Vi khuẩn Helicobacter Pylori là một loại vi khuẩn có khả năng thích ứng để tồn tại trong môi trường dạ dày của vật chủ. Bên cạnh đó, khi bị nhiễm khuẩn Hp trong dạ dày, bệnh nhân rất khó để điều trị triệt để vì khuẩn Hp có thể lây lan qua nhiều vật trung gian khác nhau. Không chỉ vậy, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành thách thức mới của y tế hiện tại.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về vi khuẩn Helicobacter Pylori
Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori hay HP) là một loại vi khuẩn gram âm, xoắn, có roi và ưa khí. Loại vi khuẩn này đã tiến hoá với các đặc điểm độc đáo để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt của dạ dày.
Theo thống kê, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP có sự khác biệt giữa các quốc gia và khu vực. Theo dữ liệu gần đây, tỷ lệ nhiễm H. pylori ở người trưởng thành trên toàn cầu đã giảm từ 52,6% vào năm 1990 xuống còn 43,9% trong giai đoạn 2015–2022 nhờ vào các chiến dịch y tế công cộng toàn cầu nhằm kiểm soát và giảm thiểu tỷ lệ lưu hành H. pylori.
Mặc dù tỷ lệ nhiễm đã giảm trong ba thập kỷ qua, tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng tăng vẫn là một thách thức lớn đối với các chuyên gia y tế trên toàn cầu.
2. Triệu chứng của người bệnh nhiễm vi khuẩn H. Pylori
Bệnh nhân nhiễm loại vi khuẩn này sẽ có một số triệu chứng đặc trưng như:
- Bụng của bệnh nhân bị phình to.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Đau và nóng rát dạ dày, đặc biệt là khi bị đói.
- Phân có máu, màu đen hoặc đỏ sẫm.
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
- Đau bụng dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài.
- Trong một số trường hợp, vi khuẩn HP có thể. gây xuất huyết và khiến người bệnh bị thiếu máu cấp tính hoặc mãn tính.
3. Mối liên quan giữa Helicobacter Pylori và khối u dạ dày
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori và sự hình thành các khối u ngoài dạ dày. Tình trạng viêm, phản ứng miễn dịch toàn thân, mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và hiện tượng tăng gastrin máu liên quan đến nhiễm H. pylori được cho là các yếu tố góp phần vào quá trình này.
Các yếu tố độc lực của H. pylori có thể được tiết vào máu dưới dạng túi ngoại bào, từ đó tác động đến môi trường miễn dịch của khối u. Đồng thời, tình trạng tăng gastrin máu và mất cân bằng vi khuẩn đường tiêu hóa do H. pylori cũng làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển các khối u ngoài dạ dày.

4. Vi khuẩn Helicobacter Pylori tác độc đến vi khuẩn đường ruột ra sao?
Hệ vi khuẩn bên trong đường ruột chủ yếu là hệ vi khuẩn khoang ruột và niêm mạc. Các vi khuẩn này tạo thành một lớp hàng rào đặc biệt có nhiều lớp, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sinh lý, chuyển hoá và miễn dịch của cơ thể con người.
Khi bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori, hệ vi khuẩn của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng khi vi khuẩn HP tương tác với hệ miễn dịch của người bị nhiễm, hoặc thay đổi môi trường dạ dày tại những khu vực có nồng độ axit dạ dày bị thay đổi và từ đó làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột.
5. Vi khuẩn HP trong dạ dày thay đổi môi trường vi khuẩn đường ruột ra sao?
Mặc dù kết quả của một số nghiên cứu chưa đồng nhất, sự thay đổi về môi trường vi khuẩn đường ruột do ảnh hưởng của tình trạng nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori vẫn được xem là có khả năng xảy ra.
Đáng chú ý, các thay đổi ở vi khuẩn Akkermansia spp và vi khuẩn Ruminococcus spp trong hệ vi khuẩn đường ruột bởi tác động của vi khuẩn HP đã được chứng minh trên mô hình chuột. Qua đó, các nghiên cứu này cho thấy vi khuẩn Helicobacter Pylori có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường tiêu hóa dưới. Sự thay đổi này sẽ ưu tiên các vi khuẩn phân hủy chất nhầy, đồng thời thúc đẩy các dấu hiệu của vi khuẩn gây viêm và các yếu tố liên quan đến nguy cơ ung thư.

Bên cạnh đó, virome ruột, một thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò tương tác với vi khuẩn và các tác nhân vi sinh khác. Trong điều kiện bình thường, virome cùng tồn tại trong trạng thái cân bằng động với các thành phần khác của hệ vi sinh đường ruột và cơ thể người, góp phần duy trì cân bằng nội môi và chức năng bình thường của ruột.
Tuy nhiên, vi khuẩn Helicobacter Pylori cũng có thể làm mất cân bằng của virome khi xâm nhập vào hệ đường ruột của người bệnh.
6. Thay đổi trong sự đa dạng của virus đại tràng có thể phá vỡ cân bằng nội môi của vi khuẩn đường ruột
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sự thay đổi trong tính đa dạng của virus ở đại tràng có thể phá vỡ cân bằng nội môi của hệ vi khuẩn đường ruột. Từ đó, tình trạng này dẫn đến các bệnh lý đường ruột và thúc đẩy sự phát triển hay xâm lấn của ung thư đại trực tràng.
Ở người trưởng thành khỏe mạnh tại các nước phương Tây, thực khuẩn thể chiếm ưu thế trong hệ enterovirus, với tỷ lệ lên đến 97,7%. Gần đây, tác động của vi khuẩn Helicobacter Pylori lên thực khuẩn thể đường ruột trong quá trình ung thư đại trực tràng tiến triển đã được nghiên cứu sâu hơn.
Thông qua giải trình tự metagenomic của virus shotgun, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một mạng lưới phức tạp giữa thực khuẩn thể và vi khuẩn có liên quan đến ung thư đại trực tràng do vi khuẩn Helicobacter Pylori thúc đẩy.

Đáng chú ý, ở chuột Apc+/1638N nhiễm H. pylori, sau 12 tuần nhiễm trùng, sự phong phú của các phage ôn hòa tăng lên, trong khi các phage độc lực trở nên chiếm ưu thế sau 24 tuần.
Kết quả này có thể cho thấy rằng, sự gia tăng phage ôn hòa có thể được kích hoạt bởi prophage từ tình trạng nhiễm khuẩn HP. Qua đó, quá trình này có thể góp phần gây ra ung thư đại trực tràng thông qua tương tác với hệ vi khuẩn đường ruột mà vi khuẩn Helicobacter Pylori đóng vai trò như tác nhân trung gian.
7. Sự tác động của vi khuẩn Helicobacter Pylori tới niêm mạc ruột
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thay đổi ở các mối nối chặt và bám dính trong biểu mô đường tiêu hóa bị ảnh hưởng đáng kể sau khi được cho nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori trong môi trường ống nghiệm. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy biểu hiện suy giảm của một loạt các phân tử mối nối và glycosyl hóa của MUC1.
Ngoài ra, tế bào hình đài ruột cũng chịu ảnh hưởng bởi vi khuẩn HP. Đây là loại tế bào có chức năng quan trọng trong việc điều hoà sức khỏe đường ruột khi cung cấp một lớp chất nhầy giúp bảo vệ và bao phủ ruột, cảm nhận thay đổi trong môi trường xung quanh và định hình khả năng miễn dịch của ruột.
Nghiên cứu gần đây trên chuột đột biến C57BL/6 và Apc cho thấy, tình trạng nhiễm H. pylori làm ảnh hưởng đáng kể đến trạng thái trưởng thành của các tế bào hình đài, dẫn đến sự chuyển đổi sang các tế bào ít biệt hóa hơn của loại tế bào này.
Ngoài ra, biểu hiện giảm đáng kể của Atoh1 đã được phát hiện trong tế bào gốc của cả ruột non và ruột già ở những con chuột nhiễm H. pylori, qua đó cho thấy sự biệt hóa lệch của tế bào gốc thành các tế bào ruột kết không chuyên biệt thay vì thành các tế bào hình đài.
H. pylori cũng kích hoạt các tín hiệu gây ung thư và chất hoạt hóa phiên mã 3 trong tế bào biểu mô ruột. Những tác động này cho thấy rằng, H. pylori gây hại nghiêm trọng đến các tế bào hình đài sản xuất chất nhầy, từ đó có thể thúc đẩy quá trình hình thành ung thư.
8. Tổng kết
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa nhiễm H. pylori và ung thư đại trực tràng vẫn còn phức tạp và chưa được hiểu rõ hoàn toàn.
Ngoài ra, các cơ chế sinh học đứng sau mối liên hệ này vẫn chưa được xác định cụ thể. Do đó, cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm để làm sáng tỏ các cơ chế này và xác nhận mối quan hệ giữa nhiễm H. pylori và ung thư đại trực tràng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Baj J, Forma A, Sitarz M, Portincasa P, Garruti G, Krasowska D, Maciejewski R. Helicobacter pylori Virulence Factors-Mechanisms of Bacterial Pathogenicity in the Gastric Microenvironment. Cells. 2020;10. [PubMed] [DOI] [Cited in This Article: 4] [Cited by in Crossref: 178] [Cited by in F6Publishing: 157] [Article Influence: 39.3] [Reference Citation Analysis (0)]
- Malfertheiner P, Camargo MC, El-Omar E, Liou JM, Peek R, Schulz C, Smith SI, Suerbaum S. Helicobacter pylori infection. Nat Rev Dis Primers. 2023;9:19. [PubMed] [DOI] [Cited in This Article: 3] [Cited by in F6Publishing: 161] [Reference Citation Analysis (0)]
- Zhao SQ, Zheng HL, Zhong XT, Wang ZY, Su Y, Shi YY. Effects and mechanisms of Helicobacter pylori infection on the occurrence of extra-gastric tumors. World J Gastroenterol 2024; 30(37): 4090-4103 [DOI: 10.3748/wjg.v30.i37.4090]