Calfactant là chất hoạt động bề mặt ở phổi, những trường hợp sinh non bị suy hô hấp do thiếu chất này sẽ được bơm trực tiếp vào phổi thông qua ống nội khí quản. Vậy việc sử dụng thuốc Calfactant cần tuân thủ những gì?
1. Calfactant là thuốc gì?
Calfactant là thuốc gì? Thuốc Calfactant bản chất là một chất hoạt động bề mặt phổi có nhiệm vụ giúp cho phổi thực hiện chức năng bình thường. Calfactant khi đưa vào phổi sẽ có nhiệm vụ tương tự như chất lỏng tự nhiên trong phổi để duy trì nhịp thở hiệu quả.
Thuốc Calfactant được sử dụng chủ yếu để điều trị hoặc ngăn ngừa hội chứng suy hô hấp (RDS) ở trẻ sinh non có phổi chưa phát triển đầy đủ. Bên cạnh đó, Calfactant cũng có thể được sử dụng cho các mục đích khác theo chỉ định của bác sĩ mà không được liệt kê trong hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất.
Trẻ sẽ nhận được thuốc Calfactant trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (gọi tắt NICU). Trong quá trình dùng thuốc Calfactant, bệnh nhi sẽ được giám sát liên tục. Để tham gia tốt nhất vào việc chăm sóc khi con ở trong NICU, cha mẹ hãy cẩn thận làm theo tất cả các hướng dẫn do bác sĩ cung cấp.
2. Chỉ định của thuốc Calfactant
Chỉ định của thuốc Calfactant trong những trường hợp sau đây:
- Dự phòng ở các trường hợp sinh non dưới 29 tuần tuổi có nguy cơ cao mắc phải hội chứng suy hô hấp (RDS);
- Điều trị cho trẻ sơ sinh dưới 72 giờ tuổi bị RDS (chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng và kết quả chụp X quang) và cần đặt nội khí quản.
3. Cách sử dụng thuốc Calfactant như thế nào?
Calfactant được đưa trực tiếp vào phổi của em bé thông qua ống nội khí quản. Trẻ sẽ nhận được thuốc Calfactant trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU). Ống nội khí quản đã được kết nối với một máy thở để hỗ trợ trẻ hô hấp và nhận đủ oxy cần thiết.
Thuốc Calfactant cần phải sử dụng càng sớm càng tốt (khi đã có chỉ định) sau khi em bé chào đời, thường là trong vòng 30 phút. Sau đó thuốc Calfactant thường được dùng nhắc lại sau mỗi 12 giờ với tối đa 3 liều.
Các dấu hiệu sinh tồn như nhịp thở, huyết áp, nồng độ oxy máu và các triệu chứng quan trọng khác của bệnh nhi sẽ được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị bằng thuốc Calfactant.
Liều dùng thuốc Calfactant khuyến cáo như sau:
- Điều trị suy hô hấp (RDS):
- Trẻ dưới 72 giờ tuổi: 107.1mg/kg cân nặng (tương đương 3ml Calfactant/kg cân nặng) bơm trực tiếp vào nội khí quản mỗi 12 giờ với tổng số tối đa 3 lần;
- Trẻ từ 72 giờ tuổi trở lên: Không có dữ liệu về việc dùng thuốc Calfactant;
- Phòng ngừa RDS ở trẻ sinh non:
- Tuổi thai dưới 29 tuần: 107.1mg/kg cân nặng (tương đương 3ml Calfactant/kg cân nặng) bơm vào nội khí quản càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 30 phút sau khi bé chào đời. Liều thuốc Calfactant có thể được lặp lại sau mỗi 12 giờ với tổng số tối đa là 3 liều;
- Trẻ từ 29 tuần tuổi thai trở lên: Không có dữ liệu về việc sử dụng thuốc Calfactant.
Một số lưu ý về liều dùng thuốc Calfactant:
- Sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể lượng oxy trong máu, đồng thời mức độ cải thiện hoạt động của phổi thường xảy ra sau khi sử dụng thuốc Calfactant;
- Bác sĩ cần điều chỉnh oxy liệu pháp và các thông số máy thở một cách thích hợp;
- Bệnh nhi cần được chăm sóc tích cực và kiểm soát ổn định tình trạng giảm oxy máu và/hoặc nhịp tim chậm trước khi điều trị dự phòng bằng thuốc Calfactant;
- Ngừng dùng thuốc Calfactant nếu bệnh nhi có triệu chứng nhịp tim chậm, trào ngược dạ dày vào ống nội khí quản, tắc nghẽn đường thở, tím tái, giãn nở ống nội khí quản hoặc tình trạng giảm thông khí;
- Có thể cần hút hoặc đặt lại nội khí quản khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu tắc nghẽn đường thở;
- Dữ liệu về mức độ hiệu quả của thuốc Calfactant được giới hạn ở liều lượng khoảng 100 mg phospholipid/kg thể trọng và lên đến tổng cộng 4 liều.
Cách xử trí khi bỏ lỡ một liều thuốc Calfactant:
- Calfactant được nhân viên y tế bơm vào nội khí quản khi có chỉ định nên khả năng bỏ lỡ một liều rất khó xảy ra.
Quá liều thuốc Calfactant và cách xử trí:
- Thuốc Calfactant được bác sĩ cung cấp tại cơ sở y tế có kiểm soát, nên không có khả năng xảy ra quá liều. Tuy nhiên, quá liều thuốc Calfactant sẽ không gây ra các triệu chứng đe dọa tính mạng nên cha mẹ không cần quá lo lắng.
4. Tác dụng phụ của thuốc Calfactant
Calfactant ít khả năng gây ra tác dụng phụ. Một số bệnh nhi gặp tình trạng khó thở trong quá trình điều trị bằng thuốc Calfactant và những vấn đề này có thể cần được bác sĩ điều trị xử trí phù hợp. Bệnh nhi luôn được giám sát chặt chẽ và liên tục trong quá trình điều trị bằng thuốc Calfactant.
Tóm lại, Calfactant là chất hoạt động bề mặt ở phổi. Thuốc Calfactant sẽ được bác sĩ chỉ định và nhân viên y tế thực hiện bơm trực tiếp vào phổi thông qua ống nội khí quản cho những trường hợp sinh non bị suy hô hấp do thiếu chất này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: .drugs.com