Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Thăm dò điện sinh lý tim (EPS: Electrophysiology Studies) là thủ thuật cận lâm sàng giúp kiểm tra hoạt động điện của tim để tìm ra nguyên nhân của chứng loạn nhịp tim xuất phát từ đâu trong quả tim. Từ kết quả, bác sĩ sẽ có chỉ định về việc cần dùng thuốc chống loạn nhịp tim, máy tạo nhịp tim, cấy ghép máy chuyển nhịp khử rung (ICD: Implantable Cardioverter Defibrillator), cắt đốt điện sinh lý hay phẫu thuật. Thăm dò điện sinh lý tim sẽ diễn ra trong một phòng đặc biệt là phòng EPS, hoặc phòng can thiệp tim mạch.
1. Những ai cần thăm dò điện sinh lý tim?
Khi tim của ai đó không đập bình thường, các bác sĩ sử dụng EPS để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị. Các tín hiệu điện thường đi qua tim theo một chiều đều đặn. Đau tim, lão hóa và huyết áp cao có thể gây ra xơ sẹo ở tim. Điều này có thể khiến tim đập không đều (không đồng bộ). Các đường dẫn điện bất thường được tìm thấy trong một số dị tật tim bẩm sinh cũng có thể gây ra rối loạn nhịp tim.
Trong quá trình EPS, các bác sĩ đưa một ống mỏng gọi là ống thông vào mạch máu dẫn đến tim của bạn. Một ống thông điện cực chuyên dụng được thiết kế cho EPS cho phép gửi tín hiệu điện đến tim và ghi lại hoạt động điện của nó, qua đó đánh giá chính xác vị trí tổn thương. Một số trường hợp bác sĩ sẽ phải kích thích vào hệ thần kinh tim gây loạn nhịp, qua đó đánh giá toàn bộ chức năng và mức độ tổn thương của hệ thần kinh tim. Khi tổn thương được xác định rõ, nếu có chỉ định điều trị bằng sóng tấn số radio bác sĩ sẽ chuyển sang thực hiện kỹ thuật này.
Các bác sĩ sử dụng EPS để xem:
- Xác định vị trí tổn thương gây rối loạn nhịp.
- Đánh giá hiệu quả của thuốc điều trị rối loạn nhịp tim.
- Nếu nguyên nhân do ổ gây rối loạn nhịp thì sẽ được điều trị phá huỷ các ổ gây rối loạn nhịp bằng sóng có tần số radio qua dây thông điện cực.
- Giúp xác định máy tạo nhịp tim hoặc cấy ghép máy khử rung tim (ICD) sẽ được dùng cho bệnh nhân.
- Nếu bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim như ngất xỉu hoặc đột tử do tim ngừng đập.
Trong quá trình EPS, khoảng 3 đến 5 ống thông điện cực được đặt bên trong tim để ghi lại hoạt động điện của tim.
2. Rủi ro của EPS là gì?
Rủi ro khi thực hiện EPS có thể bao gồm:
- Rối loạn nhịp tim: Trong thời gian EPS, bạn có thể có nhịp tim bất thường khiến bạn chóng mặt. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể sốc điện cho tim của bạn để giúp tim đập trở lại bình thường.
- Các cục máu đông: đôi khi có thể hình thành ở đầu ống thông, lưu thông và gây tắc nghẽn mạch máu. Bác sĩ có thể cho bạn thuốc để ngăn ngừa cục máu đông.
Nhiễm trùng, chảy máu và bầm tím tại vị trí mà ống thông đi vào (bẹn, cánh tay hoặc cổ). Bác sĩ hoặc y tá của bạn sẽ giúp bạn tránh những vấn đề này.
3. Bạn cần chuẩn bị gì trước khi EPS?
- Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng 6 đến 8 giờ trước khi kiểm tra.
- Cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng, bao gồm thuốc không kê đơn, thảo dược và vitamin. Đừng ngừng thuốc đang dùng khi bác sĩ không yêu cầu.
- Bạn nên đi cùng với người thân khi đến khám và xuất viện.
- Nếu bạn thường đeo máy trợ thính, đeo kính trong suốt quá trình thực hiện.
4. Điều gì xảy ra trong khi EPS?
Tại bệnh viện hoặc phòng khám, các bác sĩ và y tá làm EPS trong một phòng có thiết bị đặc biệt để kiểm tra. Bạn có thể nghe nói phòng này được gọi là phòng thăm dò điện sinh lý. Một số người gọi nó là phòng thông tim (cath lab). Có hai hệ thống máy chính là:
- Hệ thống máy chụp mạch số hoá: giúp bác sĩ quan sát các điện cực thăm dò trong buồng tim.
- Hệ thống máy điện sinh lý: xử lý các thông số nhận được từ buồng tim và thực hiện các kỹ thuật điều trị.
Trong quá trình kiểm tra EPS:
- Một y tá sẽ đặt một đường truyền tĩnh mạch vào cánh tay của bạn. Bạn sẽ được tiêm thuốc (một loại thuốc an thần) để giúp bạn thư giãn. Nhưng bạn vẫn tỉnh táo và có thể làm theo hướng dẫn trong quá trình kiểm tra.
- Y tá sẽ làm sạch và cạo lông phần cơ thể của bạn nơi bác sĩ sẽ mở đường vào mạch máu. Đây thường là ở bẹn nhưng có thể là cánh tay hoặc cổ.
- Bạn sẽ được tiêm thuốc - gây tê cục bộ - để làm tê vùng đó. Bác sĩ sẽ chọc kim qua da và vào mạch máu của bạn. Các dây thông điện cực được đưa vào tới tận buồng tim. Qua màn hình máy chụp mạch, bác sĩ xác định vị trí của đầu các điện cực trong buồng tim tương ứng với những vị trí cần thăm dò.
- Bác sĩ sẽ gửi các xung điện nhỏ qua ống thông để làm cho tim bạn đập ở các tốc độ khác nhau. Bạn có thể cảm thấy tim mình đập mạnh hơn hoặc nhanh hơn.
- Các tín hiệu điện do tim của bạn tạo ra sẽ được hệ thống máy điện sinh lý để phân tích các biến đổi, qua đó đánh giá chính xác vị trí tổn thương.
- Bác sĩ sẽ loại bỏ các ống thông và đường truyền tĩnh mạch. Y tá của bạn sẽ ấn chặt lên vết chọc để cầm máu.
- EPS thường kéo dài từ 1 đến 4 giờ.
Nếu loại và vị trí của rối loạn nhịp tim được xác định và cần cắt đốt phá huỷ ổ phát nhịp hoặc đặt máy tạo nhịp tim hoặc ICD thì thủ thuật đó có thể được thực hiện trong hoặc ngay sau EPS.
5. Bạn được chăm sóc như thế nào sau EPS?
Bạn sẽ được chuyển đến phòng hồi sức, nơi bạn nên nghỉ ngơi yên tĩnh từ 1 đến 3 giờ. Trong thời gian này:
- Nằm yên tại giường, giữ tay hoặc chân cho thẳng.
- Y tá sẽ kiểm tra bạn thường xuyên để xem có chảy máu hoặc sưng tấy tại vết chọc không.
- Sau khi thuốc an thần hết tác dụng, bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về kết quả kiểm tra.
- Trước khi rời đi, bạn sẽ được hướng dẫn những việc cần làm và theo dõi tại nhà.
6. Bạn cần làm gì khi ở nhà?
Thực hiện theo các hướng dẫn mà y tá hoặc bác sĩ, bao gồm cả việc dùng bất kỳ loại thuốc mới nào được kê đơn. Hầu hết mọi người có thể bắt đầu ăn thức ăn và uống thuốc trong vòng 4 đến 6 giờ sau khi kiểm tra. Bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày của họ vào ngày hôm sau. Không lái xe trong vòng 24 giờ.
Chỗ chọc có thể bị đau trong vài ngày. Vết bầm nhỏ ở chỗ chọc là bình thường. Nếu vị trí đó bắt đầu chảy máu, hãy nằm thẳng và ấn chặt vào chỗ đó. Nhờ ai đó gọi cho bác sĩ.
7. Bạn cần theo dõi gì?
Gọi cấp cứu nếu bạn thấy:
- Sưng tăng đột ngột xung quanh vị trí chọc.
- Máu chảy không chậm lại khi bạn ấn mạnh vào nơi làm thủ thuật.
Gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn nhận thấy:
- Cánh tay hoặc chân của bạn được sử dụng để làm thủ thuật bị tê hoặc ngứa ran.
- Bàn tay hoặc bàn chân của bạn cảm thấy rất lạnh hoặc thay đổi màu sắc.
- Chỗ làm thủ thuật trông ngày càng thâm tím, sưng lên hoặc dịch bắt đầu chảy ra từ đó.
8. Làm cách nào để biết kết quả EPS của bạn?
Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đặt lịch hẹn để thảo luận về kết quả. Bạn cũng sẽ thảo luận về cách điều trị của mình tại cuộc hẹn đó.
9. Bạn có thể tìm hiểu thêm về EPS bằng cách nào?
Nói chuyện với bác sĩ của bạn. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể đặt ra cho bác sĩ:
- Có loại thuốc nào mà tôi có thể sử dụng để kiểm soát nhịp tim bất thường của mình mà không cần làm thủ thuật đặt máy hay đốt điện sinh lý không?
- Tôi sẽ cần máy tạo nhịp tim hoặc cấy ghép máy khử rung tim (ICD) ngay bây giờ hay trong tương lai?
- Nguyên nhân gây ra nhịp tim không đều của tôi?
- Tôi có nguy cơ mắc các vấn đề về nhịp tim nghiêm trọng trong tương lai không?
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm
Trong tháng 4 &5/2021, khi có nhu cầu khám và điều trị bệnh tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, quý khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi kép:
- Miễn phí khám chuyên khoa và giảm giá 50% nhiều gói khám tim mạch như:
+ Gói sàng lọc tim mạch cơ bản
+ Gói khám tăng huyết áp
+ Gói khám suy tim
+ Gói khám bệnh mạch vành
+ Gói khám tim mạch toàn diện
- Giảm 50% chi phí đối với khách hàng có chỉ định điều trị sau khám. Chương trình áp dụng giới hạn cho kỹ thuật tương ứng từng bệnh viện và cho khách hàng lần đầu thực hiện kỹ thuật điều trị này tại Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.