Mang van tim nhân tạo trong người cần lưu ý gì?

Phẫu thuật thay van tim nhân tạo bao gồm phẫu thuật mở ngực theo phương pháp truyền thống, mổ nội soi thay van ít xâm lấn và thay van bằng can thiệp mạch. Chăm sóc sau phẫu thuật thay van tim nhân tạo cần lưu ý các thuốc điều trị cũng như theo dõi cẩn thận để tránh xảy ra những biến chứng.

1. Những lưu ý khi lựa chọn thay van tim nhân tạo

  • Tuổi bệnh nhân

Hiện nay, đối với van tim nhân tạo sinh học, giới hạn tuổi khuyến cáo là trên 60 tuổi vì ở tuổi này, tốc độ thoái hóa của van tim sinh học chậm hơn nhiều so với những người dưới 60 tuổi. Trong khi đó, những bệnh nhân dưới 60 tuổi và không có chống chỉ định dùng thuốc kháng đông sẽ được xem xét thay van tim cơ học.

  • Bệnh lý có sẵn

Thái độ của bệnh nhân đối với việc sử dụng thuốc kháng đông rất quan trọng trong việc lựa chọn van. Bác sĩ cần giải thích rõ lợi ích và nguy cơ của việc dùng thuốc kháng đông trước khi phẫu thuật thay van tim nhân tạo được tiến hành. Nếu bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không thể kiểm soát được việc sử dụng thuốc như bệnh nhân tâm thần, ở vùng sâu vùng xa, bệnh nhân từ chối hợp tác,... thì nên lựa chọn van sinh học.

Ngược lại, những bệnh có nguy cơ hình thành huyết khối bao gồm giãn lớn nhĩ trái, rung nhĩ, huyết khối trong buồng tim, tiền sử bị huyết khối,... vốn đã có chỉ định dùng thuốc kháng đông lâu dài. Những bệnh nhân này nên lựa chọn van tim cơ học vì sau thay van tim nhân tạo, thuốc kháng đông cũng sẽ được chỉ định dùng suốt đời.

  • Thai kỳ

Dùng thuốc kháng đông sau thay van tim nhân tạo có nguy cơ gây dị tật thai nhi ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Trong 6 tuần đầu của thai, warfarin có thể an toàn nhưng nguy cơ dị tật thai nhi có thể xuất hiện ở tuần thứ 6 đến 12 của thai kỳ. Do đó, trước khi phẫu thuật thay van tim nhân tạo, cần cân nhắc thận trọng giữa ích lợi và nguy cơ trong việc lựa chọn loại van tim cho phụ nữ trẻ và những dự định có thai. Van tim sinh học tránh được nguy cơ gây dị tật thai nhi nhưng nhược điểm là van tim sẽ bị thoái hóa nhanh và phải mổ lại để thay van mới trong thời gian sớm hơn so với van tim cơ học. Nếu người mẹ có thai muộn, khi van tim sinh học đã thoái hóa có thể làm tình trạng suy tim nặng hơn.

Nếu lựa chọn van tim cơ học, bệnh nhân có thể tránh được nguy cơ thoái hóa van nhưng phải ngưng uống thuốc kháng đông trong 3 tháng đầu và sau 36 tuần. Thay vào đó, thuốc kháng đông đường tiêm như Heparin sẽ được sử dụng và cần phải theo dõi sát. Điều này rất khó áp dụng với các bệnh nhân ở xa, không có điều kiện chăm sóc và theo dõi y tế tốt.

  • Loại phẫu thuật

Lựa chọn loại phẫu thuật thay van tim nhân tạo là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc sau phẫu thuật thay van tim nhân tạo cho bệnh nhân.

Phẫu thuật mở ngực: Đây là phương pháp phẫu thuật truyền thống và phổ biến trên toàn thế giới, dùng thay hoặc tạo hình van tim có dùng máy tim phổi nhân tạo. Phương pháp mở ngực có ưu điểm là dễ thực hiện, dễ dàng xử lý tổn thương và áp dụng được tất cả các loại bệnh van tim. Do phải cắt xương ức nên hạn chế chính của loại phẫu thuật này là sẹo mổ lớn, có nguy cơ viêm xương ức, chậm hồi phục hơn, tính thẩm mỹ kém.

Mổ nội soi thay van: Đây là phương pháp mổ ít xâm lấn. Do đó, mổ nội soi có ưu điểm là sẹo mổ nhỏ, thẩm mỹ cao, không có nguy cơ viêm xương ức và phục hồi nhanh.Tuy nhiên, kỹ thuật mổ nội soi thay van tim khó hơn, mất nhiều thời gian hơn, chi phí cao hơn và chỉ dùng được cho một số bệnh van tim chứ không phải tất cả.

Thay van tim bằng can thiệp mạch: đây là loại phẫu thuật nhỏ nên không cần dùng máy tim phổi nhân tạo, xâm lấn tối thiểu và phục hồi nhanh nhất. Nhược điểm của phương pháp này là giá thành cao, chỉ định cho một số bệnh van tim nhất định và cần máy móc chuyên dụng.


Dùng thuốc kháng đông sau thay van tim nhân tạo có nguy cơ gây dị tật thai nhi ở 3 tháng đầu của thai kỳ.
Dùng thuốc kháng đông sau thay van tim nhân tạo có nguy cơ gây dị tật thai nhi ở 3 tháng đầu của thai kỳ.

2. Những lưu ý sau khi thay van tim nhân tạo

  • Nguy cơ hình thành huyết khối

Bệnh nhân mang van tim nhân tạo có nguy cơ cao xảy ra biến chứng huyết khối như huyết khối mạch máu ngoại biên hoặc tắc mạch não gây nhồi máu não. Biến chứng huyết khối gây kẹt van tim cũng gặp ở 0,3 - 1,3% trường hợp. Những biến chứng này gây hậu quả nặng nề cho người mang van tim nhân tạo.

Nguy cơ hình thành huyết khối ở bệnh nhân mang van tim cơ học thường cao hơn so với van tim sinh học, bệnh nhân thay van hai lá cao hơn thay van động mạch chủ, mới thay van dưới 3 tháng có nguy cơ cao hơn bệnh nhân thay van đã lâu. Nguy cơ tạo huyết khối cũng tăng lên khi có tình trạng khác đi kèm như rung nhĩ, suy tim trái, giãn nhĩ trái, tiền sử có tắc mạch và có tình trạng tăng đông.

  • Thuốc kháng đông

Sau thay van tim nhân tạo không có nghĩa là bệnh nhân sẽ hoàn toàn khỏi bệnh mà không phải điều trị thuốc gì. Những bệnh nhân mang van tim nhân tạo cần được điều trị và duy trì thuốc kháng đông với thời gian tuỳ thuộc loại van được thay.

Ưu điểm lớn nhất hiện nay của van tim cơ học là độ bền cao. Tuy nhiên, người mang van tim nhân tạo cơ học có nguy cơ cao bị tắc mạch do huyết khối. Vì thế, bệnh nhân bắt buộc phải tuân thủ điều trị thuốc kháng đông lâu dài. Ngược lại, van tim nhân tạo là loại van sinh học có nguy cơ hình thành huyết khối thấp nên không cần phải dùng thuốc kháng đông lâu dài nhưng lại có hạn chế là độ bền kém hơn do thoái hoá van.

Thuốc kháng đông thường dùng là sintrom hay warfarin, được điều chỉnh liều dựa trên định lượng INR. Với bệnh nhân mang van tim nhân tạo, chỉ số INR được duy trì trong khoảng từ 2 đến 3. Nếu thấp hơn 2 có nguy cơ tạo các cục máu đông. Nếu INR lớn hơn 3 sẽ tăng nguy cơ chảy máu. Tốt nhất, trong 3 tháng đầu sau phẫu thuật thay van tim nhân tạo, INR nên được duy trì từ 2,5 đến 3,5 với bất cứ loại van cơ học nào. Sau 3 tháng, INR nên được duy trì 2 đến 3 đối với van động mạch chủ cơ học có nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình. Nếu van hai lá cơ học hoặc van động mạch chủ cơ học có nguy cơ cao thì INR nên được duy trì trong khoảng từ 2,5 đến 3,5. Một số trường hợp có nguy cơ rất cao có thể kết hợp thuốc kháng đông với aspirin. Trong trường hợp bệnh nhân mang van tim sinh học, trong 3 tháng đầu sau thay van tim nhân tạo, INR nên duy trì từ 2 đến 3 đối với van động mạch chủ và từ 2,5 đến 3,5 đối với van hai lá. Sau 3 tháng, những bệnh nhân mang van sinh học có thể không cần dùng thuốc kháng đông nữa nếu không có các nguy cơ huyết khối khác đi kèm.

  • Tăng nguy cơ chảy máu khi có phẫu thuật ngoài tim

Ở bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông, nguy cơ chảy máu tăng lên khi có những phẫu thuật ngoài tim. Các thủ thuật như nhổ răng có thể dễ dàng khả năng cầm máu thì không cần ngừng hoàn toàn thuốc kháng đông. Tuy nhiên, có một số phẫu thuật phải bắt buộc ngừng thuốc kháng đông. Thời gian tối ưu để ngừng thuốc phụ thuộc vào mức độ INR. Với các phẫu thuật chảy máu nhiều, warfarin thường được ngừng 48 đến 72 giờ để INR giảm xuống dưới 1,5 và bắt đầu lại 24 giờ sau mổ. Nếu bệnh nhân có nguy cơ rất cao tạo huyết khối như van hai lá cơ học, warfarin nên ngừng 72 giờ trước phẫu thuật và nên bắt đầu ngay heparin khi INR giảm xuống dưới 2,0 rồi ngừng heparin từ 4 đến 6 giờ trước phẫu thuật và bắt đầu dùng lại thuốc kháng đông ngay khi đã ổn định cầm máu và duy trì cho đến khi INR đạt mục tiêu.


Sau thay van tim nhân tạo bệnh nhân cần duy trì sử dụng thuốc kháng đông với thời gian tuỳ thuộc loại van được thay.
Sau thay van tim nhân tạo bệnh nhân cần duy trì sử dụng thuốc kháng đông với thời gian tuỳ thuộc loại van được thay.

  • Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

Bệnh nhân mang van tim nhân tạo có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Vì vậy, cần phải điều trị kháng sinh dự phòng khi thực hiện các thủ thuật răng miệng, nội soi và các loại phẫu thuật khác. Bệnh nhân cũng nên được giáo dục về tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng.

Đối với các bệnh nhân từng bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, khuyến cáo dùng van tim sinh học hoặc van tim đồng loại để giảm nguy cơ tái phát nhiễm trùng trong giai đoạn hậu phẫu.

  • Siêu âm tim theo dõi sau mổ

Sau thay van tim nhân tạo, siêu âm tim nên được thực hiện ngay sau khi ra viện, 30 ngày sau mổ, mỗi 6 tháng một lần. Siêu âm tim theo dõi bệnh nhân mang van tim nhân tạo bất cứ khi nào bệnh nhân có những triệu chứng bất thường như mệt mỏi hoặc khó thở.

  • Các xét nghiệm khác

Ngoài định lượng INR, các xét nghiệm thường được làm thêm là đo nồng độ BNP để đánh giá suy tim và nghiệm pháp gắng sức để đánh giá khả năng gắng sức cũng như phát hiện sớm suy tim trên bệnh nhân mang van tim nhân tạo.

  • Chế độ dinh dưỡng và tập luyện

Chăm sóc sau phẫu thuật thay van tim nhân tạo cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực. Khẩu phần ăn cũng tương tự như những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch khác như giảm muối, giảm chất béo bão hoà, ăn nhiều rau củ, chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt nhưng hạn chế ăn những loại rau màu xanh sẫm vì có thể sẽ làm giảm tác dụng của thuốc kháng đông. Bệnh nhân sau phẫu thuật thay van tim nhân tạo cần được có thời gian hồi phục khoảng vài tuần. Tập luyện thể lực trong giai đoạn đầu cần nhẹ nhàng, tránh gắng sức nhiều, không mang vác vật nặng. Cường độ tập có thể tăng dần theo sức chịu đựng khi cơ thể phục hồi. Ngoài ra, tâm lý của bệnh nhân cũng cần thoải mái, lạc quan sẽ giúp cho quá trình bình phục diễn ra nhanh chóng hơn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là nơi duy nhất tại Việt Nam có trang bị phòng Hybrid được các trang thiết bị tối tân như máy chụp mạch DSA, máy gây mê tích hợp các phần mềm theo dõi huyết động bệnh nhân một cách chặt chẽ nhất ( hệ thống PiCCO, entropy,...). Do đó, phòng mổ Hybrid có thể đáp ứng các yêu cầu phẫu thuật và can thiệp nong, đặt stent mạch vành, stent graft động mạch chủ, mổ tim mở, thay van tim các bệnh tim bẩm sinh với kỹ thuật ít xâm lấn nhất, an toàn giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe.

Ekip nhóm tim mạch của Vinmec hoạt động thống nhất và tương trợ, các bác sĩ Nguyễn Văn Phong, bác sĩ Lê Đức Hiệp đã tham gia thực hiện phẫu thuật đều được đào tạo trực tiếp bởi các chuyên gia nước ngoài.

Vinmec cũng là nơi duy nhất tại Việt Nam được trao chứng chỉ “Trung tâm thay van động mạch chủ độc lập tại Việt Nam” và GS. Võ Thành Nhân là bác sĩ tim mạch can thiệp đầu tiên được trao chứng chỉ “Proctor” tại Việt Nam. Mục tiêu xa hơn của Vinmec là trở thành Trung tâm can thiệp tim mạch xuất sắc theo tiêu chuẩn của Mỹ, hội nhập với trình độ can thiệp tim mạch của thế giới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe