công của 404 người bệnh. Nối tiếp theo đó, đến năm 2015, tác giả tiếp tục công bố kết quả thành công với số lượng người bệnh nhiều hơn và nhiều nước trên thế giới đã triển khai kỹ thuật này, trong đó Việt Nam vài năm gần đây đã áp dụng phương pháp này.
Sau khi học hỏi từ GS Ozaki và áp dụng thành công phương pháp Ozaki, một số bệnh viện lớn tại Việt Nam đã kết hợp kỹ thuật ít xâm lấn với phương pháp Ozaki này. Bệnh nhân có chỉ định thay van động mạch chủ được áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để lấy màng ngoài tim với vết mổ chỉ dài 6cm, van động mạch chủ được tái tạo hoạt động như van tự nhiên, giúp điều trị hiệu quả bệnh động mạch chủ, người bệnh giảm đau đớn, không phải mổ mở toàn bộ xương ức như phương pháp Ozaki kinh điển.
Hy vọng thông tin trên sẽ giúp người đọc biết thêm thông tin về phương pháp thay van tim tự thân. Mong rằng phương pháp này sẽ được phổ biến rộng hơn để ngày càng có nhiều bệnh nhân được hưởng lợi từ kỹ thuật mới này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.