Hành tây có một số lợi ích sức khỏe, chủ yếu là do hàm lượng chất chống oxy hóa cao và các hợp chất chứa lưu huỳnh. Ăn hành tây có tác dụng kháng viêm, đồng thời giảm nguy cơ ung thư, hạ lượng đường trong máu và cải thiện sức khỏe của xương.
1. Giá trị dinh dưỡng
Hành tây là loại củ có hình dạng giống bóng đèn tròn, còn được gọi là hành củ hay củ hành. Hành tây mọc dưới lòng đất, được trồng phổ biến trên toàn thế giới và có quan hệ gần với hẹ, tỏi và hành lá. Đây là nguyên liệu chủ yếu trong nhiều món ăn, được chế biến rất đa dạng, từ nướng, luộc, chiên, rang, xào, lăn bột hoặc thậm chí là ăn sống. Mặc dù, có nhiều kích thước, hình dạng và màu sắc khác nhau nhưng loại hành tây phổ biến nhất thường có màu trắng. Tùy thuộc vào giống và mùa, hương vị của hành tây dao động từ dịu nhẹ và hơi ngọt, đến rất cay và nồng.
Hành sống rất ít calo, chỉ khoảng 40 calo trên mỗi 3,5 ounce (100 gram). Một củ hành tươi có 89% là nước, 9% carbs và 1,7% chất xơ, kèm theo một lượng nhỏ protein và chất béo. Cụ thể, các chất dinh dưỡng chính trong 100 gram hành tây sống bao gồm:
- Lượng calo: 40
- Nước: 89%
- Protein: 1,1 gram
- Carbs: 9,3 gram
- Đường: 4.2 gram
- Chất xơ: 1,7 gram
- Chất béo: 0,1 gram
1.1. Carbs
Carbohydrate chiếm khoảng 9 - 10% cả trong hành tây sống lẫn chín, chủ yếu là các loại đường đơn giản, chẳng hạn như glucose, fructose, sucrose, và chất xơ. Trong 100 gram hành tây chứa 9,3 gram carbs và 1,7 gram chất xơ, do đó tổng hàm lượng carb tiêu hóa là 7,6 gram.
1.2. Chất xơ
Hành tây là một nguồn chất xơ tốt, chiếm 0,9 - 2,6% trọng lượng tươi. Loại củ này rất giàu chất xơ hòa tan lành mạnh fructans. Trên thực tế, đây là một trong những nguồn thực phẩm chính có chứa fructans.
Fructans được gọi là sợi prebiotic, có nhiệm vụ nuôi các lợi khuẩn đường ruột. Nhờ đó các axit béo chuỗi ngắn (SCFA) - như butyrate, được hình thành và giúp cải thiện sức khỏe đại tràng, giảm viêm và hạn chế nguy cơ ung thư ruột kết.
Tuy nhiên, fructans được coi là FODMAP, có thể gây ra các triệu chứng khó tiêu hóa ở những người nhạy cảm, chẳng hạn như người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).
1.3. Vitamin và các khoáng chất
Hành tây chứa khá nhiều vitamin và khoáng chất, bao gồm:
- Vitamin C: Là một chất chống oxy hóa, rất cần thiết cho chức năng miễn dịch, đồng thời giúp duy trì sức khỏe da và tóc.
- Folate (B9): Là một vitamin B hòa tan trong nước, rất cần thiết cho sự tăng trưởng và chuyển hóa tế bào, đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai.
- Vitamin B6: Được tìm thấy trong hầu hết các loại thực phẩm, có liên quan đến sự hình thành các tế bào hồng cầu.
- Kali: Khoáng chất thiết yếu này có tác dụng hạ huyết áp và rất quan trọng đối với sức khỏe của tim.
1.4. Các hợp chất thực vật khác
Các chất chống oxy hóa và hợp chất chứa lưu huỳnh chính là nhân tố giúp tạo ra lợi ích sức khỏe của hành tây. Hành tây là một trong những nguồn flavonoid chính của chế độ ăn uống, đặc biệt là hợp chất quercetin.
Các hợp chất thực vật phong phú nhất trong hành tây bao gồm:
- Anthocyanin: Là chất chống oxy hóa và sắc tố mạnh mẽ, chỉ được tìm thấy trong hành tây đỏ hoặc tím.
- Quercetin: Là một flavonoid chống oxy hóa, có thể làm giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe của tim.
- Hợp chất lưu huỳnh: Chủ yếu là sulfide và polysulfide, có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư.
- Thiosulfinates: Có khả năng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây hại, đồng thời ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
Đặc biệt, hành tây đỏ và vàng giàu các chất chống oxy hóa hơn các loại khác. Trên thực tế, hành tây vàng có thể chứa chất chống oxy hóa cao hơn khoảng 11 lần so với hành trắng. Tuy nhiên, các phương pháp nấu ăn có thể làm giảm đáng kể mức độ của một số chất chống oxy hóa.
2. Lợi ích sức khỏe của hành tây
Xung quanh thắc mắc “Ăn hành tây có tốt không?”, các nghiên cứu đã chứng minh hành tây có đặc tính chống oxy hóa và kháng viêm mạnh mẽ. Ngoài ra, trong danh sách liệt kê ăn hành tây có tác dụng gì, còn có những ưu điểm sau:
2.1. Điều hòa đường huyết
Tiểu đường loại 2 là một bệnh phổ biến, đặc trưng chủ yếu bởi lượng đường trong máu cao. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy ăn hành tây có thể làm giảm lượng đường trong máu.
Kết quả tương tự cũng đã xuất hiện ở người. Nghiên cứu những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cho thấy, ăn 100 gram hành sống mỗi ngày giúp giảm đáng kể lượng đường huyết. Có giả thuyết cho rằng ăn hành tây sống có thể giúp kiểm soát cả bệnh tiểu đường loại 1 và 2, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh đầy đủ.
2.2. Cải thiện sức khỏe xương
Loãng xương là một vấn đề sức khỏe phổ biến, đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ mãn kinh. Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những biện pháp phòng ngừa chính.
Các nghiên cứu trên động vật tiết lộ rằng hành tây giúp bảo vệ chống thoái hóa xương, thậm chí có thể làm tăng khối lượng xương. Một nghiên cứu lớn ở phụ nữ trên 50 tuổi cho thấy ăn hành tây thường xuyên có liên quan đến tăng mật độ xương. Nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng ăn một số loại trái cây, thảo mộc và rau quả, bao gồm cả hành tây, có thể làm giảm mất xương ở phụ nữ mãn kinh.
2.3. Giảm nguy cơ ung thư
Ung thư là một bệnh phổ biến, đặc trưng bởi sự tăng trưởng tế bào không kiểm soát được. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Các nghiên cứu quan sát thấy ăn hành tây nhiều có liên quan đến giảm nguy
3. Nhược điểm tiềm ẩn
Dễ nhận thấy, ăn hành tây có thể dẫn đến hôi miệng và tạo mùi cơ thể khó chịu. Ngoài ra còn có vài nhược điểm khác khiến cho loại rau củ này không phù hợp với một số đối tượng.
3.1. Không dung nạp hành tây và dị ứng
Dị ứng hành là tương đối hiếm, nhưng tình trạng không dung nạp thì phổ biến hơn. Triệu chứng không dung nạp hành tây điển hình là rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như đau dạ dày, ợ nóng và đầy hơi. Một số người có thể gặp phản ứng dị ứng do chạm vào hành tây, bất kể có dị ứng khi ăn chúng hay không.
3.2. FODMAP
Hành tây chứa FODMAP - một loại carbs và chất xơ mà nhiều người không thể tiêu hóa được. Điều này dẫn đến các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, chuột rút và tiêu chảy. Những người bị hội chứng ruột kích thích IBS thường không dung nạp với FODMAP, do đó nên tránh ăn hành tây.
3.3. Kích ứng mắt và miệng
Vấn đề phổ biến nhất khi sơ chế và cắt hành là kích ứng mắt và gây chảy nước mắt. Nguyên nhân là do khi bị cắt, các tế bào hành tây sẽ giải phóng một loại khí có tên lachrymatory (LF). Chúng kích hoạt tế bào thần kinh trong mắt, gây ra cảm giác châm chích. Sau đó, nước mắt được sản xuất tự nhiên để rửa trôi các chất kích thích này.
Một mẹo nhỏ là bạn nên để nguyên gốc rễ của hành trong khi cắt để làm giảm kích ứng. Gốc hành tây có nồng độ các chất này cao hơn so với phần thân củ. Cắt hành dưới vòi nước chảy cũng có thể ngăn chất này hòa tan vào không khí và bay vào mắt bạn.
Yếu tố lachrymatory cũng là nguyên nhân khiến bạn có bị nóng rát trong miệng khi ăn hành tây sống. Cảm giác khó chịu này có thể được hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn bằng cách chế biến hành tây.
3.4. Nguy hiểm cho vật nuôi
Mặc dù hành tây là một lựa chọn lành mạnh trong chế độ ăn uống của con người, nhưng nhiều người không biết ăn hành tây có tác dụng gì cho động vật. Thực tế, loại củ này có thể khiến một số động vật tử vong, bao gồm chó, mèo, ngựa và khỉ.
Thủ phạm chính là do sulfoxide và sulfide, gây ra căn bệnh thiếu máu cơ thể Heinz. Bệnh này khiến các tế bào hồng cầu của động vật bị tổn hại, dẫn đến thiếu máu. Đảm bảo không cho thú cưng của bạn chơi hoặc ăn hành tây, đồng thời giữ mọi thứ có hương vị hành tây nằm ngoài tầm với của chúng.
Như vậy, trả lời cho câu hỏi Ăn hành tây có tốt không, các chuyên gia cho biết hành tây là một loại rau củ có nhiều lợi ích sức khỏe, nhờ dồi dào chất chống oxy hóa và các hợp chất chứa lưu huỳnh. Ăn hành tây có thể cải thiện sức khỏe của xương, giảm lượng đường trong máu và nguy cơ ung thư, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn. Mặt khác, chúng có thể gây ra vấn đề tiêu hóa ở một số người. Nếu yêu thích hành tây, bạn có thể thêm nguyên liệu này vào chế độ ăn uống lành mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com