Hội chứng Guillain Barre là căn bệnh hiếm gặp nhưng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Hiện nay, điều trị hội chứng Guillain Barre thường sử dụng phương pháp thay huyết tương bằng dịch thay thế albumin 5% với mục đích loại bỏ các kháng thể tự miễn của hội chứng này.
1. Những điều cần biết về hội chứng Guillain Barre
Hội chứng Guillain Barre hay còn gọi là bệnh viêm đa dây thần kinh cấp tính, đây là một hội chứng cực kỳ hiếm gặp do hệ miễn dịch tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể.
Hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra nguyên nhân gây ra căn bệnh này, thông thường trước khi mắc hội chứng này, bệnh nhân thường bị một căn bệnh truyền nhiễm như nhiễm trùng hô hấp hoặc dạ dày. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hội chứng Guillain Barre rất hiếm gặp với tỷ lệ trong 100.000 người thì có từ 1-2 ca mắc bệnh.
Triệu chứng ban đầu của hội chứng Guillain Barre thường không gây chú ý nhiều đối với người bệnh, thông thường là những suy yếu, mất cảm giác bắt đầu từ đầu chân và bàn chân rồi lan sang thân trên và cánh tay. Các triệu chứng ban đầu cũng có thể xuất phát từ cánh tay hoặc thậm chí là ở trên mặt, cơ bắp yếu kém có thể phát triển thành tê liệt. Ngoài ra, người mắc hội chứng Guillain Barre còn gặp khó khăn trong việc cử động khuôn mặt, nói, nhai và nuốt, cảm thấy đau dữ dội ở lưng, khó kiểm soát bàng quang hoặc các chức năng đường ruột, khó thở, nhịp tim chậm và huyết áp thấp.
Hội chứng Guillain Barre là căn bệnh nghiêm trọng và tốc độ phát triển bệnh diễn ra nhanh chóng, người bệnh khi nhận thấy những dấu hiệu ban đầu nên ngay lập tức nhập viện để được hỗ trợ điều trị từ phía bác sĩ chuyên khoa. Việc điều trị hội chứng Guillain Barre sớm giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng của bệnh như khó thở, các di chứng mất cảm giác hoặc dị cảm, các vấn đề về tim mạch, đau thần kinh mức độ nặng, rối loạn hoạt động bàng quang,...
Hiện nay chưa có phương pháp để điều trị dứt điểm hội chứng Guillain Barre, tuy nhiên điều trị hội chứng Guillain Barre bằng cách thay huyết tương hoặc sử dụng liệu pháp miễn dịch là hai phương pháp bác sĩ thường chỉ định sử dụng với mục đích đẩy nhanh tốc độ phục hồi và giảm đi mức độ nghiêm trọng của bệnh.
2. Thay huyết tương là gì?
Thay huyết tương là liệu pháp thay thế huyết tương từ máu của bệnh nhân và thay thế vào một loại huyết tương mới đã được xử lý hoặc các dung dịch như nước muối, dung dịch thay thế albumin 5%,...
Để thực hiện thay huyết tương , bác sĩ sử dụng một bộ máy tương tự như máy chạy thận nhân tạo, máy này có thể giúp phân tách huyết tương ra khỏi máu, các tế bào máu được truyền lại vào cơ thể người.
Phương pháp thay huyết tương có nhiều ưu điểm trong điều trị bệnh như tỷ lệ thành công cao lên đến 95%, cải thiện được tình trạng bệnh lý của bệnh nhân một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh sau quá trình điều trị. Thay huyết tương nằm trong danh mục hỗ trợ của bảo hiểm y tế vì vậy bệnh nhân không phải quá lo lắng về chi phí điều trị bệnh. Tuy phương pháp này có nhiều ưu điểm đáng để nhắc đến nhưng nó vẫn có một nhược điểm là bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ, vì vậy trong quá trình thay huyết tương, bác sĩ phải chú ý theo dõi tình hình của bệnh nhân và cho dừng điều trị nếu thấy có các biểu hiện bất thường.
3. Quy trình thay huyết tương trong điều trị hội chứng Guillain Barre
Thay huyết tương sử dụng trong điều trị hội chứng Guillain Barre là phương pháp sử dụng dung dịch thay thế albumin 5% để thay thế cho các kháng thể tự miễn của hội chứng Guillain Barre có trong huyết tương. Phương pháp này được bác sĩ chỉ định sử dụng càng sớm càng tốt, thời gian thay huyết tương giữa các lần cách ngày và số lần thực hiện tùy thuộc vào độ đáp ứng của bệnh nhân. Các trường hợp bệnh nhân bị hạ huyết áp cần điều trị huyết áp ổn định cho bệnh nhân rồi mới thực hiện thay huyết tương, nếu bệnh nhân bị rối loạn đông máu, bác sĩ cần cẩn trọng trong việc đặt catheter tĩnh mạch.
Các bước tiến hành thay huyết tương trong điều trị Guillain Barre
Bước 1: Đặt catheter tĩnh mạch
Bước 2: Thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể, bật nguồn điện máy và lựa chọn phương thức điều trị thích hợp, lắp màng lọc tách huyết tương và dây dẫn theo chỉ dẫn. Sử dụng dung dịch natriclorua 0,9% có pha heparin 5000UI / 1000ml để đuổi khí trong màng lọc và dây dẫn sau đó kiểm tra lại an toàn của hệ thống.
Bước 3: Sau khi nối đường máu ra với tuần hoàn ngoài cơ thể, mở bơm máu với tốc độ 60-70 ml/ phút. Liều đầu bơm heparin 20 đơn vị / kg, sau đó duy trì lượng heparin là 10 đơn vị/ kg trong mỗi giờ. Khi nào lượng máu đạt 1⁄3 quả lọc thì ngừng bơm máu và nối tuần hoàn ngoài cơ thể với đường tĩnh mạch đồng thời tăng tốc độ máu lên 100-120ml/ phút.
Bước 4: Đặt các thông số cho máy hoạt động như lưu lượng máu 100-200 ml/ phút, liều lượng heparin như đã nói ở trên, lưu lượng huyết tương cần tách bỏ 20ml/ phút, làm ấm dịch thay thế albumin 5% ở nhiệt độ 37 độ C.
Bước 5: Vệ sinh dụng cụ thay huyết tương sau khi thực hiện xong.
Bệnh dây thần kinh ngoại biên do tự miễn là căn bệnh nguy hiểm và có tiến triển rất nhanh. Ngay khi có những dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.